Những chuyến đò quê - Ký ức một thời

Hôm nay ngủ vùi, fb nhắc lại. Trước năm 1968, mỗi khi về quê ngoại, thì mấy mẹ con tôi phải đi xe đò Cần Đước, tới ngã tư Chợ Trạm là phải xuống xe. Vì từ Chợ Trạm vô tới nhà ngoại ở xóm Rạch Bộng, cũng hơn 3-4 cây số, đó là đi theo đường lộ cái.

Nhưng mấy ổng cứ cách vài trăm mét là đắp 1 cái mô, thành ra phải đi bọc vô đường bờ ruộng, Mẹ con tui phải đi vòng vo tam quốc, hơn gấp đôi đoạn đường lộ cái. Chưa kể nhiều hôm trên đường về tỉnh lộ 5 (nay là QL 50) cũng bị đắp mô. Mô là một chướng ngại vật,được mấy ổng lấy cây ván bằng ghế học sinh của trường học, hoặc đắp phủ thêm lá cây, nghĩa là mô là một đống chướng ngại vật tả phín lù,có thứ gì chêm thêm vô thứ nấy, xong xuôi lấy một miếng ván vẽ lên đó hình một cái đầu lâu, sọ người trắng hếu, vẽ hai khúc xương bắt chéo vào nhau rồi ghi lên hai chữ nguy hiểm.

do-que-1649579574.jpg
Ảnh do tác giả lựa chọn

Có khi trong đống hổ lốn đó,mấy ổng gài một trái mìn hoặc 1-2 trái lựu đạn, nhiều khi buồn phá chơi,chẳng có cái giống gì trong đó! Nhưng đôi khi có một vài quả lựu đạn hổng chừng!

Ngay tại ngã tư Chợ Trạm,có một quán nước,có bán bánh Nậm và bánh ú tro rất ngon.Bánh nậm nghe nói làm từ bột gạo mềm ngọt và béo, bánh hình chữ nhật,chính giữa bánh người ta quết lên một cục nhưn đậu xanh và gói bằng lá chuối, ở Saigon có người gọi là bánh gói! Còn bánh ú tro ở đây làm khá to,gấp 3 gấp 4 lần cái bánh ú tro miệt Trảng Bàng gói bán cúng mồng 5 tháng 5, và cũng được gói bằng lá chuối như bánh ú thường,chớ không phải gói bằng lá tre Tàu.

Thời kỳ đó Ngoại tôi chứa trong nhà  5-7 cái mái vú cá kèo. Mà hằng ngày Ngoại tui đặt nò, đặt lợp cặp theo mương ruộng, rồi rộng chứa sẵn để dành cho đám con cháu khi nào về quê mang lên Saigon ăn. Nhiều quá, có khi má tôi phải nấu cháo cá kèo, hoặc chưng tương,để cuốn bánh tráng rau sống mà ăn, vì kho,nướng chiên gì ăn cũng không kịp,nó ngộp chết thì uổng, còn khô cá kèo thì bao la.

Có những khi Má tôi ở chơi nhà ngoại 5-10 bữa nữa tháng,thì má tôi bắt còng làm mắm, tôi thích nhất là món mắm còng lửa lột, làm chua về trộn vô đu đủ, nó còn hơn cả mắm tôm chua. Cá kèo và Còng giờ quê tôi tuyệt chủng, vì nạn đắp đề, bờ bao ngăn mặn sau năm 75,để làm lúa 3 mùa, mần lúa 3 mùa chỉ được có một hai năm đầu là còn hồ hởi, sau nầy làm thất liên tục, vì đất bạc màu, nạn sâu rầy, nên tiền đổ vô phân bón,thuốc trừ sâu nhiều quá không có lời, nên giờ chỉ làm lúa hai mùa. Đó là theo lời Má tui nói lại.

Còn nếu tôi theo Ông Nội về quê thì khoái hơn, vì Nội tôi có tật một chân, nên không lội bộ đi xa được, thành ra 2 ông cháu đi xe đò về tới chợ Cần Giuộc,là xuống bến đò để đi. Bến tàu đò Cần Giuộc đi về Phước Vĩnh Đông, Tân Tập, Chợ Kinh Nước Mặn, Bắc Cầu Nổi v.v... Thông thường khoảng từ 10 đến 11 giờ trưa đò mới chạy chuyến tài nhứt, vì phải chờ cho bạn hàng bán hết đồ như cua tôm cá,hay đi chợ bổ đồ hàng xén về bán cho lối xóm.

Một tuyến đường chỉ có một hai chiếc đò máy. Đò máy nầy trong văn chương ngày xưa thì gọi là ĐÒ DỌC, còn người dân quê xứ tui thì gọi  tàu đò. Tàu đò xứ tui thường gắn máy Ấn Độ. Nghe nói là máy do Ấn Độ sản xuất mà thôi chớ hổng nghe nói hiệu gì,  mà mỗi khi chủ tàu đò quay cho máy nổ, thì khói đen bay mù trời, mịt đất. May mắn là hôm nào gặp tàu đò gắn máy Yanma F10 hoặc Yanma đầu bạc 1-2 lốc thì đỡ khổ, vì máy nổ êm tai và ít khói. Chiều dài tàu đò cũng xấp xỉ chiếc xe đò Desoto, hai bên cặp vách tàu là hai cái băng ghế gỗ,bắt cặp theo chiều dài thân tàu đò,hôm nào khách đông, đột xuất là tăng thêm hàng ghế giữa.

Tàu đò thường sơn màu vàng nhạt,có bắt chỉ viền màu xanh màu đỏ, đi đò tôi khoái nhứt là ngồi trên nóc mui, để nhìn cảnh vật đồng quê miền  sông nước,gió từ sông thổi lồng lộng, mát rượi sảng khoái vô cùng, chớ ngồi trong khoang mui thì máy nổ ồn ào,  lại nghe bay mùi dầu sóng thặng dư hơi khó chịu. Từ Cần Giuộc về xóm cũ quê tôi, chưa quá 10km. Đò phải chạy gần hai  tiếng đồng hồ,để đón hoặc trả khách. Sông Cần Giuộc từ bên này nhìn sang bên kia sông cũng mút con mắt, xẹt qua bên này rồi lại xẹt trở lại bên kia đón trả khách, nên lâu,  là lâu như vậy đó.

Những năm tháng đó nhớ lại còn khiếp sợ, về quê lạ nhà khó ngủ, nhiều đêm phải ngủ dưới trảng xê, nực nội vì không có gió nên ngột ngạt, rồi thêm cái mùi ẩm mốc nồng nồng  không quen nên rất là khó chịu,nằm trảng xê là để tránh  đạn mọt chê thụt từ Bình Chánh Hay Cần Giuộc xuống. Đạn mọt chê ban đêm bay ngang nhà hú xé gió nghe rợn người. Mình rầu thúi ruột nhưng mấy chú bác thấy cũng bình thường ngồi uống trà với Nội tôi, hồi đó cứ 2-3 giờ sáng là mấy ổng ngồi uống trà, ăn với kẹo đậu phọng,kẹo bánh tráng, bánh tây  hoặc là đường thẻ vàng, nói chuyện đời xưa, vừa nghe tiếng đạn mọc chê,nổ gần hay xa để biết mà né tránh, dượng tư tui nói :

-Nó hú là đạn đi xa, nguy hiểm là khi nào nghe xè xè như tiếng kêu xì võ ruột xe là nó tới bên đít, chui vô trảng xê thiếu điều không kịp.

Nhà nào cũng có trảng xê. Trảng xê được tấn bằng một hai bộ ván gõ xưa, hoặc bằng thân cây dừa, cột nhà. Rồi đắp đất, cát bao quanh như một hầm công sự nhà binh. Cửa miệng hầm được tấn bít lại bằng vài bao chỉ xanh chứa đầy nhóc trấu no tròn, khi tất cả chui vô hầm xong thì vói tay kéo bao trấu bịt kín miệng trảng xê lại, nhiều nhà, như nhà Cô ruột tôi,bị mọt chê nổ trúng bay nguyên một căn nhà,chỉ còn sót lại cái trảng xê chứa nguyên một gia đình gần cả chục mạng, không hề suy suyển, chỉ ù tai tức ngực vì ảnh hưởng tiếng nổ mà thôi. Bom đạn thì né mình, nhưng cũng có gia đình bị rắn hổ cắn tử vong vì không cứu chữa kịp.

Hồi đó trong một lần về quê với Nội, có nghe kể lại việc  một nhà, đầu hôm định chui vô trảng xê ngủ, thì nghe tiếng khè, soi đèn mới phát hiện trong trảng xê có rắn hổ, hết hồn mới ngủ ở ngoài, nhờ vậy mà cả gia đình đều thoát chết, khi khuya hôm đó,đạn mọt chê chui ngay vào miệng hầm trảng xê nổ, con rắn Hổ đêm đó chết thay cho cả gia đình, trong họa có phúc và trong phúc có họa, tất cả đều do ý trời sắp đặt. Muốn sống cũng khó và muốn chết cũng không phải là dễ. Xe cộ có số rõ ràng, thì con người cũng có phần số ẩn khuất phía bên trong nhân mạng là như thế.

Ở quê muốn về về lại Saigon, tầm khoảng 2-3 giờ sáng, là đã thức dậy chuẩn bị, đến khi nào nghe còi tàu hú xa xa, từ miệt chợ Kinh vọng lên, trong đêm khuya thanh vắng, thì bắt đầu dượng tư tôi đốt đuốc sáng rực, để đưa ông cháu tôi ra mé sông cái.  Ban đêm đò máy đốt đèn sáng rực, có cả đèn màu xanh vàng đỏ, giống như như mấy chiếc xe đò Desoto gắn trên nóc mui, khi thấy bóng đò máy, dượng tư tôi cầm đuốc giơ lên cao, có khi là cây đèn bão bằng chai thuỷ tinh 1 lít, cắt đít chụp vô thanh kẻm,quơ lia lịa,đến khi nào đò máy chỉa đèn pha về phía chúng tôi, như ngầm xác nhận là đã biết có khách thì thôi. Nhiều khi đang đi trên đường ra sông cái,trực thăng bay trên đầu, pha đèn xuống sáng rực như ban ngày coi tụi tui có phải là Vi Ci hay không,thì dượng tư trấn an cứ bình tỉnh mà đi,nó soi thì kệ nó, chắc có lẻ nó thấy có tui là con nít, và dưới sông cái, thì tàu đò đèn đuốc mở sáng trưng nên nó bay luôn.

Còi tàu đò làm bằng sừng trâu, theo cách gọi chính xác ở đồng quê, gọi là tiếng tù và, hay Tù Già nó bay theo gió nghe uuuuuu buồn thảm lắm, ghe đổi nước uống cho những xóm nhà cặp theo mé sông ngày trước, cũng dùng loại này để báo cho bà con cần đổi nước biết mà ra đón.

Người Mỹ nhiều khi cũng dễ chịu là vậy đó.Chớ nó mà bắn bừa là thí mộ nội, dân miệt quê mình hết. Dù ngay  thời đó quê tôi bị bắt buộc dời nhà ra ấp chiến lược, và được xem như là vùng oanh kích tự do, bắn hay không là do đạo đức làm người và lương tâm người cầm súng, họ được phép và có toàn quyền sinh sát dù họ là dân mũi lõ mắt xanh.

Đến khoảng năm 1970 thì quê tôi không còn mô tê gì nữa, nên khi đi về quê, thì đi ngã Chợ Trạm, Thủ Bộ rồi lội bộ bằng đồng. Không còn đi đò khuya, lướt sóng.

Đến thập niên 80 thì đò dọc sông quê nhiều nơi đã bắt đầu thoi thóp, vì cặp hai bên bờ sông cái Cần Giuộc đã bắt đầu được đắp đê ngăn mặn, vô hình trung bờ đê đã thành đường lộ đất, dù rằng nắng bụi, mưa lầy. Kế tiếp là những con lộ mới trãi đá ong đỏ, rồi những cây cầy bê tông như Thủ Bộ, Kinh Nước Mặn, Mỹ Lợi hình thành. Đò dọc ngày xưa giờ chỉ còn là quá khứ một thời đối với những người đã từng ăn, từng ngủ vùi trong mệt mõi trên những chuyến đò khuya, hay trưa chờ, trưa trật hồi xa lơ, xa lắc năm nẵm năm nào.

Chuyện làng quê