Ở quê tôi bên dòng sông Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) ngày ấy, ngoài trồng vài ba sào lúa ở ruộng ra, mỗi nhà còn trồng trên đất nà, đất biền Hồ Bún vài sào đậu chùm hay còn gọi là đậu phụng (lạc), để bán tươi hay phơi khô ép dầu ăn dần quanh năm và cất đi một số ít đậu khô để rang muối làm thức ăn vào những ngày đông mưa gió.
Ngày tôi còn nhỏ, tháng Giêng người dân bắt đầu đi cuốc cỏ đậu chùm hay đậu các loại (đậu đen, đậu xanh…). Tôi còn nhớ như in, có một xuân nào thời thơ bé, Mùng 4 Tết, sau khi cúng tiễn ông bà xong mẹ vội vã thay bộ đồ lao động, bươn ngay ra biền trồng đậu phộng ven bờ sông. Chắc là mẹ thấy có dại lẫn trong đám đậu quá nhiều nên mẹ bươn tất tả về tới sân nhà và nói lớn: “Các con đâu, theo mẹ ra biền nhổ cỏ đậu mau lên; không thì cỏ nó “ăn” hết đậu bây giờ”. Chị Hai, chị Ba tôi cự nự: “Mới Mùng 4 đã bắt đi nhổ cỏ đậu, còn Tết mà” . Mẹ lại la lớn: “Tụi bây có ăn cỏ được như bò không? Ăn được thì cứ ở nhà chơi Tết cho đã, đến mùa nhổ đậu ra đồng cắt cỏ về ép lấy dầu mà chiên…”. Hai chị tôi “tắt tiếng ca” im re, lật đật thay đồ lao động theo mẹ ra đồng với bộ mặt thê thảm nhưng không quên mang theo bánh in, bánh khô, nước uống để ăn giữa buổi ngoài đồng.
Đường quê, mới Mùng 4 Tết, vẫn còn đông đảo người đi chơi Xuân tập nập, hoa cải nở vàng hoe ven cánh đồng làng. Cây nêu trước đình làng chưa hạ, lá phướng vẫn còn phất phơ trong gió xuân về; ngoài ngõ vẫn treo lủng lẳng chiếc đèn lồng đèn để thắp sáng đêm đêm, hai chậu cúc đại đóa vẫn khoe màu vàng tươi thắm ngay trước hiên nhà, trên bàn thờ còn tươi màu mâm ngũ quả… Không khí Tết còn đang rộn ràng mà bắt phải ra đồng thì quả thực là “quá ép”. Nhưng lệnh mẹ rất nghiêm, ví như “mẫu lệnh như sơn” ai mà dám cải. Với lại, dù có ham chơi cỡ nào thì các chị cũng hiểu ra cái lí giản đơn, cỏ không thay những mẽ đậu phộng rang vừa thơm, vừa giòn, vừa béo hay dầu phộng chiên cá chuồn (mùa hè), chiên dưa cải (mùa đông), chiên bánh tét (mùa xuân), trộn măng (mùa Thu)…
Lúc bấy giờ tôi còn nhỏ lắm, tôi cũng ham vui xin theo. Chị Ba hét: “ “Mi theo mà… dẫm hư hết đậu na?. Cái thân ngồi mà còn sợ đau lưng thì nhổ với nhiếc gì được?”. Chị Ba nói không sai, nhưng lúc nhỏ tôi cứ thích lẽo đẽo theo mẹ, theo chị cho vui. Cũng thật, tôi ra đồng mát mẻ, thảnh thơi, ở nhà thiu thỉu có chơi cũng buồn. Mẹ dàn hòa: “Thôi cho nó theo để tập việc, mai mốt lớn lên biết làm ăn, mấy đứa lớn đi lấy chồng hết thì tau nhờ nó…”. Tôi đắc ý nhảy tưng tưng, còn lè lưỡi trêu chị Ba đang háy mắt nhìn tôi. Trêu tới lúc chị nhịn không nổi cũng phải bật cười…
Nhổ cỏ đậu không khó, có điều rất chán. Một công việc quá đơn điệu, mệt mỏi, đau lưng. Giờ tôi mới biết phục sự nhẫn nại của mẹ. Chổng mông cúi gập người vừa nhổ cỏ vừa dùng cuốc lanh (cuốc bàn nhỏ) vun gốc đậu. Mẹ hầu như rất ít khi đứng thẳng dậy cho đỡ mỏi lưng. Chị Hai, chị Ba theo được nửa đường của mẹ cũng gọi là đạt rồi. Chỉ có tôi là… vô cùng tệ! Khom chưa được nửa phút tôi đã dõng lưng thẳng người nhìn tứ phía, miệng còn tía lia, huyên thuyên đủ chuyện khiến chị Ba bực hét bảo im.
Tôi lúc bấy giờ, nói nhiều làm ít; nhổ gần ngót buổi mà vạt đậu phần tôi nhổ xong mới chỉ rộng chừng hơn chiếc chiếu. Đã vậy, đôi khi còn lơ đễnh: cỏ không nhổ lại đi nhổ tiệt… vài cây đậu khiến mẹ phải kêu trời còn các chị tôi thì trố mắt kêu “wow-wow”. Kèm mãi mà cái “tay nghề” nhổ cỏ của tôi vẫn coi không thể khả quan, mẹ phát chán, sai tôi lên bờ soạn “mâm” bánh trái ra ăn nửa buổi…Không biết do bụng đói hay sao mà khi tôi ăn các loại bánh Tết khá ngon lành. Vừa ăn vừa nhìn sắc xuân lung linh trên những bông hoa đậu chùm như những chiếc lồng đèn Hội An trong đêm hội “hoa đăng phố cổ”
Giờ đây, đi trên đường quê nhân dịp tháng Giêng nhìn thấy trong vườn nhà ai vừa những người mẹ quê đang cuốc cỏ đậu hay ăn uống nước trên bờ kênh mương nội đồng vừa râm rang trò chuyện, tôi bỗng nhớ đến cảnh nhưng lần theo mẹ, các chị đi cuốc cỏ đậu thời thơ bé khó phai mờ trong ngăn tầng ký ức của tôi. Cho nên quê tôi vẫn còn lưu truyền câu ca nhằm khuyến khích nông dân ra đồng sớm để “cứu nguy” cho hoa màu: “Tháng Giêng cuốc cỏ đậu chùm / Bà con tranh thủ, “hết mùng” cho xong”. /.