Kỳ 3
Tất cả những yếu tố đó đã làm cho Ai Cập thiết lập được hình thức nhà nước Quân chủ tập quyền chuyên chế. Thiết chế quân chủ tập quyền chuyên chế nghĩa là nhà nước có vua. Vua là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu nhà nước. Vua nắm trọn ba quyền lực cơ bản của nhà nước là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vua còn là tổng chỉ huy quân đội. Đó gọi là vương quyền, tức là quyền chính trị. Về lập pháp, các Pharaon có thể soạn thảo các bộ luật, ban hành các văn bản pháp luật như chiếu chỉ, nhưng bản thân các lời nói ra của các Pharaon cũng là pháp luật (khẩu dụ). Về hành pháp vua nắm quyền điều hành bộ máy hành pháp từ trung ương đến địa phương, quyết định tất cả việc cai trị vương quốc. Về tư pháp vua là quan tòa tối cao, người quyết định cuối cùng các bản án. Về thần quyền, các Pharaon được thần thánh hoá, là người đại diện cho thần thánh xuống để cai trị thần dân, cho nên vua là thần thánh. Sức mạnh kinh tế, sức mạnh vương quyền, sức mạnh thần quyền tập trung vào tay một cá nhân và thi hành sự chuyên chế tàn bạo đối với thần dân. Vua có quyền lực vô biên và là thần thánh thiêng liêng. Ở Ai Cập thời đó kẻ nào hôn miếng đất nơi vua vừa đặt chân đến thì được vinh dự suốt đời. Thiêng liêng như vậy nhưng Pharaon cũng chết cho nên vua muốn muôn đời bất tử, liền nghe lời của bọn tăng lữ cho xây dựng nhưng khối mộ tam giác bằng đá, theo quan niệm mộ càng to lớn thì càng bất tử, tạo nên những Kim tự tháp (nghĩa là cao chót vót) để được sống vĩnh viễn muôn đời.
Về bộ máy nhà nước, ở trung ương giúp việc cho vua có nhiều đại thần. Vị đại thần cao nhất như tể tướng gọi là Vidia. Trong toàn quốc pharaon chia thành nhiều đơn vị hành chính, thông qua bộ máy quan lại cao thấp để vua thực thi quyền lực cai trị. Đơn vị hành chính lớn nhất của Ai Cập là châu do châu trưởng đứng đầu. Tế bào và đơn vị hành chính cơ sở của xã hội là công xã nông thôn. Công xã nông thôn gồm nhiều làng, có ruộng đất công phân cho các thành viên công xã cày cấy. Chỉ những thành viên công xã mới được phân chia đất cày, đất ở. Công xã nông thôn là một đơn vị kinh tế tự nhiên đóng kín, ít thay đổi, nói theo cách nói của Marx thì nó trơ lì ra dưới bầu trời mây mưa sấm sét của chính trị, tức là dù triều đại thay đổi nhưng với cơ sở kinh tế tự túc tự cấp, công xã nông thôn ít thay đổi theo dòng thời gian lịch sử. Một số tài liệu còn cho biết Ai Cập cổ đại, toàn vương quốc được chia thành những đơn vị hành chính gọi là nome. Nome được cai trị như những tiểu đô thị. Thời kỳ Cổ vương quốc chia thành 24 nome. Thời kỳ Tân vương quốc chia thành 22 nome. Đứng đầu nome là một thủ lĩnh đầy đủ quyền lực cai trị địa phương do ông ta cai quản. Chức vụ này được cha truyền con nối, tuy nhiên phải do Pharaon bổ nhiệm. Các pharaon nắm quyền tư pháp nhưng những vụ tranh chấp nhỏ thì do một Hội đồng địa phương (kenbet) gồm những thành viên cao tuổi xét xử và ra phán quyết. Những vụ án lớn nghiêm trọng như giết người, tranh chấp đất đai lớn, cướp mộ phần thì do tể tướng hoặc pharaon (đại kenbet) xét xử và phán quyết. Cho đến nay không tìm thấy một bộ luật cổ thành văn nào của Ai Cập nhưng các tư liệu tòa án thời đó còn lại cho thấy luật khi đó đó biết phân biệt đúng sai. Những vụ tranh chấp nhỏ cho phép hai bên có thể hoà giải. Nguyên đơn và bị đơn khi ra toà đều phải tuyên thệ đã nói lên sự thật, không được dối trá trước tòa. Các vương triều cổ đại Ai Cập đã xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh để phục vụ cho việc trấn áp nông dân và nô lệ, tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược. Nhà nước Ai cập cổ đại tổ chức bóc lột người dân bằng hệ thống thuế. Cơ quan phụ trách thuế của nhà nước thường xuyên thông báo số sản vật còn trong kho và thời gian sẽ hết để tính toán việc thu thuế. Đủ các loại thuế đánh vào các cư dân có nghề nghiệp khác nhau: Người làm nghề thủ công nghiệp, thương nghiệp. Chủ đất nộp thuế bằng sản phẩm của mình, thợ săn, người đánh cá nộp thuế sản vật. Các gia đình nông dân nộp thuế lao dịch, tức là phải đi làm công không cho nhà nước, xây dựng công trình một năm khoảng vài tuần lễ. Người giàu có có thể thuê người khác đi làm lao dịch thay mình. Tuy nhiên thu thuế ruộng đất là chủ yếu của nhà nước nên nhà nước quản lý đất đai vô cùng chặt chẽ.
Như vậy việc hình thành phát triển nhà nước Ai Cập cổ đại tuân theo qui luật chung nhưng cũng tuân theo qui luật riêng. Xét theo qui luật chung là những nguyên nhân ra đời nhà nước là do công xã nguyên thuỷ tan rã, xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, xuất hiện giai cấp thúc đẩy nhà nước ra đời. Bất cứ một hiện tượng nào trong lịch sử muốn xuất hiện phải có tiền đề và phải có nhu cầu bức thiết của lịch sử đòi hỏi. Nhà nước Ai Cập ra đời trên cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp phát triển, năng suất lao động cao không chỉ đủ dùng cho người sản xuất mà còn có dư thừa để nuôi sống một bộ máy nhà nước ăn bám, phi sản xuất trên thượng tầng kiến trúc. Về tiền đề xã hội, nhà nước ra đời dựa trên sự bóc lột giai cấp nông dân và nô lệ. Nhà nước ra đời do nhu cầu bức xúc lịch sử Ai Cập khi đó: Để quản lý một xã hội tương đối phát triển nhưng đang trong thời kỳ “hỗn loạn” khi công xã nguyên thủy tan rã, thời kỳ quá độ hình thành một xã hội mới, xã hội chiếm hữu nô lệ. Nhà nước ra đời đáp ứng nhu cầu trị thuỷ sông Nin, nhu cầu chuyển liên minh bộ lạc thành quốc gia để thống nhất các tộc người trong một lãnh thổ quốc gia để ổn định chính trị, xã hội, đáp ứng nhu cầu trao đổi kinh tế văn hoá giáo các tộc người. Nhà nước ra đời còn để đáp ứng nhu cầu chống ngoại xâm hoặc là tiến hành chiến tranh xâm lược. Biện pháp ra đời của nhà nước là chiến tranh, bạo lực. Nhà nước ra đời mang hai đặc trưng: Cai trị dân cư theo khu vực hành chính và hình thành nên những cơ quan quyền lực công cộng. Bản chất của nhà nước cổ đại Ai Cập là nhà nước phục vụ cho giai cấp chủ nô. Nhà nước là công cụ của giai cấp này để áp bức bóc lột giai cấp khác (Lenin). Nhà nước Ai Cập cũng mang hai chức năng đối nội và đối ngoại. Đối nội là tổ chức xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, áp bức bóc lột đàn áp nông dân và nô lệ, đối ngoại gây chiến tranh hay hòa bình, giao lưu thương mại với các quốc gia láng giềng và khu vực. Ngoài những qui luật chung, nhà nước cổ đại Ai Cập ra đời còn chịu tác động của những qui luật riêng. Qui luật riêng chịu sự chi phối của hoàn cảnh riêng biệt, đặc thù của Ai Cập. Nhà nước Ai Cập ra đời tương đối sớm, khoảng 3.000 năm TCN. Công xã nguyên thuỷ ở Ai cập tan rã sớm nên những điều kiện để giải thể chưa chín muồi, nhiều tàn dư của chế độ công xã nguyên thủy còn tồn tại lâu dài trong một xã hội có nhà nước, có giai cấp. Ngoài chế độ tư hữu, Ai Cập còn tồn tại phổ biến chế độ công hữu trong sở hữu ruộng đất. Ở các công xã nông thôn, ruộng đất công tồn tại chiếm một phần không nhỏ, hay như quyền sở hữu ruộng đất tối cao thuộc nhà nước. Chính điều này là một trong những nguyên nhân cơ bản giúp Ai Cập thiết lập được thiết chế quân chủ tập quyền chuyên chế. Đúng như Marx đã viết, vấn đề ruồng đất là chìa khóa để tìm hiểu các thiết chế của xã hội phương Đông. Chế độ chuyên chế mạnh mẽ cùng với chế độ công hữu lấn át chế độ tư hữu, độc quyền của nhà nước trong thủ công nghiệp và thương nghiệp đã bóp chết mọi mầm mống của kinh tế hàng hóa yếu ớt, làm cho kinh tế Ai Cập chìm đắm mãi trong nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu đóng kín, tự túc tự cấp. Hậu quả này không chỉ tiêu cực trong thời kỳ cổ đại mà ảnh hưởng lớn đến những giai đoạn lịch sử phong kiến và thậm chí cận hiện đại của Ai Cập.
(Còn nữa)
CVL