Nhớ lần nhảy dù đầu tiên

Kết thúc năm thứ nhất học tiếng Nga, theo chương trình đào tạo của nhà trường, chúng tôi rời Kusov chuyển lại về thành phố Krasnodar. Thị trấn nhỏ Kusov là một đơn vị hành chính thuộc vùng Krasnodar, cách thành phố Krasnodar khoảng 300km về hướng Tây Bắc và cách thành phố Rostov (Ростов на Дону) 80km về hướng Đông Nam

 Khi vốn tiếng Nga đã đủ để ”giắt lưng”, thỉnh thoảng vào các buổi sáng ngày Chủ Nhật, chúng tôi leo lên xe khách đến Rostov chơi, tối lại theo xe trở về nhà. Theo trí nhớ của tôi thì Rostov là một thành phố lớn, hiện đại với những toà nhà cao tầng, những tổ hợp công nghiệp ngày đêm nhả khói lên bầu trời. Dòng sông Đông êm đềm, thơ mộng chảy qua thành phố trước khi về với biển cả. Đây là quê hương của tiểu thuyết gia lừng danh thế giới Mikhain Alechxang Sholokhov và là nơi ra đời tiểu thuyết nổi tiếng của ông “ Sông Đông êm đềm” (Тихй Дон) đạt giải Noben Văn học năm 1965. Đây cũng là nơi mà tôi vừa hồi hộp, thích thú vừa chen lẫn sợ hãi khi lần đầu tiên xem phim nổi (giống như phim 3D bây giờ).

dvh1q-1666055278.jpg
Vận động viên nhảy dù (sưu tầm)

 

Tạm biệt Kusov là tạm biệt những cánh đồng hoa hướng dương, mà đài hoa của nó to như vành nón kéo dài tít tắp đến tận chân trời, những cánh đồng lúa mì rộng mênh mông. Những buổi đi nông trường giúp nông trang viên (Колхозник) thu hoạch anh đào, táo, dưa bở...lòng đầy háo hức vì được giao lưu, gặp gỡ các nữ sinh đẹp như tiên sa. Đây cũng là nơi mà chúng tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống mới, tiếp thu những kiến thức mới. Nơi mà lần đầu tiên đón cái Tết xa nhà, xa quê hương, đất nước. Để rồi trong phút giao thừa thiêng liêng, mắt thằng nào cũng đỏ hoe vì nhớ gia đình. Đặc biệt là chúng tôi phải rời xa cô giáo dạy tiếng Nga-cô Nina xinh đẹp, hiền hậu và tốt bụng. Người đã trang bị cho chúng tôi vốn tiếng Nga cần thiết để tiếp thu ngành khoa học kỹ thuật hàng không.

Thành phố Krasnodar xinh đẹp và thơ mộng nằm trên bờ sông Kuban. Nó là trung tâm chính trị của Vùng Krasnodar rộng lớn. Nơi đây là một trong những nơi sản xuất, chế biến, cung cấp những sản phẩm nông nghiệp nuôi sống nước Nga và các nước cộng hoà trong Liên bang Xô Viết. Trường Không quân mang tên người anh hùng phi công Serov của chúng tôi nằm ở ngoại ô thành phố. Đây là nơi Liên Xô đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật hàng không cho các nước XHCN và các nước dân chủ trên toàn thế giới. Sẽ không ngoa nếu nói rằng nhà trường là một thế giới thu nhỏ vì có đủ các màu da. Chúng tôi sống hoà đồng, vui vẻ, đoàn kết, thì đua học tập dưới sự chỉ bảo tận tình, chu đáo của các thầy cô người Nga.

dvh2qa-1666055399.jpg
Huy hiệu nhảy dù mà chúng tôi được tặng. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Để trở thành một phi công phản lực nhất định phải trải qua thử thách nhảy dù. Trước khi thực hành nhảy dù chúng tôi được học tập lý thuyết. Để làm quen với cảm giác phóng ghế, nhảy dù từ buồng lái khi máy bay gặp tình huống nguy hiểm, người ta cho chúng tôi vào ngồi trên một cái ghế (gần giống ghế trong buồng lái). Chiếc ghế này có thể di chuyển trên một thanh ray. Thanh ray được cố định dọc theo một cột sắt cao chừng 7m được đặt nghiêng (tương đương độ nghiêng của ghế phi công trong buồng lái). Sau khi cơ thể được chằng buộc với ghế bởi các dây khoá, theo khẩu lệnh của thầy, chúng tôi bấm nút nhảy dù. Và thế là...pằng, chúng tôi cùng chiếc ghế bị dòng khí nén có áp suất cao phóng vọt lên cao dọc theo thanh ray chừng 4-5m. Trong thực tế, trên các máy bay phản lực hiện đại, khi gặp các tình huống nguy hiểm bắt buộc phải nhảy dù, phi công ấn nút nhảy dù, hai quả đạn hơi dưới ghế phi công sẽ nổ tạo ra áp suất khí lớn, đẩy ghế cùng phi công lên cao 50m (có thể lên cao, sang ngang, hay xuống dưới tuỳ vào trạng thái của máy bay lúc nhảy dù). Sau đó, ghế sẽ tách ra khỏi phi công, dù phi công mở đủ để phi công tiếp đất an toàn (ngay cả khi máy bay vẫn ở dưới mặt đất).

Hôm chúng tôi thực hành nhảy dù là một ngày đẹp trời. Thời tiết đã chớm thu, nắng hoe vàng, gió thổi nhẹ. Ngay từ sáng sớm, chúng tôi đã được xe chở ra sân bay. Đây là sân bay của trường chúng tôi chứ không phải sân bay dân dụng của thành phố. Sau chuyến bay khí tượng và thả dù có treo bao cát với trọng lượng tương đương một người (50-70kg). Căn cứ vào điểm rơi của bao cát, tốc độ và hướng gió, người ta xác định vị trí bắt đầu và kết thúc nhảy dù để tránh cho người nhảy dù rơi vào các vị trí nguy hiểm như toà nhà, bãi đỗ xe, bãi chứa máy bay, cây cối, ao, hồ...Chúng tôi người nào, người ấy trông như chú rô bốt vì phải đeo trên mình hai chiếc dù. Dù chính (to) đeo ở sau lưng, dù phụ (nhỏ) ở trước ngực. Theo lý thuyết, nếu dù chính không mở thì chúng tôi phải giật mở dù phụ để cứu mạng. Nhưng chỉ được mở dù phụ khi khẳng định rằng dù chính không mở. Nếu mở dù phụ sớm thì hai dù sẽ quấn vào nhau và chẳng cái nào mở được. Thế là ta rơi tự do và đi về...thế giới bên kia. Đối với chúng tôi lúc ấy, dù phụ chỉ mang liệu pháp tâm lý vì mấy ai tỉnh táo mở được dù phụ đâu, kể cả người dày dạn kinh nghiệp nhảy dù.

Chúng tôi lần lượt (từ người nặng nhất đến người nhẹ nhất) trèo lên chiếc máy bay “bà già” AN-2. Đây là loại máy bay cánh bằng có hai tầng cánh, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1947. Dân Nga gọi máy bay này là máy bay “bắp ngô” (кукурузник) chủ yếu phục vụ nông nghiệp, chữa cháy rừng, nhảy dù, chở khách về vùng nông thôn vì nó không cần đường băng, chỉ cần một bãi cỏ bằng phẳng, rộng rãi là có thể hạ cánh. Chúng tôi gồm 12 người được ngồi trên hai dãy ghế dọc theo thân máy bay. Máy bay nhanh chóng lăn ra đường băng và cất cánh.

Máy bay đã đạt độ cao 1.000m. Đây là độ cao lý tưởng để chúng tôi nhảy dù. Đã sắp đến địa điểm nhảy dù, chúng tôi được lệnh đứng thành một hàng dọc. Nút mở dù của chúng tôi được móc vào sợi dây cáp căng dọc theo trần của máy bay, điều đó bảo đảm dù của chúng tôi sẽ được mở khi chúng tôi nhảy ra khỏi máy bay. Chúng tôi vẫn chọc ghẹo nhau để giấu đi nét mặt căng thẳng vì trong đầu ai cũng loé lên ý nghĩ nếu như dù không mở thì sao đây? Bỗng chuông trên máy bay reo lên và đèn tín hiệu nhấp nháy báo hiệu đã đến địa điểm nhảy dù. Cửa máy bay mở toang. Đứng ngay bên cửa là thầy của chúng tôi (huấn luyện viên nhảy dù) lưng và ngực ông cũng đeo dù. Nhưng khác với chúng tôi, dù của ông nhỏ, gọn và có đồng hồ tự động mở dù ở một độ cao đã đặt trước. Ông ra lệnh cho chúng tôi nhảy dù và sẵn sàng lao theo trợ giúp nếu dù của một ai đó không mở. Chúng tôi lần lượt lao ra khỏi máy bay. Đã có người hoảng sợ, chần chừ không nhảy. Ông liền lấy chân đạp mạnh cho người đó rơi ra khỏi máy bay vì thời gian giành cho chúng tôi nhảy dù là rất ngắn. Đến lượt tôi, dù có một chút lo lắng nhưng tôi vẫn cố gắng “liều mình như chẳng có” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) lao ra khỏi máy bay, còn hơn là để thầy đạp. Tôi đang rơi tự do, người nằm ngang như bơi trên mặt nước. Nhìn xuống phía dưới, tôi thấy mặt đất màu xanh của bãi cỏ và đang xoay tròn. Chỉ đến khi hai vai tôi, chỗ đeo dây dù bị giật mạnh và tôi được treo lơ lửng giữa không trung, tôi nhìn lên phía trên thấy dù đã mở căng như một chiếc nấm khổng lồ ngay trên đầu tôi. Giờ là phút giây sung sướng nhất. Cảm giác như con chim non lần đầu tiên rời tổ vỗ cánh bay vào không trung. Tôi thỏa thích ngắm thành phố với những ngôi nhà nhấp nhô, dòng xe cộ đang lao vun vút trên đường phố, cảnh vật đẹp như tranh vẽ. Dù mải mê ngắm nhìn phong cảnh nhưng tôi vẫn cố gắng điều chỉnh dù để mặt mình ngược chiều với hướng gió thổi, điều đó giúp tôi không bị cày mặt xuống đất nếu như gió thổi ngã khi tôi tiếp đất. Đúng như khi học lý thuyết, tôi chụm chân co gối và tiếp đất nhẹ nhàng lên bãi cỏ phía ngoài đường băng. Sau khi cuộn dù lại, tôi ôm dù đi về nơi tập kết. Nhìn lên trời, tôi thấy nhiều đồng đội của tôi vẫn đang lơ lửng giữa không trung.

Kết thúc ngày nhảy dù đầu tiên với bao cảm xúc khó tả, chúng tôi thi nhau kể lại chuyện nhảy dù của mình. Cả đoàn tôi đều an toàn, cho dù có người suýt rơi vào máy bay trên sân đỗ khi tiếp đất.

Ngày hôm sau chúng tôi tiếp tục nhảy dù lần hai trên chiếc máy bay AN-2 ấy. Có điều thời tiết không thuận lợi lắm vì gió thổi khá lớn. Qui trình lại diễn ra giống như ngày hôm trước. Khi tôi nhảy ra khỏi máy bay, tôi cảm thấy thời gian rơi tự do khá lâu. Một ý nghĩ thoáng qua đầu tôi “Hay là dù không mở?”. Rồi hai vai tôi bị dây dù giật mạnh. Dù đã mở và treo tôi lơ lửng giữa không trung. Tôi mê mẩn ngắm nhìn cảnh vật từ trên cao. Khi tiếp đất, chiếc dù bị gió thổi căng đã kéo tôi ngã ngửa và kéo lê tôi trên bãi cỏ. Hai, ba lần tôi cố nhỏm dậy nhưng đều bị chiếc dù quật ngã và kéo lê tới cả hơn chục mét. Tôi chỉ đứng dậy được khi bạn Hiển “khảo cổ” nhảy dù xuống trước tôi đang cầm máy ảnh chụp ảnh đồng đội nhảy dù phát hiện tình huống “dở khóc, dở cười” chạy lại giữ chặt chiếc dù cho tôi

Kết thúc đợt nhảy dù, chúng tôi được nhà trường tặng Huy hiệu (значок) nhảy dù với con số 2 tròn trĩnh chứng nhận chúng tôi đã hai lần nhảy dù an toàn. Trong cuộc đời của một phi công phản lực còn phải trải qua nhiều lần nhảy dù nữa. Nhưng quả thực đây là “món ăn” mà chẳng phi công nào thích thú. Bây giờ, mỗi khi ngắm nhìn chiếc huy hiệu đó, ký ức về lần nhảy dù đầu tiên lại ùa về trong tôi, nhắc tôi nhớ lại “thời thanh niên sôi nổi”.

Trái tim người lính