Dưới đây là những tác phẩm văn học Việt Nam hay nhất mà ai cũng nên đọc ít nhất 1 lần trong đời.
1. Dế mèn phiêu lưu ký / Tô Hoài – NXB Kim đồng
Tác phẩm miêu tả cuộc phiêu lưu của một chú Dế Mèn qua thế giới loài vật và loài người. Những vấn đề nóng hổi như là: cái thiện và cái ác, chiến tranh và hòa bình, lí tưởng và lẽ sống được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc.
Cậy mình là chàng dế cường tráng, Mèn dương dương tự đắc, cho mình là tay ghê gớm. Trải qua hai bài học đắt giá là cái chết của của dế Choắt và bị bác Xiến Tóc cắt đứt mất hai sợi râu mượt óng mà Mèn mới tỉnh ngộ, hiểu ra thế nào là lòng nhân ái và cái giá phải trả cho sự ngông nghênh của mình. Từ đó Mèn quyết chí đi chu du thiên hạ, chí hướng của Mèn càng được củng cố sau khi chú làm được việc có ích đầu tiên trong đời đó là cứu giúp chị Nhà Trò yếu đuối thoát nạn lũ nhện hung ác. Không những thế chú còn được sự ủng hộ hết lòng của mẹ kính yêu và kết giao được với người bạn tri kỉ là Dế Trũi.
Từ đây cuộc đời Mèn rẽ lối sang một trang hoàn toàn mới mẻ, các em có muốn khám phá tiếp không nào? Mèn đã trải qua những cuộc phiêu lưu vào thế giới các loài vật, vượt qua cơ man nào là rủi ro và biến cố, nhưng từng bước Mèn vươn lên tự điều chỉnh, tự nhận thức để trở thành con người giàu lí tưởng và ham hiểu biết với bản lĩnh kiên cường của một trai tráng đầu đội trời chân đập đất.
Chúng ta sẽ được lạc vào thế giới loài vật gần gũi, thân thương với toàn những con vật gắn chặt với đời sống thôn quê dân dã như: bác Xiến Tóc, Võ sĩ bọ ngựa, Châu Chấu Voi, Ếch Cốm, Chuồn Chuồn.
2. Quê nội / Võ Quảng – NXB Kim đồng
Bối cảnh của tác phẩm ở quê hương của tác giả, làng Hòa Phước, tỉnh Quảng Nam, vào thời điểm sau Cách mạng tháng Tám. Hai nhân vật chính của tác phẩm là Cục, một cậu bé ở Hòa Phước, đứng nhân vật "tôi" trong truyện và Cù Lao, một cậu bé trạc tuổi Cục, ở xa mới theo cha trở lại làng.
Chú Hai Quân, cha của Cù Lao, vốn ở làng. Vì bị cường hào ức hiếp nên Hai Quân bỏ làng, bỏ vợ con ra đi. Sau mấy năm, biết được tin vợ ở quê đã mất, trong một lần ra cù lao Chàm bán thuốc, Hai Quân được giới thiệu cho một cô gái. Chú lấy vợ mới và ở lại quê vợ. Khi Cù Lao lên ba tuổi thì mẹ mất. Khi cậu bé mười hai tuổi thì Tổng khởi nghĩa xảy ra. Chú Hai Quân đưa Cù Lao trở về làng.
Tác phẩm miêu tả cuộc sống ở làng quê thông qua những hoạt động thường ngày của Cục và Cù Lao, như làm cỗ mừng chú Hai Quân trở về, đến thăm nhà ông Bảy Hóa từng làm thầy cúng, nhà bà Hiến, làm các công việc chăn trâu, nuôi tằm... Cục và Cù Lao sau đó được đi học ở lớp thầy Lê Hảo, được dự khán các hoạt động của đội tự vệ làng.
Khi có tin Pháp chiếm Nam Bộ, các hoạt động chuẩn bị kháng chiến được đẩy mạnh như các cán bộ làng đi học các lớp huấn luyện, đội tự vệ tăng cường diễn tập, trường học cũng được xây lại. Cục và Cù Lao được theo thuyền ngược lên nguồn để lấy gỗ làm trường.
3. Đất rừng phương nam / Đoàn Giỏi – NXB Kim đồng
Câu chuyện mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu Đất rừng Phương Nam. Nơi đó, một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.
Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang - Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Bối cảnh trong Đất rừng phương Nam là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài.
4. Chuyện hoa chuyện quả / Phạm Hổ - NXB Kim đồng
“Chuyện hoa chuyện quả” là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Phạm Hổ - tập hợp các truyện ngắn về nguồn gốc các loài hoa loài quả. Giống như những câu chuyện cổ tích, mỗi sự tích trong cuốn sách đều mang thông điệp: tình yêu thương, cái thiện sẽ chiến thắng cái xấu, cái ác.
Tác phẩm được viết theo lối cổ tích hiện đại, ngắn gọn, súc tích và rất dễ thương. Bằng một giọng văn nhỏ nhẹ, giản dị, tập sách gồm gần 100 câu chuyện lần lượt giải thích tại sao quả bưởi lại có con tôm, con tép trong múi, tại sao lại gọi là nhãn lồng, tại sao lại có hoa huệ, hoa xấu hổ… Mỗi loài cây đều có một câu chuyện riêng mà Phạm Hổ, bằng sự nhạy cảm đặc biệt với thiên nhiên và tình yêu dành cho trẻ nhỏ, đã nghe thấy và kể lại.
Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ: “Ta bỗng gặp một chân trời hứa hẹn vừa mênh mông, vừa gần gũi, vừa mới lạ, vừa quen, mỗi bước khiến ta lại ngạc nhiên. Dường như tác giả Chuyện hoa chuyện quả đang muốn đưa ra một lý thuyết khác về nguồn gốc muôn loài”.
5. Búp sen xanh / Sơn Tùng – NXB Kim đồng
Thực ra có thể xếp “Búp Sen Xanh” vào nhóm tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi và là tác phẩm nổi tiếng nhất viết về chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt thời thơ ấu cho đến khi rời Việt Nam sang Pháp.
“Búp Sen Xanh” là nơi tiểu thuyết và lịch sử đã gặp nhau và hoạ nên một giai đoạn trong cuộc đời người Cha già của dân tộc Việt Nam. Nơi ấy, có quê nhà xứ Nghệ, có làng Sen, có khung dệt của mẹ, có lời dạy của cha, có những người bạn và những kỷ niệm ấu thơ. Nơi ấy có xứ Huế mà trong cuộc sống nghèo khổ có trăn trở tuổi trẻ, về con người, về vận mệnh dân tộc, có mất mát và đau thương...
“Búp Sen Xanh” vượt ra ngoài những giới hạn của một tác phẩm thiếu nhi, có thể làm bất kỳ ai rung động đến rơi nước mắt trong đêm chia ly, khi người con từ biệt cha ra đi để tìm một con đường cho chính mình và cho dân tộc. Một phần cuộc đời, trọn vẹn lý tưởng và dấn thân... Búp Sen Xanh không chỉ là câu chuyện về lãnh tụ mà còn là câu chuyện để làm người.
6. Tuổi thơ dữ dội / Phùng Quán – NXB Văn học
Nhắc đến Phùng Quán, người ta sẽ nhớ ngay tới một cây bút lạ kỳ trong nền văn học Việt Nam với một tác phẩm thiếu nhi vô cùng chân thực và xúc động về một thế hệ trẻ anh hùng:
Tuổi thơ dữ dội - cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Những Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen, Bồng da rắn, Vịnh sưa, Tư dát... mỗi người một hoàn cảnh song đều chung quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước, đã tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Đúng như tên truyện, độc giả sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư, thấy sự can trường, dũng cảm phi thường của nhân vật. Tất cả những ai đã từng đọc tác phẩm này hầu như đều không ngăn được xúc động và những giọt nước mắt cảm thương, cảm phục. Đây thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học Việt Nam. Một câu chuyện khơi dậy trong mỗi người tình yêu đất nước và niềm trân trọng ký ức tuổi thơ...
Các đánh giá về tác phẩm: "... Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó. Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những Tuổi thơ sắp ra đời..." - Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
7. Kính vạn hoa / Nguyễn Nhật Ánh – NXB Kim đồng
“Kính Vạn Hoa” là tác phẩm công phu nhất trong sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được trẻ em Việt Nam nhiều thế hệ yêu thích và đón nhận nồng nhiệt. Những câu chuyện thú vị xoay quanh cuộc sống của nhóm bạn Tiểu Long, Quý Ròm, Nhỏ Hạnh… cùng những chuyến phiêu lưu kì thú, bất ngờ, kì lạ… đã đưa các em bước vào một thế giới “cổ tích hiện đại”, có thực và tràn ngập ánh sáng yêu thương. Bộ sách đã thể hiện tình yêu, trách nhiệm và tâm huyết của tác giả đối với thế hệ trẻ. Nguyễn Nhật Ánh đã “thâm nhập” vào thế giới tâm hồn của tuổi thơ để hiểu và đồng cảm với những cảm xúc, suy tư của các em trước cuộc sống. “Kính Vạn Hoa” đã thực sự phản ánh toàn diện, đề cập tới tất cả các khía cạnh trong đời sống tâm hồn của trẻ em và đặc biệt là trách nhiệm xã hội của nhà văn đối với việc hoàn thiện nhân cách của các em.
Bộ truyện có sức sống nội tại lâu bền và sẽ mãi là món quà tinh thần quý giá mà Nguyễn Nhật Ánh - “Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ” muốn gửi tặng trẻ nhỏ.
Phiên bản bộ dày 09 cuốn tập hợp đầy đủ nhất những câu chuyện thú vị có trong “Kính Vạn Hoa”. Với hình thức tuyệt đẹp, bộ sách có giá trị sưu tầm cao dành cho bạn đọc mọi lứa tuổi.
8. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ / Nguyễn Ngọc Thuần – NXB Trẻ
Tập sách hay, dễ thương, và còn nhiều mỹ từ khác nữa xứng đáng được dành cho nó. Hãy tìm đọc nội dung thay vì đọc trước phần giới thiệu sách này viết gì…. Như thế, bạn sẽ càng thích thú hơn với “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ”.
"Truyện về một thế giới của cả trẻ con lẫn người lớn, được kể lại trong giọng kể của một cậu bé 10 tuổi. Và con mắt của cậu bé ở đây cũng như thể một tấm gương, có độ trong đặc biệt, làm người lớn đọc vào mà cảm động và... buồn, vì gương của mình đã đục bớt." - Nhà văn Phan Thị Vàng Anh.
"Nghĩ ngợi loay hoay, nhân đọc cuốn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Ðọc xong ngẩn ngơ lâu lâu. Văn phong đẹp, trong vắt. Người đọc soi vào đấy, thấy cả những ao ước tuổi thơ mình. Ðúng giọng đúng kiểu trẻ con, không phải giả vờ ngọng nghịu như phần lớn người viết truyện thiếu nhi dễ mắc. Nhưng cũng không tự nhiên chủ nghĩa ú ớ trẻ con mãi. Sau khi đã tạo dựng được một thế giới trẻ con đáng tin cậy, tác giả khéo lồng vào đó chất lãng mạn tuyệt vời khiến những ai từng là trẻ con đều phải bâng khuâng." - Nhà văn Hồ Anh Thái.
"Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” đã thật sự là một cú đúp ngoạn mục về văn chương: Mỗi truyện ngắn nho nhỏ trong đó đã là một truyện tặng cho bạn đọc trẻ thơ, lại vừa là một truyện dành cho người lớn. Bởi chúng nhiều tầng nghĩa, giàu chất thơ, và có lẽ, bởi cả tác phẩm chính là kết quả cái nhìn độc đáo của một chủ thể thi sĩ viết văn xuôi, với động thái đắm đuối nhị nguyên rất mới lạ: vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ... nhìn ra thế giới. Và chỉ để phát hiện ra rằng ''thế giới'' chính là tất cả những gì thân thuộc, thân mến nhất ngay ở trước mắt: khu vườn nhỏ cạnh cửa sổ nhà mình, cuộc sống hàng ngày êm đêm của cha mẹ, bạn bè, cô giáo, hàng xóm láng giềng kế bên, và... thật thú vị, ở ngay trong trái tim của chính mình, khiến mình phải viết... ra giấy, cho chính mình trước hết." - TS Nguyễn Thị Minh Thái.
9. Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công / Vũ Tú Nam – NXB Kim đồng
“Tôi thường chú ý và tin vào những điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Tôi quý sự trung thực và lòng nhân hậu. Nhất là sự trung thực và lòng nhân hậu trong mỗi sáng tác dành cho trẻ thơ.” Đó là lời tâm sự của nhà văn Vũ Tú Nam khi nói về việc viết văn cho trẻ em. Và điều này thật đúng với mỗi tác phẩm mà ông viết ra. "Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công" là tác phẩm ghi lại hành trình phiêu lưu của một chú Ngan với đủ cả chuyện vui, chuyện buồn trên những chặng đường mà chú đi qua. Góc nhìn của một người kể chuyện giàu kinh nghiệm sống và có khiếu hài hước như Vũ Tú Nam đã làm nên một tác phẩm dí dỏm mà cũng không kém phần sâu sắc, giàu chất nhân văn. Qua câu chuyện của Văn Ngan tướng công, các bạn đọc hẳn sẽ cũng rút ra được những điều quý giá cho bản thân mình trên bước đường trưởng thành.
Lần đầu tiên truyện được họa sĩ Trần Minh Tâm đầu tư thời gian và công sức để vẽ nhiều minh họa màu sinh động và đẹp mắt. Các tranh minh họa lột tả được một cách chi tiết các sự kiện nổi bật trong truyện, cũng theo cách nhìn hài hước mà đậm chất nhân văn.
10. Truyện nỏ thần / Tô Hoài – NXB Kim đồng
Bút pháp hiện thực đòi hỏi trước hết là sự chân thật của các chi tiết. Sự chân thật này, đối với tiểu thuyết lịch sử, cần phải xem xét ở nhiều bình diện, trước hết là cách nhìn là cách cảm nhận của tác giả và bạn đọc hôm nay. Đây vốn là mặt mạnh của ngòi bút Tô Hoài. Chuyện nỏ thần chứa đầy những phong cảnh, tập tục, cách làm ăn sinh sống của người Âu Lạc. Từ cảnh làng mạc, bờ bãi, sông nước… đến cảnh núi rừng hoàng sơ, từ những buổi săn voi, tập võ, đến những ngày hội hè đình đám; từ không khí tấp nập lao động xây thành đào hào đến không khí trang nghiêm cẩn mật khi rót đồng vào khuôn, khi đốt trầm rửa nỏ…
Đối với Vua Thục, cái kết cục này bi thảm hơn truyền thuyết. Đây không phải chỉ là tính chân thật của chi tiết mà đằng sau đó và có tính quyết định hơn là mối quan hệ hiện thực về tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình. Nhân vật chính của truyền thuyết là Mỵ Châu – Trọng Thủy. Những hình tượng nghệ thuật tuyệt vời: lông ngỗng, ngọc trai, giếng nước, chứa đựng những suy tưởng, những cảm nghĩ của nhân dân về đời về khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người và những hạn chế cay nghiệt của lịch sử. Hẳn tác giả có thừa nhạy bén để bắt gặp nhưng cảm hứng này nhưng trung thành với hiện thực lịch sử và thể hiện trách nhiệm của nhà văn trước những vấn đề chủ yếu của cuộc sống, anh đã chuyển vào một hướng khác: đấy là cuộc đấu tranh lâu dài trong nội bộ dân tộc, trong mỗi con người về cái hay, cái dở, cái phải, cái trái. Anh dồn bút lực miêu tả hai nhân vật điển hình: Cao Lỗ và Thục Phán.
Truyền thuyết kể vua Thục mất nước vì mất nỏ thần. Tô Hoài vẫn giữ nguyên tình tiết đó (Sao lại tước đi một hình tượng nghệ thuật giàu ý nghĩa và đã in đậm trong lòng người). Nhưng qua việc miêu tả mối quan hệ Cao Lỗ và Thục Phán, bạn đọc hình dung được một cách sâu sắc cái gì ẩn náu đằng sau huyền thoại nỏ thần. Ấy là cuộc đấu tranh cho lẽ phải, cho độc lập, tự do và phẩm giá con người. Tôi thấy thú vị khi bắt gặp hình ảnh vua Thục khi đã nhiều tuổi vẫn là một lực sĩ, một đô vật trên tài các lạc tướng, ngang sức với tướng tài Cao Lỗ. Con người là thế, cái sức lực cường tráng không thể cứu nổi sự suy sụp về tinh thần, suy sụp chỉ vì say mê chiến thắng, say mê bản thân!
11. Dòng sông thơ ấu / Nguyễn Quang Sáng – NXB Kim đồng
Chiếc xe đò từ Sài Gòn về làng, cuốn theo bụi cát của con đường dài hàng trăm cây số, dừng lại trước cửa nhà cha tôi. Xe dừng nhưng máy vẫn nổ, anh lái xe vừa bóp kèn, vừa vỗ cả cửa xe, ló cái đầu ra cửa, kêu lớn: Chú hai ơi! Thằng Năm con của chú còn sống, về tới Sài Gòn rồi. Không đợi cha tôi bước ra, anh cứ hét vọng vào nhà. Khi cha tôi, một ông già hơn bảy mươi, ốm yếu, từ trong nhà bước ra, chưa thấy mặt anh thì xe đã chuyển bánh chạy rồi. - Nó nói cái gì vậy bây? Chạy ra bến xe hỏi lại nó coi!
Chúng tôi sống giữa lòng dân, êm ấm. Chúng tôi chỉ có mỗi một ước mơ: Diệt thù và hy sinh cho Tổ quốc. Cuộc đời Vệ quốc đoàn của tôi thật ngắn ngủi nhưng biết bao kỷ niệm, đủ cho tôi hiểu biết tình người, và cũng đủ để cho tôi hiểu biết lòng nham hiểm và ác độc của kẻ thù. Từ đó, từng bước, với cuộc đời, tôi lớn lên với thời gian.'
“Dòng sông thơ ấu” là bức tranh quê hương những ngày khói lửa của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Đó không chỉ là dòng sông Tiền xanh thẳm chảy qua ngôi làng bình dị nơi quê hương Tiền Giang của ông. Đó còn là dòng sông kí ức, đã chảy qua hai cuộc kháng chiến mà vẫn tràn trề sức sống, chảy qua bao phận người, bao câu chuyện, bao kỉ niệm đẹp đẽ lẫn bi thương trong cuộc đời nhà văn.
12. Nàng công chúa biển / Trần Hoài Dương – NXB Kim đồng
“Nàng công chúa biển” của Trần Hoài Dương là một câu chuyện dài viết dưới dạng cổ tích hiện đại. Có một ngư lão bị mụ phù thủy biển độc ác, nham hiểm biến thành một con quỷ biển hung tợn. Trái tim ấm mềm biết thổn thức, biết day dứt yêu thương của lão chỉ hồi sinh khi có ai đó hết lòng yêu thương lão. Hằng năm, cứ vào dịp cuối xuân, dân chài ở đây phải cống nạp một đứa bé đẹp nhất cho quỷ biển. Năm nọ, con quỷ biển nghe đồn về một bé gái năm tuổi đẹp như thiên thần. Từ ngày sinh ra, cô bé như là một Phúc Thần, đem lại rất nhiều may mắn, không chỉ cho riêng gia đình bé nhỏ của nó mà còn cho tất cả bà con chòm xóm. Con quỷ biển bắt dân chài phải nộp cho hắn đứa trẻ khác thường ấy. Vậy là số mệnh của cô bé coi như đã được định đoạt! Biết hung tin ấy, con Én biết nói đã đi cầu cứu vị đạo sĩ già và được ông ban cho một bí quyết giúp kéo dài cuộc sống của cô bé trong một khoảng thời gian không dài. Bí quyết ấy là gì? Liệu nó có phát huy tác dụng? Liệu tâm hồn trong veo, suy nghĩ trẻ thơ, tấm lòng bao dung vô bờ của cô bé có đủ sức cảm hóa con quỷ biển tàn ác, giúp hắn trở lại làm lão già hiền lành ngày xưa? Hãy đọc đi, các bạn sẽ rõ!
Trong sách này, ngoài Nàng công chúa biển, còn 6 truyện ngắn khác: Một ngày kỳ lạ, Kho báu của nàng tiên Út, Hương bay xa ngàn dặm, Ước gì cháu được về hưu, Em muốn được là chính mình, Những đóa hồng bạch dâng tặng Andersen.
Đây là tác phẩm nhà văn Trần Hoài Dương ưng ý nhất từ trước tới nay trong cuộc đời sáng tác cho thiếu nhi của ông. Ông tâm sự: “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ. Tôi cũng hy vọng những trang viết của tôi dành cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn có những giây phút sống yên bình trong thế giới trắng trong của cái Đẹp và cái Thiện”.
13. Cỏ dại / Tô Hoài – NXB Văn học
Cuộc sống của Cu Bưởi gắn liền với gia đình nhà ngoại trong ngôi nhà gạch cũ ở vùng Nghĩa Đô gần Kẻ Chợ. Sống cùng những người lớn luôn đầu tắt mặt tối với những lo toan mưu sinh hằng ngày, cậu bé không có ai quan tâm, bầu bạn nên chỉ biết tha thẩn trong nhà, ngoài vườn, chơi với ếch nhái, cây cỏ… Những kỉ niệm lúc nhạt mờ lúc sâu đậm về thầy u, những bỡ ngỡ giữa phố thị đông người và cả những tủi hờn trong những ngày ra phố sống nhờ, ở đậu với niềm mong mỏi ngày mẹ đón về cứ man mác buồn theo từng trang viết.
Không chỉ là câu chuyện của một người, với Cỏ Dại tác giả đã vẽ nên một bức tranh sống động của những ngày xưa cũ từ nhiều cảnh đời, nhiều tính cách, số phận con người khác nhau. Với giọng văn mộc mạc, tự nhiên, câu chuyện buồn của những cuộc đời cũ thỉnh thoảng vẫn “lóe lên những nét sống vui ngộ, tinh nghịch, do được nhìn qua con mắt trẻ thơ”. Cỏ dại giúp ta hiểu một cách sinh động những gì đã tạo nên tâm hồn cũng như những nét đặc sắc trong phong cách Tô Hoài.
Trên toàn bộ bức tranh Cỏ Dại, không đâu không thấm một nỗi buồn. Buồn vì những xa cách, chia phôi và vắng thiếu tình người. Buồn vì một cái gì như đang tàn dẩn và sắp tắt... Một mảng sống u buồn, với cái buồn từ chính bản thân nó toát ra một cách tự nhiên, chứ không cố ý. Trong u buồn thỉnh thoảng vẫn thấy lóe lên những nét sống vui ngộ, tinh nghịch, do được nhìn qua con mắt trẻ thơ, và như là sự thăng bằng trở lại giữa hai vế: vui - buồn, hài - bi, ngộ nghĩnh - nghiêm trang, có thế mới là diện mạo đích thực, là sự tồn tại đích thực của cuộc đời, theo cảm quan nghệ thuật độc đáo ở Tô Hoài.
Ở Cỏ Dại hết chuyện cậu bé chốc đầu được ông ngoại lấy nước điếu chữa ra sao, lại chuyện từ nhà quê lên phố chờ đi học, sống ít ngày không đâu vào đâu, rồi ngơ ngẩn vẫn hoàn ngơ ngẩn. Trước mắt chúng ta là một cuốn phim quay chậm ghi lại chuỗi ngày tầm thường nhạt nhẽo của một đứa bé tinh quái, lêu lổng. Phải một ngòi bút tự tin lắm mới dám đưa những chuyện đó lên mặt giấy. Nhất là đưa ra sao khiến khi đọc, người ta có thể cảm động đến ứa nước mắt thì chỉ Tô Hoài, Nguyên Hồng mới làm nổi.
14. Sống nhờ / Mạnh Phú Tư – NXB Kim đồng
Nhân vật chính trong tự truyện Sống nhờ (1942) là Dần gọi thế bởi cậu sinh vào giờ Dần. Dần sống ở nông thôn, một làng quê tỉnh Hải Dương; mồ côi cha từ lúc chưa sinh, lên sáu tuổi mẹ đi lấy chồng. từ ấy, Dần sống với bà nội và với các cô chú bên nội: rồi lại chuyển sang bên ngoại, với ông bà và các cậu, dì. Một thế giới họ hàng gồm cả hai bên nội ngoại thật là đông đúc, nhưng Dẫn vẫn rất thiếu tình thương. Chỉ vài ba tình cảm hiếm hoi của một người cô, một người mợ và hai phía ông – bà không thể làm ấm lên được bao nhiêu bầu không khí lạnh lẽo bao lấy một đứa trẻ mồ côi. Giữa những mắng mỏ, hắt hủi, đánh đạp. Dần chỉ còn tìm được nguồn an ủi và chỗ dựa là bà nội – người cho đến tuổi già còm cõi, gần đất xa trời vẫn còn góp nhặt từng đồng cho Dần đi học, và cố đỡ vực cho một đại gia đình trong suy sụp vì những đứa con phá tán cơ nghiệp bởi cờ bạc và rượu chè.
“Sống nhờ” trong thế giới người thân, bị đun đẩy qua lại giữa hai bên nội ngoại, Dần từ nhỏ đã quen cảnh sống vất vưởng, lang thang. Lớn lên một chút, Dẫn cũng được đi học, cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ, trước là ở trong làng, sau được gửi lên tỉnh. Nhưng thói quen lêu lổng và nỗi nhớ nhà khiến Dần chẳng thể nào chí thú trong việc kiếm chữ. Sao nhãng việc học, Dần tìm đến những đam mê của một tuổi trẻ cô đơn, buồn tẻ. Và, đến lúc mấp mé tuổi lớn, trong cảnh sa sút của gia đình và bao người thân lần lượt ra đi, Dần mới chợt giật mình thấy phải nuôi dần cái chí tự lập để thoát ra khỏi thân phận “sống nhờ”.
Trên mạch hồi ức của đứa trẻ từ tuổi lên sáu xa mẹ đến tuổi mười lăm chuẩn bị bước vào đời, luôn luôn in bóng hình ảnh người mẹ trong quyến luyến và cách xa.
Đọc Sống nhờ để hiểu một tuổi thơ xót xa buồn khổ trong xã hội cũ. Xót xa không phải chỉ do tình cảnh mồ côi cha và mẹ đi lấy chồng. Mà vì cả một bối cảnh xã hội, do sự mưu sinh vất vả và sự mờ mịt của tương lai mà rất vắng thiếu tình yêu. Và để thấy, việc thay đổi trạng huống bơ vơ, buồn khổ, để cho mọi tuổi thơ được sống đầm ấm, êm vui dẫu có Cách mạng tháng Tám vĩ đại, vẫn không dễ chút nào.
15. Tập thơ “Góc sân và khoảng trời” / Trần Đăng Khoa – NXB Mỹ thuật
Một nửa thế kỷ đã trôi qua, thế giới trẻ thơ của Trần Đăng Khoa với cánh diều chao lượn, với cây đa mái đình cùng góc sân với bao trò tinh nghịch, hồn nhiên đã chinh phục không biết bao nhiêu thế hệ độc giả trong và ngoài nước. Để tiếp nối khoảng trời tươi đẹp từ góc sân nhỏ với bao cảm xúc tuyệt vời ấy, Huy Hoàng Bookstore trân trọng mang tới cho bạn đọc một chương trình sách đặc biệt ấn bản mới nhất của tập thơ Góc sân và khoảng trời qua một lăng kính cực kỳ mới lạ, lần đầu có mặt ở Việt Nam, đó là bộ sách tranh gồm 5 cuốn với những bức tranh minh họa đặc sắc.
Góp phần tạo nên hình hài cho bộ sách này là những họa sĩ thế hệ 9X, với tuổi đời con rất trẻ. Trong số họ, có những người đã là họa sĩ có tiếng đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế nhưng cũng có người chỉ mới bước vào nghề. Họ đến từ nhiều miền đất khác nhau trên dải đất hình chữ S, mỗi người một lăng kính, một góc nhìn, một thế giới quan… khác biệt, nhưng tất cả đều bị chinh phục và được truyền cảm hứng từ những vần thơ êm ái thấm đậm tình yêu thương với quê hương đất nước của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, để từ đó vẽ nên bức tranh minh họa thật sống động và lãng mạn…
Trong dự án này tập thơ Góc sân và khoảng trời được chia thành 5 cuốn với những chủ đề riêng:
- Con bướm vàng: là thế giới loài vật trong trẻo đầy màu sắc, nơi con trâu đen, con chích chòe cứ mãi thân thương
- Hạt gạo làng ta: là những ngày thôn xóm vào mùa, thoang thoảng đâu đây là hạt lúa mới còn thơm ngát hương trời, là cuộc sống thôn quê dẫu đâu đó có khó khăn nhưng vẫn đầm ấm, yên vui
- Khi mẹ vắng nhà: là những yêu thương, những tri ân tới ông bà, cha mẹ, anh, chị em, tới những người thầy những người bạn thân thiết chốn làng quê
- Mang biển về quê: là tấm vé thông hành đưa bạn đặt chân lên chuyến tàu đi khắp mợi miền Tổ quốc
- Trăng sáng sân nhà em: là góc sân tuổi thơ với vòm trời rộng lớn màu trứng sáo, nơi hoa khế vẫn âm thầm rơi như mưa sao, nơi những xào xạc vẫn tươi vui đón gió.
16. Miền xanh thẳm / Trần Hoài Dương – NXB Kim đồng
Miền kí ức thẳm xa vời vợi của nhà văn về thời thơ ấu. Với một giọng văn giàu cảm xúc và chất thơ "Miền xanh thẳm" đã được tác giả "Chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang, bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em". Một phần đời của cậu bé Thiện, với những người bạn học thân thiết của mình ở vùng quê Bắc Giang cổ tích mãi mãi là một khúc ca đẹp đẽ trong những khúc ca tuyệt vời.
“Miền xanh thẳm” kể lại một cách trung thực, giải dị những năm tháng tuổi nhỏ của nhà văn, đặc biệt là quãng đời học sinh cấp 2, khi đất nước vừa mới giành được hòa bình sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Do hoàn cảnh hết sức quẫn bách của gia đình, cậu bé Thiện (mà sau này là nhà văn Trần Hoài Dương) ngay từ những ngày mới mười hai, mười ba tuổi đã phải xa nhà, sống một cuộc sống tự lập để có thể tiếp tục theo học tại một ngôi trường ở thị xã Bắc Giang. Tại đây, cậu bé Thiện mặc dù ngày ngày phải vừa làm vừa học hết sức cơ cực về thể xác, nhưng bù lại, cậu đã thực sự có được một môi trường tình bạn, tình thầy trò vô cùng trong sáng, thiêng liêng và cao quý. Cái nhóm học trò nghèo. Nhu, hoàng, bảo, Thiện tuy chênh lệch lứa tuổi chút ít, mỗi người học một lớp khác nhau (ngoại trừ Bảo và Thiện cùng lớp) nhưng họ thực sự thương yêu, đùm bọc, chăm chút lẫn nhau như một gia đình ấm êm và thuận hòa. Học đã cùng nhau chung sức làm đủ nghề để kiếm sống, để có tiền theo học tới cùng; kể từ việc phụ bếp, phụ hồ đến vận chuyển gạch ngói, tre nứa, xi măng cho tư nhân hoặc cho các công trường xây dựng, ngày đất nước mới hòa bình.
Đọc “Miền xanh thẳm” của nhà văn Trần Hoài Dương, tự nhiên tâm hồn và mọi cung bậc tình cảm trong ta như được thanh lọc, như được gạn chắt, để giữ lại những gì là cao quý nhất, thiêng liêng và trong trẻo nhất.
17.Những ngày thơ ấu / Nguyên Hồng – NXB Văn học
“Những ngày thơ ấu” (1941) là chuyện của chính tuổi thơ Nguyên Hồng - được viết dưới dạng hồi ký của nhân vật xưng tôi, có tên Hồng. Một tuổi thơ rất thiếu tình thương. Bố mẹ Hồng lấy nhau mà không yêu nhau. Bố là quản đề lao, sa vào nghiện hút rồi chết sớm. Mẹ buôn bán chạy chợ, tỉnh này qua tỉnh khác, quanh năm không mấy khi về nhà. Không yêu chồng, đi theo những mối tình khác, mẹ trở nên xa lạ với gia đình chồng. Bên một ông bố khắc nghiệt và luôn xa mẹ, Hồng phải cam chịu cảnh sống nhờ với bà nội và hai người cô rất ít tình thương cháu.
Những ngày thơ ấu gồm 9 chương thu gọn một cảnh ngộ; và mỗi cảnh ngộ cũng như là sự thu nhỏ gương mặt xã hội. Sau mỗi chương là sự tăng cấp những khó khăn và tàn lụi của gia đình, Và theo sự tàn lụi đó, những hư hỏng và thử thách đối với cậu bé cũng tăng lên. Kết thúc hồi ký một bất công, một oan khuất không thể giải tỏa khi Hồng bị thầy giáo dùng nhục hình để phạt vì một sự nghe nhầm. Cậu bị quỳ ở góc tường mỗi khi đến lớp, đã suốt 5 ngày, và còn phải chịu quỳ tiếp… 60 ngày nữa, theo lời đe của thầy. Kết thúc chương 9 có tên Một bước ngắn, và cũng là kết thúc Những ngày thơ ấu, đó là cảnh Hồng nằm trên bãi cỏ sân trường nhìn lên bầu trời, nghĩ đến hình phạt đang chờ đợi mình mà kinh rợn: “Tôi vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường”.
“Những ngày thơ ấu” đó là hồi ký có mang chất tự truyện được viết trong khoảng lùi thời gian trên 10 năm. Chân thực, chân thực đến cùng trong tự kể về mình, đó là giá trị sớm có trong văn Nguyên Hồng, khiến cho Thạch Lam, trong lời tựa sách in năm 1941 đã có thể viết: “Đây là sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại”.
18. Bầu trời trong quả trứng / Xuân Quỳnh – NXB Kim đồng
Câu chuyện giản dị của một chú gà con đã đi vào thơ - những vần thơ trong sáng, thơ ngây như con trẻ. Phải rất tinh tế, rất yêu trẻ con, yêu thiên nhiên mới viết được những câu thơ đáng yêu như thế.
“Bầu trời trong quả trứng” cũng là nhan đề của tập thơ cùng tên của cố thi sĩ Xuân Quỳnh. Tập thơ này đã được NXB Kim Đồng tái bản nhiều lần và được các em nhỏ rất yêu thích. Những câu thơ ngộ nghĩnh, hồn nhiên như chỉ để dành cho trẻ con nhưng ngụ vào đó triết lý sâu sắc của sự sống, thứ triết lý mà bạn đọc ở mọi lứa tuổi đều có thể cảm nhận theo cách riêng của mình. Với người lớn - đặc biệt là những bà mẹ trẻ đang dõi theo những bước đi của con mình, có thể tìm thấy ở thơ Xuân Quỳnh một người bạn sẻ chia, tâm sự.
Lấy trẻ em làm nhân vật trung tâm, tập thơ Bầu trời trong quả trứng là sự khám phá thú vị về thế giới thần tiên của tuổi thơ. Đặt mình vào thế giới đó, trong Truyện cổ tích về loài người Xuân Quỳnh lý giải về nguồn gốc sự sống, trong đó trẻ con ra đời đầu tiên trên thế gian, kế đó mới là ông bà, cha mẹ, sông, núi, biển, trời.
Lời ru của mẹ, chuyện kể của bà - những ký ức đẹp về tuổi thơ của mỗi người đi vào thơ Xuân Quỳnh giản dị mà sâu sắc. Viết văn, làm thơ trong những năm đất nước còn chiến tranh, nên thơ của Xuân Quỳnh dù viết cho trẻ con, hay viết tặng con mình luôn chứa đựng trong đó những lo toan của người mẹ.
Không chỉ có thơ, những truyện ngắn viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh đầy ắp một tình yêu đặc biệt dành cho con trẻ. Những sáng tác ấy đã nhẹ nhàng gieo vào tâm hồn tuổi thơ sống biết yêu thương, vị tha và cao thượng. Không chỉ dành riêng cho trẻ em, những bà mẹ trẻ đọc thơ Xuân Quỳnh ít nhiều cũng tìm thấy bóng dáng mình trong đó.
19. Chân trời cũ / Hồ Dzếch – NXB Hội nhà văn
Cứ gì phải chung sống dưới một mái nhà, chia uống một ngụm nước, cùng ngắm một dòng sông, người ta mới yêu được nhau? Tình yêu, nếu thực là tình yêu, thì không có quê hương, cố quận, bởi nó toả ra từ một tấm lòng nghệ sĩ mênh mông, tự nó đã có sức hun nấu, và thâu suốt qua, và bao trùm lấy tất cả những gì đáng được thờ kính thiêng liêng.
Tôi yêu chị đỏ Đương của tôi, và nhiều chị đỏ Đương khác, vì tôi yêu vô cùng cái dải đất cần lao này, cái dải đất thoát được ra ngoài sự lọc lừa, phản trắc, cái dải đất chỉ bị bạc đãi mà không bạc đãi ai bao giờ.
20. Côi cút giữa cảnh đời / Ma Văn Kháng – NXB Hội nhà văn
“Thật tình tôi không hiểu đời mình sẽ ra sao, nếu như cách đây mười năm, khi tôi lên năm tuổi, tôi không có bà nội tôi” Tác giả mở đầu câu chuyện như vậy. Nhân vật người kể chuyện là cậu bé tên Duy - xưng “tôi”. Khi tôi năm tuổi, bố đã đi bộ đội lâu rồi, biền biệt không tin tức. Mẹ ở nhà, một buổi chiều kia bỏ bà cháu đi theo một ông lái xe tải. Chủ tịch phường lộng hành, chiếm gần hết đất hai bà cháu ở (chỉ để lại cho họ vỏn vẹn 6m vuông). Tôi đi học, quần áo xuyền xoàng, bị bọn bạn con nhà giàu, quyền chức bắt nạt. Ở nhà hai bà cháu sống trong nghèo khổ cùng với sự áp bức của chính quyền mà đại diện là chủ tịch Luông… Nhưng tai họa không chỉ có thế. Một ngày cô ruột tôi làm công nhân nông trường về giao cho bà nội đứa bé gái đỏ hỏn chưa đầy tuần tuổi rồi bỏ đi. Nghèo đói trở thành quẫn bách. Hàng ngày bà phải bế cái Thảm (tên em do bà đặt, không được cấp giấy khai sinh) ra đón đường những người đi chợ để xin bú nhờ… Chú Dũng là công nhân địa chất, đi bộ đội đặc công trở về để chuẩn bị vào đại học, phản ứng quyết liệt với những bất công ngang trái ở địa phương, bị bắt vào tù… Cuối truyện cũng là mô típ đoàn tụ, có hậu nhưng âm hưởng toàn truyện như một tiếng thở dài não nuột. Cuộc sống còn ngổn ngang quá! Còn nhiều thân phận xứng đáng được hưởng hạnh phúc lại bị đọa đày, vùi dập quá! Nhưng họ vẫn tồn tại và phát triển bởi “sự sống chẳng bao giờ chán nản”, bởi trên đời này còn rất nhiều người tốt sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ họ khi họ gặp hoạn nạn. Đó là các cụ trong tổ hưu trí, là cô Đại Bàng, cô Quyên, là những nhân vật vô danh “thảo dân” trong truyện. Trên hết là hình tượng người bà lung linh tỏa sáng.
21. Mái trường thân yêu / Lê Khắc Hoan – NXB Tổng hợp TP.HCM
“Mái trường thân yêu” là câu chuyện có thật kể về cậu học sinh tên Việt, vốn là một học sinh thị xã chuyển về trường huyện Lâm Thao. Do điều kiện gia đình, Việt phải ở cùng bà nội và bắt đầu làm quen với thầy cô, các bạn và môi trường học tập mới.
Việt vốn là một học sinh học giỏi, nhất là môn toán. Nhưng với môi trường mới, Việt chưa hòa nhập được, từ đó xảy ra biết bao chuyện bi hài trong năm học ấy. Cũng từ đấy, Việt cùng các nhân vật và các người bạn khác như cô giáo Mùi, Chiến, Mạnh, San, Loan, Quế…đã tạo nên một câu chuyện sinh động, chân thật và cảm động về một ngôi trường cấp hai miền Bắc trong thời chiến tranh bom đạn khó khăn.
“Mái trường thân yêu”được xuất bản chính thức 11 lần, và đạt giải thưởng Sách hay năm 2011. Điều đó cho thấy, sức hấp dẫn của “Mái trường thân yêu”chưa bao giờ hạ nhiệt, dù giáo dục đã phát triển và thay đổi rất nhiều so với nền giáo dục ở ngôi trường Việt đã theo học. Trong lần tái bản lần thứ 11 được tác giả gửi gắm, First News – Trí Việt gửi đến bạn đọc một phiên bản hoàn toàn mới của “Mái trường thân yêu”. Với phiên bản này, không chỉ mang lại cho các độc giả lớn tuổi một kỷ niệm không thể phai nhạt về một thời học sinh đặc biệt gắn liền với giai đoạn lịch sử mà còn mang đến cho các bạn trẻ một “mái trường” đặc biệt, dù không giống như ngôi trường các bạn đang theo học, nhưng vẫn rất gần gũi với những câu chuyện học trò thú vị, đáng yêu.
22. Thầy lang hai mặt / Nhiều tác giả - NXB Kim đồng
Tập truyện ngắn “Thầy lang hai mặt” là tập sách tập hợp 9 truyện ngắn được giải thưởng của cuộc thi. Đó là các truyện của các tác giả Nguyễn Thị Bích Nga (Giải Nhất), Thu Trân và Lục Mạnh Cường (Giải Nhì), Anh Đào (Giải Ba), Nguyễn Thu Hằng, Lương Sĩ Cầm và Võ Thị Hà (Giải Khuyến khích).
Đọc cuốn sách này bạn đọc nhi đồng sẽ có dịp thưởng thức những cách kể chuyện mới mẻ. Bạn sẽ bắt gặp trong các câu chuyện những chi tiết rất thực: Một em bé bị tật nguyền không nói được (truyện Thày lang hai mặt), một người anh đã mất vì bị tai nạn giao thông (truyện Quả vải khô), một cậu bé bị bệnh béo phì (truyện Muỗi hút mỡ)… rồi cảnh nước lụt, mưa lớn “rồng hút nước” ở đồng bằng sông Cửu Long (truyện Một ngày kỳ lạ). Từ những cậu chuyện có thực ấy các tác giả đã mở rộng trí tượng tượng của tuổi thơ tạo ra một thế giới mới kỳ lạ và cao đẹp hơn thế giới thực. Truyện của Nguyễn Thị Bích Nga khiến các em có thể trò chuyện với hai chú dế, nghe được tiếng hát của các chú và đi gặp được thày lang hai mặt chữa bệnh cho cậu bé tật nguyền.Tình yêu thương của cậu bé không nơi nương tựa lại là phép mầu nhiệm khiến cho tình anh em ruột thịt hoá thân trong “quả vải khô” tìm lại tổ ấm… Những truyện ngắn với những yếu tố huyền ảo, kỳ ảo đã vừa khắc đậm hơn ý nghĩa thực của cuộc sống lại vừa biến đổi hiện thực ấy bằng khát khao tình cảm, từ đó chắp cánh cho ước mơ bay bổng.Yếu tổ hiện thực huyền ảo vốn đã có trong các truyện cổ tích thần thoại Việt Nam như Tấm Cám, Thạch Sanh, Thánh Gióng… giờ đây được các tác giả viết cho thiếu nhi chăm chút hơn, thể hiện uyển chuyển sáng tạo cho phù hợp với đời sống hiện đại của trẻ em hiện nay.
Đọc những truyện ngắn nhỏ xinh này, các em không những có một dịp giải trí vui vẻ mà còn được bồi đắp thêm những tình cảm với con người, cảm nhận những niềm vui hạnh phúc thực sự cho từng gia đình và cho cả cộng đồng.Cuộc sống của trẻ em trong một xã hội càng phát triển lại càng đòi hỏi ham muốn tìm tòi vũ trụ khôn cùng, viết cho thiếu nhi về một thế giới tưởng tưọng là để nâng các em lên một tầm cao mới.
23. Bí mật hồ cá thần / Nguyễn Quang Thiều – NXB Kim đồng
Hồ cá thần trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều là đầm Vực có con cá dị thường. Người già giàu tâm linh thì thắp hương cúng vái. Đám trai tráng thì quăng chài, thả lưới, thả mồi câu, dùng các chùm ba tiêu rà giật, thậm chí lão Bương còn âm mưu tàn sát bằng bộc phá. Họ phải trả giá: Lưới rách, mồi mất, có người như bố Mon còn mất ba ngón tay vì dây câu bị xá siết mạnh. Tất cả đều vì miếng ăn, chỉ có một người vì mối hận lòng. Ấy là ông Bộc. Bởi hơn 50 năm về trước, chính con cá quả một mắt này đã cứu ông và “giết ông”. Hồi đó bị giặc vây, anh cả Bộc nhét vào bụng con cá quả một mắt cái ống nhựa nhỏ có bản danh sách Việt Minh chúng định mổ cá, anh đã giả vờ ngã, hất con cá xuống đầm. Chúng đánh anh 3 ngày rồi thả. Bấy giờ có người đầu hàng, một vài cơ sở bị vỡ, nên anh Bộc bị kết tội phản bội, bị khai trừ, bị dân làng khinh bỉ và người yêu oán thán. Anh bỏ làng ra đi… Giờ đây, lão Bộc sống một mình, không vợ, không con, lũ trẻ trong xóm được ông yêu và cũng yêu ông như bố mẹ. Đã gần kề miệng lỗ, đêm đêm ông vẫn ngồi bên đầm Vực với ảo vọng bắt được con cá quả, lấy tài liệu minh oan đòi lại danh dự. Giải oan, khát vọng tìm sự thật là chủ tâm của Bí mật hồ cá thần.
Tuy nhiên, âm hưởng của nó rộng lớn hơn. Đó là lên án lối tư duy tùy tiện, thiếu niềm tin vào con người, mặc dù ông Bộc rất đáng tin. Khát vọng sống cao thượng, trong sáng luôn bùng lên dằn vặt, hành hạ ông. Ông chỉ thanh thản khi đã bộc lộ nỗi oan với Mon và được em hứa minh oan. Mặt khác, Bí mật hồ cá thần còn là cảnh báo về một thiên nhiên đang bị tận diệt.
24. Quê mẹ / Thanh Tịnh – NXB Kim đồng
Làng Mỹ Lý trong văn Thanh tịnh cũng giống như bao làng quê khác của Miền Trung: có một dòng sông nhỏ chảy qua; một cánh đồng làng rộn vui vào mùa gặt hái khi trai bạn đến; những đêm trăng cho người lớn trò chuyện và trẻ nô đùa; cái quạnh quẽ của một bến đò ngày mưa; một con đường sắt xuyên qua đồng làng để giữa cánh đồng trơ trọ bỗng mọc lên một cái ga xép với tiếng còi vảng trong đêm, với tiếng bánh xe tay lăn trên đường đá đón một chuyến khách khuya.
Làng Mỹ Lý với những con người bình dị, chất phác với nếp sống quen thuộc từ lâu đời; những ước mơ và hạnh phúc nhỏ nhoi, đơn sơ gắn với những lo âu muôn thủa của đời người; con gái lấy chồng xa về thăm Quê mẹ; đẻ con so về nhà mẹ; những vui – buồn thoát đến thoát đi trên sông nước – “thuyền về Đại Lược, duyên ngược Kim Long…”; mối tình vừa nhen nhóm bỗng lụi tắt giữa cô gái quê và thầy ký ga phải đổi vùng… Quê mẹ - ấy là những nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng thấm thía về những phôi pha, bất trắc của cuộc đời. Cũng không hiếm những nỗi buồn quặn thắt, như nỗi buồn của ông lão mù cùng đứa cháu kéo những chuyến xe không khác trong Am cu ly xe; hoặc pha chút huyền bí trong cảnh người chồng, người cha hóa hổ vì ngậm ngải quá hạn trong Ngậm ngải tìm trầm. Rất lâu đời và tưởng như cứ vĩnh viễn mãi thế, cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn của những lớp người lao động nghèo khổ.
Đọc Quê mẹ để hiểu thêm về con người và cuộc đời trong xã hội cũ, với cái nghèo lưu truyền cùng những bất trắc và bất hạnh luôn luôn gắn với đời người. Nhưng cũng là để lưu lại tình đời và tình người, lưu lại sức chịu đựng và vượt lên những gian nan thử thách, nhờ nó mà con người có thể tồn tại, hơn thế, thỉnh thoảng cũng có được sự an ủi và bù đắp trong những niềm vui đơn sơ, bình dị.
25. Hành trình yêu thương: Nhật ký Thiện Nhân / Trần Mai Anh – NXB Kim đồng
Cuốn sách là những ghi chép đời thường của mẹ Mai Anh và bà ngoại Kim Anh. Trong số đó, có nhiều chi tiết quan trọng trong quá trình điều trị của Thiện Nhân - đứa bé mang số phận đặc biệt. Nhưng phần lớn, là những dòng viết bình dị của một người mẹ như bao người mẹ đang nuôi con khác.Ghi lại suốt chặng đường dài nuôi nấng và thương yêu bé Thiện Nhân với nhiều cung bậc cảm xúc, “cuốn sách này, dù là nhật kí của tôi về Thiện Nhân, nhưng tôi tin nó sẽ gợi ra suy nghĩ về nhiều đứa trẻ khác. Ngoài kia vẫn còn những đứa trẻ kém may mắn hơn cả Nhân” - mẹ Mai Anh chia sẻ.
Được biết, hiện nay, nhà báo Trần Mai Anh và các đồng sự đang cùng điều hành chương trình “Thiện Nhân và Những người bạn” - chương trình được thành lập từ kinh nghiệm chữa trị chính đứa con của chị.
Từ 8-2011 tới nay, trong vòng 5 năm đã có 10 đợt bác sĩ Roberto và các bác sĩ từ Italia, Mĩ sang Việt Nam phẫu thuật 230 ca, khám tư vấn miễn phí cho hơn 800 trẻ em không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục.
Bên cạnh các hoạt động về khám chữa bệnh, chương trình “Thiện Nhân và Những người bạn” đã phối hợp với các bệnh viện tổ chức ba hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết niệu & tái tạo bộ phận sinh dục với hàng trăm bác sĩ chuyên ngành; chương trình cũng gây quỹ để trang bị dụng cụ phòng mổ cho các bệnh viện.
Xuất bản “Hành trình yêu thương - Nhật kí Thiện Nhân”, Nhà xuất bản Kim Đồng mong muốn cuốn sách sẽ góp phần lan tỏa tình yêu thương và sự sẻ chia trong cộng đồng. Toàn bộ lợi nhuận của cuốn sách sẽ ủng hộ vào Quỹ “Thiện Nhân và Những người bạn”.
26. Chú bé có tài mở khóa / Nguyễn Quang Thân – NXB Văn nghệ TP.HCM
Chú Bé Có Tài Mở Khóa là một truyện phiêu lưu, kể về chú bé Hùng bị ném ra ngoài xã hội, phải đối mặt với cái xấu, cái ác, phải vật lộn nhọc nhằn, gặp đủ loại người tốt có, xấu có, có khi được cưu mang, có lúc bị vùi dập... Truyện hấp dẫn ở những tình huống bất ngờ, nhiều chi tiết gay cấn, hồi hộp và nhiều chi tiết gây xúc động với bạn đọc... Tác phẩm từng được giải thưởng chính thức về văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn trao năm 1995.
Chú Bé Có Tài Mở Khóa là kết hợp với phiêu lưu với phản gián. Chuyện bắt đầu từ việc chú bé Nam ở quê ra tỉnh chơi. Bố đi vắng, Nam trở nên bơ vơ. Nhờ làm quen với Hùng lé, một chú bé có biệt tài mở khóa, Nam mới vào được phòng bố ở. Thế rồi, phòng bố Nam trở thành cứ điểm của bọn lưu manh, khu tập thể bị trộm lớn, Nam bị bọn lưu manh bắt cóc… Hùng lé giúp Nam trốn khỏi hang ổ bọn cướp nhưng Hùng lại sa vào tay một bọn gián điệp kiêm buôn lậu và tiếp tục những cuộc phiêu lưu. Khi ở Hà Nội, khi ở Hải Phòng, khi ở Quảng Ninh, bọn chúng “thử thách rèn luyện” Hùng. Cho đến khi gặp các chú công an, Hùng mới hiểu thêm mình, biết mình là con một liệt sĩ công an và tên gián điệp với biệt danh Cóc Vàng chính là kẻ trước đây đã giết bố Hùng…
Bạn có thể đọc thích thú một hơi, như chơi mộ trò chơi, vừa chơi vừa học. theo từng trang sách, những mánh khóe, mưu mô của bọn lưu manh, gián điệp bị vạch trần. Bạn căm ghét chúng và hiểu thêm, yêu thêm các chiến sĩ an ninh. Nhưng cái chính là bạn hiểu thêm một người bạn của mình: Hùng lé. Hùng có những tính xấu như thích chơi, ngại học, nhưng là một thiếu niên lương thiện. Chẳng may gặp cảnh khó khăn, sa vào tay bọn lưu manh, phải làm việc bất lương nhưng hung luôn luôn day dứt, muốn trở về gia đình, trở về với cuộc sống bình thường yên ổn. Điều tốt đã xảy ra một phần là do các chú công an nhưng cái chính là do bản chất của Hùng. Bạn có thể học được nhiều ở Hùng về tính táo bạo, lòng tự tin và tài tháo vát, nhất là lòng yêu đời và sự thông cảm với nỗi bất hạnh của người khác…Chẳng thế mà suốt cuộc phiêu lưu gian khổ, Hùng vẫn không quên, vẫn giữ được con búp bê nhỏ cho bé Liên, dù chỉ mời gặp Liên thoáng qua một lần.
Thông qua câu chuyện, Nguyễn Quang Thân muốn gửi gắm đến các bạn nhỏ thông điệp: “Dù thế nào đi chăng nữa, chân lý vẫn luôn tồn tại. Đó là lương tri của con người, là tâm hồn trẻ con, những tờ giấy trắng. Mong rằng, lòng tốt, tình yêu con người là hành trang mãi mãi đi cùng các bạn”.
27. Con chó mang giỏ hoa hồng / Nguyễn Nhật Ánh – NXB Trẻ
“Con Chó Nhỏ Mang Giỏ Hoa Hồng” là tác phẩm mới nhất của nhà văn chuyên viết cho thanh thiếu niên Nguyễn Nhật Ánh, nối tiếp sau Bảy bước tới mùa hè, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… gây sóng gió thị trường sách năm 2015.
5 chương sách với 86 câu chuyện cực kỳ thú vị và hài hước về 5 con chó 5 loài 5 tính cách trong 1 gia đình có 3 người đều yêu chúng nhưng theo từng cách riêng của mình. Các câu chuyện về tình bạn giữa chúng với nhau, giữa chúng với chị Ni, ba mẹ, khách đến nhà… thực sự mang lại một thế giới trong trẻo, những đoạn đời dễ thương quyến rũ tuổi mới lớn.
Một quyển sách lôi cuốn viết cho tất cả chúng ta: trẻ con và người lớn. Cuộc đời của 5 con chó nhỏ: Haili, Batô, Suku, Êmê và Pig được tái hiện như đời sống của mỗi con người: tình bạn, tình yêu, đam mê, lòng dũng cảm, sự sợ hãi, và những ước mơ.
28. Lá cờ thêu sáu chữ vàng / Nguyễn Huy Tưởng – NXB Kim đồng
“Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng” kể về người thiếu niên tuổi trẻ chí cao Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, người đã cùng quân tướng nhà Trần lập nhiều chiến công trong cuộc chiến chống quân Nguyên.
Đấy là một thiếu niên thì đúng hơn, vì Hoài Văn chưa tròn mười sáu tuổi. Bộ áo vóc lùng thùng, chưa bó sát vào tấm thân mảnh khảnh. Tay áo chét theo kiểu nhà võ còn quá rộng so với cổ tay. Hầu vấn khăn nhiễu như người lớn. Nhưng búi tóc còn quá nhỏ, tinh ý mới nhìn thấy được.
Đó là hình ảnh Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản qua tưởng tượng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng.
Tác phẩm kể về tuổi trẻ chí cao của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản với lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng: “Phá cường địch báo hoàng ân”, đã cùng quân tướng nhà Trần lập nhiều chiến công trong cuộc chiến chống quân Nguyên.
Tác phẩm nổi tiếng này cũng là nguồn cảm hứng để họa sĩ Tạ Huy Long thể hiện nhân vật và sự kiện lịch sử cách đây đã hơn bảy thế kỷ bằng những hình ảnh đậm chất sử thi.
29. Tắt đèn / Ngô Tất Tố - NXB Văn học
Trong thời kì trước cách mạng tháng 8, đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến. Bằng ngòi bút tài hoa, các nhà văn hiện thực xuất sắc đã phác họa lại một cách rõ nét về bối cảnh xã hội đương thời. Một trong số đó là Ngô Tất Tố với tác phẩm ''Tắt Đèn''. ''Tắt Đèn'' là một tác phẩm chân thực mà cảm động về gia đình chị Dậu - một gia đình nông dân nghèo đang sống dưới tầng đáy của xã hội lúc bấy giờ. Họ bị thực dân phong kiến đày đọa, chèn ép đến bần cùng hóa, tưởng chừng như không còn lối thoát. Từ cách đặt tên tác phẩm là "Tắt Đèn'', ta đã hiểu rõ được phần nào ý nghĩa của tác phẩm.Tắt đèn trong đêm tối có khác nào sống trong một thế giới nghèo nàn công lý?.
Thật vậy, đến với tác phẩm, ta càng hiểu thêm số phận đau thương của người nông dân nghèo trong xã hội phong kiến thời ấy. Thật oái oăm! Chúng không những bắt gia đình chị Dậu nộp sưu thuế của anh Dậu mà chúng còn bắt nộp sưu thuế cho người em chồng đã chết từ năm ngoái. Không xoay đủ tiền sưu thuế cho bọn chúng đúng thời hạn, anh Dậu đã bị bắt giải lên đình đánh đập. Là vợ, chị Dậu rất thương chồng. Chị đã phải bán đứa con mà mình đã dứt ruột sinh ra, đứa con mà chị luôn yêu thương, luôn hiếu thuận với cha mẹ. Nhưng chúng lại không trả đủ tiền cho chị nên chị đã phải đi làm vú nuôi cho một gia đình nọ. Vào một đêm tối chị bị lão chủ nhà mò vào phòng. Chị đã quá bức bối không thể chịu được nữa, nên đã chạy ra ngoài. Hình ảnh người phụ nữ nông dân chạy ra ngoài trong đêm đại diện cho hình ảnh người nông dân trước cách mạng tháng tám phải sống trong khổ cực thiếu vắng bóng chân lý. Toàn bộ tác phẩm là một câu chuyện cảm động về số phận đau thương của gia đình chị Dậu, và cũng là đại diện cho cuộc sống người nông dân thời ấy. Với những hình ảnh cảm động và cách miêu tả tâm lý nhân vật một cách sâu sắc tác phẩm đã gợi lại trong lòng độc giả nhưng ấn tượng sâu sắc về một thời sống nghèo khổ thiếu vắng bóng chân lý.
30. Hòn đất / Anh Đức – NXB Văn học
Hòn Đất được coi là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu đầu tiên của nền văn học chống Mỹ ở vùng giải phóng miền Nam, phản ảnh kịp thời hiện thực cách mạng miền nam trong giai đoạn chiến tranh Đặc biệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ - Nguỵ.
Cốt truyện của tác phẩm kể về cuộc chiến đấu anh dũng của dân và quân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang trong trận càn của quân đội Mĩ - Nguỵ. Nổi bật lên trong cuộc chiến đấu khốc liệt, không cân sức này là hình tượng chị Sứ, một nữ du kích đằm thắm, bất khuất, ngoan cường, dũng cảm hi sinh vì sự sống của đồng đội và vì lý tưởng cao đẹp của cuộc đời.
“Chị Sứ yêu biết bao cái chốn này, nơi chị oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái sai đã thắm hồng da dẻ chị. Chính tại rẻo đất này, mẹ chị đã hát ru chị ngủ, và đến lúc làm mẹ, chị lại hát ru con những câu hát ngày xưa. Chính tại đây, chị đã giơ nắm tay nhỏ nhắn lên chào lá cờ Đảng, nên từ đó chị càng biết yêu thêm cha mẹ, chồng con, anh em, đồng chí. Chị Sứ yêu Hòn Đất bằng cái tình yêu hầu như là máu thịt. Chị thương ngôi nhà sàn lâu năm có cái bậc thang, nơi mà bất cứ lúc nào đứng đó chị cũng có thể nhìn thấy sóng biển, thấy núi Ba Thê vòi või xanh lam cứ mỗi buổi hoàng hôn lại hiện trắng những cánh cò. Có lẽ chưa lúc nào Sứ yêu Hòn Đất oặn lòng như buổi sáng hôm nay. Lúc quỳ trước cái chết lại là lúc chị thấy yêu hơn sự sống, yêu hơn mảnh đất chôn nhau mà bình minh giờ đang trải ra một ngày mới.
Ánh nắng lên tới bờ cát, lướt qua những thân tre nghiêng nghiêng, vàng óng. Nắng đã chiếu sáng lòa cửa biển. Và xóm lưới cũng ngập trong nắng đó. Sứ nhìn những làn khói bay lên từ các mái nhà chen chúc của bà con làm biển. Sứ còn ngó thấy rõ những vạt lưới đan bằng sợi ni lông óng ánh, phất phơ, bên cạnh những vạt lưới đen ngăm, trùi trũi. Nắng sớm đẫm chiếu người Sứ. Ánh nắng chiếu vào đôi mắt chị, tắm rợp mái tóc, phủ đầy đôi bờ vai tròn trịa của chị...".
31. Nói về cái đầu tôi / Tô Hoài – NXB Kim đồng
TÔ HOÀI là người có một lối văn thật là đặc biệt. Truyện ngắn của TÔ HOÀI không những đặc biệt về lời văn, về cách quan sát, về lối kết cấu, mà còn đặc biệt cả về những đầu đề do ông lựa chọn nữa. Tập truyện ngắn này là một trong những tác phẩm đầu tiên của TÔ HOÀI và cũng là một tập tiêu biểu cho lối văn đặc biệt của ông, một lối văn dí dỏm, tinh quái, đầy những phong vị màu sắc của thôn quê.
“Nói về cái đầu tôi” là tuyển tập truyện ngắn các tác phẩm viết cho thiếu nhi được in trước Cách mạng tháng Tám 1945 của nhà văn Tô Hoài. Các truyện ngắn trong tuyển tập này đều là những truyện ngắn về sinh hoạt. Với bút pháp hóm hỉnh, cái nhìn sắc sảo, nhà văn Tô Hoài đã dựng lên bức tranh ngoại ô Hà Nội với những phong tục tập quán, lề lối sinh hoạt hết sức đa dạng và phong phú. Tô Hoài là nhà văn viết cho thiếu nhi nổi tiếng nhất Việt Nam. Qua tuyển tập này, các độc giả sẽ được biết thêm nhiều truyện ngắn ông viết cho thiếu nhi hơn nữa.
Truyện ngắn Tô Hoài cực chất, cảm giác là cùng đấy sự vật sự việc mà nhà văn có thể biến nó thành một thứ hình thái mới mẻ. Đây là tuyển tập những truyện ngắn sáng tác trước năm 1945, một cái thời mà ở độ mình thật khó mà tưởng tượng. Nhưng Nói về cái đầu tôi có thể nói là đem đến một cái hình dung cũng khả đủ về đời sống thôn quê, về cuộc sống, lề thói ngày xưa. Những con người như "cu Lặc", "vợ cu Lặc", "vợ chồng nghèo", "lái Khế", "vợ chồng trẻ con"... là những hình hài phản chiếu cho biết ba.
32. Bảy bước tới mùa hè / Nguyễn Nhật Ánh – NXB Trẻ
“Bảy bước tới mùa hè” là tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh, được nhà văn đề tặng "Những năm ấu thơ", như một món quà dành tặng các bạn đọc thân thiết của mình nhân dịp đầu năm mới.
Câu chuyện về một mùa hè ngọt ngào, những trò chơi nghịch ngợm và bâng khuâng tình cảm tuổi mới lớn. Chỉ vậy thôi nhưng chứng tỏ tác giả đúng là nhà kể chuyện hóm hỉnh, khiến độc giả cuốn hút từ trang đầu đến trang cuối cùng. Chúng ta sẽ bắt gặp giọng văn giản dị, trong trẻo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và một kết thúc có hậu đầy thuyết phục ở cuối truyện. Câu chuyện về tuổi học trò đầy ắp những kỷ niệm thơ bé ngọt ngào với tình thầy trò, bè bạn, tình xóm giềng, họ hàng qua cách nhìn đời nhẹ nhàng, rộng lượng.
Nhà văn chia sẻ: "Tôi thích sự vui tươi của câu chuyện và sự hồn nhiên của nhân vật. Có thể nói đây là tác phẩm đầy ắp tiếng cười. Tạm thời xa rời những trang văn chứa nhiều chiêm nghiệm của người lớn, qua tác phẩm này tôi muốn quay trở lại lối viết mà tác giả không cố ý để lại quá nhiều dấu tay trên bản thảo. Tác giả trong tác phẩm này cũng đang ở… tuổi mười lăm!".
33. Bông sen vàng / Sơn Tùng – NXB Thông tấn
Bông sen vàng ra đời nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh( 15/05/1889 – 19/05/0989), là cuốn tiểu thuyết ra đời tiếp theo cuốn Búp Sen Xanh. Tác giả đã phác hoạ đại thể cả quá trình thành nhân của Nguyễn Tất Thành, tức là cả giai đoạn Lập Thân ấy của nhà yêu nước trẻ tuổi, từ Nghệ An vào Huế và Phan Thiết, cho đến khi rời cảng Sài Gòn ra đi với quyết tâm lập nghiệp.
Qua tác phẩm Bông Sen Vàng, Sơn Tùng lại tập trung đặc tả sự hình thành nhân cách của Bác Hồ thời trẻ, trong những năm đèn sách tại gia ở kinh đô Huế (bên sông Hương, núi Ngự) với hai quãng đời quan trọng nhất của Bác Hồ thời niên thiếu. Và hơn thế nữa Tác phẩm còn có những nhân chứng của thế kỷ không khi nào vắng bóng trong Bông Sen Vàng: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Tất Đạt, Lê thị Hạnh, Công Tôn nữ Minh Huệ, những con người lịch sử vẫn sống động với Nguyễn Tất Thành và cố đô Huế.
34. Hoa lá trong vườn / Vũ Tú Nam – NXB Giáo dục
Nhà văn Vũ Tú Nam vốn là một cây bút viết truyện cho thiếu nhi có nhiều thành công.
Truyện của ông thường chọn bối cảnh rất gần gũi với các em. Bằng giọng văn giản dị, sáng trong, ông thường để cho câu chuyện diễn biến tự nhiên và khi kết thúc thì nó toát ra một ý tưởng, một ấn tượng nào đó…Bằng sự quan sát tinh tế, lối viết văn ngắn gọn, giản dị, nhà văn Vũ Tú Nam đã đưa trẻ bước vào thế giới tự nhiên với cỏ cây, hoa lá, phát triển trí tưởng tượng phong phú và nuôi dưỡng những ước mơ của trẻ bay xa….
35. Ra vườn nhặt nắng / Nguyễn Thế Hoàng Linh – NXB Thế giới
Những vần thơ tuyệt đẹp này gợi nhắc một câu hỏi (có lẽ) vẫn thi thoảng lửng lơ rồi nhẹ nhàng biến mất trong tâm trí một số người, đặc biệt là các bậc cha mẹ: Bao lâu rồi ở Việt Nam chưa có một tập thơ chất lượng đúng nghĩa cho trẻ con?.
“Ra vườn nhặt nắng” là món quà dành cho trẻ con; nhưng nó cũng là món quà dành cho người lớn - cho mình, cho bạn và cho tất cả những ai đã từng đi qua thơ dại. Mỗi bài thơ là một câu chuyện vu vơ, một người thân thiết, một trò chơi cũ kỹ... được kể lại bằng giọng thơ trong veo, qua lăng kính của một đứa trẻ, ngô nghê và thú vị. Mà không phải chỉ có thế đâu. Cái chất trẻ thơ đã thấm đẫm vào từng trang sách thơm tho rồi. Cuốn sách chắc sẽ bớt dễ thương đi nhiều lắm nếu thiếu nét chữ viết tay nguệch ngoạc, hay những bức hình minh hoạ đáng yêu, ngộ nghĩnh. Nếu đã lâu bạn chưa ngồi lại để hồi tưởng về tuổi thơ của mình thì đọc “Ra vườn nhặt nắng” đi; biết đâu bạn lại “nhặt” được chính mình đâu đó trong từng dòng thơ - một cô cậu nhóc đang ngồi trên mái nhà vào một ngày mùa hè năm 6 tuổi, nhìn thênh thang về cánh đồng phía xa và mơ tưởng về một tương lai lấp lánh đầy mơ mộng.
Tập thơ - tranh Ra vườn nhặt nắng của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh và Lá Studio chính là sự kết hợp này, sự kết hợp giữa hay và đẹp. Hay – không chỉ ở ngôn ngữ thơ tinh tế, mà còn ở những trong trẻo hồn nhiên. Đẹp – không chỉ ở những ý tưởng lấp lánh, mà còn thể hiện qua hình thức rực rỡ. Có thể nói đây là ấn phẩm mà từng từ ngữ được đọc ra màu sắc và từng nét vẽ được ngắm thành vần điệu. Đơn giản, trẻ con có thể xem thơ mê mải như xem một tranh truyện hấp dẫn. Nhưng vì đó là thơ, nên giá trị từ ngôn ngữ, đặc biệt là thơ tiếng mẹ đẻ, sẽ đem đến tâm hồn trẻ nhỏ những rực rỡ không ngờ. Cũng như vậy đối với tâm hồn trẻ thơ sẵn có bên trong bất kỳ người lớn nào.
36. Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi / Nhiều tác giả - NXB Trẻ
Nhằm đem lại những giờ phút giải trí thoải mái và bổ ích cho bạn đọc nhỏ tuổi, NXB Trẻ sẽ tuyển chọn những truyện ngắn đặc sắc của các nhà văn thiếu nhi nổi tiếng trên cả nước để in thành bộ “Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi”gồm 5 tập.
Đây là một quyển sách được các nhà văn có tâm huyết với tuổi thơ trân trọng và tự giới thiệu rõ nét về bản thân mình. Thiết nghĩ, đây cũng là dịp để bạn đọc nhỏ tuổi hiểu rõ hơn về các tác giả mà mình từng đọc và yêu thích. Quyển sách tập trung nhiều thế hệ nhà văn, có người đã nghỉ hưu, có người đang công tác, nhưng tựu trung, đó là những nhà văn đã cống hiến cả đời mình cho thế hệ mai sau. Và qua việc giới thiệu các tác giả, chúng tôi muốn cung cấp cho các em một bộ sưu tập tương đối hoàn chỉnh về các nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Từ các tác giả đó, hy vọng tạo được sự kích thích ở thế hệ trẻ để rồi sẽ xuất hiện những cây bút tương lai tiếp tục sự nghiệp sáng tác và tạo ra được những tác phẩm có giá trị cho nền văn học của nước nhà.
37. Mùi của cố hương / Nguyễn Quốc Vương – NXB Phụ nữ
Cuốn sách tập hợp các bài viết của tác giả Nguyễn Quốc Vương về những kỉ niệm thời thơ ấu ở làng, những niềm vui, nỗi buồn, những trải nghiệm khác nhau ở cố hương. Có thể đó là trải nghiệm của riêng tác giả mà đó cũng có thể là trải nghiệm chung của rất nhiều người, những người có tuổi thơ ở làng quê nhưng sau đó lại phiêu dạt nơi thành phố.
“Mùi Của Cố Hương” tập hợp các bài viết về những kỉ niệm thời thơ ấu ở làng những niềm vui, nỗi buồn, những trải nghiệm khác nhau ở cố hương như: trò nghịch dại, tết của ngày xưa, đom đóm ngậm ngùi .
"Khi bắt đầu nếm trải cuộc sống tha hương, có hai thứ mùi khiến tôi nhớ nhà da diết: Mùi khói bếp và mùi hành." là những lời tâm sự mộc mạc và chân thành của Nguyễn Quốc Vương khi phải học tập ở nơi xứ người. Tác phẩm này dành cho những ai đang tạm xa đất nước thân thương nơi họ ở, hay cả cho những người vốn đã yêu quý những nét đẹp đơn sơ của quê nhà mình.
38. Những truyện hay viết cho thiếu nhi / Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng…- NXB Kim đồng
“Những Truyện Hay Viết Cho Thiếu Nhi” là bộ sách gồm 14 cuốn, do NXB Kim Đồng phát hành. Bộ sách tập hợp những tác phẩm hay viết cho thiếu nhi của các nhà văn gạo cội Việt Nam như: Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Phạm Hổ, Nguyên Hồng, Nguyễn Kiên, Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Ma Văn Kháng, Xuân Quỳnh, Nguyên Hương…
39. Chiếc lược ngà / Nguyễn Quang Sáng – NXB Văn hóa văn nghệ
Trong sự nghiệp văn chương, Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn xuất sắc của Việt Nam. Các truyện ngắn của ông giản dị và dễ đi vào lòng người. Nó chứa đựng tất cả các yếu tố để làm nên vẻ đẹp cho một câu chuyện: ngôn ngữ đối thoại, cách dựng truyện, lựa chọn nhân vật… Trong các tác phẩm ấy, ông kể câu chuyện xúc động, thật đến mức giống như không phải ông đang viết văn mà là kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của chính cuộc đời của ông vậy".
Nguyễn Quang Sáng viết truyện ngắn "Chiếc lược ngà" vào tháng 9 năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong những tháng ngày sôi sục đánh Mĩ.
Truyện kể về ông Sáu, một cán bộ "nằm vùng tại miền Đông'" da diết thương nhớ vợ con, dùng ngà voi làm thành chiếc lược ngà xinh xắn, trước lúc từ thương đã nhờ bạn chiến đấu trao lại chiếc lược ngà cho đứa con gái bé bỏng, yêu thương. Qua đó, tác giả thê hiện tình cha con sâu nặng, tình đồng đội thiết tha trong cảnh ngộ éo le thời chiến tranh, đồng thời ca ngợi truyền thống cách mạng yêu nước của người nông dân Nam Bộ.
40. Chú bé rắc rối / Nguyễn Nhật Ánh – NXB Trẻ
Nghi, một anh chàng tự nhận "lo cho chính bản thân mình còn chưa xong". Và An, một anh chàng bất cần đời "con nhà khá giả, lúc nào tiền bạc cũng rủng rỉnh. Cứ đến giờ ra chơi là thấy nó ngồi ngay ở căn-tin, mồm chóp chép hết món này đến món khác." nhưng lại rất sợ ma. Thế mà hoàn cảnh đẩy đưa khiến hai cậu con trai dường như chẳng có gì dính líu đến nhau phải trở thành đôi bạn "bất đắc dĩ" khi vào năm học mới, Nghi được giao cho một "nhiệm vụ bất khả thi": kèm An học. Những rắc rối cũng bắt đầu nảy sinh từ đây. Sự thông minh của Nghi và sự liều lĩnh của An đã khiến hai chàng trai tự đẩy mình vào những rắc rối của thế giới người lớn.
Với lối viết tự nhiên, cùng những câu thoại, những suy nghĩ trong trẻo nhưng cũng không kém phần tinh nghịch "thứ ba học trò", một lần nữa, nhà văn của tuổi thơ - Nguyễn Nhật Ánh - lại kể ta nghe một câu chuyện thú vị và có phần "rắc rối" về một tình cảm hồn nhiên của tuổi áo trắng: tình bạn.
Cặp đôi "hoàn cảnh" này sẽ ra sao? Những bí ẩn rắc rối mà cả hai vô tình khám phá được là gì? Hãy cùng theo chân đôi bạn "bất đắc dĩ" này bạn nhé.
41. “Bi Bi và Mặt Đen” / Phạm Việt Long
Được coi là bộ truyện cổ tích thời hiện đại, Bi Bi và Mặt Đen gồm năm cuốn: Bỏ bỉm, Mặt Đen tia chớp, Chuồn chuồn cắn rốn, Khám phá rừng thiêng, Thám hiểm vườn cổ tích; với hơn 1000 trang sách của 200 câu chuyện khác nhau xoay quanh hai nhân vật chính là Bi Bi và Mặt Đen trên bốn vùng không gian nghệ thuật: Nông thôn, thành phố, miền núi và vườn cổ tích. Những câu chuyện hấp dẫn, sinh động, pha màu huyền ảo giúp các em thiếu nhi nhận thức tốt hơn về cuộc sống và các kỹ năng sống thông qua giọng văn dí dỏm, gần gũi với tuổi thơ của nhà văn Phạm Việt Long.
1. BỎ BỈM: Gồm 50 truyện, với 211 trang in. Nội dung kể về những hoạt động của nhân vật Bi Bi từ khi ra đời tới khi biết tự đòi bỏ bỉm. Qua tập này, hiện lên hình ảnh một bé gái dù bị sinh non, thiếu cân, nhưng đã có sức vươn lên mạnh mẽ và dần dần trưởng thành. Nhiều câu chuyện thú vị qua hoạt động của bé Bi Bi, từ đóng bỉm, bỏ bỉm, tới ăn uống, đi trường mầm non, xem phim... giúp các bé giải trí mà lại học được những bài học bổ ích về kỹ năng sống.
2. MẶT ĐEN TIA CHỚP: Gồm 52 truyện, với 200 trang in. Có thêm nhân vật Mặt Đen, một chú bé nhà quê mới ra thành thị, nhanh nhẹn, hóm hỉnh và có nhiều đức tính tốt. Bi Bi có chú em kết nghĩa cùng tham gia nhiều hoạt động bổ ích, như vui tết Trung thu, dạo chơi công viên, nuôi chó, xem phim, chơi trò chơi... Qua các hoạt động bình thường đó, bạn đọc được chứng kiến những hành động thể hiện đức tính tốt của hai cháu nhỏ, như biết nhường nhịn, dũng cảm, khéo léo, thương người, và cũng biết khi trẻ em xem Ti vi nhiều quá, lười ăn, sợ tắm... thì người lớn bảo ban thế nào để các cháu vui vẻ, tự giác sửa chữa.
3. CHUỒN CHUỒN CẮN RỐN: Gồm 46 truyện, với 201 trang in. Kể về những ngày sống đầy thú vị của Bi Bi và Mặt Đen ở một vùng quê thanh bình. Có thêm nhiều con vật tham gia câu chuyện, rất sinh động: Con Mực hiền lành, vụng về mà dũng cảm, con Meo Meo nghịch ngợm mà giầu tình thương, con chuột tinh ranh, con trâu điên hung dữ, con dế biết trả ơn người bằng Ngọc Dế... Các em học sinh thành thị sẽ được biết về cuộc sống ở nông thôn, với nhiều cảnh sống đầy thi vị, như bắt cá, chăn trâu, bắt cua, thả diều, tập bơi... và cũng hiểu thêm về những nỗi khổ cực của người nông dân.
4. KHÁM PHÁ RỪNG THIÊNG: Gồm 48 truyện, Với 211 trang in. Lên Hà Giang, Bi Bi và Mặt Đen được khám phá biết bao điều kỳ thú trong những khu rừng đầy bí ẩn. Các cháu được biết đến những điều mà ở thành phố không có, như các loại tiếng động của rừng, lấy tổ ong, săn bắn, những loài hoa ăn thịt, loài đại bàng hung dữ, loài rắn lanh lợi và ác độc, loài chim chiếm tổ đẻ nhờ trứng... Bi Bi và Mặt Đen cũng đã dũng cảm và nhân ái cứu được những con vật hiền lành bị con người hoặc đồng loại hãm hại.
5. THÁM HIỂM VƯỜN CỔ TÍCH: Gồm 43 truyện, với 199 trang in. Hai nhân vật chính lạc vào vườn cổ tích, ở đó các cháu tham gia diễn biến của các câu chuyện cổ tích, trở thành nhân vật mới trong truyện để lái câu chuyện theo hướng hiện đại và nhân văn. Nhờ sự tham gia của Bi Bi và Mặt Đen, nhiều nhân vật tiêu cực trong truyện cổ tích được cứu sống, hối cải, trở thành người tốt.
Bộ truyện được viết với tình yêu thương trẻ nhỏ đằm thắm, với những câu chuyện sinh động, hấp dẫn, vừa thực tế, lại pha mầu huyền ảo, giúp trẻ nhỏ mở rộng trí tưởng tượng, thêm hiểu biết về cuộc sống xung quanh, học được kỹ năng sống, sống theo cách sống tự lực, lành mạnh, thương người, biết nhường nhịn, giúp đỡ người khác. Nghệ thuật kể chuyện vừa hiện thực, vừa huyền ảo, hóm hỉnh, nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ tiếp thu.