Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 20)

PGS TS Cao Văn Liên

15/11/2023 06:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 20

Mỹ gây sức ép nặng nề về kinh tế, chính trị cho các nước trong khu vực, thay chân Pháp gây ra cuộc chiến tranh Đông Dương lâu dài và thảm khốc (1954-1975), can thiệp và gây ra cuộc chiến tranh Nam - Bắc Triều Tiên (1950-1953), tiếp sức cho Israen gây ra 4 cuộc chiến tranh Trung Đông, đẩy nhân dân Palet stin vào hoàn cảnh không có tổ quốc, đơn phương gây ra cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần 3 chống Irắc (2003), lật đổ chính phủ và chiếm đóng nước này, gây nên cục diện hỗn loạn, bạo lực, tang thương cho nhân dân. Mỹ tiếp tục đe dọa Iran, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Mỹ xây dựng nhiều căn cứ quân sự và đóng quân trên lãnh thổ nhiều nước châu Á. Mỹ đã nuôi dưỡng lực lương Taliban gây nội chiến lật đổ chính phủ hợp hiến của nước này, đẩy Ap gani stan vào cuộc nội chiến triền miên. Sau khi Taliban phản bội Mỹ và bị Mỹ lật đổ trong cuộc chiến tranh không cân sức năm 2003, Mỹ đang len chân vào vùng chiến lược Trung Á, tham vọng kiểm soát nguồn dầu lửa, khí đốt Cápcazơ, bao vây sườn Tây Nam và phía Nam của Liên bang Nga, một đối thủ đáng gờm của Mỹ trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên trong thời kỳ hiện đại, đặc biệt từ sau đại chiến thế giới thứ hai đến nay chủ nghĩa thực dân không mấy thành công ở châu Á. Thành tựu vĩ đại nhất của nhân dân châu Á là từ những nước thuộc địa của các nước phương Tây hàng trăm năm, nay đã giành được độc lập, ra đời và xây dựng được những quốc gia đàng hoàng với những thiết chế chính trị nhà nước khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của nước mình. Châu Á hiện nay có nước quân chủ, nước quân chủ nghị viện, nước cộng hoà tổng thống, nước cộng hòa đại nghị,  nước cộng hòa lưỡng thể và nước cộng hoà dân chủ nhân dân. Nửa sau thế kỷ XX, bộ mặt chính trị châu Á hoàn toàn thay đổi, góp phần vào tiến trình chung của lịch sử nhân loại. Nhân dân châu Á đạt nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội văn hoá, một số nước trở thành một trong những trung tâm kinh tế, tài chính thương mại của thế giới. Giảm đi sự tác động của mối quan hệ giữa các cường quốc sau thời kỳ chiến tranh lạnh, quan hệ giữa các nước châu Á ngày càng xích lại gần nhau. Hai tổ chức khu vực đã ra đời: Liên đoàn các nước A’rập và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có mục đích hợp tác phát triển kinh tế văn hoá, khoa học kỹ thuật, bảo đảm hoà bình trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên đại đa số các nước châu Á vẫn là nước nông nghiệp lạc hậu, từng quốc gia đang có những quốc nạn riêng mà chính phủ nước đó đang đối mặt. Ngoài ra châu Á cũng như các châu lục khác đang đứng trước hiểm họa mang tính chất toàn cầu: Nạn khủng bố, đại dịch HIV, thất nghiệp, ma tuý, sự phân cực giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu sắc, vấn đề sắc tộc, tôn giáo dẫn tới xung đột nội chiến ly khai, vấn đề chiến tranh hay hoà bình, vấn đề giáo dục thanh thiếu niên để họ trở thành người có học vấn, có ích cho xã hội và quốc gia, vấn đề tha hóa của một bộ phận không nhỏ trong bộ máy công quyền... Những vấn đề đó không giải quyết tốt đang cản trở to lớn đến mục tiêu to lớn nhất của các quốc gia là thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, nhanh chóng trở thành những nước công nghiệp tiên tiến. Dòng lịch sử châu Á vẫn đang cuồn cuộn chảy hòa chung vào dòng lịch sử vĩ đại của nhân loại nhưng mang nét đặc thù riêng của nó. Nét đặc thù của châu Á đã được Các Mác cách ngày nay 150 năm đã tổng quát thành công thức nổi tiếng: Phương thức sản xuất châu Á. Hay có thể nói thêm rằng lịch sử châu Á đang đi lên theo kiểu của hình thái kinh tế xã hội châu Á.

  (Còn nữa)

     CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 20)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn