Nhật ký “Lính chiến” của CCB Phạm Hữu Thậm (Kỳ 9): Được kết nạp Đảng trong chến dịch Thượng Đức và danh hiệu "Dũng sĩ diệt máy bay"

Cứ điểm Thượng Đức của địch do Sư đoàn dù 101 Mỹ, Tiểu đoàn 79 Biên phòng và 10 Trung đội bảo an dân vệ quân Ngụy trú đóng. Ngày 08/03/1970, chúng tôi hành quân theo đội hình Trung đoàn từ miền Tây bản Bà Xoa, vượt dốc Ông Dồn qua Bà Tý đến Ghì, quay về hướng Bắc đi đến bản Bà Băng.

d1as1-1672133530.jpg

Ngày 10/03/1970 đi qua sông Ma Vương bờ phía Nam, đường rất khó đi, từ trên Sườn cao vách đứng, chênh vênh lưng chừng, nhiều chỗ công binh đi trước mở đường, chặt gỗ bắc cầu áp vào vách đá, chằng dây song làm tay vịn. Trang bị tương đối nặng, 5 người gánh 10 thùng đạn kẽm, 2 người gánh 4 thùng băng, còn thùng băng nữa một người đeo; số mang súng là 7 người. Riêng 12 ly 7, tôi mang thân súng nặng 18 kg, vác bên trái, tay phải bám tay vịn, vừa đi vừa lân tay trên dây Song, nếu buông tay là rơi liền, tôi không dám nhìn xuống sông mà quay mặt vào vách núi, tay chân tê dại, nhích dần hơn 100m trên cao, nước sông chảy như tàu chạy.

Nước sâu trong vắt mắt mèo

Hai bên vách đứng song neo trập trùng.

Đoạn khó đi là 4.000m, xuống đến hạ lưu thì dễ đi. 15 giờ chiều nghỉ nấu ăn, tắm táp, mắc võng ngủ.

Ngày 12/03/1970, chúng tôi tiếp tục hành quân, vẫn xuôi sông Ma Vương, con sông đến đoạn bằng phẳng thì chui vào một quả núi, gọi là “Cổng Trời”.

d2as2-1672133562.jpg
Hai ảnh trên do tác giả sưu tầm chỉ mang tính minh họa.

 

Gần tối, đến bản Hiệp, vào rẫy đồng bào bẻ thuốc lá cuộn lại, gói ni lông ủ, thái phơi dùng dần.

Ngày 13/03/1970, đến vị trí tập kết ở phía Tây cao điểm 600, nghỉ 2 ngày làm công tác chuẩn bị.

Cứ điểm Thượng Đức cách Đà Nẵng 40km về phía Tây, nằm giữa 2 con sông, sông Bung từ phía Tây Nam, chảy từ Kon Tum, núi Ngọc Linh về Thượng Đức; nhánh 2 sông Côn chảy từ Thừa Thiên qua đồng Chuồi về Thượng Đức; nhánh 3 sông Ma Vương chảy từ miền Tây Giang – Quảng Đà về Thượng Đức.

Cả 3 sông gặp nhau đổ vào đầu nguồn sông Vu Gia từ Thượng Vu Gia, chảy theo phía Nam đường 14 về ngã 3 sông Thu Bồn ở Quảng Đợi – Giảng Hòa.

d3as3-1672133628.jpg
Giấy chứng nhận được tặng danh hiệu Dũng sĩ.

 

Dân ở các Xã xung quanh phía trên là Hiên, Giàng, Hiệp, Thạch, Mỹ; phía dưới là Lộc Vĩnh, Bàn Tân, Lâm Phang. Họ bị bọn địch dồn hết vào các ấp trong Quận, chỉ còn một số gia đình theo kháng chiến ở lại.

Dân đối kháng là dân có gốc từ Bùi Chu, Phát Diện (Ninh Bình) theo chân Pháp di cư vào Nam cuối năm 1954. Họ chống cộng đến cùng, là lưới tề điệp trung thành với chế độ Việt Nam Cộng hoà.

Tây Thượng Đức có địa hình núi cao, các cao điểm 500, 600, 700, tạo thành một dãy liên hoàn, có nhiều mỏm cao thấp; trên đỉnh dông bằng, hình yên ngựa; phía Tây - Nam dốc đứng, phía Đông Bắc nhiều núi chân rết thấp dần xuống; 2/3 phía trên là rừng già; 1/3 phía dưới kéo dài đến thôn, ấp, dân cư là rừng non, cây lúp xúp, đến giữa thung lũng là sông Côn.

Về lực lượng của ta: Trung đoàn 38 đảm nhiệm phía Tây Thượng Đức, chiếm lĩnh các cao điểm 500, 600, 700. Trung đoàn 36 Mặt trận 4 từ Khe Dèn hành quân chiếm lĩnh khu Lộc Vĩnh, bến Thạch Mỹ, Nam sông Vu Gia. Trung đoàn 31 cánh trung, dải quân đường 14 phía Đông cửa ngõ Thượng Đức, Bắc sông Vu Gia, chiếm lĩnh 2 xã Bàn Tân, Lâm Phụng, vừa vây ép, vừa chặn viện quân địch từ Đà Nẵng lên.

Sau khi bị lực lượng ta bao vây chia cắt, quân Ngụy ở Thượng Đức không còn đường bộ chi viện, chúng phải yêu cầu Mỹ dùng máy bay C130 thả dù hàng xuống căn cứ. Trung đoàn 38 đã dùng kế “điệu hổ ly sơn”, kéo địch lên rừng mà đánh.

Ngày 16/3/1970, Đại đội trưởng Mậu phân công Trung đội 1 súng 12 ly 7 cùng Trung đội cối 82 của Đại đội 12, Trung đội ĐK của Đại đội 13 đi cùng K9 triển khai chiếm lĩnh cao điểm 700. Trung đội 3, súng 12 ly 7 cùng Trung đội cối 82, Trung đội ĐK, chiếm lĩnh trận địa khu cao điểm 600, làm nhiệm vụ bảo vệ Trung đoàn bộ. Trung đoàn điều K9 về làm thê dự bị thuộc tham mưu Trung đoàn và điều động Trung đội 2, 12 ly 7 cùng Trung đội cối 82 của Đại đội 12, Trung đội ĐKZ của Đại đội 13 cùng K8 đi chiếm lĩnh khu vực cao điểm 500 phía ngoài cùng, cách Thượng Đức 2 km.

Ngày 16/03/1970, sáng sớm chúng tôi đã ăn cơm xong, mỗi người mang 3 vắt cơm, trang bị đầy đủ. Chúng tôi leo lên dông cao điểm 600, xuống yên ngựa, leo lên cao điểm 700, tụt xuống đồi 500 thì 16 giờ chiều, gần tối, trời đổ mưa. Chúng tôi tụt xuống khe suối phía Tây Bắc ăn cơm vắt trộn nước mưa, rồi triển khai khoét hầm trú ẩn trong núi làm bếp anh nuôi.

19 giờ, 16/03/1970, chúng tôi đào trận địa Đại liên ở phía Bắc đồi. Trung đội có 2 cụm hỏa lực, mỗi cụm có 1 khẩu 12 ly 7, một Trung liên, một Đại liên, một B41, một phóng lựu M79 với 5 súng AK và 10 quả đạn M72. Ban ngày chúng tôi lên trận địa trực chiến, tối về chỗ anh nuôi ngủ. Lúc này chân tôi lại đau khớp không chạy được, vác không nổi thân súng, anh Cò phải vác thay.

Ngày 17/03/1970, trận đầu tiên của chiến dịch, chúng tôi trực chiến cả ngày, đội bom, hứng pháo nhưng vẫn phải im lặng để giữ bí mật.

Khoảng 13 giờ, chiếc C130 từ Đà Nẵng bay lại, vòng một vòng quanh khu chiến. Tới vòng thứ 2, nó chuẩn bị thả dù hàng vào căn cứ Thượng Đức… Thân chiếc máy bay to bè như chiếc thuyền nan lừ đừ vòng lại. Tôi ngắm giữa đầu máy bay bóp cò liền 3 loạt, máy bay bay ra quăng dù, lại vòng lại, lần này tôi bình tĩnh hơn, chủ động ngắm chính xác, bắn liền 4 loạt. Chiếc C130 không thả được dù, nó đã bị trúng đạn, khiến cho một đám khói ở lách phụt ra cuồn cuộn. Nó chòng chành bay về hướng Đà Nẵng. Trung đội phó Thành reo lên:

- Cháy rồi! Biết tay ông Thậm chưa!

-

Ngày 18/3/1970, buổi sáng chúng tôi ra trận địa, giá súng ngụy trang xong, pháo địch bắn lên cao điểm 500 và 700 không ngớt. 2 chiếc trinh sát L19 và OV-10 bắn đạn khói vào một vài chỗ.

Tiếng loa chiêu hồi ở chiếc máy bay L19: Các bạn đang ở bụi cây, xó rừng, các bạn không thể thoát chết. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh đang vây chặt, tấn công tiêu diệt các bạn.

Rồi tiếng hát cải lương tâm lý chiến: Nắng sớm vừng reo những nét bồng/ Mưa chiều gội nhẹ giọt mưa trong/ Gió thu hun hút từng khe nổi/ Sương sớm mơ màng quện bên sông/ Cụ già gậy trúc dạo quanh đê/ Đôi má hồng xinh cô giáo quê/ Em bé vui đùa bên chị, mẹ/ Chàng trai phong nhã bước đi về/ Hội hè đình đám mở nơi nơi/ Náo nức dâng lên những nói cười/ Tiếng hô trầm trầm hồi tịnh độ/ Chuông ngân văng vẳng quyện cho đời/ Thủa ấy Bắc phương thành dĩ vãng/ Bởi bàn tay đảng đã chôn sâu/ Đảng đưa Kinh Bắc vào Nam tử/ Vợ biệt chồng con khóc bố đâu…

Tôi nóng gáy, quay súng 12 ly 7 ngắm chiếc L19 quất liền 2 loạt. Đạn lửa quây lấy chiếc máy bay. Con đầm già đang ò ò, vội bay dựng ngược, vút lên cao, tắt loa tâm lý chiến, lượn vòng về phía sông Côn, không dám quanh quẩn ở khu chiến nữa. Chiếc OV-10 thấy đường đạn bắn lên, vòng lượn ra xa, phóng rốc két, bắn đại liên xuống rừng. Rồi 2 chiếc A37 và 2 chiếc A6A liên tục đánh bom xuống cao điểm.

11 giờ ngày 18/3/1970, quân Ngụy chia làm 3 mũi đánh lên cao điểm 500. Làng 3. K8 bắn nhau với quân ngụy suốt 4 giờ liền. Lúc 13 giờ, quân Ngụy lên được dông Đồi Tranh, đặt súng máy bắn lên cao điểm. Trận địa 12 ly 7 của tôi chỉ ở cách một khe suối.

Trung đội phó Thành thấy vậy hô to:

- Đại liên 12 ly 7 dập tắt ổ súng máy kia đi!

Vậy là 2 khẩu 12 ly 7 của chúng tôi tập bắn vào Đồi Tranh, dập tắt hỏa lực của địch. Quân ngụy không trụ nổi, đứa bò, đứa lăn, tụt xuống chân đồi phía Đông. Quân Làng 3.K8 chớp thời cơ, đánh xuống chiếm lĩnh lại Đồi Tranh.

Ngày 19/3/1970, bom đạn đánh phá từ sáng đến chiều. Quân Ngụy tấn công đến 4 lần, nhưng đều bị quân K8 đánh lui. Trong lúc 2 bên đánh nhau dữ dội, một khẩu cối, một khẩu súng máy đại liên của quân ngụy, đặt ở dộng Thanh Hao, bắn vào đồi 500. Tôi phát hiện được, quay 12 ly 7 hướng đến, khẩu đại liên của ta thấy 12 ly 7 nổ cũng nổ theo. Cả 2 khẩu hỏa lực của ta bắn dồn dập, khiến quân địch bỏ súng cối, vác đại liên chạy xuống chân đồi.

14 giờ ngày 19/3/1970, bộ binh 2 bên vẫn bắn nhau, súng nổ, khói lửa, tiếng quân Ngụy la ó. Cụm hỏa lực của chúng tôi cứ nhằm chỗ thấp thoáng quân Ngụy mà bắn. Đội hình chiến đấu quân địch bị vỡ, chúng ẩn nấp vào các khe đá, mô đất, bụi rậm. Lúc này, cối 82 của Đại đội 12 và súng DKZ 75 của Đại đội 13 từ Dông núi Bứa phía Nam bắn sang, làm quân Ngụy bật hết xuống các chân đồi.

Ngày 19/03/1970, ở cao điểm 700, Trung đội 1 súng 12 ly 7 cùng Đại đội 2.K9 chốt giữ. Quân ngụy tấn công 2 ngày liền đều bị đánh lui, địch dùng bom pháo đánh trả. Trong mấy ngày này, Khu chiến địa như trời long, núi nở.

Chiều 19/3/1970, địch điều Liên đoàn Biệt động số 12 từ Chu Lai về tăng cường cho Mặt trận Thượng Đức. Mờ sáng 20/3/1970, trận địa đại liên Trung đội 2 phát hiện quân Ngụy đã bí mật tập kích dồi 500, không thể bắn được, Tiểu đội đã rút lui.

Quân ta, Làng 3.K8 bắn nhau với quân ngụy, nhưng không đọ được với bom pháo địch cũng bỏ chốt rút dần sang núi Ngang. Khi quân Ngụy chiếm được núi Ngang, quân ta lại rút sang U Bò Gấu Trắng, đào hầm hố phòng ngự.

Cụm hỏa lực số 2 của Trung đội 2. Trung đội phó Thành lệnh cho chúng tôi bắn, 3 khẩu súng máy trung liên, đại liên, 12 ly 7 cùng B41, M79, M72 bắn cấp tập sang đồi 500 và núi Ngang. Quân Ngụy nháo nhào, dạt ra chung quanh. Cuộc tập kích hỏa lực làm cho quân ngụy thất điên bát đảo. Chúng tôi bỏ trận địa chuyển sang cao điểm 450.

Lại kể chuyện về Làng 2.K9: Đêm 19, rạng 20/3/1970, Làng 2.K9 giữ cao điểm 700. Quân ngụy bí mật tập kích, quân ta mất 700. Đường tiếp tế không đi lọt được. Trung đội trưởng cử anh Thịnh và anh Điệp về lấy gạo. Khi 2 người lên gần đỉnh 700, đụng 2 tên Ngụy gác chặn lối, bắn tiểu liên AR15.

Anh Thịnh không biết, kêu to:

- Đừng bắn, quân 14 về lấy gạo đây!

Gọi tới 2- 3 lần, nhưng tiểu liên vẫn nổ đèn đẹt, anh Điệp mắng:

- Đù má. Quân ta đây. Chúng mày bắn con kẹc!

Một quả M79 nổ ngay bên cạnh…

Địch rồi, rút thôi!

Hai người lao xuống dốc về báo cáo: Cao điểm 700 đã mất về tay quân Ngụy.

Ít ngày sau, các đơn vị khu chiến đồi 500 hết gạo, muối, chúng tôi ăn cháo và môn thục để sống qua ngày. Một số đồng chí bị ốm. Trong lúc khó khăn này tôi lại đau khớp. Chính trị viên Quang cho tôi ở lại chỗ anh nuôi. Tôi không chịu, bảo anh Cò vác thân súng, còn tôi lại chống gậy cùng anh em ra trận địa.

Ngày 21/03/1970, bom pháo địch bắn suốt ngày đêm, chúng tôi ngày ăn 2 bữa cháo và húp canh môn. Anh nuôi Thương, Chính trị viên Quang tuổi đã cao sức yếu hơn, được ưu tiên mỗi người một vắt cơm.

Gần trưa, anh Quang ra trận địa cũng đưa cho tôi một vắt cơm và nói:

- Thậm ăn đi mà lấy sức chiến đấu!

Tôi cầm vắt cơm ứa nước mắt, không nỡ bẻ vắt cơm ấy ra ăn.

Tôi đưa vắt cơm cho anh Cò, anh lắc đầu. Tôi đưa anh Bát cũng lắc đầu. Cả Tiểu đội nhường nhau, không ai chịu ăn vắt cơm ấy.

Cuối cùng, tôi quyết định đưa vắt cơm cho Trung đội trưởng Trương:

- Xin anh đem về cho anh nuôi nấu cháo, để anh em ai cũng được ăn cùng.

*

13 giờ chiều 21/3/1970, 6 máy bay trực thăng quần lượn, bắn phá. Tốp 2 chiếc HU1D bay vào trận địa.

Tôi rê súng 12 ly 7 bắt mục tiêu…

Trung đội phó Thành nhắc nhở:

- Tiết kiệm đạn nhé, khi đã chắc chắn khoá được mục tiêu rồi hãy bắn!

Tôi gật đầu, rồi tự tin bắn liền 2 điểm xạ chiếc đi đầu và chuyển mục tiêu bắn luôn chiếc thứ 2 tiếp 2 loạt đạn nữa.

Hai chiếc máy bay mất hút trong cánh rừng. Trung đội trưởng Trương thấy súng 12 ly 7 nổ, tiếng máy bay rú dài, khói đùn lên, trèo lên cây quan sát cho rõ và reo lên:

- Máy bay cháy rồi! Rơi thật rồi! Sướng quá!

Rồi anh chạy lại ôm lấy tôi:

- Thằng Thậm, mày phải ăn hết chỗ cơm này. Ăn đi để lấy sức còn bắn tiếp cho trúng mục tiêu. Không chấp hành lệnh là tao đề nghị kỷ luật đó.

Lúc ấy, tôi tự cảm thấy có thể ăn hòn cơm nên bảo mọi người làm khách quá. Cung kính không bằng tuân lệnh, nhiều không có, ít không thông, tôi bẻ vắt cơm đưa cho anh Cò một nửa và nói:

- Máy bay rơi, trong đó có công sức của anh đấy!

*

20 giờ ngày 21/3, Trung đội phó Thành gọi tôi đến hầm Chính trị viên Đại đội, trong hầm đã có 9 Đảng viên.

Lúc tối, Tiểu đội trưởng Định đã cho tôi biết, Chính trị viên Đại đội trao đổi với anh Định là từ hôm đi chiến dịch đến nay, qua thử thách, Thậm đã đủ điều kiện kết nạp Đảng và chuẩn bị tinh thần đi.

Chính trị viên Đại đội nói:

- Mời đồng chí Thậm vào trong này.

Tôi hồi hộp và ngượng ngùng, ngồi dựa thành hầm. Anh Định đưa cho tôi gói thuốc dê vấn hút. Trung đội trưởng Trương lên tiếng:

- Báo cáo chính trị viên, Bí thư chi bộ 14. Tôi – Trung đội trưởng, Tổ trưởng Tổ đảng 2 triển khai sinh hoạt Tổ Đảng bất thường xét kết nạp Đảng cho quần chúng Phạm Hữu Thậm.

Chính trị viên lên tiếng:

- Kính thưa các đồng chí đảng viên, điều kiện xét kết nạp quần chúng vào Đảng ngày hôm nay là ngoài dự kiến của Chi bộ. Nhưng xét tinh thần chiến đấu, công tác trong lúc khó khăn, gian khổ, bệnh tật, chân đau không kêu ca phàn nàn và thành tích trong chiến đấu của đồng chí Thậm đáng để cho đơn vị học tập. Tấm gương sáng của đồng chí Thậm không lu mờ. Nói tóm lại, đồng chí Thậm xứng đáng là một Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi, Bí thư chi bộ 14 xin đảm bảo và giới thiệu đồng chí Thậm vào Đảng.

Vậy là tôi đã được kết nạp vào Đảng ngay tại trận địa, lúc 20 giờ đêm 21/3/1970 như thế!

*

Đêm 21/3/1970, Làng 3.K8 đi tập kích chiếm lại đồi 500. Định và Trinh đi lượm hộp, ăn nhầm phải bộc phá dẻo. Chiều tối anh nuôi Tích nấu nồi cháo để bộ đội về ăn. Tiểu đội trưởng Định bị ngộ độc do ăn bộc phá, đi loạng choạng. Còn chúng tôi chỉ có món dâu da và húp canh môn thục.

Đêm ấy, tôi mắc võng ngoài cửa hầm bên Định. Về khuya, Định càng say nhiều, nôn mửa bừa bãi, đái cả ra quần.

Định thều thào bảo:

- Thậm lấy giúp hộp sữa dự trữ khi “ôi xương tàn máu rơi” trong ba lô tớ ra đục giúp đi. Phải dùng đến nó rồi!

Tôi đục ra cho Định mút lấy lại sức. Trận ngộ độc ấy khiến Định vật lộn suốt một đêm, may là không chết.

Ngày 22/3/1970, Trung đội cử anh Thìn, anh Thịnh, anh Bát khiêng Định về tuyến sau, đi theo lối cao điểm 700 đường Đà Thông, do Làng 2.K9 đánh lấy lại đêm 20 rạng 21/3/1970. Trung đội 1 súng 12 ly 7 lại lên chốt giữ cùng với Làng 2.K9.

Ngày 23/3/1970, Trung đội tôi không đi trực chiến, chỉ ở lại khu tập kết sửa lại hầm hào. Anh em đang chặt gỗ thì bom pháo địch đánh xuống cao điểm 700 và 500. Tôi nhìn sang dãy núi phía Bắc sông Côn, thấy một đàn máy bay CH34 chở quân Mỹ thuộc Lữ đoàn dù số 1 của Sư đoàn dù 101 đổ xuống các cao điểm 400, 500, 600, 200, 210 và cao điểm 403.

Khẩu đội 12 ly 7 ở cao điểm 700 bị pháo bắn không ngóc đầu lên được. 2 Chiếc trực thăng phóng rốc két, bắn đại liên oanh tạc một hồi. Xạ thủ số 1 súng máy 12 ly 7 - Kiền ngồi trong hầm tức sôi lên, lao ra công sự, quay súng 12 ly 7 nhằm 2 chiếc trực thăng bắn xối xả. Một chiếc trúng đạn rơi tại chỗ; 1 chiếc bị thương nặng, khói đen cuồn cuộn vẫn gượng bay về. Chiếc thứ 3 thấy 2 chiếc kia trúng đạn, điên cuồng từ xa lao tới, phóng 2 quả rốc két trúng trận địa.

Súng 12 ly 7 hỏng, Thập số 2 hy sinh, Kiền số 1 bị thương. Đại đội trưởng Mậu lệnh rút lui quân. Làng 2.K9 thấy không còn hỏa lực cũng rút chạy.

Ở cao điểm 500, bom, pháo trút xuống không ngớt. Trung đội trưởng quát to:

- Mang súng ra hố bom!

Tôi cũng hét lên:

- Chi viện cho đơn vị bạn!

Chúng tôi triển khai chiến đấu xong là lúc 10 giờ, 23/3//1970.

Hai chiếc L19 và V010 trinh sát thấy Việt Cộng bỏ chạy bắn liền 3 quả pháo khói xanh, đỏ, vàng…

Một lúc sau, 20 chiếc trực thăng CH47 của Lữ đoàn không vận số 23, chở quân Mỹ thuộc Lữ đoàn dù số 2 đổ quân xuống các cao điểm 600, 700, 500 và dãy điểm cao núi lớn.

Tiếng động cơ quạt gió rầm rầm như tàu chạy vào ga. Từ trận địa 12 ly 7 của chúng tôi đến cao điểm 700 là 500m, tốp trực thăng 9 chiếc, thành một hàng dọc bay vào.

Tôi chộp luôn chiếc đi đầu sắp đỗ xuống cao điểm 700 bắn luôn 2 loạt, máy bay trúng đạn nhào xuống khe. Chiếc thứ 2 vừa tà tà hạ cánh tôi bắn tiếp liền 3 loạt. Máy bay bốc cháy, rơi xuống rừng. Chiếc thứ 3 chậm dần, vừa đến đỉnh đồi, tôi bắn liền một loạt vào cửa máy bay, bắn tiếp 3 loạt vào đầu và trục chong chóng, máy bay bốc cháy, chúi đầu vào Sườn đồi. Chiếc thứ tư vừa tới cao điểm xoay một vòng chuẩn bị đỗ, tôi bắn liên tiếp 4 - 5 loạt đạn, máy bay rơi tại chỗ, nằm đỉnh cao điểm 700. Năm chiếc đi sau thấy vậy, hốt hoảng quay đầu bỏ chạy. (Với thành tích trên, sau này tôi đã được đơn vị chứng nhận “Dũng sĩ diệt máy bay”)...

(Còn nữa)

Trái tim người lính