Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 13)

PGS TS Cao Văn Liên

08/11/2023 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 13

 Nghệ thuật kiến trúc tinh tế còn được thể hiện ở kinh đô Hạo Kinh, Trường An, Lạc Dương, Thành Đô, Bắc Kinh, Nam Kinh của các vương triều Trung Quốc, Hán Thành của Triều Tiên, Tô ki ô của Nhật Bản, Thăng Long của Đại Việt. Ở kinh đô Hàm Dương của nhà Tần, Tần Thuỷ Hoàng Đế đã cho xây dựng cung A Phòng rộng lớn, cực kỳ xa hoa. Khi Hạng Vũ lật đổ nhà Tần vào Hàm Dương đốt cháy cung này, lửa cháy 3 tháng ròng mới tắt. Trong các kinh đô nơi ở của vua và gia đình là xa hoa lộng lẫy nhất, nơi tập trung tinh hoa nghệ thuật kiến trúc trác tuyệt của những người thợ thủ công châu Á như Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc).

           Người châu Á còn xây dựng những công trình tôn giáo tinh tế: Đền thờ, chùa chiền, tháp, thánh đường. v. v trong đó thể hiện nghệ thuật kiến trúc điêu khắc tuyệt vời. Châu Á còn giỏi xây thành luỹ đồ sộ như Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), giỏi xây những khuôn viên kỳ thú như vườn treo Ba bi lon thể hiện giấc mơ xanh trên sa mạc nóng bỏng. Tất cả đều được xếp vào hàng những kỳ quan thế giới. Người châu Á không chỉ biết xây nhà ở đẹp cho người sống mà còn xây những lăng mộ đẹp cho người chết: Lăng Li Sơn của Tần Thuỷ Hoàng Đế, Thập Tam Lăng của các vua nhà Minh (Trung Quốc). v. v.. Tất cả nghệ thuật kiến trúc ở các giáo đường, nhà thờ, chùa chiền, tháp, đình, miếu, lăng mộ đều là ngôn ngữ nghệ thuật kiến trúc để nói lên tâm linh, một hoài niệm về một thế giới bên kia của người châu Á. Trong các công trình đều thể hiện sự tổng hoà của nghệ thuật nhưng nổi bật nhất là nghệ thuật điêu khắc và hội hoạ tuyệt vời. Nhìn chung, châu Á to lớn hàng trăm dân tộc nên có nền văn hoá đa dạng, phong phú, có bề dầy hàng nghìn năm xây dựng sáng tạo nên nền văn hoá này là một bộ phận to lớn của nền văn hoá nhân loại. Nhân dân châu Á muôn thế hệ bằng máu, mồ hôi, nước mắt, tài trí đã đóng góp xây dựng phát triển cho nền văn minh của xã hội loài người.

           Lịch sử chế độ chiếm hữu nô lệ ở châu Á kết thúc để chuyển sang chế độ phong kiến sớm muộn không đồng đều nhau ở các quốc gia. Nhưng nhìn chung vào cuối những năm của thiên niên kỷ I trước CN đến những năm đầu của thiên niên kỷ I sau CN, các nước châu Á lần lượt bước sang chế độ phong kiến. Ở Trung Quốc với việc Tần Thuỷ Hoàng Đế tiêu diệt sáu nước Sở, Hàn, Triệu, Yên, Tề, Nguỵ kết thúc cục diện chiến quốc, nhà Tần thống nhất Trung Quốc mở đầu cho các triều đạị phong kiến hàng nghìn năm. Ấn Độ từ xã hội nô lệ chuyển sang xã hội phong kiến vào thế kỷ thứ IV sau CN khi vương triều Chan đra Gúp ta II được xác lập năm 319 sau CN. Nhật Bản bước vào xã hội phong kiến thế kỷVI. Các nước Ả rập bước vào xã hội này thế kỷ VII. Các nước Đông Nam Á hình thành xã hội phong kiến vào thập kỷ đầu tiên của công nguyên. Quá trình phong kiến hóa ở châu Á do các nhân tố bên trong của các quốc gia là chính. Nhưng giống như quy luật chung trên thế giới, chế độ phong kiến châu Á ra đời cũng nhờ tới bạo lực, chiến tranh: Trung Quốc phải qua hơn 500 năm chiến tranh thời Xuân Thu sang thời Chiến quốc. Chế độ phong kiến Trung Quốc xác lập đã ảnh hưởng lớn lao đến quá trình phong kiến hoá ở khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á. Đầu thế kỷ VII các quốc gia Ả rập còn phân tán do tồn tại tôn giáo đa thần, các quốc gia nhỏ gây chiến tranh với nhau liên miên, cản trở việc buôn bán và xây dựng một quốc gia thống nhất. Năm 622 Mô Ha Mét sáng lập ra đạo Hồi nhằm thống nhất tôn giáo, tất cả thế giới A’ rập đều tôn thờ một vị chúa-thánh A La. Dưới lá cờ của một tôn giáo thống nhất, năm 623 Mô Ha Met dẫn quân đi chinh phục các nơi thống nhất dân tộc Ả rập trong một quốc gia phong kiến rộng lớn. Từ Trung Cận Đông, đạo Hồi bành trướng lên vùng Trung Á, Nam Á, Đông Nam châu Á (In đô nê xia , Ma lai xi a, một số cư dân ở Phi líp Pin, Việt Nam). Theo vết chân xâm lược của đế quốc Hồi giáo, đạo Hồi được truyền bá rộng rãi ở các quốc gia Bắc Phi, vào một bộ phận dân cư ở An ba ni, Nam Tư. Đạo Hồi và đế quốc A’rập là nhân tố thứ hai tác động đến quá trình phong kiến hóa ở châu Á. Như vậy một bộ phân lớn của châu Á, chế độ phong kiến được xác lập dưới ngọn cờ tôn giáo. Sự kiện lớn thứ ba tác động đến lịch sử của quá trình này là những cuộc xâm lăng của đế quốc Mông Cổ thế kỷ XIII. Năm 1206 Têmuzin lên ngôi Hãn là Thành Cát Tư Hãn (Trin Gít Khan), nhà nước phong kiến Mông Cổ được thành lập. Việc thành lập nhà nước phong kiến là một bước tiến của lịch sử Mông Cổ, nhưng Thành Cát Tư Hãn đã kéo dân tộc này vào những cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc đẫm máu khắp châu Á, châu Âu. Chiến dịch đầu tiên, Thành Cát Tư Hãn đã tiêu diệt nhà Tây Hạ, một quốc gia phía Bắc Trung Quốc. Năm 1225 quân Mông Cổ tiêu diệt nhà Kim, chiếm Bắc Kinh và toàn bộ phía Bắc Hoàng Hà Trung Quốc, Sau đó Thành Cát Tư Hãn quay lại đánh chiếm vùng Trung Á, Cáp Ca zơ, tiến quân vào miền Nam Nga. đến năm 1227 đế quốc Mông Cổ đã mở rộng lãnh thổ từ bờ biển Trung Quốc đến biển Catspiên bao gồm Xêbiri, Tây Tạng và toàn bộ đồng bằng Hoa Bắc của Trung Quốc. Năm 1227 Thành Cát Tư Hãn chết, con trai là Oa Khát Đài (O ga dai) lên nối ngôi. Năm 1237 Mông Cổ chiếm miền Trung, miền Bắc nước Nga, chiếm Đông Âu, Ban Tích, Ki Ép, Ba Lan, Galixi ( Áo), tiến vào Đức (1241) và quay xuống đánh chiếm Hung Ga Ri.

           Cùng trong thời gian đó, một đạo quân khác của quân Mông Cổ năm 1236 tấn công chiếm I Ran, G Ruzia , Ac mê nia, Azecbaizan. Oa Khát đài chết, Man Gu lên ngôi với sự giúp đỡ của hai anh là Ha La Gu và Khu Bi Lai (Hốt tất Liệt). Năm 1225 Ha La gu chiếm I rắc, năm 1229 tiến vào Xi ri và tiến đến bờ biển Địa Trung Hải nhưng quân Mông Cổ bị thất bại ở Ai Cập. Năm 1259 Ma Gu chết, Hốt Tất Liệt lên kế vị, khi đó đế quốc Mông Cổ đã trãi dài từ Triều Tiên qua Trung Quốc đến I ran và miền Nam nước Nga. Năm 1260 Hốt Tất Liệt dời đô về Bắc Kinh (Trung Quốc). Năm 1279 Hốt Tất Liệt tiêu diệt nhà Nam Tống, Trung Quốc thành trung tâm của đế quốc Mông Cổ và đế quốc này ở Trung Quốc được gọi là Nguyên. Nhưng Hốt Tất Liệt bị thất bại ở Đại Việt (Việt Nam) vào các năm 1258, 1285, 1288. Năm 1368 Chu Nguyên Chương, lãnh tụ một cuộc khởi nghĩa nông dân Trung Quốc lật đổ triều Nguyên. Vua cuối cùng của đế quốc Mông cổ là Timua rơ đã chạy vào tháo nguyên và chết. Đế quốc Mông Cổ sụp đổ.

            (Còn nữa)

            CVL

Kỳ 14

           Những cuộc xâm lược đẫm máu mang tính chất tàn phá cướp bóc của đế quốc Mông Cổ đã mang lại yếu tố tiêu cực cho quá trình phong kiến hoá ở châu Á. Các quốc gia bị Mông Cổ xâm lược chịu chết chóc tàn phá kiệt quệ sức lực, đã bị tổn thương làm chậm đi quá trinh phát triển.

           Sự kiện thứ 4 tác động đến quá trình phong kiến hóa và chế độ phong kiến ở khu vực này là những cuộc xâm lược bành trướng và cai trị của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (Ôtô man). Năm 1453 Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được thành Công stantinốp, tiêu diệt đế quốc Bi zăn tin (Đông La Mã). Những năm 50, 60 thế kỷ XV Xun Tan Mô ha Met II tấn công bán đảo Ban Căng. Những năm 70 quân Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt Hãn quốc, chiếm Crưm và đánh phá Giênôva, đánh chiếm Tiểu Á và tiến đến bờ sông Ơ rơ phát. Sang đời cháu của Môha met II là Xêlim I quân Thổ Nhĩ Kỳ tiến đánh Cáp Ca zơ, A zec bai dan, Đe ga stan và nhiều vùng thuộc Trung Á, Chiếm Xi ri, Ai Cập. Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ hùng cường nhất vào thời Xun tan Xu Lây man (1520-1565). Dưới triều đại này quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Hung Ga Ri, Môn đa vi, bao vây kinh thành Viên thủ đô nước Áo, chiếm Luỡng Hà và kinh đô Bát đa, chiếm bán đảo A’rập và Bắc Phi. Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên uy hiếp vùng biển Italia và Tây Ban Nha, cắt đứt con đường buôn bán lớn của thế giới qua Địa Trung Hải, Hắc Hải, Hồng Hải và vịnh Ba Tư. Thế kỷ XV-XVI Thổ Nhĩ Kỳ là đế quốc thay thế đế quốc Bi zăn tin và đế quốc A’rập.

           Ở các nước bị xâm lược, Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng một chế độ phong kiến quân sự độc tài, vơ vét bóc lột các dân tộc bằng cống nạp để sống xa hoa lãng phí. Riêng ở triều đình Xun tan đã có tới 15.000 người hầu hạ. Toàn đế quốc có 21 tổng trấn, dưới tổng trấn là 250 khu. Nông dân bị lãnh chúa và nhà nước phong kiến bóc lột tàn nhẫn, lực lượng sản xuất hết sức thấp kém, lại còn bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đàn áp, cướp bóc. Những cuộc xâm lược, thống trị tàn bạo, cướp bóc tàn phá của Thổ Nhĩ Kỳ đã giam hãm các dân tộc bị chúng nô dịch trong vòng lạc hậu với pháp luật của chế độ phong kiến quân sự tàn nhẫn hà khắc. Tất cả đã tác động tiêu cực đến một bộ phận các quốc gia phong kiến châu Á trong thời kỳ trung đại.

           Thiết chế chính trị của các nhà nước phong kiến châu Á là nhà nước quân chủ chuyên chế phong kiến tập quyền, điển hình là nhà nước phong kiến Trung Quốc. Quyền sở hữu tối cao ruộng đất thuộc nhà vua. Khi hoàng đế phân phong, ban cấp ruộng đất cho hoàng thân quốc thích, cho các tướng soái, đại thần thì quyền sở hữu ruộng đất của hoàng đế vẫn không mất. Chủ nhân được phân phong ban cấp chỉ có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, ruộng đất có thể bị nhà nước thu hồi lại bất cứ lúc nào, nhất là đối với phần ruộng đất ban cấp không vĩnh viễn, chủ ruộng không có quyền thừa kế. Nông dân trong khu ruộng đất phong cấp cày ruộng và nộp tô thuế cho chủ đất nhưng quí tộc phong kiến không được biến nông dân thành nông nô. Với những nguyên nhân trên, chế độ phong kiến châu Á dù có trải qua giai đoạn điền trang thái ấp nhưng không tồn tại chế độ nông nô, điền trang thái ấp không biến thành lãnh địa cát cứ như các lãnh địa của các lãnh chúa Tây Âu. Để có người phục dịch trong gia đình, trong điền trang thái ấp, quan lại phong kiến châu Á phải nuôi nô tì (gia nô). Gia nô không phải là nông dân bị nông nô hoá mà chỉ là tầng lớp nghèo đi ở cho chủ phong kiến mà thôi. Trong điền trang thái ấp, nông dân nhận ruộng đất cày cấy và nộp tô cho quý tộc phong kiến. Tuy nhiên do phải nhận ruộng cày cấy nên người nông dân bị phụ thuộc và bị áp bức bóc lột nặng nề, bị quý tộc phong kiến chi phối nhiêu mặt. Như vậy nhà nước nắm quyền sở hữu ruộng đất đã làm cho quý tộc phong kiến châu Á không thể xây dựng được lãnh địa cát cứ biệt lập tách rời chống lại chính quyền trung ương. Đó là đặc điểm riêng biệt của chế độ phân phong kiểu châu Á.

           Ở châu Á, ruộng phân phong ban cấp chỉ là một phần nhỏ và chỉ là một loại ruộng. Đại bộ phận là ruộng đất công của công xã. Công xã phân chia ruộng đất công này cho các thành viên cày cấy và nộp tô thuế, đi lao dịch, binh lính cho nhà nước. Như vậy nhà nước đã dựa vào công xã đế bóc lột nông dân vì ruộng đất của công xã vẫn thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà nước. Còn tồn tại ruộng đất của nhà nước sử dụng tù binh và phạm nhân để cày cấy và nhà nước thu tô. Tô của loại ruộng này rất nặng. Ngoài ra còn ruộng đất của nhà thờ, nhà chùa, của các tôn giáo. Ruộng đất này do nhà nước ban cấp hoặc do các quý tộc quan lại sùng đạo cúng vào. Ruộng đất này cũng được tổ chức thành các trang trại để sản xuất.

           Kinh tế phong kiến châu Á trải qua hai giai đoạn, giai đoạn điền trang thái ấp đuợc lập nên bởi nhà vua phân phong, ban cấp ruộng đất cho đại thần, tướng soái, hoàng tộc. Dù đã nhiều ruộng đất bọn quí tộc phong kiến vẫn dùng quyền lực chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, làm cho nông dân mâu thuẫn với phong kiến càng sâu sắc, nông dân đấu tranh chống phong kiến kịch liệt dẫn đến sự sụp đổ của kinh tế điền trang thái ấp, chế độ phong kiến điều chỉnh chuyển sang kinh tế địa chủ, tức là hạn chế việc tước đoạt ruộng đất qúa lớn nhưng cho phép ruộng đất tư phát triển, cho phép mua bán ruộng đất, tạo nên tầng lớp địa chủ trong giai cấp phong kiến. Ở Trung Quốc, đến đời nhà Đường kinh tế điền trang thái ấp sụp đổ, thay vào đó là nền kinh tế địa chủ. Ở Việt Nam đến cuối triều Trần và đầu thời Hồ, chế độ điền trang thái ấp sụp đổ dẫn đến những cải cách của Hồ Quý Ly để cứu vãn nó nhưng thất bại. Sang triều Hậu Lê (1428-1789) hoàn toàn dựa trên nền kinh tế địa chủ. Bản thân Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cũng xuất thân từ một địa chủ ở vùng Lam Sơn, Thọ Xuân Thanh Hoá. Chế độ quân điền của nhà Đường ở Trung Quốc và nhà Hậu Lê ở Việt Nam thúc đẩy kinh tế địa chủ phát triển. Dù ở kinh tế điền trang thái ấp hay kinh tế địa chủ, người nông dân vẫn không bị nông nô hoá, về mặt pháp lý họ chỉ là thân phận tá điền, dễ chịu hơn so với thân phận người nông nô trong các lãnh địa phong kiến Tây Âu. Tuy nhiên họ vẫn bị địa chủ và nhà nước phong kiến bóc lột áp bức nặng nề.

           Nhà nước phong kiến châu Á không chỉ đơn thuần thực thi chức năng quản lý xã hội mà còn phải thực hiện chức năng tổ chức quản lý sản xuất nông nghiệp. Nhà nước phải trực tiếp tổ chức công việc trị thuỷ các con sông lớn, đắp đê phòng lụt, đào sông, tổ chức hệ thống tưới tiêu, tổ chức khai khẩn đất hoang để mở rộng diện tích canh tác, bảo vệ sức kéo như trâu, bò, ngựa.

            (Còn nữa)

            CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 13)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn