Với hơn bảy mươi năm cuộc đời, số phận của Văn Cao gắn liền với biết bao thăng trầm của lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XX, nhưng có lẽ với những cảm thức về thời gian và cái đẹp như trong bài thơ nên ông đã vượt qua tất cả.
Văn Cao (15/ 11/ 1923 - 10/ 7/ 1995) là một cây đại thụ trong nền văn học nghệ thuật của Việt Nam trong thế kỷ XX. Ông là một nghệ sĩ đa tài và giống như một lãng khách đi qua nhiều miền nghệ thuật khác nhau như âm nhạc, mỹ thuật, văn học và đã để lại những dấu ấn khó phai về sự sáng tạo mang tính mở đường ở những miền đất ấy. Không kể âm nhạc, một địa hạt mà Văn Cao “sang trọng như một ông hoàng” (chữ dùng của Trịnh Công Sơn) với những ký thác, gửi gắm biết bao tâm huyết, hồn cốt của mình tựa như một con tằm đã rút ruột nhả tơ và để lại cho đời rất nhiều bài hát được đánh giá thuộc vào hàng đỉnh cao của nền tân nhạc như “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Buồn tàn thu”, “Cung đàn xưa”, “Bến Xuân”, “Thu cô liêu”, “Tiến về Hà Nội” “Mùa xuân đầu tiên”, “Làng tôi”, “Trường ca sông Lô”, đặc biệt là “Tiến quân ca”… thì ở lĩnh vực hội họa, văn học Văn Cao cũng có không ít tác phẩm mà nhiều đời sau người ta vẫn còn phải nhắc đến. Trong mỹ thuật Văn Cao được người trong giới đánh giá là họa sĩ tiên phong và có công đưa trường phái lập thể vào hội họa ở Việt Nam; đặc biệt ông có nhiều bức tranh có giá trị (Chân dung bà Băng, Nhà văn Đặng Thai Mai, Cô gái và đàn dương cầm, Dân công miền núi …) được Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam lựa chọn, lưu giữ như những bảo vật. Và, cũng từng có một thời Văn Cao vẽ bìa sách. Ông vẽ cho hàng trăm tác phẩm. Khi ấy nét vẽ của Văn Cao cùng một chữ Văn nho nhỏ ở góc bìa từng là niềm sung sướng, tự hào của không ít nhà văn, nhà thơ khi được ông minh họa cho đứa con tinh thần của mình. Riêng với ở lĩnh văn học, sáng tác thơ của Văn Cao nổi hơn và để lại ấn tượng hơn so với sáng tác truyện. Tuy vậy số lượng tác phẩm thơ của Văn Cao cũng không nhiều, khoảng hơn 60 bài, trong đó duy nhất có một tập thơ “Lá” do Nhà xuất bản Tác phẩm mới in năm 1988, gồm 28 bài được sáng tác rải rác từ năm 1941 đến năm 1987, xuất bản khi ông còn sống, có thể do hoàn cảnh lịch sử chăng? Tuy nhiên đọc lại các bài thơ ít ỏi ấy người ta không chỉ thấy những vần thơ trĩu nặng suy tư cùng những khát vọng của đất nước, của thời đại mà còn nhận ra một Văn Cao không ngừng tìm tòi đổi mới và có nhiều cách tân về nghệ thuật với những câu thơ: lời gọn ý sắc, đa dạng nhịp điệu, không vần và rất giàu tính biểu trưng, …
Và, trong số những tác phẩm ít ỏi đó, “Thời gian” là một bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách sáng tạo của nhà thơ. Ở đấy ta thấy Văn Cao thể hiện rất tinh tế quan niệm của mình về thời gian và cái đẹp, đồng thời cũng là một tình yêu nồng nàn, tha thiết, tin yêu với cuộc sống (tác phẩm cũng đã được các tác giả sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 tuyển chọn đưa vào chương trình của hai bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo).
“Thời gian qua kẽ tay.
Làm khô những chiếc lá.
Kỉ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn.
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước”.
(Lá, Văn Cao, NXB tác phẩm mới, 1988)
Bài thơ được sáng tác vào tháng 2 năm 1987, dịp xuân Đinh Mão. Đó là những năm đầu tiên sau đổi mới, lúc này những đứa con tinh thần của ông từng bị “lãng quên” một thời nay cũng được trở lại với công chúng và một Văn Cao tài hoa nay cũng đã “hồi sinh” trở lại thay cho một Văn Cao trầm lặng, u sầu. Tuy vậy quãng thời gian mấy chục năm đã đi qua gắn liền những thăng trầm, vinh nhục, kết hợp với những trải nghiệm của cuộc đời cùng bao nỗi vui, buồn, sướng, khổ mà buồn với khổ nhiều hơn vui với sướng cũng đủ để người nghệ sĩ đa tài, mẫn cảm chiêm nghiệm và thấm thía những nỗi đời. Với sự từng trải của mình và cuộc sống đã được “hồi sinh”, trái tim vốn rất đa cảm và yêu thương mãnh liệt của thi nhân sớm hòa nhịp với cuộc đời và lại cất lên những tiếng lòng tha thiết, đầy triết lý về những quy luật của muôn đời: thời gian và cái đẹp; trường tồn và tàn phai.
Bài thơ rất ngắn, chỉ có 7 câu với 42 chữ, chia thành 12 dòng nhưng là một cấu trúc nghệ thuật độc đáo mang đến cho người đọc một sự thưởng thức khá thú vị bằng thị giác, xúc giác và thính giác nhưng cũng khá vất vả bởi trí tưởng tượng phải phong phú để mở ra các trường liên tưởng nhằm giải mã các tín hiệu nghệ thuật mà nhà thơ đã ký thác vào đó những triết luận và những thông điệp mang một ý nghĩa nhân sinh vô cùng sâu sắc. Nhìn thoáng qua, chúng ta dễ dàng nhận ra bố cục bài thơ được chia thành hai phần rất rõ. Phần thứ nhất gồm có sáu dòng thơ đầu tiên thuộc bốn câu đầu. Nội dung phần này nói về thời gian và sự tàn phai. Phần thứ hai gồm có sáu dòng thơ cuối của ba câu kết. Nội dung phần này nói về sự trường tồn của cái đẹp. Thoạt nghe bài thơ có 7 câu thì tưởng chừng chia thành hai phần sẽ khó cân đối, hài hòa bởi số lẻ. Nhưng nhìn sự sắp xếp câu chữ trên trang giấy ta sẽ thấy sự dụng tâm của tác giả như một nghệ thuật sắp đặt câu chữ. Có những câu thơ Văn Cao để nguyên nhưng cũng có câu thơ ông lại bẻ gãy thành hai hoặc ba dòng thơ. Cách sắp xếp câu chữ như vậy vừa tạo được nhịp điệu đặc biệt cho câu thơ vừa tạo cảm giác về sự hài hòa cân đối cho bố cục của bài thơ. Và, phải chăng nhà thơ cấu tạo những câu thơ gấp khúc giống các bậc thang như vậy là muốn trình diễn cho người xem một bức tranh câu chữ đang “rơi” khi nhanh khi chậm, lúc đều lúc không đều giống như tiếng sỏi, giống như những câu thơ và những bài hát…
Phần thứ nhất, câu thơ đầu tiên là một hình ảnh ẩn dụ. Nhà thơ đã lạ hóa cái vô hình thành hữu hình: “Thời gian qua kẽ tay”. Thời gian vốn vô hình nhưng cách diễn thời gian thành một hình ảnh “thời gian qua kẽ tay” lại làm người đọc liên tưởng đến dòng nước trôi chảy liên tục. Như vậy dòng thời gian con người có thể cảm nhận được bằng xúc giác. Dòng nước đi qua bàn tay. Bàn tay tưởng mình sẽ làm chủ (nắm được, chặn được) được dòng nước nhưng không. Nước vẫn thoát qua kẽ tay để tiếp tục vận động theo cái lẽ tự nhiên vốn có của nó. Như thế là nó nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người. Con người muốn dừng thời gian lại, níu kéo thời gian lại cũng không được. Có thể nói, cảm thức về thời gian trong thi ca không phải bây giờ mới có. Nó có truyền thống và là một chủ để trong văn học từ lâu đời. Xưa trong thơ Đường, Trần Tử Ngang chẳng đã từng viết: “Người trước chẳng thấy ai/ Người sau thì chưa thấy/ Gẫm trời đất thật vô cùng/Riêng lòng đau mà lệ chảy” (Đăng U Châu đài ca, Nam Trân dịch). Trong văn học Trung đại, Hồ Xuân Hương chẳng đã từng khắc khoải “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại” (Tự tình). Thời Thơ Mới, Xuân Diệu đã không khỏi cuống quýt “Xuân đang tới nghĩa là xuân đương qua” (Vội vàng). Sau này, Xuân Quỳnh cũng thoảng thốt trong một tiếng thở dài: “Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/ Mùa thu đi cùng lá” (Thơ tình cuối mùa thu). Văn Cao cũng cảm nhận về thời gian. Nhưng cách cảm nhận và thể hiện thời gian như Văn Cao thì quả là rất độc đáo. Ông đã biến cái vô hình trở thành hữu hình để người đọc hình dung một cách cụ thể và thấy được sự vận động không ngừng không nghỉ của thời gian. Thời gian của Văn Cao có thể chạm tay vào được nhưng không thể giữ nó được. Nó nhẹ nhàng, mềm mại nhưng cũng mạnh mẽ vô cùng và tuột trôi một cách nhanh chóng. Đây chính là nhận thức về thời gian của nhà thơ. Nhận thức về thời gian được diễn đạt bằng một hình ảnh đầy sáng tạo như thế quả là rất thú vị.
Tiếp tục làm sáng rõ đặc tính trôi nhanh và sức mạnh của thời gian Văn Cao đã đưa ra hai sự việc từng bị thời gian hủy hoại: chiếc lá và kỉ niệm. Cũng lại một cái hữu hình (chiếc lá) và một cái vô hình (kỷ niệm). Chiếc lá là hình ảnh tượng trưng cho vạn vật. Những chiếc lá vừa nhú lên tươi xanh nhưng trước thời gian mênh mông thì sự xanh tươi kia cũng chỉ là một thoáng chốc, rồi cũng bị “làm khô”. Lá khô là hình ảnh của sự lụi tàn. Với hình ảnh này nhà thơ như muốn hướng người đọc cảm nhận sự vật bằng thị giác. Như vậy đứng trước thời gian, thế giới tự nhiên cũng trở nên bé nhỏ, ngắn ngủi. Ở chỗ này tôi muốn dừng lại để nói thêm về hình ảnh chiếc lá trong thơ Văn Cao. Thơ ca xưa nay sử dụng hình ảnh chiếc lá làm chất liệu vốn không có gì là mới. Phải chăng cây, lá sớm gắn bó với cuộc sống của con người nên đã được các nhà thơ sử dụng như là một phương tiện nghệ thuật để chuyên chở một ý tưởng nào đó. Giở lại văn chương hàng ngàn năm xem lại ta thấy từ ca dao đến thơ Đường, thơ Trung đại, đặc biệt là thơ hiện đại có rất nhiều lá khác nhau: lá trúc, lá ngô đồng, lá sen, lá chuối, lá bàng, lá me … Nhưng ở bài thơ này, hình như trong cái nhìn của Văn Cao lá ở đây không chỉ đơn thuần là một phương tiện nghệ thuật mà còn gợi lên ý niệm của một cảm quan triết học. Bởi đọc bài thơ, ta thấy Văn Cao muốn dùng hình ảnh chiếc lá để thể hiện một cảm quan về thời gian. Nhìn dưới góc độ sinh học, lá là sự sống mà cũng là nguồn sống, lá hấp thụ ánh sáng mặt trời để tạo ra quá trình quang hợp ở cây xanh và mang lại nguồn sống cho vạn vật. Còn dưới góc nhìn của Văn Cao, chiếc lá là một sinh thể sinh ra một cách lặng lẽ sống chớp nhoáng rồi nhanh chóng khô héo, lụi tàn và ra đi một cách âm thầm. Chiếc lá bé nhỏ, mong manh, vô danh ấy sẽ làm người ta liên tưởng đến thời gian của đời người. Có phải vì thế mà nhà thơ lấy lá để đặt tên cho tập thơ duy nhất của mình khi còn sống. Nói như tác giả Đặng Tiến; “Lá. Phải chăng là nhan đề ngắn nhất trong các tập thơ Việt Nam? Ngắn nhưng không gọn, giản dị mà không giản lược, vì buộc người đọc phải suy nghĩ lao lung” (Văn Cao Lá khát vọng).
Nếu chiếc lá tượng trưng cho vạn vật thì kỷ niệm là ký ức của con người, tượng trưng cho con người. Cũng giống như chiếc lá, kỷ niệm cũng vậy, chỉ là một chớp nhoáng trên dòng đời dằng dặc. Kỷ niệm là những dấu ấn khó phai của quá khứ tồn tại trong trí nhớ của con người. Trước thời gian, kỷ niệm cũng nhanh chóng bị xóa bỏ theo con người. Con ngươi mất đi sẽ mang theo mọi kỷ niệm để rời khỏi cõi tạm. Điều đáng chú ý ở câu thơ này là Văn Cao tiếp tục cụ thể hóa cái trừu tượng, vô hình (kỷ niệm) bằng một hình ảnh hữu hình, có thể tri giác được. Đó là viên sỏi rơi cùng với nhưng âm thanh của nó:
“Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn”.
Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã lạ hóa sự thay đổi trạng thái và biện pháp tu từ so sánh kết hợp với nhịp điệu chầm chậm do cách ngắt dòng của câu thơ đã gợi nhiều liên tưởng thú vị cho người đọc để thấy cái hữu hạn của đời người trên dòng chảy thời gian vô cùng vô tận của tự nhiên. “Rơi” là động từ. Nó gợi trong trí tưởng tượng người đọc cái trạng thái chuyển động từ trên xuống dưới của vật một cách tự do. Đó là một hoạt động nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Câu thơ được Văn Cao tạo ấn tượng bằng cách ngắt xuống dòng và chỉ có một tiếng. Cấu tạo ấy dường như diễn tả được cái trạng thái đột ngột, bất ngờ. Biện pháp tu từ so sánh: “như tiếng sỏi – trong lòng giếng cạn” có tác dụng kích thích vào thính giác của người đọc. Nó gợi âm vang khô khốc khi viên khỏi rơi và va chạm với các sự vật trong lòng chiếc giếng đã cạn. “Giếng cạn” có nghĩa là không có nước. Chức năng của giếng là tạo nước. Giếng không có nước là giếng chết. Bởi thế âm thanh của tiếng sỏi rơi xuống lòng giếng cũng giống như rơi vào cõi hư vô. Nó mất hút nhanh chóng. Âm thanh từng vang lên ấy sau cũng nhanh chóng tiêu tan mà không để lại một chút dư âm. Với cách thể hiện như thế Văn Cao muốn gửi đến người đọc một thông điệp: Kỷ niệm của con người cũng nhanh chóng bị thời gian cuốn đi, chìm trong sự quên lãng. Phải chăng để cho thanh âm của viên sỏi vang lên trong lòng giếng cũng là cách Văn Cao muốn thể hiện ý định con người muốn chủ động kiểm soát sự vật, dù là ít nhiều nhưng cuối cùng cũng bị bất lực bởi thời gian cho nên những kỷ niệm vẫn bị cuốn vào hư vô, âm thanh có vang lên thì cũng chìm vào cõi im lặng.
Vậy là trong phần thứ nhất của bài thơ có sự lặp lại hành động “níu giữ” mang tính chủ quan của con người (muốn níu giữ lại những thứ mà mình muốn; để những thứ mình thích sẽ tồn tại mãi). Nhưng tất cả đều bất lực. Thời gian vẫn chảy qua kẽ tay, kỷ niệm vẫn rơi vào hư vô dưới đáy giếng khô cạn. Chúng ta thấy hình ảnh chiếc lá và kỷ niệm có sự tương đồng. Thời gian làm khô chiếc lá, thời gian cũng làm cho kỷ niệm bị nhạt phai. Hiểu như vậy người đọc sẽ nhận ra sự hủy hoại và sức mạnh của thời gian. Đồng thời thấy được triết lý nhân sinh về cuộc đời mà nhà thơ muốn gửi đến bạn đọc: thời gian mênh mông, dài dằng dặc và một đi không trở lại. Đời người là hữu hạn. Con người dù có sức mạnh quyền năng đến đâu cung không cản phá được sự phá hủy của thời gian. Mọi vật trên thế gian dù sớm hay muộn cũng bị thời gian làm cho lụi tàn. Hẳn là nhận ra được điều này Văn Cao muốn nhắn nhủ người đọc phải biết trân trọng sự sống hiện tại bởi đời người rất ngắn ngủi; thời gian đi qua không bao giờ trở lại. Tư tưởng này lại làm ta nhớ lại câu nói của nhà triết học Heraclite “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng dòng sông”.
Phần thứ hai của bài thơ, Văn Cao bàn về sự trường tồn của nghệ thuật - cái đẹp. Nếu như ở phần thứ nhất, nhà thơ bảo mọi thứ trên đời đều bất lực trước thời gian thì ở phần thứ hai này Văn Cao đã tìm ra thứ bất biến trước thời gian. Đó là:
“Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước”.
Dường như để làm nổi bật ý niệm về sự trường tồn của nghệ thuật - cái đẹp trong không gian và thời gian vô tận nhà thơ đã dùng hai hình ảnh sắc màu có ý nghĩa tương phản với nhau để gây sự chú ý về phía người đọc. Ở phần thứ nhất là một sắc lá khô thì ở phần thứ hai này là một màu xanh. Sắc lá khô được nhắc đến một lần và tượng cho sự lụi tàn, khô héo. Màu xanh được lặp lại hai lần và không chỉ đơn giản là sắc màu mà còn ẩn chứa một hình ảnh ẩn dụ biểu thị cho sự trẻ trung, tượng trưng cho một sức sống mãnh liệt, vĩnh cửu. Đọc phần thứ hai này người ta cảm giác có một sự tươi mới, nhẹ nhàng và rất trữ tình. Hình ảnh “những câu thơ”, “những bài hát” là biểu tượng cho những giá trị sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Hai hình ảnh này đi cùng điệp ngữ (điệp cụm từ: “Riêng những”, “còn xanh” và điệp cấu trúc: “Riêng những câu thơ còn xanh/ Riêng những bài hát còn xanh”) để nhấn mạnh và gợi lên sức sống sự bất tử của các giá trị nghệ thuật đích thực. Và, đến cuối bài thơ, Văn Cao đã “chốt” lại một giá trị trường tồn nữa ngoài nghệ thuật: “đôi mắt em”. Ở câu thơ này, nhà thơ vừa dùng nghệ thuật hoán dụ để nói về người con gái vừa dùng nghệ thuật so sánh để khắc họa vẻ đẹp của nhan sắc. Văn Cao chỉ dùng một hình ảnh đôi mắt để gợi lên vẻ đẹp mặn mà và quyến rũ: “đôi mắt em như hai giếng nước”. Người ta bảo con mắt là cửa sổ tâm hồn. Đôi mắt có thể nói lên tất cả. Cho nên tả người con gái đẹp chỉ cần nói đôi mắt là đủ. Nguyễn Du chẳng đã từng tả chị em Thúy Kiều “Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” đó sao? Người con gái có đôi mắt như hai giếng nước ý nói là đôi mắt trong sáng như nước giếng, một đôi mắt rất đẹp, sáng long lanh, nhìn rất duyên dáng ... Không biết đó là vẻ đẹp chỉ của người con gái hay là vẻ đẹp của tình yêu? Có lẽ cả hai. Bởi đôi mắt cũng là biểu tượng của tình yêu. Tình yêu là cội nguồn làm nên mọi sức mạnh, tạo nên sự thăng hoa cho người nghệ sĩ, cứu vớt nhân loại. Chẳng vậy mà Victor Hugo từng bảo: “Thế giới không có tình yêu thì mặt trời sẽ tắt”.
Thời gian có thể làm khô chiếc lá của cuộc đời, có thể làm rơi những kỷ niệm vào trong lòng giếng cạn nhưng không thể nào làm tàn lui những chiếc lá xanh tươi của nghệ thuật, càng không thể làm khô đôi mắt của tình yêu, của người con gái đẹp (ý nói cái đẹp). Đây chính là thông điệp của bài thơ và cũng chính là cảm thức về thời gian và cái đẹp của Văn Cao.
Với hơn bảy mươi năm cuộc đời, số phận của Văn Cao gắn liền với biết bao thăng trầm của lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XX nhưng có lẽ với những cảm thức về thời gian và cái đẹp như trong bài thơ nên ông đã vượt lên trên tất cả. Dù rằng, bình sinh cũng có lúc: “Một Văn Cao đa tài không thể che chở một Văn Cao lận đận. Một Văn Cao danh vọng không thể bênh vực một Văn Cao cay đắng. Một Văn Cao hào hoa không thể an ủi một Văn Cao cô độc” (Lê Thiếu Nhơn) nhưng hẳn trong ông luôn có một niềm tin mãnh liệt vào tương lai với những giá trị trường tồn của nghệ thuật, của cái đẹp đích thực, của tình yêu và những giá trị nhân bản để nuôi dưỡng những hy vọng và tiếp tục âm thầm sáng tạo. Phải chăng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật mà nhà nước truy tặng ông năm 1996 là một minh chứng cho ý thơ ông từng ký thác.
Kỷ niệm, 100 năm ngày sinh nhạc sĩ - thi sĩ Văn Cao