Quê tôi đó! Ở phía bắc của miền Trung nơi cũng như bao vùng quê nghèo thời đó, đói ăn đói mặc nhưng con cá, con tôm, con tép rất nhiều và để đánh bắt thì ngoài cắt rớ (vó) đặt nò (đó) thì còn một cách đánh bắt tép hiệu quả đó là đi nhủi.
Để làm ra nhủi đánh bắt tép cũng không khó lắm chỉ với những thanh tre, thanh nứa chẻ nhỏ bện cùng dây rừng tạo thành một tấm mành gắn với miếng gỗ phía trước gọi là lưỡi nhủi và hai đoạn tre bắt chéo vào nhau để làm tay đẩy. Với một người không chuyên cũng có thể làm được một cái nhủi trong hai đến ba ngày chỉ là đẹp hay xấu và độ thoáng nước mà thôi. Thường thì có hai loại nhủi, nhủi cá cần phải thoáng nước hơn nên có mành thưa và cứng cáp hơn vì khi đánh cá cần phải dùng sức nhiều và đẩy thật nhanh về phía trước để co cá không trụ được lực nước để mà thoát ra ngoài. Còn nhủi tép thì thường lớn hơn nhủi cá và cũng phải làm tỷ mĩ hơn nhiều, để đẩy dưới nước có độ sâu tầm một mét nên lưỡi của nhủi tép thường được làm từ gỗ thầu đâu (gỗ xoan) hay gỗ vàng tâm cùng với đó là tay đẩy được chọn từ những cây tre đực già cứng cáp.
Để bắt được con tép chỉ cần đặt nhủi xuống nước rồi nhẹ nhàng, chậm rãi đẩy về phía trước. Chốc chốc dừng lại nhặt bỏ bớt rong đuôi chó, các loại rác rồi tiêp tục đẫy đi cho đủ một vòng, nhấc cao đầu nhủi gác lên bờ, dùng ngón tay búng tý tách xuống nước để lùa đàn tép về một góc sau khi nhặt hết rong, rác thì được một mẻ tép trong xanh, tươi rói...
Ở quê tôi hồi đó! Nhủi tép, đánh cá chỉ là để ăn thôi và chia sẻ với xóm làng chứ không ai sống với nghề bắt tép để mưu sinh cả. Nên thường đánh bắt đủ ăn, đôi khi nhiều quá thì thường phơi khô đễ dành cho những ngày mưa lũ không đánh bắt được. Những con tép trong xanh còn búng nhảy tý tách sẻ là một món ăn của mỗi gia đình thôn dã, chỉ cần một chút mỡ hành phi thơm, cho tép vào rang khô, thêm chút đường, chút nước mắm và ra vườn hái ít lá chanh thái nhỏ vào thôi là đủ để cho nước miếng của bất kỳ ai cũng phải chảy ra...
Giờ đây! Những ngày đi nhủi ở quê tôi giờ chỉ còn trong ký ức của những người lớn tuổi, chợ quê vẫn còn bán đồ nghề bắt tép như đăng, đó, đụt, lờ...nhưng những cái nhủi thân thiết một thời tuyệt nhiên không còn nhìn thấy, dù chỉ là đễ chụp một tấm hình. Những con đập, ao hồ đã được đấu thầu xã hội hoặc không còn nguyên vẹn theo dòng chảy ngày xưa. Những hàng tre xanh được thay vì những hàng rào bằng gạch với những con đường xây mới khang trang hoành tráng...
Mong sao những khu du lịch sinh thái ở quê tôi dành ra một vài mảnh ruộng cho người đi nhủi vừa là vận động vừa để gìn giữ ký ức một thời. Nếu không! Một ngày nào đó người ta sẻ quên đi cây tre có họ ngàn đời với cây lúa nước, quên đi cái nhủi, cái nơm, cái đó, quên đi cái thúng, cái nia...và rồi chỉ còn là hoài niệm của những người lớn tuổi mà thôi!
P.Đ.K
Chuyện làng quê
Minh
14:57 23/09/2023
Hồi đó thường là chỉ cấy được một vụ lúa vì mấy tháng ngập lụt, nước rất sạch và nhiều tôm cá