Kỳ 1.
I. AI CẬP CỔ ĐẠI - NHỮNG TRANG LỊCH SỬ
Cộng hoà ẢRập Ai Cập nằm ở Đông Bắc châu Phi, phía Bắc giáp Địa Trung Hải, Đông giáp Palestine, Hồng Hải, Tây giáp Lybia, Nam giáp Sudan. Diện tích 997.739 Km2. Dân số 108.378.673 (2023) người. 98% là người A’rập, còn có người HiLạp, Acmênia, Italia, Pháp. 90% cư dân theo đạo Hồi, 8% theo đạo Thiên chúa. Ngôn ngữ chính tiếng A’rập, tiếng Anh, tiếng Pháp. 43,9% cư dân đô thị. 56,1% cư dân nông thôn. Thủ đô Cairo khoảng 20. 000.000 người. Ai Cập là nước có nền kinh tế phát triển, nông nghiệp, dầu mỏ, du lịch là những trụ cột của nền kinh tế. Tổng sản phẩm quốc dân GDP hơn 404 tỉ USD, tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người 3,876.36 USD. Đồng Phun Ai Cập là đơn vị tiền tệ của nước cộng hoà. Ai Cập ngày nay là nước tương đối lớn ở châu Phi nói chung và Bắc Phi nói riêng. Những biến động lớn về kinh tế, đặc biệt là biến động về chính trị của Ai Cập có thể là gây những địa chấn lớn cho toàn bộ khu vực Trung Đông và châu Phi. Cho nên nghiên cứu Châu Phi không thể không nghiên cứu lịch sử của quốc gia này. Trong bài này chúng tôi xin trình bày với đọc giả trước tiên những trang lịch sử cổ đại xa xưa đầy huyền bí của quốc gia Bắc Phi này.
1. Địa lý và kinh tế cổ đại Ai Cập.
Địa lý và hoàn cảnh tự nhiên của một quốc gia thường là phong phú, phức tạp, đến khoa học địa lý cũng không thể mô tả hết. Chúng tôi chỉ có thể mô tả những đặc điểm chính, những đặc điểm đó quyết định hoàn cảnh sống và nền kinh tế của một dân tộc. Cũng như các quốc gia phương Đông khác, Ai Cập có con sông dài nhất thế giới-sông Nin. Sông Nin dài khoảng 6.688km, chảy qua Ai Cập và rẽ làm bảy nhánh đổ nước ra Địa Trung Hải. Phần hạ lưu sông Nin như một tam giác khổng lồ dài hơn 700km, dòng sông dài từ 10 đến 50km nối hai bờ tạo nên đồng bằng rộng lớn phù sa màu mỡ. Hàng năm từ tháng 6 đến tháng 9, lũ sông Nin tràn ngập, đồng bằng hạ Ai Cập lại được bồi đắp một lượng phù sa khổng lồ. Herodotus (484-425 TCN) sử gia Greece cổ đại đã viết rằng Ai Cập là quà tặng của sông Nin. Như vậy nền nông nghiệp của Ai Cập phụ thuộc vào nước lũ về và nước lũ rút đi của sông Nin. Thời kỳ đó nông nghiệp của Ai Cập có ba mùa: Mùa lũ lụt (akhột) từ tháng 6 đến tháng 9, khi lũ rút đi bước sang mùa trồng trọt (peret) từ tháng 12 đến tháng 2, sau cùng là mùa thu hoạch (shemu) từ tháng 3 đến tháng 5. Hoàn cảnh địa lý đất đai tươi tốt như vậy nên kinh tế Ai cập chủ yếu là nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, lúa đại mạch, tiểu mạch, các loại cây ngũ cốc khác và nhiều cây ăn quả, rau đậu, tỏi, tỏi tây, dưa hấu, rau diếp… Người Ai Cập còn trồng nho để chế biến rượu. Thời cổ đại, thung lũng sông Nin được bao bọc bởi sa mạc ở phía Đông và phía Tây. Phía Bắc lãnh thổ giáp Địa Trung Hải, phía Nam là các hồ nước do sông Nin tạo thành. Vì thế Ai Cập có nhiều động vật phong phú mang đặc điểm của đồng bằng và sa mạc: Voi, hươu cao cổ, sư tử, trâu bò, cá sấu, dưới sông biển có nghiều loài thuỷ sản. Cho nên cư dân cổ đại Ai Cập sớm có nghề nông, nghề đánh bắt thuỷ sản, nghề thủ công nghiệp. Đã có sự trao đổi sản vật giữa các địa phương trong các cộng đồng người
Thời kỳ nguyên thuỷ, cư dân Ai Cập sử dụng công cụ chế tác bằng đá. Khoảng hơn 5000 năm TCN, họ đã phát hiện ra kim loại và bắt đầu sử dụng công cụ đồ đồng và sau đó là đồ sắt. Công cụ sản xuất kim loại và nhiều yếu tố tiến bộ khác của kỹ thuật sản xuất cùng với khai hoang mở rộng diện tích trồng trọt đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển chưa từng có. Ai Cập đã diễn ra những cuộc cách mạng trong sản xuất như phân công lao động, đàn ông bấy giờ đóng vai trò chính trong sản xuất, như định hình rõ nét ngành nông nghiệp, ngành chăn nuôi và thủ công nghiệp. Tất cả những biến động phát triển của sản xuất kinh tế đó tác động to lớn đến xã hội, đến văn hoá, đến chính trị của Ai Cập cổ đại.
2. Xã hội. Châu Phi là một trong bốn châu lục có loài vượn đặc biệt tiến hoá thành người, là một trong những cái nôi của nhân loại. Cư dân đầu tiên cư trú dọc sông Nin là người da đen thuộc chủng tộc Nêgrôit (đại chủng da đen). Sau đó người da vàng thuộc chủng tộc Môgôlôit (đại chủng da vàng) tràn sang chinh phục Bắc Phi sinh sống với người da đen. Hai chủng tộc này đã hợp huyết với nhau trong những cuộc hôn nhân qua các đời và tạo nên người Ả rập Béc be ngày nay. Cũng như các dân tộc khác trên thế giới, cư dân Ai Cập trải qua thời kỳ lịch sử xã hội nguyên thuỷ lâu dài, ít nhất là hàng chục vạn năm. Họ cũng trải qua cộng đồng đầu tiên là bầy người đầy gian khổ khó khăn thiếu thốn hiểm nguy trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Từ bầy người, người Ai Cập tiến lên cộng đồng mới cao hơn là thị tộc. Thị tộc là những người cùng huyết thống sinh sống với nhau. Thị tộc đầu tiên là thị tộc mẫu quyền (mẫu hệ ), hàng vạn năm sau thị mẫu quyền tiến lên thị tộc phụ quyền (phụ hệ). Trong thời kỳ cộng đồng thị tộc, hình thành sự liên kết với nhau giữa các thị tộc tạo nên cộng đồng bộ lạc. Bộ lạc do tù trưởng đứng đầu. Nhiều bộ lạc liên kết với nhau trên một không gian rộng lớn hơn tạo nên Liên minh bộ lạc do Hội đồng Liên minh bộ lạc đứng đầu. Trong thời kỳ cuối cùng của thị tộc phụ quyền đã xuất hiện chế độ một vợ một chồng, từ đó xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất mà chủ yếu là ruộng đất. Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất đưa xã hội đến phân hóa và xuất hiện giai cấp. Tất cả đã làm cho công xã nguyên thủy Ai Cập, một chế độ dựa trên công hữu về tư liệu sản xuất, không có giai cấp tan rã. Lịch sử xã hội nguyên thuỷ (thời kỳ tiền sử) Ai Cập chấm dứt, bước sang xã hội cổ đại, có giai cấp, có tư hữu và có nhà nước. Theo cách nói của Engels thì Ai Cập đã bước từ thời đại dã man sang thời đại văn minh.
Nguyên nhân của các cuộc cách mạng trên là do việc sử dụng công cụ kim loại cùng với việc phân công ngành nghề, khai hoang, mở rộng diện tích, kĩ thuật canh tác cao đã nâng cao năng suất lao động. Ngày xưa, cả cộng đồng làm vẫn không đủ ăn thì bây giờ chỉ cần hai người lao động ngoài đủ ăn vẫn có dư thừa. Vậy là xuất hiện gia đình một vợ một chồng và ngay sau đó là xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Các gia đình một vợ một chồng đua nhau chiếm đoạt ruộng đất công làm của riêng. Đại đa số các gia đình chỉ chiếm được một ít ruộng đất và trở thành giai cấp nông dân nghèo khổ. Những “quan chức” của thời kỳ nguyên thủy như tộc trưởng, tù trưởng, thủ lĩnh liên minh bộ lạc, thủ lĩnh quân sự có quyền lực nên chiếm đoạt được nhiều ruộng đất trở nên những kẻ giàu có. Đúng như Engels đã viết: Quyền lực bản thân nó không sản sinh ra kinh tế nhưng quyền lực có khả năng giúp kẻ nắm quyền cướp đoạt được kinh tế và nhiều thứ khác. Vậy là cùng với chế độ tư hữu, xã hội xuất hiện những lớp người nghèo và lớp người giàu, tức là xã hội xuất hiện giai cấp. Đã giàu có lại sẵn có lực lượng vũ trang trong tay (vốn là dân binh trong thời kỳ nguyên thuỷ), giai cấp giàu có này đã tiến hành chiến tranh với các bộ lạc khác không cùng huyết tộc. Những bộ lạc bại trận bị cướp đoạt ruộng đất, của cải, còn thân phận thì bị biến thành nô lệ. Kẻ chiến thắng trở thành chủ nô. Vậy khi công xã nguyên thuỷ của Ai Cập tan rã, chế độ công hữu sụp đổ, chế độ tư hữu ra đời thì xã hội bị phân hóa thành ba giai cấp, giai cấp giàu có chủ của nô lệ nên gọi là giai cấp chủ nô, là giai cấp thống trị, áp bức bóc lột đại đa số nhân dân. Giai cấp thứ hai được quyền làm người, vốn xưa cùng huyết thống với chủ nô nhưng nghèo khổ, có thể có một ít ruộng đất. Đó là giai cấp nông dân. Ở các nước phương Đông cũng như ở Ai Cập, nông nghiệp là nền kinh tế chính nên nông dân là lực lượng đông đảo chủ yếu sản xuất ra của cải vật chất. Nhà nước và chủ nô bóc lột chủ yếu là bóc lột nông dân. Nông dân ngoài bị bóc lột kinh tế còn phải đi lính, con em và bản thân phải chết trong những cuộc chiến tranh vô nghĩa, còn phải đi lao dịch, đi xây dựng những công trình của nhà nước như đào sông, xây thành đắp lũy. Những công trình kỳ vĩ như Kim tự tháp hiển nhiên không chỉ vùi xác nô lệ mà còn là xương máu của hàng chục vạn nông dân. Nông dân phá sản còn rơi xuống đáy cùng và bị biến thành nô lệ. Nông dân còn bị bọn chủ nô tìm mọi thủ đoạn để cướp đoạt ruộng đất, còn bị thiên tai lũ lụt đe dọa, ngoài chết trong chiến tranh nông dân còn chết do lao dịch và chết đói, chết do dịch bệnh hoành hành. Dưới chế độ chuyên chế tàn bạo của các Pharaon, nông dân không một chút quyền hành. Khi nghiên cứu Ấn Độ cổ đại và khái quát lên Marx đã gọi nông dân phương Đông là những nô lệ phổ biến. Điều này hoàn toàn đúng với số phận nông dân Ai Cập thời cổ đại. Giai cấp thứ ba của xã hội Ai Cập cổ đại là nô lệ, nguồn gốc của nô lệ là từ các bộ lạc bại trận trong chiến tranh, tài sản, ruộng đất bị bọn chủ nô chiến thắng cướp đoạt, bản thân và gia đình bị biến thành nô lệ. Nguồn thứ hai là nông dân bị chủ nô cướp ruộng đất, phá sản và rơi xuống thân phận nô lệ. Nô lệ phương Đông cũng như phương Tây (Hi Lạp, La Mã) đều có ba tính chất chung là họ không được làm người. Pháp luật cổ đại phương Đông và phương Tây như các bộ luật Hămmurabi (Babilon), luật Ma Nu (Ấn Độ), luật cổ đại Trung Quốc, luật Hi Lạp, luật La Mã đều coi nô lệ là tài sản biết nói của chủ nô. Cho nên chủ nô có thể đem ra chợ bán, đổi chác, có thể đánh đập bị thương, có thể giết chết hoặc làm cho tàn phế. Thứ hai là nô lệ phải lao động khổ sai không giờ giấc, thứ ba là nô lệ không được hưởng thành quả lao động của mình. Mỗi một xã hội có một kiểu bóc lột riêng của nó để giúp ta không nhầm lẫn chế độ này với chế độ khác. Nô lệ Ai Cập thời cổ đại cũng không nằm ngoài ngoại lệ trên. Tuy nhiên nô lệ phương Đông nói chung và nô lệ Ai Cập nói riêng có những đặc điểm riêng so với nô lệ phương Tây. Nô lệ Ai Cập không phải là lực lượng sản xuất chính trong nền kinh tế nông nghiệp. Có thể họ cũng được huy động đi xây dựng những công trình to lớn như Kim tự tháp. Nhưng đại bộ phận nô lệ được sử dụng hầu hạ phục dịch trong các gia đình quí tộc chủ nô. Đó là một kiểu chế độ nô lệ không điển hình so với Hi Lạp và La mã. Marx gọi đó là chế độ nô lệ gia đình, gia trưởng. Điều này nói lên quy luật riêng, quy luật đặc thù trong khi biểu hiện hình thái kinh tế xa hội chiếm hữu nô lệ ở các nước phương Đông. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ Ai Cập ngoài phân chia xã hội thành giai cấp thì còn phân chia thành đẳng cấp. Bọn thống trị chủ nô, tăng lữ là đẳng cấp cao quí, nông dân là đẳng cấp thấp hèn. Giai cấp nô lệ không phải là con người (theo pháp luật và quan điểm của chủ nô) cho nên không thuộc đẳng cấp nào. Trong phạm trù “nhân dân” trong xã hội chiếm hữu nô lệ không có nô lệ. Nguồn gốc của đẳng cấp cũng bắt nguồn từ nguồn gốc sinh ra giai cấp, nó ra đời để củng cố thêm địa vị quyền lợi của giai cấp chủ nô.
Mâu thuẫn cơ bản trong xã hội chiếm hữu nô lệ là mâu thuẫn giữa nông dân, nô lệ với nhà nước và chủ nô. Cho nên đấu tranh của nông dân và nô lệ chống nhà nước chủ nô Ai Cập là một trong những động lực phát triển của xã hội Ai Cập thời kỳ cổ đại.
(Còn nữa)
CVL