Nhớ Nhà văn Phạm Hoa

Trần Minh Thu

24/05/2021 21:27

Theo dõi trên

Từ năm 1995, tôi vẫn thường mang bản thảo truyện ngắn sang Phòng Văn hóa Văn nghệ quân đội, ở số 4 Lý Nam Đế nhờ nhà văn Phạm Hoa đọc, góp ý. Có lần, đọc đến đoạn viết, diễn giả Dương H.L. lên phát biểu, cái mũi to đỏ lên như mào gà chọi ... mà nước miếng ở hai bên mép cứ chừng chực trào ra...

ph1-1621866289.jpg

Nhà văn Phạm Hoa.

 

Nhà văn Phạm Hoa nhìn tôi, bảo:

- Cứ ngồi im đấy. Đừng nói gì cả.  Được rồi. Mình trong sáng thế. Viết về họ làm gì cho già người đi...

Ký ức Trường Sơn dội về âm vang trong lồng ngực, khiến cho nhà văn Phạm Hoa chẳng thể nguôi ngoai. Có hôm, mưa lạnh, tôi thấy ông xách can rượu cuốc lủi to cỡ 2 lít ...do mẹ Đốp nhà ông Nhuần nấu...lên phòng Trung Trung Đỉnh ở trên tầng hai, có nhành hoa đại thơm phức ghé vào tận ô cửa... Không hiểu sao họ thân nhau thế. Trung Trung Đỉnh lôi ra mấy chai bia,... ngồi nói mãi không hết chuyện. Nào là, chuyện “Ngõ lỗ thủng”; chuyện có ông bố nuôi là trưởng bản người dân tộc Tây Nguyên, uống rượu phải uống bằng bát không say, đến đấy là phải ở lại cả tháng ... Nào là, Trường Sơn toàn lính trẻ măng ngồi đánh tam cúc rất hăng... Ấy vậy mà, đến giờ là xuất kích. Buổi trưa họ còn ngồi ăn với nhau, tối về điểm danh đã thiếu... Nhà văn Phạm Hoa nuốt ực ngụm rượu, mắt thấm đẫm nỗi đau. Họ biết, phía trước là mặt trận, có ít người trở về mà vẫn xung phong tranh phần ... đi về phía trước ... Dường như, đôi mắt to có cái nhìn chân thật, lồng ngực rộng của ông chỉ để chứa đựng ký ức Trường Sơn thời trai trẻ...

Có hôm, tôi được ông mời cùng mọi người đi ăn bún, ăn cơm hàng ở tận phố Châu Long. Ngon lắm. Mấy lần ông nhắc tôi: - Chú bảo lính, cháu là người của chú. Không được động đến.

Tôi nghe, chỉ cảm thấy là chú rất quý tôi.

Khi Nhà văn Phạm Hoa về nghỉ theo chế độ. Tôi đến nhà ông, gặp bữa riêu cua ăn với quả cà... Ngon. Nhớ đến tận bây giờ...

Có lần, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cùng với báo An ninh Thế giới tổ chức chuyến đi lên Công viên Hữu Ước, mừng Nhà văn Hữu Ước, tôi chợt nhìn thấy Đại tá, Nhà văn Phạm Hoa mặc áo sơ mi trắng đang ngồi cạnh Trung Trung Đỉnh cũng mặc màu áo giống hệt ông. Tôi hồi hộp, không biết ông có nhìn thấy tôi không? Tôi chụp ảnh, định khi nào sẽ đến khoe với ông… Thế mà, Nhà văn Phạm Hoa, sinh năm 1952, quê Thanh Hóa. Ông nhập ngũ làm lính lái xe Trường Sơn năm 1971, thuộc đại đội 170, tiểu đoàn 76, trung doàn 11, sư đoàn 571 Trường Sơn. Lính lái xe  Trường Sơn bị cái tiếng ăn to, nói lớn; nhưng với chị em lại rất dịu dàng. Đất nước thống nhất. Ông được cử đi học lớp Viết văn Nguyễn Du, khóa đầu tiên. Nhà văn Phạm Hoa có các tác phẩm: Ngày không bình thường (tập truyện ngắn, 1984); Đừng quên mùa hoa săng lẻ (truyện ngắn, 1986); Mỗi thời của họ (truyện ngắn, 1993); Đùa của tạo hóa (truyện ngắn, 1996); Miền xa thẳm (tiểu thuyết, 2002); Thuyền lên Thạch Hãn (ký, 2016); Nhốt con chim bắt cô (tiểu thuyết, 2018); đạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội (1982), giải Ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (1991), tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2003), đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2017); giải Nhất cuộc thi viết về Giao thông (2019)… Tự nhiên, Ông bỏ lại tất cả đi về “Miền xa thẳm”, hồi 18 giờ 38 phút, ngày 22/5/2021.

          Xin mượn câu thơ của Lê Bá Dương để đưa tiễn anh:

          “Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ

          Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

          Có tuổi hai mươi thành sóng nước

          Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

                                                                   Hà Nội, ngày 23/5/2021

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhớ Nhà văn Phạm Hoa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn