Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 11)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 11

Nét riêng biệt của chế độ ruộng đất châu Á là khi phân phong nhà vua vẫn không mất quyền sở hữu, người nhận ruộng đất chỉ có quyền chiếm hữu, ruộng đất có thể bị nhà nước thu hồi. Điều này tạo nên sự đe doạ quyền lợi kinh tế đối với các thế lực chủ nô, phong kiến địa phương buộc họ phải phục tùng. Sự thiết lập chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền còn do nhu cầu trị thuỷ và nhu cầu chiến tranh của các quốc gia. Trị thuỷ các con sông lớn hay chiến tranh xâm lược hoặc bảo vệ tổ quốc là công việc của chính quyền trung ương, không một địa phương nào có thể gánh vác được. Cho nên cần phải tập trung quyền vào trung ương để huy động nhân tài, vật lực thực hiện công việc to lớn tầm cỡ quốc gia đó. Việc thiết lập thiết chế chính trị quân chủ chuyên chế tập quyền còn nằm ngay trong đặc điểm xã hội của các nước châu Á, chỉ có một tầng lớp chủ nô nông nghiệp trong giai cấp thống trị, điều này giúp chúng dễ dàng thiết lập được chế độ theo ý chúng mà không bị một tầng lớp nào đối lập đấu tranh chống lại. Sự kết hợp giữa quyền lực chính trị với tôn giáo là một yếu tố giả tạo nhưng không kém phần quan trọng gây tâm lý khiếp sợ phục tùng trong dân cư. Phục tùng nhà vua là phục tùng thần thánh, phục tùng con trời tức là phục tùng trời, tuân theo mệnh trời. Tính chất truyền thống gia trưởng thâm căn cố đế của châu Á rộng rãi từ gia đình đến xã hội buộc người dưới phải chấp hành người trên như phục tùng quyền uy của cha mẹ mình. Có thể thấy ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống này đến nền chính trị châu Á không chỉ có ở thời kỳ cổ trung đại mà còn thấy ngay cả ở thời kỳ hiện đại. Việc hình thành và phát triển cộng đồng người trong xã hội châu Á cũng mang nét riêng biệt. Theo trình tự chung thì đi từ bộ tộc trong xã hội nô lệ phong kiến đến cộng đồng dân tộc tư sản và cuối cùng là cộng đồng dân tộc xã hội chủ nghĩa. Điều này chỉ đúng với các quốc gia châu Âu. Ở các quốc gia châu Á thì khác. Căn cứ vào câu nói của Các Mác và F. Ăngghen rằng có những dân tộc tiền tư bản mà thời điểm ra đời của một dân tộc như vậy bắt đầu ngay khi nhà nước đầu tiên xuất hiện, căn cứ vào lịch sử các nước châu Á có thể khẳng định cộng đồng dân tộc quốc gia các nước này hình thành ngay từ khi nhà nước chiếm hưu nô lệ ra đời. Dù vừa mới ra đời nhưng các quốc gia này đã thống nhất về lãnh thổ, kinh tế, văn hoá, tâm lý và có một ngôn ngữ chung cho tất cả các tộc người, ngôn ngữ quốc gia. Thực tế lịch sử cho thấy trong các quốc gia châu Á sớm có sự giao lưu về kinh tế giữa các miền do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong cuộc sống. Quy luật hình thành một quốc gia bao giờ cũng diễn ra cuộc đấu tranh ngay trong nội bộ giữa xu hướng cát cứ (chia cắt) với xu hướng thống nhất. Châu Á cũng không ngoài quy luật đó, quy luật mà La Quán Trung - tác giả bộ “Tam quốc diễn nghĩa” nổi tiếng gọi là “tan và hợp”. Song thống nhất là xu hướng chủ đạo, chia cắt chỉ là tạm thời. Nhu cầu chiến tranh và trị thuỷ không cho phép các quốc gia châu Á chia cắt. Thống nhất là chính do nhu cầu tồn tại. Giao lưu kinh tế thống nhất quốc gia đã tạo nên sự thống nhất giao lưu văn hoá trong toàn quốc, giữa các tộc người. Trong các nước châu Á sớm có một ngôn ngữ chung, ngôn ngữ quốc gia bên cạnh tiếng mẹ đẻ của các tộc người. Ngôn ngữ chung này thường là ngôn ngữ của dân tộc đa số, thống nhất sử dụng trên toàn bộ lãnh thổ. Như vậy, các dân tộc quốc gia châu Á ra đời sớm, từ khi có nhà nước đầu tiên ra đời. Tuy nhiên các nhân tố tạo cơ sở cho dân tộc quốc gia ra đời chỉ mới sơ khai, nó sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện thêm về sau trong quá trình đi lên của lịch sử dân tộc.

           Châu Á cũng là nơi bình minh của nền văn minh nhân loại mà trung tâm là Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc cổ đại. Chữ viết-ký hiệu để ghi chép ngôn ngữ ra đời từ khi có nhà nước: Chữ cổ Ai Cập, Lưỡng Hà, chữ Phạn, chữ Pali Ấn Độ, chữ giáp cốt, kim văn, tiểu triện của Trung Quốc là những kỳ tích của tí tuệ con người. Chữ viết ra đời để phục vụ cho nhà nước, cho sự lưu giữ, truyền bá văn hoá, phục vụ cho công việc hành chính cai trị, ban hành pháp luật, ghi chép lịch sử, sáng tác văn thơ, sử thi, ghi chép những bộ kinh đồ sộ của tôn giáo. Chữ Pali, chữ Phạn Ấn Độ dùng để ghi chép hàng nghìn quyển kinh Phật. Đến thời kỳ trung đại, nhân dân vẫn không ngừng sáng tạo nên chữ viết cho dân tộc mình như chữ tiết hình của A’rập, chữ để ghi chép kinh Co Ran, bộ kinh nổi tiếng của đạo Hồi.

           Nhân dân châu Á đã dùng chữ viết ghi chép và sáng tạo ra những tác phẩm văn học nổi tiếng; các bộ sử thi Ấn Độ Ma ha bha ra ta dài 220.000 câu thơ, mô tả cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai dòng họ để tranh giành quyền lực, sử thi Ra ma ya na dài 48.000 câu thơ mô tả mối tình đầy trắc ẩn của chàng hoàng tử Ra Ma với nàng công chúa Si Ta xinh đẹp. Nói đến thơ ca cổ đại châu Á còn phải kể đến Kinh thi, Sở từ (Trung Quốc). Trong thời kỳ trung đại, thơ ca châu Á tiếp tục phát triển đạt đỉnh cao của nghệ thuật như Đường thi của Trung Quốc với những tác giả nổi tiếng Lý Bạch (701-762), Bạch Cư Dị (772-846), Đỗ Phủ (712-770). v. v. Kho tàng Đường thi thật phong phú với 80.000 bài của hơn 2.000 nhà thơ là đỉnh cao của thi ca nhân loại và là di sản văn hoá thế giới. Những nhà thơ bất tử được liệt vào hàng danh nhân văn hoá thế giới là Khuất Nguyên (Trung Quốc), Nguyễn trãi (Việt Nam) là tinh hoa không chỉ của châu Á mà còn là của cả nhân loại. Cùng với thơ ca, văn xuôi châu Á cũng phát triển mạnh mẽ, những bộ trường thiên tiểu thuyết nổi tiếng thời Minh Thanh (Trung Quốc): “Thuỷ hử” của Thi Nại Am, “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân, “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần - Cao Ngạc. Các tác phẩm bất hủ ấy kết tinh tài trí sáng tạo nghệ thuật của nhân dân châu Á, đặt nền tảng cho toàn bộ nền văn chương cận hiện đại. Các nhà sử học châu Á sớm cho ra đời những tác phẩm nghiên cứu lịch sử đồ sộ: “Sử ký” Tư Mã Thiên (Trung Quốc), “Đại Việt sử ký” của Lê văn Hưu, “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên (Việt Nam). Trong hoạt động lập pháp, các nhà nước chiếm hữu nô lệ châu Á sớm ban hành những bộ luật thành văn nổi tiếng, bộ luật “Ham mu ra bi” của Ba bi lon, bộ luật “Ma Nu” của Ấn Độ. Ở Trung Quốc các triều đại nào lên cầm quyền cũng ban hành các bộ luật, Tần luật, Hán luật, nổi tiếng là bộ “Đường luật sở nghị”, “Đại Thanh luật lệ”. Ở Việt Nam có các bộ “Hình thư” đời Lý, “Hình thư” đời Trần, “Luật Hồng Đức” đời Hậu Lê, “Hoàng triều luật lệ” đời Nguyễn, trong đó bộ luật Hồng Đức có nhiều quy phạm tiến bộ khi đề cập đến vấn đề quyền lợi của phụ nữ, một điều hiếm có trong pháp luật nô lệ, phong kiến cổ xưa. Pháp luật châu Á cổ - trung đại đã nâng những quy phạm đạo đức thành những quy phạm pháp luật. Pháp luật cổ xưa hà khắc nhằm bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị chống lại quyền lợi và đàn áp những giai cấp bị áp bức bóc lột. Tuy nhiên các bộ luật đã đánh dấu trình độ kiến thức và kỹ thuật lập pháp của các nhà làm luật châu Á thời cổ - trung đại là uyên bác sâu rộng.

 (Còn nữa)

  CVL