Kỳ 46
Muốn nôn nóng nhanh chóng có ngay chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trong một thời gian ngắn, mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô chỉ chú trọng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, coi thường việc phát triển nông nghiệp. Nhà nước đầu tư rất ít vốn cho tiêu dùng, xây nhà ở dịch vụ và kinh tế nông nghiệp. Tháng 6-1949 Stalin đưa tất cả nền nông nghiệp trở lại chế độ nông trang và nông trường quốc doanh, nhưng chế độ sở hữu này đã không còn yếu tố kích thích sản xuất đối với người nông dân. Liên Xô thường phải nhập khẩu từ 30 đến 40 triệu tấn lương thực, nhập trên 10 vạn tấn thịt các loại.
Do chỉ chú trọng phát triển công nghiệp nặng, nền kinh tế quốc dân mất cân đối nghiêm trọng, giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ. “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng là nguyên tắc bất biến trong kinh tế Liên Xô”[1].
Công nghiệp quốc phòng và ngành chế tạo máy phát triển rất mạnh. Năm 1985 trong nhóm giá trị sản lượng chiếm 74,8%.
Kinh tế Liên Xô còn mất cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp, so sánh 1975 với năm 1960, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 3, 2 lần, khi đó giá trị sản lượng nông nghiệp chỉ tăng 0, 4 lần. Mất cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng. Từ 1976 đến 1980 hàng năm hạn ngạch đầu tư cho nền kinh tế quốc dân cao hơn 30% thu nhập quốc dân. Đầu tư xây dựng cao làm cho mức sống nhân dân giảm, gây khó khăn về người và của, ảnh hưởng đến phát triển nền kinh tế Liên Xô. Chi phí cho quân sự cũng chiếm 34% toàn bộ thu nhập quốc dân Liên Xô. Cuộc chạy đua vũ trang, vũ khí hạt nhân - tên lửa đã ngốn hàng nghìn tỉ rúp. Tất cả đều ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Ở Liên Xô kéo dài tình trạng là tiền thu được do bán vàng, bán dầu mỏ dùng để mua ngũ cốc và các loại lương thực khác. Trong khi đó, tại nông thôn Liên Xô, trong thu hoạch vận chuyển, bảo quản và chế biến đã để thất thoát ít nhất 1/3 sản lượng mùa màng[2].
Nhà nước Liên Xô đã chi hàng trăm tỉ đô la vào việc thực hiện những dự án khổng lồ của thế kỉ. Tuyến đường sắt Ba Lan - A mua không một ai cần đến. Đổ tiền vàng vào việc chế tạo hàng nghìn xe tăng, hệ thống pháo, tên lửa chiến lược hạng nhỏ và hạng trung mà sau đó lại được nấu thành thép. Hàng trăm tỉ đô la tiền bán dầu mỏ dùng để mua ở phương Tây, thực phẩm, rượu, giẻ rách rẻ tiền thay vì phải mua những công nghệ mới nhất.
Say sưa với sự nghiệp công nghiệp hóa, Liên Xô đã đạt đỉnh cao của khai thác tài nguyên thiên nhiên. Một năm đất nước sản xuất 710 triệu tấn than, 600 triệu tấn dầu thô, 143 triệu tấn thép. Mô hình sản xuất chiều rộng mở hết cỡ[3], Những khả năng tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng bằng cách đơn thuần mở rộng công suất sản xuất, tăng số người làm việc đã đến lúc cạn kiệt. Hơn nữa bấy giờ kinh tế Liên Xô phải xử lý 12 tỉ mối quan hệ thì chế độ quản lý tập quyền mệnh lệnh hoàn toàn bất lực. Trung ương không thể nào dự tính được mọi thứ, không thể nắm được hết và không tổ chức được vô vàn những mối quan hệ kinh tế, xây dựng hệ thống cung ứng vật tư, kĩ thuật, hệ thống kích thích tiến bộ khoa học và kĩ thuật lao động với năng suất cao ở các tập thể xí nghiệp, nói gì đến từng con người.
Vào những năm 70, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Liên Xô bắt đầu giảm. Cuối đại chiến thế giới thứ hai đến cuối thập kỷ 50, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Liên Xô là 10%. Đến thập kỷ 60, tốc độ tăng trưởng bắt đầu giảm, nhưng vẫn cao hơn Mỹ là 2%, nhưng từ năm 1966-1970, tỉ lệ tăng trưởng của thu nhập quốc dân chỉ bằng 7, 1%. Kế hoạch 5 năm lần 9 tăng 5, 1%, kế hoạch 5 năm lần 10 là 3, 9%. Vào năm 1982 khi Brêgiênhép qua đời giảm còn 2, 6%, đạt mức thấp nhất[4].
Mức tăng năng suất lao động xã hội ở kế hạch 5 năm lần 9 giảm 1, 5 lần so với kế hoạch 5 năm lần 8[5].
Liên Xô bắt đầu tụt hậu so với các nước tư bản phát triển vị trí cường quốc bị đe dọa. Theo thống kê của chính Liên Xô công bố: 1960-1965 thu nhập quốc dân của Nhật Bản tăng 5, 4 lần, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 6, 5 lần năng suất lao động, công nghiệp tăng 4, 3 lần, cùng thời kỳ thì việc tăng trưởng này tương ứng của Liên Xô là 3. 900 tỉ đô la, Liên Xô 1, 800 tỉ đô la, Nhật Bản chỉ 1.700 tỉ đô la. Nhưng chỉ đến năm 1988 Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới[6]. Vào năm 1986, tổng giá trị sản phẩm của Liên Xô chỉ bằng 40% của Mỹ, thu nhập quốc dân chỉ bằng 50%, năng suất lao động công nghiệp chỉ bằng 55%, năng suất lao động nông nghiệp chỉ bằng 20% - 25%.
Vào đầu những năm 80, kinh tế sa sút nên mức sống của nhân dân Liên Xô xuống thấp. Mỹ trả lương 10 đến 300 đô la 1 giờ thì Liên Xô chưa được 1 đô la 1 giờ[7]. Về kinh tế, Liên Xô thua kém các nước tư bản từ 6 đến 8 lần.
Cơ chế tập quyền tạo ra một tầng lớp có địa vị xã hội và quyền lực cao, một bộ phận cán bộ của bộ máy Đảng và nhà nước tha hóa, quan liêu, tham nhũng. Đời sống của nhân dân giảm sút, tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cao, tội phạm giết người, gái mại dâm phát triển, nạn trộm cắp của công, lấy của nhà máy đem ra ngoài bán thành phổ biến do khan hiếm hàng hóa. Nẩy sinh hiện tượng trong xã hội đồng tiền có sức mạnh vạn năng, có tiền là có tất cả: Máy móc, tiện nghi, rượu, phụ nữ, vào Đại học, danh hiệu khoa học. Thậm chí có tiền còn mua được cả chức vụ với giả cả: Viện trưởng viện Kiểm sát huyện giá 30. 000 rúp, trưởng Công an huyện 50. 000 rúp, Bí thư thứ nhất huyện ủy: 200. 000 rúp[8]. Gia đình, đơn vị tế bào của xã hội không bền vững. Mọi người tìm cách thoát ly khỏi nông thôn, nhất là các sinh viên đại học từ nông thôn đi học.
(Còn nữa)
CVL
-------------------
[1] Brêgiênhép: Bài nói với cử tri khu Bawman - Matxcova
[2] Vich to Aphanaxep: Quyền lực thứ tư và bốn đời Tổng bí thư, Nxb Cihnsh trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 95.
[3] Tình hình Liên Xô và quan hệ Việt - Trung - Xô, Tạp chí văn hóa tư tưởng số tháng 11 - 1991, trang 10
[4] Du Thúy: Mua đông và mùa xuân - chấm dứt một thời đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995
[5] Tổ quốc ta, Một thử nghiệm về lịch sử chính trị, trang 47,
[6] Du Thúy: Mua đông và mùa xuân - chấm dứt một thời đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 9.
[7] Tình hình Liên Xô và quan hệ Việt Trung, tạp chí công tác tư tưởng văn hóa, số tháng 11-1991.
[8] Lịch sử Liên Xô