Nhớ Tết xưa nghĩ về cha mẹ

Người già xem để nhớ một thời gian khó.. Người trẻ xem để hiểu thêm cs của ông cha mình trước đây
banh-chung-1641350045.jpg

Một chút bâng khuâng khi năm mới cận kề.

Vài ba tuần nữa thôi- Mùa xuân Nhâm Dần đang sắp gõ cửa muôn nhà.

    Mỗi chúng ta đều theo đuổi những dòng cảm xúc riêng:  Nhìn lại một năm qua dịch bệnh triền miên. Những gì đã làm được, những gì còn phải phấn đấu tiếp cho năm sau. Riêng tôi, tôi nghĩ về gia đình, về mẹ cha đã quá cố. Kỷ niệm xưa lại hiện về trong trí nhớ ....

    Vào những năm tháng thập kỷ 70, đất nước còn chiến tranh, nông thôn còn làm ăn theo kiểu hợp tác xã nông nghiệp. Đi làm ghi điểm đến vụ chia thóc. Mẹ tôi sức yếu, được ưu đãi nghề phụ hái chè. Mình bố tôi làm ruộng, công điểm ít, thời bao cấp vụ nào cũng đói, ăn độn khoai sắn triền miên.    Từng vụ gặt, học về tôi phải đi mót lúa rơi để phụ cha mẹ.

Lúc bấy giờ chăn nuôi khó khăn, không phát triển như bây giờ. Cũng do đói kém, người không đủ ăn lấy gì nuôi lợn. Công nghệ chưa phát triển lấy đâu cám nọ , cám kia. Mỗi nhà hàng năm chỉ nuôi được một hai con lợn, phải có một con bán nghĩa vụ cho nhà nước. Tính theo lao động (mỗi người một năm phải hoàn thành bao nhiêu kg nghĩa vụ ) thì mới được mổ lơn Tết. Còn phải đóng thuế sát sinh.

Số lợn thu mua được, mậu dịch gom lại nuôi tiếp và mổ dần để bán thịt tem phiếu cho cán bộ. Hộ nào không bán đủ nghĩa vụ mà cứ mổ lợn thì bị phạt nặng. Nhà tôi khó khăn lắm, nên hầu như Tết đến chỉ lèo tèo vài cân thịt đi chung đụng,  mà thời đấy thèm thịt lắm không như bây giờ. Cán bộ có tem phiếu mỗi tháng được vài lạng. Còn nông dân có mỡ xào rau đã hạnh phúc lắm rồi, nằm mơ có thịt để ăn.

 Còn nhớ năm đó nhà tôi nuôi được một con lợn nhỏ dưới 30 kg, không đủ bán nghĩa vụ, bố tôi quyết định mổ Tết. Trước Tết ông lên Ủy ban xã báo cáo lý do khó khăn không có nghĩa vụ, mỗi con bé tí, xin mổ Tết cho vợ con ăn. Quan xã không cho. Ông về ấm ức..

30 Tết vẫn mổ:  Bóp cổ... không cho lợn kêu to ( của mình mà phải mổ trộm) Vậy mà xong tết, xã vẫn gọi bố tôi lên phạt.

Một chuyện nữa  gắn liền với cái Tết : Nhà tôi nghèo nên không có nồi to luộc bánh chưng. Thời đấy mua cái nồi đâu dễ, lệnh nọ, lệnh kia ... cán bộ mới mua được.  Bố mẹ tôi dân cua đồng mắt lác. Tết đến trong xóm vài nhà có nồi to, tranh nhau mượn..

 Đến lượt nhà tôi toàn dính chiều 30. Luộc từ xế chiều 30, kiểu gì gần giao thừa vớt bánh để còn đi trả nồi kẻo sang năm mới. Có năm không kịp, phải dặn trước nhà có nồi, rồi qua giao thừa cứ thế lặng lẽ mang cái nồi ra sau vườn nhà ấy để,  họ tự biết ra mang vào hộ. Cái nghèo khổ đến thế là cùng.

Kỷ niệm từ khi tôi còn nhỏ kiu kiu mà nay nhớ lại vẫn bồi hồi cay cay khóe mắt.

Xúc động thương mẹ cha gian nan nghèo khó.

Ký ức tuổi thơ nâng bước cho tôi vào đời. Một thời gian khó sẽ nhớ mãi không quên.

Theo Chuyện Làng Quê