Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 21)

PGS TS Cao Văn Liên

17/02/2024 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 21.

Nhà nước Lưỡng Hà ra đời không chỉ do những  nguyên nhân mà còn cần những tiền đề về kinh tế và tiền đề xã hội. Nhà nước này ra đời dựa trên nền kinh tế nông nghiệp phát triển cao, có dư thừa sản phẩm  để nuôi sống bộ máy trên thượng tầng kiến trúc ăn bám đồ sộ. Nhà nước này còn dựa trên sự bóc lột nông dân và nô lệ vô hạn độ. Nhà nước ra đời còn do nhu cầu bức thiết để trị thủy các con sông lớn, nhu cầu giao lưu văn hóa giữa các tộc người, nhu cầu chiến tranh xâm lược và chống xâm lược. Từ xã hội nguyên thuỷ chuyển sang xã hội có giai cấp, có nhà nước, công xã thị tộc chuyển sang công xã nông thôn, còn các  “quan chức” thời kỳ nguyên thuỷ như tộc trưởng, tù trưởng, thủ lĩnh liên minh bộ lạc chuyển thành vua quan trong bộ máy nhà nước. Xuất hiện hai đặc trưng cơ bản của nhà nước, đó là phân chia khu vực hành chính để cai trị và hình thành những cơ quan quyền lực công cộng . Nếu cắt ngang bộ máy nhà nước thì cơ quan quyền lực chính là chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, nếu cắt dọc thì nhà nước Lưỡng Hà (và tất cả các nhà nước từ cổ đại đến hiện đại ) đều  có ba bộ phận: Bộ phận hành chính, bộ phận tăng lữ, trí thức và bộ phận sức mạnh là quân đội với nhiều quân binh chủng. Bộ phận hành chính làm nhiệm vụ cai trị, thu thuế …bộ phận tăng lữ, trí thức làm nhiệm vụ thần thánh hoá, ca tụng nhà nước, đề ra các học thuyết, viết ra pháp luật và văn hóa nghệ thuật, bộ phận quân đội để bảo vệ nhà nước. Biện pháp ra đời của nhà nước Lưỡng Hà (cũng như các nhà nước từ cổ đại đến hiện đại) là chiến tranh và bạo lực .

   Nếu so sánh nhà nước Lưỡng Hà với nhà nước Hi Lạp, La Mã cổ đại tức là so sánh các nhà nước cùng phương thức sản xuất, cùng hình thái chiếm hữu nô lệ, cùng thời đại (so sánh đồng đại -so sánh chiều ngang ) của các sự kiện lịch sử , ta sẽ thấy cả ba nhà nước đều có tính chất chung , thể hiện qui luật chung của sự ra đời phát triển của nhà nước . Đó là sự giống nhau cùng nguyên nhân ra đời là do sự tan rã của  công xã Nguyên thuỷ , xã hội xuất hiện giai cấp và mâu thuẫn giai cấp , nhà nước cổ đại Lưỡng Hà cũng như các nhà nước cổ đại phương Tây cùng một bản chất giai cấp , cùng phục vụ cho giai cấp chủ nô , cùng hai chức năng đối nội và đối ngoại , cùng mang hai đặc trưng và nhà nước đều có ba bộ phận là hành chính, tăng lữ- trí thức và cơ quan sức mạnh . Tuy nhiên do hoàn cảnh địa lý và lịch sử khác nhau , dù là cùng kiểu  nhà nước của hình thái kinh tế xã hội nô lệ thì nhà nước cổ đại Luỡng Hà có những nét đặc thù khác với nhà nước cổ đại Hi lạp- La Mã . Nhà nước Lưỡng Hà ra đời sớm hơn nhà nước Hi Lạp , La Mã  khoảng hơn 2000 năm (nhà nước Hi Lạp ra đời kỷ VIII TCN , nhà nước La Mã ra đời thế kỷ VI Tcn ) . Nếu nhà nước Lưỡng Hà dựa trên cơ sở kinh tế nông nghiệp , bóc lột nông dân là chính và một xã hội nô lệ không điển hình thì nhà nước Hi Lạp , La Mã dựa tên cơ sở kinh tế công ( thủ công ) *thương nghiệp vận hành theo cơ chế hang hóa thị trường , bóc lột nô lệ là chính và là một xã hội nô lệ điển hình . Thiết chế chính trị Lưỡng Hà là nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền , thiết chế chính trị của nhà nước Hi Lạp là cộng hoà dân chủ chủ nô , của La Mã là nhà nước cộng hòa quí tộc chủ nô (từ kỷ VI TCN đến kỷ I TCN ) . Ở Lưỡng Hà, chế độ công hữu tồn tại còn khá nặng nề (quyền sở hữư ruộng đất của nhà nước , sở hữu ruộng đất của  công xã ), trong khi đó ở Hi Lạp và La Mã chế độ tư hữu phát triển mạnh mẽ và gần như quét sạch tàn dư công hữu . Tính chất chung thể hiện qui luật chung , nét khác biệt thể hiện qui luật đặc thù giữa phương Đông và phương Tây . Những khác biệt này là những nhân tố quyết định những bước đi khác biệt của lịch sử xã hội của Lưỡng Hà (của Phương Đông ) so với lịch sử Hi Lạp, La Mã (phương Tây ) trong lịch sử trung -cận -hiện đại về sau .

3 . Luật pháp cổ đại Lưỡng Hà

   Trong xã hội nguyên thuỷ không có pháp luật , trình độ xã hội còn thấp nên mọi quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng phong tục tập quán  .Chỉ khi xuất hiện nhà nước mới có pháp luật . Pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị được nâng lên thành những qui phạm pháp luật mượn bàn tay cưỡng chế của nhà nước buộc toàn dân phải tuân theo . Như vậy pháp luật không chỉ là phạm trù pháp chế mà còn là phạm trù lịch sử , chỉ khi có đầy đủ tiền đề và nhu cầu xã hội chính trị cần thiết nó mới ra đời . Cùng với những phạm trù khác như nhà nước , giai cấp , chế độ tư hữu , pháp luật cũng ra đời từ thời kỳ cổ đại .

     Sau khi sáp nhập Lưỡng Hà và Babilon , ngoài việc phát triển kinh tế  , xây dựng bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền , vua Hămmurabi còn soạn thảo một bộ luật tương đối hoàn chỉnh để điều chính quản lý xã hội . Bộ luật mang tên ông : Bộ luật Hămmurabi . Bộ luật được khắc trên một tấm đá hoa cương cao 2,25m và dựng tại Quảng trường kinh đô Bát Đa cho nhân dân đọc và thi hành . Phần trên cùng của phiến đá có khắc hình vua Hămmurabi đứng trước thần Samát (thần bảo vệ toà án , bảo vệ công lý theo quan niệm của người Lưỡng Hà –Babilon) . Nội dung của bộ luật được khắc trên hai mặt của phiến đá . Qua thời gian lâu dài bộ luật bị chôn dưới đất . Năm 1901 một nhà khảo cổ học người Pháp mới tìm thấy bộ luật . Bộ luật có 282 điều (qui phạm)  bao gồm 3 phần: Phần mở đầu , phần nội dung và phần kết luận .

     Mở đầu bộ luật , vua Hămmurabi tuyên bố rằng các vị thần đã trao đất nước cho ông cai trị để làm cho đất nước giàu có , nhân dân no ấm . “Khi thần Mađúc cử ta thống trị muôn dân một cách công bằng và ban hạnh phúc cho đất nước , ta sẽ khiến cho công bằng và chính nghĩa truyền khắp đất nước và ban hạnh phúc cho nhân dân”. Tiếp đó Hămmura bi kể lể công lao của mình đối với đất nước . Ông tự coi mình là người đã làm cho đất nước giàu có , nhân dân no đủ , các thần linh cũng được sùng kính , được hiến dâng những lễ vật quí giá .

    Phần nội dung của bộ luật bao gồm những chế định dân sự, những chế định hình sự và những chế định về tố tụng. Những chế định dân sự  gồm những chế định về hợp đồng mua bán, vay mượn. Luật qui định 3 điều kiện đối với hợp đồng mua bán.  Thứ nhất tài sản mua bán phải đúng tính sử dụng của nó, thứ hai người bán phải là chủ thực sự của tài sản, thứ ba khi tiến hành ký hợp đồng phải có người làm chứng. Luật cũng ghi rõ nếu thiếu một trong ba điều kiện trên thì hợp đồng mua bán không có giá trị. Luật còn nêu những qui định cụ thể như kẻ đem bán vật , tài sản của người khác thì bị tội tử hình. Người chủ dù tìm thấy đồ vật của mình đang bị người khác sử dụng, chủ tài sản muốn đòi lại nhưng không tìm được người làm chứng chứng minh đó là tài sản của mình  thì coi như phạm tội vu cáo để chiếm đoạt tài sản của người khác và bị tử hình. Như vậy, trong hợp đồng mua bán được pháp lý qui định rất cụ thể và chặt chẽ nhằm chống bán hàng giả, chống đem đồ ăn cắp ra bán, cũng chống lại những bản hợp đồng gian dối do lừa dối hoặc do cưỡng bức, dùng vũ lực buộc người khác phải ký hợp đồng, nhất là hợp đồng vay mượn .

