“Hầu đồng và chầu văn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; chầu văn giúp nghi lễ hầu đồng trở nên linh thiêng và giàu tính nghệ thuật. Tuy nhiên, việc duy trì tính nguyên bản của chầu văn gặp nhiều thách thức, trước xu hướng hiện đại hóa. Sự cân bằng giữa bảo tồn giá trị truyền thống và chấp nhận đổi mới là cần thiết, để giữ được hồn cốt linh thiêng của nghi lễ hầu đồng.” Đó là những chia sẻ của NNƯT Vũ Văn Quyết - Chi Hội trưởng Chi hội Câu lạc bộ đạo Mẫu Phúc Thuỷ Linh Từ - thủ nhang đền Phúc Thuỷ Linh Từ (Hưng Yên).
Khái quát cơ bản về hát văn
Hát văn là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của người Việt Nam, có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, phục vụ trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Hát văn hầu đồng bao gồm: nhạc khí (nhạc cụ), các làn điệu và tiết tấu.
Âm nhạc chầu văn, thực chất là sự kết hợp tinh tế giữa nhạc khí và lời hát văn (trong đó có làn điệu và tiết tấu). Trong nghi lễ lên đồng của đạo Mẫu, lời hát chính là văn chầu. Do đó, khi nhắc đến âm nhạc chầu văn, chúng ta đang đề cập đến khía cạnh diễn xướng (lên đồng), nơi lời hát văn và nhạc khí hòa quyện một cách nhuần nhuyễn.
Hát văn bao gồm các loại hình: hát thi, hát thờ và hát chầu văn. Hát thi: Dùng trong các cuộc đua tài của các cung văn trong các ngày lễ lớn của Tứ phủ, thường là hát đơn. Hát thờ: Được hát trước khi hầu đồng, vào ngày tiệc, đầu rằm, mùng một, và tất niên; Thượng nguyên, vào hè (nhập hạ), ra hè (tán hạ). Mở đầu thường là hát văn công đồng, một điệu hát mở đầu bất kỳ cuộc lễ nào. Đây là điệu hát nhằm cung thỉnh các Thánh về chứng giám cho buổi lễ. Ngay cả khi không có nghi thức hầu bóng, vẫn có thể hát văn công đồng. Hát chầu văn: Hát trong nghi lễ hầu đồng của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.
Các nhạc cụ chính bao gồm: đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, và thanh la. Ngoài ra, trong những buổi hát thờ lớn còn sử dụng nhiều nhạc cụ khác như: trống cái, sáo, tiêu, đàn thập lục, đàn nhị, kèn bầu, chuông, mõ, đàn bầu,… (Về làn điệu và tiết tấu, mang tính chuyên môn sâu, do vậy, tác giả sẽ tìm hiểu, nghiên cứu và đề cập riêng.)
“Trong Shaman giáo nói chung và lên đồng của Việt Nam nói riêng, chầu văn đóng vai trò quan trọng. Cùng với các yếu tố như: màu sắc, vũ đạo, và mùi vị của các chất kích thích (rượu, thuốc lá, trầu cau, mùi hương...), chầu văn giúp đưa thanh đồng vào trạng thái ngây ngất và nhập đồng. Thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của hát văn là vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Trong giai đoạn này, thường có các cuộc thi hát để chọn cung văn. Tuy nhiên, từ năm 1954, hát văn dần mai một vì hầu đồng bị cấm, bị coi là mê tín dị đoan. Đến đầu những năm 1990, hát văn có cơ hội khôi phục và phát triển trở lại, với các trung tâm hát văn tại Nam Định và một số vùng lân cận Hà Nội.” - NNƯT Vũ Văn Quyết chia sẻ.
Cùng có mặt tại đền Phúc Thuỷ Linh Từ, trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Thu Nhàn, giảng viên Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học - Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết: “Tôi được tham dự nhiều buổi hầu đồng, dù rằng không phải là người nghiên cứu sâu, nhưng tôi có tìm hiểu để biết hơn về nghi lễ hầu đồng và chầu văn. Đây là nguồn tư liệu quý giá, phục vụ quá trình giảng dạy, hướng dẫn sinh viên Khoa Sáng tác - Chỉ huy và khoa Nhạc cụ truyền thống. Với khoa Nhạc cụ truyền thống, tôi đang giảng dạy môn Âm nhạc Dân tộc cổ truyền, trong đó có một phần dạy về hát văn. Trong tất cả các thể loại âm nhạc được đưa vào chương trình giảng dạy, chủ yếu là âm nhạc dân gian người Việt, bao gồm các thể loại âm nhạc từ miền Bắc - Trung - Nam. Âm nhạc truyền thống Việt Nam chia làm 2 dòng: âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiệp, thì hát văn là một trong những thể loại âm nhạc chuyên nghiệp.”
Mối quan hệ giữa hát văn và lên đồng
“Lời văn trong hát văn được phổ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn từ các tác phẩm văn thơ bác học, và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, hoặc thất ngôn tứ tuyệt. Các bài hát chầu văn thường được sắp xếp theo trình tự như một câu chuyện về xuất xứ của Thánh, tôn vinh công đức và kỳ tích của các ngài. Câu văn, tuy có vần điệu nhưng niêm luật không chặt chẽ như một bài thơ, vẫn mang đến cảm nhận về giai điệu và chất thơ. Giai điệu của chầu văn có lúc mượt mà, hấp dẫn, có lúc dồn dập, khỏe khoắn, vui tươi. Chất thơ của chầu văn được nâng lên đỉnh cao và giàu tính nghệ thuật, quện vào bầu không khí tâm linh thành kính, khấn vái, xuýt xoa, với khói hương nghi ngút, trang phục, phụ kiện, cảnh đền (điện, phủ), dàn nhạc và lời ca phụ họa, cùng các điệu múa thiêng của Thánh thể hiện qua người hầu đồng.” - NNƯT Vũ Văn Quyết chia sẻ.
Có thể thấy, chầu văn có sức ảnh hưởng lớn trong hầu đồng; ngoài việc tạo nên không khí linh thiêng, thì giá trị nghệ thuật cũng được phản ánh. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật là rất mong manh?.
Trước vấn đề này, NNƯT Vũ Văn Quyết cho biết: “Hiện nay, có 2 luồng ý kiến trái chiều, về việc nên sử dụng văn cổ hay văn mới trong hầu đồng? Đây là một câu hỏi khó có câu trả lời chính xác; điều này phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Văn cổ, sử dụng nhạc khí (nhạc cụ) truyền thống, các làn điệu và tiết tấu theo lối cổ của các cụ truyền lại. Tính sôi động, vui nhộn không cao như văn mới. Nhưng đó là sự kế thừa và bảo tồn những giá trị truyền thống mà thế hệ đi trước để lại, cần bảo tồn. Trong khi đó, văn mới, nền tảng âm nhạc đã có sự mở rộng, rất hay, vui nhộn, tạo nên tính nghệ thuật cao khi hầu. Tuy nhiên, cần hạn chế tối đa, tránh làm sai lệch gốc tích và lịch sử các nhân vật được phụng hầu. Đặc biệt, chỉ nên sử dụng nhạc cụ truyền thống. Có nhiều đoàn văn sử dụng nhạc cụ hiện đại như: Guitar, đàn Organ, trống điện tử,… Tôi không đồng ý với sự cách tân này; vì những thiết bị đó có nền nhạc rất mạnh, khiến thanh đồng bốc đồng. Từ đó, mất đi hồn cốt linh thiêng của bóng Thánh, dẫn đến sai lề lối. Do vậy, ranh giới giữa linh thiêng và không linh thiêng, nghệ thuật và phi nghệ thuật trong hầu đồng là rất mong manh.”
Hiện nay, cung văn trẻ phần lớn xuất thân từ các trường âm nhạc, nghệ thuật, với hình thức đào tạo chuyên nghiệp, hiện đại. Liệu rằng yếu tố hiện đại đó, có là trở ngại cho quá trình hát chầu văn?
Với câu hỏi này, tại đền Phúc Thuỷ Linh Từ, cung văn trẻ Tạ Bôn, cựu sinh viên Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho hay: “Việc được học tập trong môi trường chuyên nghiệp, bài bản là một lợi thế cho cung văn chúng em, không phải là một trở ngại như nhiều người vẫn nghĩ. Ngược lại, những kiến thức đó giúp chúng em hát tốt hơn, dễ dàng xử lý những tình huống khó trong quá trình dâng văn, nếu có. Đội văn hiện tại của em phần lớn là người trẻ, đều qua trường lớp và đều nhất tâm với tín ngưỡng thờ Mẫu.”
Tóm lại, hát văn là nghệ thuật ca hát cổ truyền, đóng vai trò quan trọng trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo nên sự linh thiêng và giá trị nghệ thuật cho nghi lễ. Sự kết hợp giữa nhạc khí và lời hát văn giúp thanh đồng nhập đồng, gợi nhớ các tích sử Thánh. Tuy nhiên, ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật trong hầu đồng rất mong manh, đòi hỏi sự cân nhắc giữa việc sử dụng văn cổ và văn mới, cũng như bảo tồn các giá trị truyền thống trong âm nhạc và nhạc cụ.
Tối 01/12/2016 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Liên chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 của UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ có tên đầy đủ là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, và đây là một trong 37 hồ sơ quốc gia được UNESCO vinh danh trong phiên họp lần này tại thành phố Addis Ababa, Ethiopia. Với sự tham gia của 22 đại sứ và 50 nhà ngoại giao, các nghi lễ hầu đồng đã giúp quan khách trong và ngoài nước cảm nhận được sự linh thiêng, tôn kính và ảo diệu của tín ngưỡng. Và NNƯT Vũ Văn Quyết vinh dự là một trong 8 người trình diễn tại hội nghị.
Đền Phúc Thuỷ Linh Từ (thôn Mễ Thượng, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), từ lâu đã trở thành “địa chỉ vàng” của giới nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu. Phải kể đến từ thời cố GS Ngô Đức Thịnh, cùng nhiều tổ chức văn hoá, khoa học trong và ngoài nước; trong đó có cả các đoàn giảng viên, sinh viên của nhiều trường đại học.
Video - NNƯT Vũ Văn Quyết - Chi Hội trưởng Chi hội Câu lạc bộ đạo Mẫu Phúc Thuỷ Linh Từ, loan giá phụng hầu, cung nghinh chúc thánh tại đền Phúc Thuỷ Linh Từ (Hưng Yên).