Còn nhớ trong 2 ngày 28 và 29/4/2023, được sự cho phép của ngành chức năng, cán bộ cơ sở và dân làng thôn Hưởng Phước (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tổ chức Lễ hội đình làng Hưởng Phước lần thứ III năm 2023 để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an và kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm 12 năm Đình làng được công nhận Di tích Lịch sử, Văn hóa cấp Thành phố, đồng thời tạo không khí vui tươi, đoàn kết của toàn dân trong thôn.
Ông Trần Vinh, Trưởng ban CTMT thôn Hưởng Phước kiêm Trưởng ban tổ chức Lễ hội cho hay, sau nhiều năm không tổ chức lễ hội do tình hình dịch Covid-19. Năm 2023, Ban tổ chức lễ hội Đình làng Hưởng Phước tiến hành tổ chức lễ hội lần thứ III diễn ra trong 02 ngày vào 09-10/03 (Âm lịch) với nhiều nội dung phong phú với phần lễ như: Lễ Chánh tế, lễ Cúng thí thực cô hồn; về phần hội sôi động, rộn ràng diễn ra trong 7 tổ đoàn kết gồm có các cuộc thi: Cờ tướng, kéo co kết hợp nam và nữ; nấu bánh tét, chung kết bóng đá nam, cầu lông, giao lưu văn nghệ, ẩm thực quê hương…
Lần theo sử sách, đình Hưởng Phước là nơi thờ Thành Hoàng của làng, không chỉ là một công trình kiến trúc – tín ngưỡng cổ truyền tiêu biểu, mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng địa phương trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Theo các dòng tạc khảm ghi trên xà gồ và hương án của đình, đình được xây dựng năm Ất Mùi, đời Thành Thái (1889-1907), tức năm 1895.
Theo tư liệu lịch sử Đình làng Hưởng Phước, kể từ khi xây dựng, đình đã nhận 15 sắc phong của các triều vua như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định. Cũng theo tài liệu từ các cuộc hội thảo về lịch sử Đảng bộ H. Hòa Vang, có ý kiến đóng góp của các vị cán bộ cách mạng lão thành, trước năm 1945, đình là nơi các sĩ phu yêu nước và các cán bộ cách mạng tại địa phương thường tổ chức hội họp, nhiều cán bộ đã bị giặc Pháp phát hiện bắt giam tù đày khi hoạt động tại địa phương... Với bề dày lịch sử, tháng 7-2011, đình làng Hưởng Phước được UBNDTP Đà Nẵng quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố.
Ông Nguyễn Hà (61 tuổi,Trưởng ban thôn Hưởng Phước, (xã Hòa Liên) cho hay, thôn Hưởng Phước hiện có 5 tộc họ lớn và nhiều tộc họ nhỏ khác với 542 hộ dân, hơn 1.700 nhân khẩu, hằng năm trên 95 % các hộ trong thôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa và thôn Hưởng Phước cũng là Thôn văn hóa cấp Huyện. Trong Lễ hội đình làng Hưởng Phước vai trò của các tộc họ, đoàn thể rất lớn, nhất là các hội viên NCT hòa mình trong các hoạt động như văn hóa văn nghệ, tế lễ, thi nấu bánh tét… Gian hàng nông sản, ẩm thực quê hương nhộn nhịp trước sân đình những món ăn dân dã quê hương thơm ngon nổi tiếng trong vùng đã làm ngập ngừng, lưu luyến bước chân của du khách gần xa.
Ông Trần Vinh cũng cho hay, thể theo nguyện vọng của dân làng, tổ chức Lễ hội đình làng Hưởng Phước lần III năm 2023 nhằm nguyện cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; giáo dục thế hệ cháu con biết trân trọng giữ gìn phát huy thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hoá truyền thống của tiền nhân, duy trì nét đặc trưng văn hoá ẩm thực của quê hương. Dẫu vậy, dù ở nơi đâu, khi có lễ hội đình làng, con cháu làng Hưởng Phước, dù làm ăn ở xa đều thu xếp để về thăm lại làng xưa, quê cũ, thắp nén hương để tưởng niệm công đức của tiền nhân, một thời khai cư mở cõi.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mười, PCT UBND xã Hòa Liên cho hay, Để khắc ghi công ơn của các vị tiền nhân đã có công khai khẩn nên vùng đất của làng Hưởng Phước hôm nay, trong những năm qua người dân đã chung sức chung lòng tổ chức lễ cầu an với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, đồng thời gắn chặt thêm nữa tình làng nghĩa xóm. Năm nay thôn của chúng ta long trọng tổ chức lễ gắn kết với phần hội, đây là hoạt động ý nghĩa là sức mạnh đoàn kết mà ít có địa phương nào thực hiện được, là một nét văn hóa riêng biệt của người dân thôn Hưởng Phước xã Hòa Liên… Lễ hội đình làng Hưởng Phước đã trở thành nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc quê hương, qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi gắn tình đoàn kết, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương ngày một văn minh, phát triển, giàu mạnh.
Theo ông Đỗ Thanh Tân - Trưởng phòng VHTT huyện Hoà Vang: "Hiện nay kinh tế của người dân đã phát triển nên chuyện lễ nghĩa rất được quan tâm. Hội làng cũng theo đó mà phục hồi mạnh mẽ ở nhiều nơi. Các lễ tiết truyền thống vẫn được giữ lại nhưng cũng có nhiều điều mới được thêm vào như nghi thức tưởng nhớ vua Hùng, tiền nhân, trao thưởng cho con em học giỏi hay tặng quà cho người nghèo khó… Sau cùng là tiệc trà thân mật chung của cả làng và văn nghệ. Về dự hội làng thì ai nấy cũng đều hân hoan, đồng thuận, bỏ qua khác biệt và những chuyện cũ không hay. Vì thế mối quan hệ xóm làng được củng cố và phát triển tốt hơn, người dân cùng đồng thuận thực hiện các công việc chung của làng, của xã".