    Bộ luật qui định những điều khoản lĩnh canh ruộng đất để cày cấy. Đối với đất ruộng, người lĩnh canh được nhận mỗi mùa từ 1/3 đến 1/2 số sản phẩm thu hoạch trên diện tích cày cấy. Đối với đất vườn người lĩnh canh được nhận 2/3 số sản phẩm trên đất lĩnh canh. Thiên tai, hạn hán, lũ lụt  mất mùa vẫn phải nộp đủ hoa lợi cho chủ đất. Nếu chưa trả được tiền thuê đất, cho phép nguời lĩnh canh được nợ một năm nhưng phải trả cả gốc và lãi. Đối với vay nợ lãi, luật qui định mức lãi suất đối với tiền là 1/5, lãi suất đối với vay thóc là  1/3. Trên thực tế các chủ nợ đã lấy lãi suất cao hơn nhiều so với luật qui định. Luật Hămmurabi qui định nếu con nợ không trả được nợ , chủ nợ được quyền giữ bất động sản hoặc giữ con nợ hoặc người thân của con nợ làm con tin .

   Trong bộ luật Hămmurabi  vấn đề kế thừa tài sản là những chế định quan trọng nhằm bảo vệ tài sản cho chủ nô. Luật qui định hai hình thức kế thừa, kế thừa theo pháp luật và kế thừa theo di chúc. Kế thừa theo pháp luật là người để lại tài sản không để lại di chúc chỉ định tài sản thuộc ai. Trong trường hợp này tài sản phải chuyển đến cho những người có quyền thừa kế theo luật định, tức là tài sản được tập trung về dòng họ, sau đó phân xử theo luật, tài sản được chuyển về gia đình người được thừa kế  và thành tài sản chung của gia đình .

   Thừa kế theo di chúc là trong trường hợp người có tài sản để lại di chúc chỉ định tài sản thuộc ai. Để hạn chế bớt tính độc đoán  của người viết di chúc có thể để lại tài sản cho bất cứ ai, luật Hămmurabi đã hạn chế bớt quyền tự do của người viết di chúc. Luật qui định người cha không được tước quyền thừa kế của ngươì con trai nếu như người con mới phạm lỗi lần đầu và không nghiêm trọng. Con trai, con gái đều được hưởng quyền thừa kế tài sản ngang nhau. Theo tập tục con gái phải có của hồi môn đi lấy chồng. Con ngoài giá thú giữa chủ nô với nữ nô lệ không được quyền thừa kế, dù chủ nô đã nhận nó là con của mình. Như vậy luật Hămmurabi chống lại con ngoài giá thú. Chống lại con ngoài giá thú không chỉ có luật Hămmurabi mà đó là tính chất chung của luật xã hội chiếm hữu nô lệ, của luật pháp phong kiến và của cả luật tư sản trong thời kỳ cận đại .

   Nhìn chung những chế định của luật dân sự trong bộ luật Hămmurabi có nhiều qui định mang giá trị thực tế cao, cụ thể và chặt chẽ nhưng mang nặng bản chất giai cấp, các chế định nhằm bảo vệ quyền lợi tài sản cho chủ nô .

   Luật Hămmurabi còn qui định những chế định về hôn nhân gia đình. Luật qui định phụ nữ được đàn ông mua về để làm vợ. Như vậy người đàn ông vừa là chồng vừa là chủ của người vợ. Trong gia đình người đàn ông giữ vai trò thống trị, quyết định mọi công việc của gia đình. Chồng là người đại diện cho các mối quan hệ của gia đình với láng giềng, xã hội. Nếu cuộc hôn nhân không có con, người chồng có quyền ly dị vợ, bán vợ hoặc lấy vợ lẽ. Nếu bắt được vợ ngoại tình  thì chồng có quyền trói vợ và nhân tình của vợ ném xuống sông cho chết. Ngược lại vợ bắt được chồng ngoại tình thì chỉ được ly dị chồng mà thôi. Người cha có quyền bán con của mình  cho kẻ khác. Như vậy giống như luật cổ đại của các nước phương Đông (Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc) và kể cả luật của chế độ phong kiến về sau, luật Hămmurabi mang tính chất bất bình đẳng đối với phụ nữ nhằm xây dựng một chế độ gia đình phụ quyền gia trưởng  mà các chế độ này coi là tế bào của xã hội, tế bào của nhà nước quân chủ chuyên chế  .

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 21)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn