Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 51)

PGS TS Cao Văn Liên

18/03/2024 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.     

Kỳ 51

 Sau khi độc lập, các thành bang Phoenicia ra sức xây dựng phát triển kinh tế chính trị. Thế kỷ XI-X TCN, các thành bang Phoenicia đã đạt đến giai đoạn cực thịnh. Sản phẩm hàng hóa tăng mạnh, thương mại phát triển cả đường biển và đường bộ.

Hai thành bang mạnh nhất là Seidon và Tear (thời Hiram cầm quyền- 969-936 TCN). Hi Ram có thế lực quân sự và thương mại mạnh ở  Tây Bộ Địa Trung Hải. Hiram đã xâm lược các đảo vùng biển Eje, chiếm đảo Síp, đánh chiếm nhiều vùng ở ven biển Bắc Phi. Trên đất thực dân đó Tear đã xây dựng thành Carthage  nổi tiếng, sau này phát triển thành một thành bang độc lập, phồn vinh cho dù thành bang Tear đẻ ra nó đã suy yếu.

   Một trong những thành bang mạnh của Phoenicia là Seidon. Seidon có ảnh hưởng mạnh ở Đông Địa Trung Hải. Những cuộc đấu tranh giai cấp và những mấu thuẫn kinh tế đã làm cho Tear, Seidon và  các thành bang của người Phoenicia suy vong. Thế kỷ VIII TCN, Tear, Seidon và các thành bang bị người Atxiri thống trị, trừ có thành bang Carthage là còn độc lập. Thế kỷ VII TCN Tear, Seidon bị Ai Cập, Babilon và thế kỷ VI Tcn bị đế quốc Ba Tư thống trị.

   Trong khi đó thành bang Carthage đã làm chủ toàn bộ Tây Bộ Địa Trung Hải, đảo Síp, vùng Tiểu Á, toàn bộ vùng biển Eje, vùng bờ biển Bắc Phi và ngày càng hùng mạnh, thương mại phát triển. Bọn chủ nô Carthage kinh doanh nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật nông nghiệp  cao nhất thời kỳ cổ đại. Carthage trở thành trung tâm thương mại của toàn khu vực rộng lớn từ Địa Trung Hải đến Bắc Phi. Khi mà các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Tây ra đời như Hi Lạp kỷ VIII TCN, La Mã kỷ VI TCN thì các thế lực chủ nô Nam Âu bành trướng ra Địa Trung Hải đã va chạm với Carthage. Vì vậy  đã nổ ra cuộc chiến tranh La Mã-Carthage, lịch sử gọi là cuộc chiến tranh Punic: Chiến tranh Punic lần 1 diễn ra từ năm 264 TCN đến 241 TCN, lần 2 từ năm 218 TCN đến năm 201 TCN, lần 3 từ năm 149TCN đến năm146 TCN. Carthage cuối cùng bị  đánh bại và bị La Mã thống trị vào năm 146 TCN. Chiến tranh Punic theo Lenin là cuộc chiến tranh  đầu tiên trên thế giới giữa các đế quốc thương mại để tranh giành thị trường thuộc địa trên đấu trường quốc tế.[1]

   Sau khi đế quốc La Mã sụp đổ vào thế kỷ V SCN, Tunisia lại rơi vào ách chiếm đóng của thế lực Vandals (Đức). Năm 698 đế quốc Hồi giáo Arab đã thôn tính toàn bộ Bắc Phi, trong đó có Tunisia. Người Arab theo bước chân quân đội đã tràn vào Bắc Phi, kể cả lãnh thổ của người Phoenicia và họ lập nên quốc gia mang tên Tunisia. Với sự xâm lược và thống trị của đế quốc Hồi giáo phong kiến, lịch sử Tunisia bước sang  xã hội phong kiến, thời kỳ trung đại.

3.Thời kỳ trung đại (698-1881). Khi xâm lược và thống trị Tunisia, đế quốc Hồi giáo Arab đã du nhập quan hệ phong kiến vào Tunisia, kể cả tôn giáo. Thiên Chúa giáo được du nhập thời kỳ La Mã thống trị nay nhường chỗ cho Hồi giáo. Các quan hệ kinh tế, xã hội, chính trị, nô lệ dần dần tan rã, lùi vào dĩ vãng nhường chỗ cho kinh tế, xã hội văn hóa, thiết chế chính trị Hồi giáo phong kiến.

   Vào năm 1535 khi đế quốc Hồi giáo suy yếu, Tunisia trở thành đất bảo hộ của vương quốc Tây Ban Nha, một vương quốc phong kiến hùng cường ở Tây Âu thời hậu kỳ trung đại. Trong khi vương quốc Tây Ban Nha suy yếu thì ở phương Đông, Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) đang trỗi dậy thành một đế quốc hùng cường, bành trướng thế lực ra Bắc Phi. Năm 1574 Otto man đánh bại Tây Ban Nha và thống trị Tunisia. Dưới thời toàn quyền Ottoman  Beys, Tunisia giành được độc lập vì Beys đã thành lập triều đại Hussein của ông năm 1705. Triều đại này tồn tại đến năm 1957.

4 .Thời kỳ cận đại (1881-1956). Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản thế giới tiến lên giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, thị trường thuộc địa càng có vai trò quan trọng đối với chính trị kinh tế, đối với siêu lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản. Thuộc địa là nơi tiêu thụ hàng hóa của chính quốc, là nơi vơ vét nguyên liệu, nhân công rẻ mạt, là nơi xuất khẩu tư bản (cho thuộc địa vay nặng lãi). Tóm lại thuộc địa là nơi có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ cho bọn trùm tư bản. Vì vậy trong thời gian này các cường quốc  tư bản châu Âu đua nhau đi xâm lược các nước Á –Phi. Chủ nghĩa tư bản Pháp trong chính sách bành trướng sang Bắc Phi đã nhòm ngó Tunisia . Năm 1800 do chính sách tài chính sai lầm của triều đình Tnisia làm cho đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Cho nên vào những năm 60 của thế kỷ XIX chính quyền Beys đã phải vay của Pháp một khoản tiền lớn. Từ năm 1864 với bạo lực, vũ khí, tiền bạc và nhiều thủ đoạn khác nhau, thực dân Pháp đã buộc Tunisia phải khuất phục. Năm 1881 Tunisia trở thành đất bảo hộ của Pháp theo hiệp định Bordeaux. Năm 1883 theo hiệp định Marxa  Pháp xác lập được quyền thống trị trên toàn cõi Tunisia. Tunisia trở thành thuộc địa của Pháp. Pháp thực hiện chính sách khuyến khích người Pháp sang định cư ở Tunicia. Số lượng người Pháp ở Tunisia  khoảng 34.000 người vào năm 1906 tăng lên 144.000 người năm 1945. Ngoài ra còn có người Italia khoảng 105.000 người năm 1910.[1].

   Nhân dân Tunisia đã không ngừng đấu tranh anh dũng nhằm giải phóng đất nước. Năm 1908 có phong trào thanh niên Tunisia. Đây là tổ chức dân tộc chủ nghĩa đầu tiên gồm những trí thức thượng lưu chủ trương phát triển đất nước theo công nghệ phương Tây kết hợp với những giá trị của đạo Hồi. Năm 1920 có phong trào lập hiến đòi cho Tunisia có hiến pháp. Năm 1934 ra đời Đảng lập hiến mới lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc.

   Trong Đại chiến thế giới II (1939-1945) Tunisia trở thành chiến trường quan trọng diễn ra trận đánh lớn nhất trên chiến trường Bắc Phi giữa quân Đồng minh Anh-Mỹ với quân đội phát xít Đức-Ý. Tháng 2-1943 quân Anh dưới sự chỉ huy của tướng Montgomery đã tiến vào miền Nam Tunisia, quân đội Mỹ từ Algeria và Maroc tiến vào Tunisia từ phía Tây. Ngày 19 tháng 2 năm 1943 tướng Đức Rommel tấn công vào lực lượng Mỹ ở đèo Kasserine, phía Tây Tunisia. Quân Mỹ bị thiệt hại nặng nề nhưng sau đó đã đảo ngược tình thế. Quân Đồng minh dùng xe tăng phá vỡ giới tuyến Mareth của quân Đức  ngày 20 tháng 3 năm 1943. Ngày 8 tháng 4 quân Đồng minh Anh –Mỹ đã hình thành thế trận bao vây quân Đức-Ý và ngày 2 tháng 5 năm 1943 quân đội Đức-Ý phải đầu hàng. Chiến trường Bắc Phi-Tunisia không phải là mặt trận chính của chiến tranh thế giới thứ II. Chiến trường chính là mặt trận Xô-Đức ở châu Âu. Nhưng chiến thắng của quân Anh-Mỹ ở Tunisia đã góp phần vào chiến thắng của Đồng minh trong chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít.

   Sau Đại chiến II, phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi bước sang một giai đoạn mới. Phong trào bắt đầu từ châu Á và lan sang châu Phi như những cơn bão táp phá tan tành hệ thống thuộc địa cũ của chủ nghĩa thực dân. Phong trào Bắc Phi đặc biệt mạnh mẽ trong đó có phong trào Tunisia. Năm 1954 nhân dân Tunisia  bước vào cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp và thu được những thắng lợi rực rỡ. Ngày 20 tháng 3 năm 1956 thực dân Pháp phải trao trả độc lập cho Tunisia. Tunisia duy trì thiết chế quân chủ.

5.Thời kỳ hiện đại (1956-2017). Mốc lịch sử hiện đại của Tunisia có thể tính từ năm 1956, năm thực dân Pháp trao trả độc lập cho Tunisia. Năm 1957 thiết lập chính thể cộng hòa. Năm 1959 Tunisia ban hành Hiến pháp, đạo luật cơ bản của nhà nước.

    Ngày 7 tháng 11 năm 1987, Zine El Abiđine Ben Ali, Thủ tướng Chính phủ và là người thân cận của Tổng thống Habib Bourguiba đã tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống đương  nhiệm và lên nắm quyền. Ben Ali ngồi vào ghế Tổng thống Cộng hòaTunisia. Năm 1994 Tunisia  thay đổi hiến Pháp. Theo hiến pháp mới quyền lực của Tổng thống được tăng cường, theo đó Tổng thống là nguyên thủ quốc gia và là người nắm quyền hành pháp. Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng và các thành viên của chính phủ.

   Quốc hội thời Habib Bourguiba một viện thì theo hiến pháp 1994 Quốc hội có hai viện. Thượng viện còn gọi là Hội đồng cố vấn gồm 126 đạị biểu nhiệm kỳ 6 năm , trong đó 41 đại biểu do Tổng thống bổ nhiệm, 85  đại biểu do Hội đồng thành phố, thị trưởng, hạ nghị sĩ, các tổ chức nghề nghiệp và công đoàn bầu cử. Hạ viện Tunisia  gồm 214 đại biểu do nhân dân bầu ra bằng phổ thông đầu phiếu. Nhiệm kỳ của  hạ viện 5 năm . 20% số ghế hạ viện giành cho các đảng đối lập. Cả hai viện số đại biểu nữ chiếm tới 20 % khiến cho Tunisia là nước  duy nhất trong thế giới Arab phụ nữ có quyền bình đẳng. Tunisia cũng là nước Hồi giáo duy nhất thi hành chế độ một vợ một chồng. Đạo luật nghiêm cấm đa thê được ban hành từ năm 1956 dưới thời Tổng thống Habib Bourguiba.

   Sau đảo chính và trở thành Tổng thống, Ben Ali đã tiến hành cải cách nền kinh tế. Tunisia thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ vậy, tổng sản phẩm quốc dân GDP tăng gấp ba lần so với trước, từ 12 tỉ USD năm 1986 tăng lên 40 tỉ USD năm 2000 [1]. Năm 2010 nền kinh tế Tunisia được nhìn nhận là “con hổ”ở châu Phi. Đời sống nhân dân được cải thiện. Song song với cải cách kinh tế, chính quyền đã thận trọng trong việc dân chủ hóa chính trị đất nước. Tuy nhiên vẫn tăng cường các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn ngừa, trấn áp các phần tử Hồi giáo cực đoan. Đồng thời Chính phủ đã chú ý giải quyết những vấn đề xã hội, tạo công ăn việc làm , giải quyết nạn thất nghiệp. 

Về đường lối đối ngoại Tunisia đi theo đường lối hòa bình, độc lập, không liên kết, đấu tranh cho một trật tự thế giới công bằng, chống sự chi phối của các nước lớn. Tuy nhiên nhà nước Tunisia cũng chủ trương đa dạng hóa quan hệ, đẩy mạnh quan hệ với các nước phương Tây, đặc biệt với Cộng hòa Pháp nhằm thu hút vốn đầu tư và viện trợ tài chính.

   Nhà nước Tunisia liên tục thông qua các đạo luật và nhiều lần cải cách chính trị, xóa bỏ chế độ Tổng thống suốt đời, mở cửa quốc hội cho các đảng phái đối lập tham gia.

   Tuy nhiên cải cách dân chủ chỉ là hình thức và kết quả thực hiện không được bao nhiêu. Tunisia là một chế độ chính trị đa đảng nhưng trên thực tế chỉ là một Đảng Tập hợp dân chủ hiến pháp (RCD) của Tổng thống cầm quyền. Đảng này khoảng 2 triệu đảng viên. Tất cả quyền lực tập trung vào tay Tổng thống và của Đảng RCD. Đảng có tới 6.000 văn phòng đại diện khắp cả nước, chiếm hầu hết các chế định quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, 8 đảng chính trị nhỏ khác, trong đó 6 đảng có đại biểu trong quốc hội nhưng chỉ là những cái bóng lu mờ, không quyền lực.

   Chiêu bài dân chủ nhưng trên thực tế mọi quyền tự do ngôn luận bị bóp nghẹt. Mọi lời nói phản kháng đều bị đàn áp và không được giới truyền thông đưa tin. Cảnh sát hiện diện khắp nơi sẵn sàng lục soát phương tiện cá nhân. Ở Tunisia quyền cá nhân không được tôn trọng. Chế độ tham nhũng hoành hành, đặc biệt là trong các vụ án, trong tư pháp. Về kinh tế đất nước bị chi phối bởi lợi ích của một số gia đình có thế lực chính trị và kinh tế như gia đình Tổng thống, gia đình nhà vợ Tổng thống và một số gia đình khác như gia đình Leila, một kẻ hành nghề cắt tóc do thời cuộc mà phất lên. Một trong những “con hổ” của châu Phi nhưng kinh tế Tunisia phát triển không bền vững, không ứng phó được với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngược lại khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho nền kinh tế đó bộc lộ những yếu kém. Đó là một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, phụ thuộc vào đầu tư của nước ngoài vào Tunisia.. Năm 2007 tăng trưởng kinh tế giảm 6,3%, năm 2009 tiếp tục giảm thêm 0,3%, xuất khẩu giảm 17% [1]. Chính sách phát triển không toàn diện của Chính phủ làm cho đất nước phát triển không đồng đều, chỉ chú ý ưu tiên phát triển du lịch và các miền duyên hải, bỏ mặc và không chú ý phát triển vùng sâu, vùng xa. Cải cách của chế độ chỉ một bộ phận dân cư được hưởng quyền lợi, đại đa số nhân dân lao động vẫn nghèo khổ, không được hưởng thành quả của đổi mới. Chính phủ không tạo đủ công ăn việc làm cho người lao động. Trong khi đó giá nông phẩm thế giới tăng càng làm cho đời sống nhân dân khổ cực. Tất cả đã tạo nên những mâu thuẫn xã hội, đặc biệt mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng cầm quyền ngày càng gay gắt. Trong khi đó chính quyền xem thường sức mạnh của nhân dân. Họ coi đã có chỗ dựa là bạo lực quân đội, công an, cảnh sát có thể giúp cho chế độ tồn tại vĩnh cửu. Họ xem thường chế độ đa đảng, coi các đảng khác chỉ là cái bình phong cho đảng cầm quyền hoành hành thỏa sức. Họ xem thường kinh nghiệm lịch sử: Tuyên chiến với nhân dân là tử hình chế độ.

   Và nhân dân đã hành động. Cuối năm 2010 đầu 2011 những cuộc biểu tình chống chính phủ lên cao và lan rộng. Châm ngòi cho những cơn bão táp này là một sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp đã tự thiêu khi  cảnh sát cấm không cho anh bán rau quả để kiếm sống. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ bùng nổ và lan rộng. Bị cảnh sát đàn áp, biểu tình biến thành bạo động. Cảnh sát nổ súng vào nhân dân. Đêm 13-1-2011có 13 người, tiếp đó thêm 70 người thiệt mạng. Cùng ngày Tổng thống Ben Ali ban bố tình trạng khẩn cấp trong toàn quốc. Ngày 14 tháng 1 năm 2013 Tổng thống giải tán chính phủ và hứa hẹn sẽ bầu cử trong 6 tháng tới. Cùng ngày đó khiếp sợ trước làn sóng biểu tình bạo lực Tổng thống Ben Ali đào tẩu ra nước ngoài. Ngày 15-1 năm 2011, Tòa án hiến pháp Tunisia đã bãi chức Tổng thống của Ben Ali. Mohamed Ghannouchi tuyên bố nắm quyền Tổng thống. Chế độ độc tài của Ben Ali sụp đổ. Giới truyền thông gọi những cuộc biểu tình lật đổ Ben Ali là “Cuộc cách mạng hoa nhài”. Đó là nhà lãnh đạo độc tài đầu tiên của thế giới Arab bị lật đổ, mở đầu cho một “mùa xuân Arab” của thế giới này với sự sụp đổ tiếp theo của các nhà độc tài như  Gaddafi ở Libya, của Hosni Mubarak ở Ai Cập và nội chiến tương tàn ở Syria

   Ngày 23 tháng 10 năm 2011, 9 tháng sau khi lật đổ Ben Ali, Tunisia đã tổ chức bầu cử thành công Quốc hội (Hội đồng lập hiến) với sự thắng lợi lớn của Đảng Ennahda- Hồi giáo ôn hòa. Đảng này giành được 41,47 % số phiếu ủng hộ và giành được 80 ghế trong số 217 ghế của Hội Đồng lập hiến. Hội đồng có nhiệm vụ lập pháp, viết lại hiến pháp và chỉ định Tổng thống mới của Tunisia.

   Vì sao một Đảng gần như bị loại bỏ dưới thời Ben Ali mà nay giành thắng lợi lớn trong bầu cử?  Nguyên nhân vì trải qua kinh nghiệm và thực tế nhân dân không tin vào đảng của Ben Ali, đảng chỉ có nói mà không làm. Nhân dân đành phải tin tưởng vào đảng Ennahda vì đảng này không chỉ đưa ra cương lĩnh về lý thuyết mà điều cơ bản đã nhấn mạnh là phải đưa ra một chương trình và thực hiện bằng được chương trình phát triển kinh tế, giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội, đưa đất nước Tunisia tiến vững chắc trên con đường tiến bộ, công bằng, dân chủ cho tất cả mọi người dân chứ không phải của một nhóm người cầm quyền. Có nghĩa là nhân dân mong chờ một cương lĩnh thực tế. Đông đảo cử tri Tunisia coi Ennahda là hiện thân của những giá trị đạo Hồi như đạo đức, trung thực, công lý, không bị mua chuộc, không tham nhũng, thắng thắn, gương mẫu. Đó là nhân dân đã tìm kiếm những gía trị của một đảng cầm quyền. Nhân dân ủng hộ đảng này còn là vì đảng là nạn nhân bị đàn áp tàn bạo dưới thời Ben Ali. Hơn nữa trong quá trình cải cách của Ben Ali, nhân dân Tunisia chưa biết được và chưa có được sự thần kỳ về kinh tế. Xã hội Tunisia do đó không có niềm tin, thất vọng lan tràn, mối liên hệ xã hội bị phá vỡ bởi sự tha hóa đạo đức của chính quyền cũ.

   Ngoài Đảng Ennahda, còn có hai đảng nữa cũng giành được một số ghế trong Hội đồng lập hiến. Tuynisia sẽ  phải thành lập một chính phủ liên minh. Sau bầu cử ba đảng đã thống nhất chia sẻ quyền lực ở ba vị trí chủ chốt hàng đầu của nhà nước:

-Tổng thư ký Đảng Hồi giáo Ennahda, ông Hamadi Jbeli giữ cương vị Thủ tướng.

-Lãnh đạo Đảng vì nền cộng hòa(CPR), ông Mooncef mazouki giữ cương vị Tổng thống.

-Lãnh đạo Đảng Eftakatol, ông Mustafben Jaafar giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng lập hiến.

   Thực hiện thỏa ước trên ngày 13 tháng 11 năm 2011 ông Moncef Marzouki 66 tuổi Chủ tịch Đảng vì nền cộng hòa (CPR) đã được cử làm Tổng thống Cộng hòa Tunisia với 153/217 phiếu bầu của Hội đồng lập hiến.

   Tuy nhiên, sau khi có Tổng thống và chính phủ mới, Tunisia vẫn rơi vào tình trạng bất ổn do mâu thuẫn đảng phái, mâu thuẫn giữa các nhóm có lợi ích khác nhau, sự tấn công của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Bạo lực đã phá vỡ mọi cố gắng của chính phủ nhằm khôi phục nền kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội mà nghiêm trọng nhất là vấn đề thất nghiệp. Sau “cuộc cách mạng hoa nhài” còn quá ngắn thời gian để chính phủ Tunisia có thể thực hiện được những điều xã hội mong muốn.

   Tháng 2 năm 2013 chính trị gia  Choki Belaid đã bị bắn chết bên ngoài nhà của ông. Biểu tình bạo lực lại tiếp diễn. Thủ tướng Hamadi Jbeli từ chức. Tổng thổng Moncef Mazouki chỉ định Thủ tường mới: ông Ali Larayedh. Chính phủ hứa hẹn một cuộc bầu cử mới vào cuối năm 2013 và kêu gọi người dân cùng Chính phủ ổn định xây dựng đất nước Tunisia phồn vinh, dân chủ, công bằng theo những giá trị tốt đẹp của Hồi giáo. Những lý tưởng tốt đẹp đó có thành hiện thực hay không là tùy thuộc không chỉ vào nhân dân Tunisia mà còn phụ thuộc vào các chính đảng và Chính phủ liên minh đang cầm quyền có một lòng vì dân vì nước hay không. Lịch sử hiện tại và tương lai của Tunisia đang chờ câu trả lời trong chính sách của họ.

CVL

(Còn nữa)

--------------------                                                                                                       

Tài liệu tham khảo

1.Almanach những nền văn minh thế giới.Nxb Văn hóa Thông tin.Hà Nội.1999.

2.A.Ephimôp. Lịch sử cận đại thế giới.Tập1.Nxb Sự Thật.Hà Nội.1959.

3.Bách khoa thư lịch sử thế giới.Nxb Văn hóaThông tin, Hà Nội, năm 2004.

4. Khoa lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lịch sử cổ đại thế giới. Hà Nội năm 1965.

5. Lịch sử Tunisia-Wikipedia-tiếng Việt-24-7-2013.

6.Lịch sử châu Phi.Tiếng Nga.Nxb Tư tưởng, Matxcơva, 1980.

7.Cao văn Liên. Lịch sử 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội (tái bản lần 2) năm 2011.

8. Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông.Số tháng 12 năm 2009.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 51)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn