Nồi bánh tét quê tôi!

Trần Ngọc Hiếu

23/01/2022 21:46

Theo dõi trên

Miền Bắc thì bánh chưng, miền Nam lại là bánh tét. Tôi nhớ hồi đó bánh tét thường được gói đêm 30 vừa canh bánh vừa chờ đợi đến giờ cúng đón giao thừa. Nhưng mục đích chính là để cúng tết nhà ngày mồng 2 tết.

272001673-1022446541818261-6049669465050216339-n-1642915806.jpg
Ảnh minh họa

Sau đó ăn từ từ rỉ rả đến qua khỏi hạ nêu. Thời đó hạ nêu là mồng 7 tết. Tôi nhớ thời đó mấy đoàn cải lương hát tết là từ mùng 1 đến mùng 7 mới dọn đi rạp khác. Tết mấy rạp có máy lạnh như Quốc Thanh, Hưng Đạo, Thủ Đô hát ngày 3 xuất sáng, chiều và tối.

Tôi nhớ cuối tháng 11 âm, là nội và má tôi đã bắt đầu mang nếp ra lựa bỏ từng hạt gạo, nên mới gọi là nếp tẻ. Cở nào cở trong nếp lúc nào cũng có gạo, do gặt đập lúa và do chà lúa, nên buộc phải có dù là ít. Nội nói ăn bánh tét mà nếp dẽo nhẹo mới ngon, đang ăn mà cắn nhằm hạt gạo là nó cảm thấy kỳ kỳ, sượng sượng dù rằng hằng ngày mình vẫn ăn cơm bằng gạo. Nội nói hể nếp là nếp, mà đã gạo thì là gạo, cái nào ra cái nấy. Chớ lẫn lộn ăn hổng có ngon. Bắt đầu bước qua tháng chạp là Nội hay Má sẽ đi chợ Cần Giuộc để mua lá chuối. Dù là dân Cần Đước nhưng hễ đi chợ là đi Chợ Cần Giuộc hoặc Chợ Kinh (Nước Mặn). Vì nếu đi chợ Cần Đước thì phải lội bộ khá xa. Mà hồi đó toàn là lối mòn đường ruộng, chớ không phải như bây giờ.

Muốn đi chợ Cần Giuộc thì phải dậy sớm lúc 2-3 giờ khuya để đón tàu đò dọc từ Chợ Kinh lên. Từ nhà tôi Rạch Bà Thoại lên chợ Cần Giuộc áng chừng chưa đến 10 cây số. Nhưng vì đò máy cứ, xẹt qua xẹt lại để đưa rước khách hoài nên cũng mất khá nhiều thời gian. Con sông cái Cần Giuộc chổ rộng cũng tầm tầm 500 -700m chổ hẹp cũng 200- 300m. Nếu cộng dồn lại thì đoạn đường cũng khá xa lên đến vài chục cây số. Nên khi tàu tới chợ, thì trời cũng vừa tờ mờ sáng, hừng đông, sương khuya còn đọng trên tàn cây ngọn cỏ. Lâu lâu, cả đời mới có dịp đi chợ Quận một lần, mà lại là đi chợ Tết, nên bắt gặp cái gì cũng muốn mua, mua xong thì cà kê, dê ngỗng chỗ này, chỗ nọ đến 9-10 giờ là chuẩn bị xuống bến canh tàu đò chạy về chuyến tài nhứt. Nên khi đi chợ, thì khuya lơ khuya lắc, mà khi về đến nhà thì trưa trờ, trưa trật, mặt trời gần đứng bóng ở trên ngọn bụi tre gai.

Nhà tôi hồi xưa có chiếc ghe Cần Đước trọng tải gần 50 tấn, nên có tàu máy ủi. Năm nào ông Nội mang ghe về nghỉ ăn tết sớm, thì lấy ghe máy nhà để đi chợ Kinh thì nhanh hơn, vì tàu nhà nên muốn đi về lúc nào cũng được, từ nhà xuống tới Chợ Kinh cũng gần, chỉ vài cây số. Mua lá chuối về, là nội và má bắt đầu xé ra, cái nào hơi to thì để gói bánh tét, miếng nào vừa phải thì để dành gói bánh ít. Xong đem ra ngoài sân phơi cả chục ngày, cho lá chuối thật khô rồi mang vào lau sạch 2 bề lá, rồi mới xếp lại gọn gàng cất vào gạt măng giê. Mỗi một phần lá chuối, là đủ để gói một đòn bánh tét hay một cái bánh ít.

Xứ Cần Đước của tôi hồi xưa, gói một đòn bánh tét xách oằn tay, hay gói một cái bánh ít ăn thiếu điều trợn trừng, trợn trắng. Bánh tét gói nhưn đậu mỡ có, đậu chay có, nhân chuối có. Bánh quê tôi gói nhân bằng hột đậu xanh chà đãi vỏ, chứ không gói nhân nấu chín kiểu nhân bánh ít như một số bánh tét miệt Miền Tây. Và trong nếp, Nội tôi thường trộn vô một ít đậu đen hay đậu đỏ gì đó, ăn cho nó bùi vì đậu béo, nhưng lại mau ngán. Đòn bánh quê tôi gói rất chặc nên giẻ khắc, vì thế nó lâu bị thiu đổ nhớt. Cũng trong tháng chạp Nội và Má tôi cũng mua cả chục kg củ cải trắng về cắt khúc chẻ ra làm tư, làm sáu để phơi khô, rồi ngâm nước tương để ăn chay, hay ngâm nước mắm dành cho ăn mặn, kèm theo nồi thịt heo kho tàu mà dân miền Nam giàu nghèo vì cũng có, trước để cúng ông bà sau nhâm nhi với nồi bánh tét. Thời đó nhà ai tết nhất cũng đều làm, bà con dòng họ Nội Ngoại đều ở cùng quê, cùng làng nhưng khác xóm, nên nhà ai làm nấy ăn, mà không biếu qua, biếu lại. Bánh chín xong má tôi thường treo tòn tên gần gạc măng giê chái bếp khi nào muốn ăn thì lấy ghế đẩu trèo lên lấy dao bầu cắt một khoanh đủ để ăn ứ hự.

Giờ bánh tét hay bánh ít để lâu không được, mau bị đổ nhớt thiu, chắc một phần vì gói lá chuối còn tươi xanh, tôi nhớ hồi đó bánh tét nhiều khi qua hết mùng vẫn còn ăn rỉ rả, người lớn nay tất cả đều đã quy tiên theo ông theo bà, nên qua suy đoán chắc tại hồi xưa gói bánh bằng lá chuối phơi thật khô, nên bánh mới để lâu vẫn còn ăn được. Còn ngày nay con người mải mê chạy theo công nghiệp, nếu cần thì quăng vô tủ lạnh, muốn để lâu thì ton vô ngăn đá, còn muốn ăn dần dần vài ba bữa, thì thảy bừa vô ngăn mát muốn ăn, lo gì cứ bỏ vô lò vi sóng 2-3 phút là nóng hổi ngay. Nên từ từ những cái gì thuộc về xưa cũ, dần dần mai một thất truyền, những món đồ ngon dân dã ngày xưa giờ càng ngày thì càng tệ hại. Ôi những ngày xưa thân ái nay còn đâu, giờ chỉ còn lại là tiếc nối.

Sài Gòn 22h đêm 03.01.2020

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Nồi bánh tét quê tôi!" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn