Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 2)

PGS TS Cao Văn Liên

27/10/2023 06:11

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 2

II.      PHÂN KỲ LỊCH SỬ THẾ GIỚI                            

Theo quan điểm Mác xít, lịch sử xã hội loài người trải qua 5 thời kỳ lớn:

1: Thời kỳ tiền sử: Là thời kỳ xã hội cộng sản nguyên thuỷ kéo dài hàng triệu năm, là thời kỳ dài nhất trong lịch sử xã hội loài người. Đây là thời kỳ mà tất cả các dân tộc đều phải trải qua, đặt nền tảng cho tính cách và truyền thống của từng dân tộc, là thời thơ ấu của từng tộc người, từng dân tộc.

Cách ngày nay khoảng 3 đến 4 triệu năm, một loài vượn đặc biệt đã chuyển biến thành người. Đây là một quá trình lâu dài và trải qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên từ loài vượn đặc biệt chuyển biến thành vượn - người, yếu tố vượn còn nhiều hơn. Từ vượn - người tiến hoá thành người - vượn, yếu tố người đã nhiều hơn. Từ người - vượn tiến lên thành người tinh khôn và cuối cùng từ người tinh khôn tiến lên thành người hiện đại - Hômôsapiêng. Với người Hômôsapiêng quá trình vượn chuyển biến thành người đã hòan thành. Hô mô sa piêng trở thành ông tổ của 4 chủng tộc lớn trên thế giới ngày nay: Chủng tộc Môngôlôit (ở châu Á, da vàng, tóc đen, mắt đen), chủng tộc Ơrôpôit (ở châu Âu, da trắng, mắt, xanh tóc vàng hoặc bạch kim), chủng tộc Nêgrôit (ở châu Phi, da đen, tóc đen xoắn) và chủng tộc Oxtralôit (ở châu Đại Dưong, da hơi xám, tóc đen, mắt đen). Từ đại chủng, người ta lại chia loài người thành tiểu chủng và loại hình nhân chủng là những cộng đồng người có đặc điểm bên ngoài giống nhau hơn nữa.

           Cộng đồng đầu tiên của xã hội loài người là các bầy người, một bầy người khoảng từ 10 đến vài chục người. Giữa các bầy không có mối quan hệ với nhau, đời sống hết sức thấp kém. Bầy chưa phải là xã hội loài người theo đúng nghĩa của nó, mới chỉ là giai đoạn manh nha những nhân tố của xã hội loài nguời. Ở bầy người chưa có văn hoá, phong tục tập quán và tôn giáo. Hôn nhân được tiến hành trong bầy với nhau (tạp hôn). Công cụ chủ yếu thời kỳ này là đồ đá nhưng chưa được chế tác (đá cũ).

           Trải qua hàng triệu năm phát triển, người nguyên thuỷ tiến lên một cộng đồng mới cao hơn là cộng đồng thị tộc. Cộng đồng là thị tộc người cố kết với nhau trên cơ sở cùng chung huyết thống, máu mủ ruột rà, là hạt nhân để sau này hình thành họ tộc. Với thị tộc, xã hội loài người thực sự bắt đầu. Thị tộc đầu tiên là thị tộc mẫu quyền, còn gọi là thị tộc mẫu hệ. Trong thị tộc mẫu quyền người phụ nữ nắm vai trò điều hành thị tộc. Hôn nhân thời kỳ này bắt buộc phải ngoại  tộc hôn nên con chỉ biết có mẹ nên theo dòng họ mẹ - mẫu hệ. Thời kỳ này người nguyên thuỷ vẫn sử dụng công cụ đá đã được chế tác nhưng chưa tinh xảo lắm nên gọi là thời đại đồ đá giữa. Trong giai đoạn thị tộc mẫu quyền đã xuất hiện văn hoá, tôn giáo, phong tục tập quán, có một nền dân chủ công bằng mang tính chất nguyên thuỷ. Giữa các thị tộc đã mở rộng liên kết địa bàn kiếm ăn, hôn nhân với nhau, giúp đỡ nhau, do đó hình thành cộng đồng bộ lạc. Bộ lạc là sự liên kết hai hay nhiều thị tộc với nhau. Đứng đầu bộ lạc là tù trưởng do các thành viên bộ lạc bầu lên một cách dân chủ công khai. Thị tộc mẫu quyền là đỉnh cao nhất của xã hội nguyên thuỷ, trong đó không có tư hữu về tư liệu sản xuất, không có giai cấp nhà nước, pháp luật, không có chiến tranh. Các cuộc xung đột bộ lạc không phải là chiến tranh vì không nhằm mục đích chính trị mà chỉ vì lý do trả thù cho thành viên của mình bị hại mà thôi.

           Kết thúc thời kỳ thị tộc mẫu quyền, xã hội nguyên thuỷ bước sang thời kỳ thị tộc phụ quyền. Nguyên nhân sự thay đổi này là do sự phát triển của công cụ sản xuất. Người nguyên thuỷ trong khi lao động sản xuất không ngừng có tham vọng nâng cao năng suất lao động. Để đạt được mục đích này, họ đã luôn luôn tìm cách cải tiến, đổi mới công cụ sản xuát. Họ đã phát minh ra cung tên. Sự kiện này được F.Ăng ghen đánh giá có tầm quan trọng như phát minh ra súng thời kỳ cận đại. Người nguyên thuỷ đã sử dụng công cụ đồ đá mới, đồ đá được chế tác đẹp đẽ đúng với hình dáng chức năng của công cụ, sử dụng có hiệu quả hơn. Kim loại đồng, sắt được người nguyên thuỷ tìm thấy khoáng 4000 năm trước TCN. Công cụ sản xuất thay đổi làm xuất hiện nhiều ngành nghề mới như săn bắn, chăn nuôi, trồng trọt, đánh cá. Thủ công nghiệp ra đời sản xuất vải vóc, đồ gốm, công cụ sản xuất, vũ khí,đồ trang sức.v.v... Tất cả những ngành nghề mới đó đòi hỏi người đàn ông phải đóng vai trò chính trong sản xuất, phân công lao động trong xã hội phụ quyền xuất hiện những gia đình lớn nhiều vợ, nhiều chồng chung sống với nhau, con sinh ra phải mang dòng họ cha. Trong thị tộc phụ hệ, quyền uy gia trưởng của người đàn ông được xác lập. Ngoài cộng đồng thị tộc và bộ lạc, xã hội bây gìơ  có thêm cộng đồng liên minh bộ lạc, kết quả hợp nhất giữa hai hay nhiều bộ lạc với nhau. Đứng đầu liên minh bộ lạc là hội đồng liên minh bộ lạc mà thành viên là các tù trưởng bộ lạc. Tôn giáo, văn hoá, phong tục tập quán phát triển cao hơn một bước so với thời kỳ mẫu quyền. Song, xã hội vẫn chưa có chế độ tư hữu, giai cấp và nhà nước và pháp luật. Tuy nhiên thời kỳ thị tộc phụ quyền, xã hội nguyên thuỷ bước sang giai đoạn tan rã. Với công cụ đá mới tinh xảo và công cụ kim loại, năng suất lao động cao làm cho có sản phẩm dư thừa, điều này dẫn đến sự phá vỡ tính cố kết của cộng đồng thị tộc vốn dĩ dựa trên cơ sở năng suất lao động thấp. Ngày xưa, khi đời sống thấp kém, người ta phải cố kết nhau để tồn tại, bây giờ năng suất lao động cao, chỉ cần gia đình một vợ một chồng vẫn tạo được của cải dư thừa. Vậy là xã hội xuất hiện gia đình một vợ một chồng và kết quả của sự chuyển biến này đã ra đời chế độ tư hữu vì các gia đình một vợ một chồng chiếm đoạt ruộng đất, của cải của công xã làm của riêng, đưa  xã hội đến phân hoá giầu nghèo và xuất hiện giai cấp. Đại đa số nông dân công xã chiếm được ít ruông đất trở thành dân nghèo. Các “quan chức” nguyên thuỷ như tộc trưởng, tù trưởng, thủ lĩnh liên minh bộ lạc, thủ lĩnh quân sự do có quyền thế nên chiếm đoạt được nhiều ruộng đất trở nên giầu có. Sự giầu có càng được tăng cường khi họ tiến hành chiến tranh với các bộ lạc khác cướp đoạt của cải, đất đai của các bộ lạc bại trận, biến cư dân của bộ lạc bại trận thành giai cấp nô lệ. Công xã nguyên thuỷ tan rã và loài người bước vào xã hội có chế độ tư hữu, giai cấp và nhà nước. Loài người chấm dứt xã hội dã man theo cách nói của F.Ăng Ghen để bước sang xã hội văn minh. Trong xã hội có giai cấp thì xuất hiện mâu thuẫn giai cấp, dẫn tới xung đột giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đấu tranh của giai cấp nghèo chống lại giai cấp giầu có, điều này đã đe dọa đến quyền lợi của giai cấp chủ nô. Để đối phó lại chủ nô đã phát minh ra một công cụ huyền diệu giúp chúng dù là thiểu số vẫn có thể thống trị, đàn áp, bóc lột được đại đa số dân cư. Công cụ đó chính là bộ máy nhà nước.

          (Còn nữa)

          CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 2)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn