Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 9)

PGS TS Cao Văn Liên

03/11/2023 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 9

Cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã liên kết toàn thế giới thành một thị trường thống nhất, tác động to lớn đến đời sống xã hội con người về tinh thần và vật chất. Cuộc cách mạng này đã đưa loài ngưới sang nền văn minh thứ ba, văn minh tin học.

Cách mạng khoa học công nghệ đã mở ra một xu hướng mới trong quan hệ quốc tế về mở rộng hợp tác khoa học, kinh tế, mở rộng khả năng đối thoại trong quan hệ quốc tế thay cho một thời kỳ dài của chiến tranh lạnh, hoặc chiến tranh nóng để giải quyết những bất đồng giữa các quốc gia. Tuy nhiên, nếu con người sử dụng không đúng mục đích những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ thì sẽ mang lại hậu quả khôn lường với những vũ khí giết người hàng loạt, thậm chí có thể đe dọa cả chính sự tồn tại của mái nhà chung là trái đất, là khí hậu môi trường.

           Lịch sử từng dân tộc, từng quốc gia đã và đang hòa chung với dòng chảy của lịch sử nhân loại. Từng dân tộc dù lớn hay nhỏ là một bộ phận không thể tách rời lịch sử toàn thế giới. Cho nên, lịch sử thế giới không chỉ là lịch sử của các nước lớn, các dân tộc lớn, các cường quốc mà còn là lịch sử của các dân tộc nhỏ, các quốc gia nhỏ khắp các châu lục, khắp các đảo, quần đảo trên các đại dương. Thế nhưng, từ trước đến nay chúng ta dường như chưa có một bộ sách viết đầy đủ dù sơ lược tất cả các quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới. Chúng ta hiểu lịch sử nước Anh, Pháp, Đức, Nga nhiều hơn lịch sử châu Âu, hiểu lịch sử Hoa Kỳ nhiều hơn lịch sử châu Mỹ, hiểu lịch sử Trung Quốc, Nhật Bản nhiều hơn lịch sử châu Á. Cũng như vậy chúng ta hiểu lịch sử châu Âu, châu Á, châu Mỹ nhiều hơn lịch sử châu Phi và châu Đại Dương. Điều này không thể chấp nhận được khi mà lịch sử thế giới là lịch sử của toàn nhân loại, khi mà xu hướng toàn cầu hoá đang đòi hỏi hiểu biết toàn diện để tiếp xúc hội nhập đa phương hoá, đa diện hoá với tất cả các quốc gia lớn nhỏ.

          

           II. Tổng quan lịch sử châu Á

           Châu Á là châu lục lớn nhất thế giới với diện tích chiếm 1/3 diện tích của toàn trái đất, dân số hơn 3 tỉ người. Ranh giới giữa châu Á với châu Âu là dãy U ran. Trung Đông được các nhà địa lý xếp vào phần lãnh thổ châu Á. Cho đến nay châu Á có 47 quốc gia lớn nhỏ trong đó lớn nhất và đông dân nhất là Trung Quốc, thứ 2 là Ấn Độ. Châu Á giàu có khoáng sản và dự trữ năng lượng rất lớn. Đại đa số dân cư sống ở nông thôn, sinh sống bằng nghề nông, lúa là vụ mùa chính ở hầu hết mọi nơi, nhiều nhất là các đồng bằng Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Tuy nhiên Nga và Ca zắc stan và các nước vùng Trung Á có nhiều nơi trồng lúa mì, còn dùng để chăn nuôi trâu bò, cừu, dê và loài bò Tây Tạng. Dân cư châu Á phần lớn sống ở Trung Quốc, Ấn Độ, Băng La Đét, miền Đông Trung Quốc, Nhật Bản, miền Đông Nam Á. Nhìn chung, những vùng đông dân thường là vùng ven biển, các đồng bằng phì nhiêu dọc theo những con sông lớn như Hoàng Hà, Trường Giang Trung Quốc, sông Hằng Hà, sông Bơ la ma pút ra ở Ấn Độ và Băng La Đét, các đồng bằng của các con sông ở Đông Nam châu Á. Cũng có những vùng bát ngát mênh mông nhưng ít người sinh sống như Mông Cổ, miền Tây Trung Quốc và vùng Xi bê ri ở Nga. Dân cư châu Á, trừ người Nga và người Ấn Độ thuộc chủng tộc Ấn -Âu (Ơ rô pô ít) còn đại đa số thuộc chủng tộc Môn gô lô ít ( da vàng), trong đó có hàng nghìn dân tộc, tộc người, đa dạng về phong cách sống, văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo và ngôn ngữ.

           Châu Á là một trong những nơi cũng diễn ra quá trình vượn chuyển biến thành người. Dấu vết khảo cổ học đã chứng minh một cách có thuyết phục cho kết luận này. Người ta tìm thấy dấu vết người vượn Bắc Kinh (Trung Quốc), người vượn Ja Va (In đônê xia ), người vượn ở Việt Nam v. v... Các quốc gia châu Á đã trải qua lịch sử xã hội nguyên thuỷ hàng triệu năm. Sau khi công xã nguyên thuỷ tan rã, châu Á trải qua các hình thái kinh tế xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến tuân theo những qui luật chung của lịch sử thế giới. Nhưng do những đặc điểm riêng biệt của nhiều yếu tố nên lịch sử châu Á diễn biến phức tạp, in đậm dấu ấn đặc thù. Những quy luật chung của lịch sử thế giới được thể hiện dưới dạng quy luật riêng biệt của châu Á.

           Châu Á là châu lục lớn nhât thế giới, điều kiện địa lý phong phú đa dạng, phức tạp, đủ loại địa hình. Nhưng nét nổi bật của cảnh quan địa lý châu lục này là có nhiều con sông dài như sông Ti Gơ rơ, Ơ fơ rát của Luỡng Hà cổ đại, sông Hằng, sông Ấn của Ấn Độ, sông Hoàng Hà, Trường Giang của Trung Quốc. Sông Hoàng Hà, Trường Giang dài xấp xỉ 5000km với thuỷ lượng cực lớn, rồi đến những con sông ở Đông Nam Á. Những con sông ở châu Á tải nặng phù sa, tạo nên những vùng đồng bằng lớn mầu mỡ như đồng bằng sông Ấn, sông Hằng, đồng bằng Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam của Trung Quốc, những đồng bằng ở Đông Nam châu Á; đồng bằng sông Mê công. Do có nhiều đồng bằng nên kinh tế nông nghiệp trồng lúa là chủ yếu. Điều này cắt nghĩa vì sao cho đến ngày nay đại đa số dân cư châu Á vẫn ở nông thôn và làm nông nghiệp. Bên cạnh đó nghề thủ công nghiệp, thương nghiệp phát triển để giải quyết nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Nền kinh tế nông nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phân hoá xã hội và thiết chế chính trị khi bước vào xã hội có giai cấp và nhà nước.

           Khoảng 3.000 năm trước CN, công xã nguyên thuỷ của các tộc người châu Á tan rã, xã hội chuyến sang xã hội có giai cấp và nhà nước đầu tiên. Do chỉ có một thành phần kinh tế nông nghiệp là chủ yếu nên trong giai cấp chủ nô cũng chỉ có một tầng lớp chủ nô nông nghiệp (quý tộc thị tộc). Nông dân chiếm đa số trong các quốc gia cổ đại châu Á, họ là lực lượng sản xuất chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Nhà nước chiếm hữu nô lệ chủ yếu bọc lột nông dân. Giai cấp tận cùng của xã hội là nô lệ, họ cũng mang tính chất chung của người nô lệ thế giới như không được pháp luật thừa nhận là con người, chỉ là tài sản biết nói của chủ nô, phải lao động cưỡng bức khổ sai và không được hưởng một chút nào thành quả lao động. Song, nô lệ châu Á không phải là lực lượng chính sản xuất ra của cải vất chất, họ được sử dụng hầu hạ phục dịch trong các gia đình quyền quý, quan lại, chủ nô. Các Mác gọi đặc trưng riêng này là chế độ nô lệ gia trưởng (gia đình).

           Ngoài sự phân chia xã hội thành giai cấp, xã hội các nước châu Á còn phân chia thành đẳng cấp sâu sắc và nặng nề hơn so với các châu lục khác mà Ấn Độ là quốc gia điển hình nhất.

              (Còn nữa)

               CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 9)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn