Những người tự nguyện

Thời kỳ ấy, mỗi khi có việc phải ra thành phố đến các ga tầu, bến xe người ta sợ nhất là lúc đi đại tiện, tiểu tiện ở nhà vệ sinh công cộng.
tu-nguyen-1668221848.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Đêm cuối tháng, trăng hạ tuần mờ ảo. Gà vừa gáy canh ba, đoàn người đang hối hả gồng gánh với những thúng và sọt trên đường về làng, thì bị ba ông phòng thuế đạp xe đạp đuổi theo chặn lại:

- Mấy người đi buôn kia! Đứng lại để chúng tôi kiểm tra.

- Chúng tôi có buôn bán gì đâu, mà các ông đòi kiểm tra.

- Không lằng nhằng, đứng lại hạ gánh xuống để chúng tôi kiểm tra.

- Bà con ơi! Hạ gánh xuống nghỉ giải lao một tí để các anh phòng thuế kiểm tra.

Đoàn người lần lượt hạ gánh xuống rìa đường. Ba ông phòng thuế vai đeo xà cột, tay cầm tập hoá đơn, bút mực nhăm nhăm yêu cầu từng người mở hàng để kiểm tra.

Một bà cao tuổi nhất hiểu chuyện, liền mở lớp giấy ni nông cũ kỹ bọc bên trong một lớp lá chuối khô dưới miệng sọt…mùi xú uế bốc ra nồng nặc. Ba ông phòng thuế vội đưa một tay bịt mũi, tay kia xua đây đẩy:

- Thôi thôi…các bà đi ngay cho chúng tôi nhờ.

Đoàn người lại quẩy gánh lên đường, về đến làng trời vẫn chưa sáng tỏ mặt người.

Đoàn người đi rồi, ba ông phòng thuế bực mình lắm! Ông tổ trưởng bảo với hai nhân viên:

- Chúng mình bị thằng “Báo tin đểu” rồi! Đây là đoàn người đi lấy phân, chứ có buôn bán gì đâu? Đang giáp hạt thế này, bọn con buôn lợi dụng buôn thóc gạo lãi lắm đấy. Thôi mình kiểm tra cho chắc chắn, cho yên tâm các ông ạ.

Đây là câu chuyện có thật dở khóc dở cười, từ thời bao cấp.

Thời kỳ ấy, mỗi khi có việc phải ra thành phố đến các ga tầu, bến xe người ta sợ nhất là lúc đi đại tiện, tiểu tiện ở nhà vệ sinh công cộng. Sợ vì mùi xú uế, sợ vì quá nhiều ruồi nhặng…chất thải phân và nước tiểu lộ thiên. Nhân viên của công ty vệ sinh đô thị có đến dọn dẹp, nhưng không xuể. Vì nhà ga, bến xe là nơi tụ tập rất đông người.

May thay! Hằng đêm đã có những người tự nguyện đến thu dọn thứ chất thải này. Họ là ai? Họ là những người nông dân trồng lúa, trồng cây rau màu…ở các vùng quê ven các đô thị. Hằng ngày vào buổi tối muộn từng đoàn từ năm đến bẩy người gánh thúng, sọt mang theo xẻng, chổi quét. Họ lặng lẽ tìm đến các nhà vệ sinh công cộng ở bến xe, ga tầu, khu tập thể…họ thu dọn chất thải (phân người) cho vào thúng, sọt. Khi thúng, sọt đã đầy thì được che đậy bằng lá chuối khô, sau đó phủ kín lớp ni nông cũ để chống phát mùi xú uế.

Chất thải (phân người) đem về được ủ oai mục thành phân bắc đem bón cây trồng lúa ngô, rau màu…rất tốt và năng suất cao. Thời ấy lân đạm rất hiếm, người nông dân chủ yếu dùng phân chuồng, phân bắc, phân xanh để bón ruộng. Toàn là phân hữu cơ, nên đồng ruộng rất màu mỡ và không bị ô nhiễm, môi trường cũng rất trong lành.

Những người đi lấy phân nói là tự nguyện, bởi vì họ không được ai trả công, đổi lại họ có phân để bón ruộng. Một việc làm tuy nhỏ mà có ý nghĩa, đem lại sự trong lành cho môi trường ở cả thành thị và nông thôn.

Chuyện Làng Quê