Nhớ một bữa cơm chiều

Hà Nội có phố Nguyễn Công Trứ. Con phố này bắt đầu ở ngã ba Trần Thánh Tông có nhà tang lễ Bộ Quốc phòng và vườn hoa Pasteur rồi kết thúc ở ngã tư phố Huế -Tô Hiến Thành.
mot-bua-com-chieu-1636639704.jpg
Mẹ của tác giả chụp năm 1948

 

Phố Nguyễn Công Trứ có nhà máy Rượu. Nhà máy này có từ thời Pháp thuộc, do hãng rượu Fontaine xây dựng năm 1898. Dân chúng cũng hay quen gọi phố Nguyễn Công Trứ là phố Nhà Rượu. Hai cánh cổng của nhà máy bằng gỗ, to lắm. Những người bảo vệ phải gắng hết sức đẩy để mở mỗi khi có xe tải ra vào. Còn công nhân thì đi lối cửa nhỏ bên phải cạnh cái cổng to ấy, sát với phòng trực của mấy bác bảo vệ. Cách cái cổng ra vào của nhà máy Rượu khoảng vài chục mét là hai cái cửa nhỏ. Từ cái cửa ấy, là một đoạn ống cao su rất to chìa ra.

Cái ống này có nắp đậy, và có một cái van xả. Đó là nơi người ta dùng để xả bã rượu. Mỗi sáng, có vài chiếc xe bò đến lấy bã rượu về làm thức ăn cho gia súc. Bã rượu màu vàng sẫm, nóng hổi và toả mùi thơm nức. Mùa đông những năm ấy lạnh giá, nhưng qua đoạn này của phố Nhà Rượu thì lúc nào cũng mờ mịt hơi nước và thơm mùi bã rượu. Ngày ấy, nhà tôi ở phố Trần Khánh Dư, con phố nằm dọc theo bờ đê sông Hồng. Mỗi lần từ nhà đến trường, tôi thường đi bộ dọc theo phố Nhà Rượu để tới phố Huế, rồi từ đó nhảy tàu điện xuôi xuống chợ Mơ. Khi tàu chạy chậm lại để chuẩn bị vào bến, thì lũ học trò chúng tôi lại nhảy xuống để rẽ vào trường cấp ba Đoàn Kết ở ngõ Mai Hương.

Hà Nội những năm chiến tranh tiêu điều sau những đợt ném bom của Mỹ ở miền Bắc. Đói ăn là sự thường xuyên của dân chúng. Tiêu chuẩn mỗi người dân được mười ba cân lương thực bao gồm gạo mục đầy sạn và bột mỳ cũng đầy mọt. Đôi khi, hết bột mỳ thì thay thế bởi sắn khô hoặc khoai khô. Thức ăn cũng khó khăn. Hàng tháng, mỗi người dân được tiêu chuẩn tem phiếu mua khoảng ba lạng rưỡi thịt và vài thức khác như đậu phụ, trứng vịt, thịt kho tàu ở các cửa hàng mậu dịch. Nói đến thịt kho tàu mậu dịch, thì nó chủ yếu là nước lõng bõng với mấy miếng thịt mỡ. Tiêu chuẩn cán bộ thì hơn một chút, khoảng nửa cân thịt một tháng.

Nhưng mẹ tôi ít khi mua thịt. Bà thường mua xương về lọc ít thịt từ đó làm món mặn, còn xương thì hầm nhừ lấy nước nấu canh. Tôi cũng hay được mẹ sai đi xuống làng Hoàng Mai mua nước đậu về làm canh. Đó là thứ nước màu vàng nhạt, trong vắt và có mùi chua chua khi xưởng đậu đã ép xong những bìa đậu. Người ta bán năm xu một cà-mèn đầy. Món nước đậu này chỉ cần đun sôi, thêm chút mắm muối cho đậm rồi thả hành hoa vào là được món canh tuyệt hảo của nhà nghèo. Không cho mỳ chính. Bởi vì mỳ chính là thứ gia vị xa xỉ không phải nhà nào cũng có.

mot-bua-com-chieu1-1636639704.jpg
Nhà máy Rượu Hà Nội của hãng Fontaine

 

Mẹ tôi là dâu trưởng của cụ Hai Bân. Bởi vậy, mọi chuyện giỗ chạp trong gia đình mẹ tôi đều phải lo. Để chuẩn bị cho một đám giỗ, mẹ tôi phải cắt xén tiêu chuẩn tem phiếu hàng tháng rồi dồn lại cho tháng có giỗ chạp. Món chủ lực của bữa giỗ mẹ tôi làm thường là nem rán. Những chiếc nem được cuốn thật khéo với một chút thịt bên trong, còn chủ yếu là su hào, cà rốt và miến. Và thường là được ăn nóng khi vừa rán xong nên thực khách cực kỳ tán thưởng. Nhưng đấy là những bữa cỗ. Còn bình thường, may lắm thì có chút thịt rang mặn hoặc chút tóp mỡ chưng cà chua mắm tôm.

Năm ấy Hà nội rét lắm. Những cơn gió Bấc thổi từ mặt sông Hồng tràn qua con đê rồi lồng lộn trên từng con phố. Những bóng người đi liêu xiêu, cố thu mình sau vạt áo mong manh. Gió rít qua khe cửa từng chặp, hú lên từng hồi. Mẹ tôi xin ở cơ quan được ít báo cũ, đem dán ở những khe cửa cho đỡ gió.

Còn dư một ít, bà dành quấn vào ngực tôi sau lần áo trấn thủ mỗi sáng khi tôi đi học. Bữa cơm chiều được dọn ra, cơm thì độn sắn khô, thức ăn chỉ có một bát canh lõng bõng nước với vài cọng rau muống, một đĩa đậu phụ kho hành và một đĩa cà dầm. Rồi mẹ tôi bảo “Hôm nay nhà mình có món mới, cả nhà ăn thử xem sao. Nếu ngon, mẹ sẽ làm tiếp”. Khuôn mặt của mẹ thoáng chút niềm vui trong nỗi băn khoăn. Đó là một đĩa gì đó màu nâu xỉn, có rắc chút hành phi lên trên, thêm mấy miếng ớt tươi được xắt chéo trang điểm. Cái đĩa thức ăn ấy tỏa ra một mùi thơm ngào ngạt rất lạ mà rất quen thuộc, tôi không thể nghĩ ra là đã gặp ở đâu đó. Vốn tính tham ăn, tôi thò đũa sớt một miếng tướng vào bát, rồi đưa vào miệng. Một vị hăng hăng, cay cay xộc lên mũi, khiến tôi chực hắt hơi. Mà nó sượng, sậm sật. Tôi nghẹn, cố nuốt đến trào nước mắt. Bố tôi cũng chỉ động đũa lấy lệ. Mẹ tôi bảo “Mẹ cũng chỉ làm thử. Thôi bỏ”. Rồi mẹ tôi mang đĩa thức ăn ấy bỏ vào trong bếp.

Tôi thấy mẹ tôi cố tỏ ra vui vẻ bằng những câu pha trò “Món này mà ăn được thì trơn lông đỏ da lắm đấy..”, rồi chọn miếng đậu phụ kho nhiều hành tiếp cho bố tôi với một vẻ đầy trìu mến. Bàn tay của mẹ gày, nổi những đường gân xanh xanh với những ngón tay thô ráp vì giặt đồ trong nước lạnh. Bất giác, tôi thoáng thấy mẹ tôi lén quay đi gạt những giọt nước mắt. Rồi mẹ tôi buông đũa đứng dậy, vào bếp tìm cái gì đó trong chạn. Hồi lâu, mẹ tôi quay ra, nén một tiếng thở dài rồi ngồi xuống ghế, hai tay thu trong lòng đầy vẻ đăm chiêu. Bố tôi phá cái không khí trầm lắng của bữa ăn bằng cách hỏi tôi chuyện học hành. Bữa ăn cũng kết thúc khi tôi được mẹ nắm cho ít cháy để chấm với chỗ nước đậu phụ kho còn sót lại trên đĩa.

Những ngày sau đi học, khi đi ngang qua phố Nhà Rượu, tôi chợt nhận ra mùi thơm quen thuộc của bã rượu.

Món ăn màu nâu xỉn trong bữa cơm chiều ấy cũng không thấy mẹ tôi làm lại nữa. Mẹ tôi đi xa đến nay đã gần bốn mươi năm. Bà sinh ra trong một gia đình giàu có và từng sống trong nhung lụa. Vậy mà đến cuối đời chẳng được một ngày thảnh thơi.

Chiều nay bưng bát cơm, chợt nhớ đến mẹ và bữa cơm chiều mùa Đông năm ấy.

Theo Chuyện làng quê