Kỳ 90
Sau đại chiến thế giới thứ 2 (1939-1945 ), chủ nghĩa xã hội vượt khỏi phạm vi một nước, trở thành hệ thống kinh tế, chính trị thế giới, xuất hiện mối quan hệ hợp tác tương trợ giữa các nước xã hội chủ nghĩa với nhau. Chủ nghĩa quốc tế vô sản phát triển thành chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa mà nội dung là các nước xã hội chủ nghĩa hợp tác giúp đỡ nhau để phát triển về văn hoá, kinh tế, khoa học kỹ thuật, hợp tác giúp đỡ nhau về quân sự để chống lại sự tấn công của chủ nghĩa đế quốc. Chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa là sự phát triển cao của chủ nghĩa quốc tế vô sản trong hoàn cảnh mới , hoàn cảnh chủ nghĩa xã hội đã thành một hệ thống thực thể của thế giới , đối lập với hệ thống chủ tư bản chủ nghĩa.
2. Lịch sử của chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Chủ nghĩa quốc tế vô sản không chỉ là lý thuyết mà đã trở thành hiện thực, trở thành một bộ phận quan trọng trong lịch sử thế giới cận hiện đại. Sinh thời Các Mác và F. Ăng ghen đã kêu gọi giai cấp công nhân châu Âu hãy ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Các Mác và Ăng ghen thúc đẩy công nhân Anh ủng hộ yêu sách đòi độc lập của nhân dân Iếc lăng đơ. Hai ông cho rằng việc thực hiện những yêu sách đó cũng cần thiết cho ngay cả sự phát triển của giai cấp công nhân Anh. Lê nin viết : “Chính sách của Mác -Ăng ghen trong vấn đề Iêclăng đơ đã nêu lên một tấm gương lớn nhất về thái độ mà giai cấp vô sản thuộc các dân tộc đi áp bức cần phải có đối với các phong trào dân tộc”. Đó là lời kêu gọi hành động đầu tiên mở đầu trang lịch sử chủ nghĩa quốc tế vô sản. Các Mác và Ăng ghen đã thành lập Quốc tế I ( 1864 –1872 ) và Quốc tế II (1889-1900) là những tổ chức quốc tế nhằm tập hợp đoàn kết giai cấp công nhân, giáo dục cho công nhân toàn thế giới tinh thần quốc tế vô sản. Trong tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”, Các Mác đã chỉ ra Công xã Pa ri thất bại vì nhiều nguyên nhân , một trong những nguyên nhân đó là công xã đã không thực hiện được chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917 lật đổ chủ nghĩa tư bản Nga, thiết lập nhà nước Xô Viết, nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chọc thủng khâu yếu nhất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới, đặt thế giới trước hai phe đối lập. Run sợ trước sự xuất hiện của nhà nước xã hội chủ nghĩa, các nước tư bản cầm đầu là Anh, Pháp phối hợp cùng những lực lượng phản động (Bạch vệ ) cùng tấn công nhằm lật đổ nhà nước Xô Viết công nông, bóp chết thành quả cách mạng tháng Mười. Thấm nhuần chủ nghĩa quốc tế vô sản, giai cấp công nhân, nhân dân lao động các nước tư bản Âu –Mỹ, nhất là nhân dân lao động Pháp và nhân dân lao động Anh đã kiên quyết đứng lên chống chính phủ của họ đã can thiệp vào nước Nga Xô viết. Kết quả, nhờ sự chiến đấu anh dũng của nhân dân Nga Xô Viết, nhờ sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của phong trào công nhân và nhân dân thế giới, nước Nga Xô Viết đã chiến thắng thù trong giặc ngoài trong cuộc nội chiến khốc liệt năm 1918-1921. Đánh giá nguyên thắng lợi của nước Nga Xô Viết, Lê nin viết rằng một trong những nguyên nhân đó là giai cấp công nhân Âu- Mỹ, đặc biệt là công nhân và nhân dân lao độngAnh-Pháp đã chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng tháng Mười như bảo vệ sự nghiệp của chính họ.
Năm 1919, Lênin đã thành lập Quốc tế thứ III (Đệ tam Quốc tế 1919-1943 ) để tổ chức giáo dục đoàn kết công nhân các nước trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản và ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa Á-Phi. Quốc tế cộng sản đã giúp các Đảng cộng sản đoàn kết với nhau trên tinh thần quốc tế vô sản. Về lý luận, Lênin vạch ra rằng sự chiến thắng của cách mạng vô sản ở các nước chính quốc sẽ tạo khả năng giải phóng cho các nước thuộc địa. Lênin đặt cách mạng giải phóng thuộc địa vào phạm trù của cách mạng vô sản thế giới. Người kêu gọi vô sản chính quốc ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Quốc tế III đã mở Trường đại học Phương Đông đào tạo cán bộ cho phong trào giải phóng dân tộc các nước Á-Phi, quan tâm giúp đỡ việc thành lập và phát triển của các đảng cách mạng ở thuộc địa, vạch đường lối chiến lược sách lược cho cách mạng giải phóng dân tộc. Quốc tế III là tổ chức của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nhưng cũng là tổ chức của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Nền tảng tư tưởng của Quốc tế III là chủ nghía Mác –Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Kết quả hoạt động của Lênin, của Quốc tế III đã làm cho phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa trưởng thành, hình thành những nhân tố mới như ra đời các đảng cách mạng, các cán bộ cách mạng được đào tạo, đường lối chiến lược sách lược được khẳng định, tạo tiền đề cho phong trào giải phóng dân tộc phát triển sang một chất lượng mới và chiến thắng ở thời kỳ sau đại chiến thế giới thứ II.
Năm 1922 Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô ) được thành lập với ba nước cộng hoà. Vào những năm 30 của thế kỷ XX Liên bang lên đến 15 nước cộng hòa bao gồm hơn 100 dân tộc tộc người khác nhau. Trên tinh thần quốc tế vô sản, Liên Xô đã giải quyết thành công vấn đề mối quan hệ giữa các dân tộc trong Liên bang Xô Viết. Đó là mối quan hệ hữu nghị, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế , văn hoá, xã hội giữa các dân tộc và giữa các nước cộng hoà, trong đó không có đất sống cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, không có dân tộc này áp bức bóc lột dân tộc khác. Liên Xô là mẫu mực cho việc giải quyết mối quan hệ dân tộc tốt đẹp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại.
Năm 1939 đại chiến thế giới thứ II bùng nổ. Từ năm 1939 đến tháng 4 năm 1941 phát xít Đức đánh chiếm toàn bộ châu Âu (trừ nước Anh) và thiết lập chế độ diệt chủng ở các nước mà chúng chiếm đóng. Tháng 6 năm 1941 Đức tấn công Liên Xô. Chiến tranh Xô-Đức diễn ra quyết liệt. Đức bị thất bại trong các chiến dịch Matscơva , Stalingát và Cuốcscơ. Đầu năm 1944 quân đội Đức bị Hồng quân Liên Xô đuổi ra ngoài lãnh thổ , Liên Xô được hoàn toàn giải phóng.
(Còn nữa)
CVL