Nỗi đau người mẹ

Cách mạng về làng Rẫy Thơm, rồi nhân dân cả dải đồng bằng Quảng Nam rộng lớn nổi dậy phá kèm, làm chủ quê hương. Gia đình bà Thức mừng như cá gặp nước. Bà động viên thằng con thứ hai xung phong vào bộ đội. Người con cả thì trúng tuổi quân dịch, đóng quân ở tận Lái Thiêu, Nam Bộ.

Bà Thức nhờ người viết thư gọi con bỏ ngũ về quê. Cả Trị bỏ ngũ, nhưng lại tá túc ở nhà vợ dưới làng bên, nơi địch còn chiếm đóng. Anh ta theo quê vợ, làm nghề chạy xe Lam. Bọn tề nguỵ địa phương đâu để yên thân, ép Trị nhận tiền hối lộ. Việc ăn tiền làm khai sinh giả trốn lính, khai thêm con để nhận lương là nguồn lợi của những tay Hội đồng xã tham tiền. Hết lần này đến lượt khác họ ép lấy tiền của Trị. Cả Trị “lấy độc trị độc” nhảy ra làm lính nghĩa quân xã Thạnh Kỳ. Thấy tình hình thằng con cả không ổn, mỗi lần đi chợ bà Thức đều ghé lại khuyên bảo. Trị nghe theo, hiền khô, không đốt nhà, bắt gà, bẽ bí, đánh người như những tên lính khác mỗi khi càn vào vùng giải phóng. Theo dõi thái độ Cả Trị, Ban Binh vận huyện cho người tiếp cận để xây dựng anh ta trở thành cơ sở binh lính. Cả Trị không chỉ cự tuyệt mà còn doạ bắt chị Tám nữ binh vận “hợp pháp” của ta. Chị Tám báo cáo lại thái độ của Trị cho lãnh đạo. Ông Thức biết chuyện, nộ nạt bà Thức:

- Bà xuống dưới đó nói cái chi với thằng con bất hiếu kia mà hắn cứng đầu như rứa.

Từ dạo ấy, ông cắp nón lên xuống vùng địch liên tục, những mong giác ngộ cho được thằng con trai bướng bỉnh. Việc ông làm một mình ông biết. Đùng một hôm, trong trận càn của địch vào xã Thạnh Kỳ có mặt Cả Trị, một tên lính giết chết chị Tám. Sau đó có thêm mấy vụ cơ sở bị lộ. Ông Thức không giữ ý, cứ trường trường lên xuống với thằng con. Bọn địch thâm độc, cho một số tên thám báo đón đường tiếp chuyện ông Thức và cố ý cho nhiều người thấy, thực hiện kế ly gián. Một vài cán bộ an ninh non tay, xâu chuỗi một số hiện tượng nghi ngờ ông Thức già làm tay sai cho giặc. Thấy thái độ một số cán bộ đối xử với gia đình khang khác, bà Thức nói với ông Thức đừng có ngang nhiên lên xuống lôi kéo thằng con nữa, không khéo cả ta lẫn địch đều nghi ngờ đấy. Ông Thức không nghe còn to tiếng:

- Thiệt vàng không sợ chi lửa.

Để khẳng định ông Thức có cộng tác với giặc thông qua Cả Trị hay không. Tổ trinh sát an ninh luồn vào vùng địch, bắt Cả Trị dẫn về vùng giải phóng thẩm vấn. Giữa đường Cả Trị tháo chạy. Qua chuyến công tác này các đồng chí an ninh cũng nắm được “chắc chắn” hơn tin ông Thức thường xuyên gặp những tên thám báo dọc đường. Các đồng chí ấy khẳng định ông Thức với danh nghĩa đi khuyên bảo con mà thực ra là cộng tác với giặc. Tối hôm đó họ vào nhà mời ông Thức đi. Ông tức tối chửi mấy người đến bắt:

- Tau là đảng viên hồi chín năm, là cha chú tụi bay. Tau theo cách mạng từ lúc bay còn chưa sinh mà bay giám làm chuyện tầm bậy này đối với tau hả.

Trong thời buổi khốc liệt, ở đây lại là vùng tranh chấp, là bàn đạp để lực lượng ta xâm nhập vào nội ô tỉnh lỵ, không thể để một đối tượng hoài nghi tồn tại trên địa bàn quan trọng này. Mấy đồng chí an ninh mạnh tay, trói ông đưa đi. Bà Thức vô cùng chới với trước nỗi trái ngang, quờ quạng trong đêm tối, tóc xoả rũ rượi như một người điên. Hai người con gái đã đến tuổi lấy chồng và thằng con út đứng lặng nhìn theo cha bị mấy người cán bộ mà mẹ thường nấu cơm cho ăn trói tay dẫn đi. Trời đất đảo lộn, cả nhà bà Thức khóc tức tối. Hai ngày sau, ba đồng chí: Bí thư, Chủ tịch Mặt trận, Chủ tịch Phụ nữ xã Thạnh Kỳ đến nhà báo tin ông Thức đã mất. Lòng tự ái của ông quá cao, không chịu được sỉ nhục hàm oan, ông đã tự kết liễu đời mình. Nghe tin bà Thức khô cứng người, không thốt được một câu thắc mắc nào cả, mặc cho ba người tuổi đáng con đại diện cách mạng van nài xin lỗi, động viên... Biết tính khí chồng, tin lời ba đồng chí, bà Thức gầm lên như con hổ bị mắc bẫy:

- Tôi biết hết rồi, các ông các bà cút hết đi, thằng Trị mà biết chuyện này thì xóm làng nát với nó. Răng bay không biết điều mà làm tầm bậy với ông nhà tau như rứa. Bay phải giấu kín, không để ai biết. Thằng út của tau mà biết, nó chạy theo anh Cả luôn. Như rứa là bọn bay đẩy cả nhà tau làm Việt gian. Răng mà nghiệt ngã rứa trời ơi!

Chiến tranh quá khốc liệt, bà Thức lo cho người sống hơn người đã chết. Ngày đêm vái trời phật phù hộ cho các con bà được bình yên. Con nào cũng rứt ruột sinh ra. Nhớ thời con gái mang nặng để đau, được đứa con trai đầu lòng vợ chồng bà mừng lắm. Là anh cả nó cực nhất nhà, chưa kịp lớn đã phải cõng, bế em, chăn bò cắt cỏ giúp mẹ cha. Nó là đứa con ngoan, ai ngờ bây giờ đổ đốn ra như vậy. Nghĩ tới thằng Trị bà Thức tím ruột bầm gan. Chiến tranh còn tiếp diễn, bà Thức không biết nổi bi kịch của gia đình còn đẩy đến đâu nữa. Cây kim ở trong bọc lâu ngày cũng tòi ra, con Bốn , con Năm, thằng Út đã biết cha nó tự vẫn vì hàm oan chính trị. Cả Trị càng không biết rõ cái chết của cha, bốc đồng chống phá cách mạng điên cuồng. Nó trở thành tay sát thủ lợi hại trong vùng. Những tin tức xé ruột liên tiếp đến tai bà Thức: nào là thằng Trị đã lên nắm chức Trung đội trưởng nghĩa quân Thạnh Kỳ, nào là hắn cho bọn đàn em đón đường bà con ở vùng giải phóng đi chợ Ngã Tư về đánh đập, đổ mắm, đổ muối, đá thúng, đạp mủng rất tàn bạo. Một hôm Trị khám xét trong quang gánh của chị Liên ở làng trên thấy sáu cân thịt heo, hắn hét tướng:

- Mầy mua thịt về tiếp tế Việt cộng phải không? Tau lạ chi, chồng mày là tên Việt cộng đầu sỏ...

Giữa đám đông không thể ra tay, Trị nộ nạt rồi bỏ đi. Bọn đàn em liền cho chị về với sáu cân thịt còn nguyên vẹn. Chị Liên bước qua một quãng truông rậm, mừng khấp khởi. Bỗng thằng Trị xuất hiện với một loạt đạn vãi đầy người chị. Ngày hôm ấy tin quái ác đến tai, cả nhà bà Thức sửng sốt, đau buồn. Sau đó, Trị thường cùng với bọn nghĩa quân về giằng mặt mấy đứa em “đừng có dại mà làm cộng sản”. Rồi một đêm, hắn và đồng bọn phục trong nhà mẹ, có tiếng chó sủa, Trị lẽn ra sau. Một bóng đen xuất hiện liền bị Trị hạ gục bằng loạt đạn AR15. Bấm pin xông ra, hắn thấy Cả Tĩnh bị bắn vỡ đầu. Trị quay vào nhà lạnh lùng lên tiếng:

- Ra giếng mà nhìn, thằng Việt cộng con rể bà đã bị tôi giết chết. Hắn lập tức hô cả bọn quay đít bỏ đi. Sáng hôm sau trở lại, thấy xác Cả Tĩnh được đưa vào đặt trên giường giữa nhà, cô Bốn em gái hắn đang ngồi gục đầu ôm xác chồng. Trị điên máu doạ đánh mấy người em. Bà Thức gào thét:

- Mọi việc do tau làm, mày có giết thì giết tau đây.

Hắn không dám đánh các em, gầm gừ:

- Cả xóm này là Việt cộng.

Trị cho đàn em bắt người hàng xóm ra đánh dã man trước mặt bà Thức. Bà Thức lăn lóc, đập đầu. Bởi, “con dại cái mang”. Thấy mẹ làm dữ, hắn cùng cả bọn bỏ đi. Thằng Út đứng nghiến răng nhìn theo Cả Trị. Mấy hôm sau Út cùng các anh trong Đội du kích xã phục đánh trả trung đội nghĩa quân, giết chết mấy thằng, Cả Trị chạy thoát. Bà Thức biết chuyện, gọi thằng Út dạy bảo:

- Thằng Trị là anh mầy, cùng một lỗ rúc ra. Hắn có tội thì cách mạng trừng trị. Con trực tiếp giết nó là mẹ mang tội với tổ tiên. Trời ơi sao mà quái ác vậy! anh em mà giết nhau. Trời ơi!

Út nghe lời mẹ, nhưng không thể ở nhà chứng kiến anh mình làm càng giết hại, đánh đập bà con, xóm giềng. Út xung phong đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường khác... Vài năm sau anh trở thành xạ thủ số một của đại đội chủ lực huyện. Cả Trị ngày càng gian ác, hắn tháp tùng bọn Bảo an, tấn công đóng đồn Nổng Thị cách nhà bà Thức độ 800 mét, khống chế xã Thạnh Kỳ, cày ủi làng mạc xơ xác. Huyện đội chủ trương dùng cối tập kích, đánh bứt đồn Nổng Thị. Út-khẩu đội phó cối 82, chấp hành lệnh bắn quả đầu tiên, không chính xác. Đồng chí khẩu đội trưởng vừa đùa vừa thật:

- Thằng cha này tư tưởng rồi...

Út quay lại:

- Tôi bắn trúng cái nhà lợp tôn kia cho anh xem.

Y như Út nói, quả thứ hai làm sập góc nhà. Liên tiếp mấy khẩu đội giã tới tấp, khói lửa mù mịt Nổng Thị. Sau hai ngày vây ép, bọn nguỵ bỏ đồn. Khi chạy ngang qua nhà, Cả Trị kêu to:

- Mẹ ơi! Thằng Út bắn tôi đây nè.

Tiếng kêu của hắn như nhát dao đâm vào ruột bà Thức. Bà không dám mong nó chết, nhưng có khi cũng nghĩ tới: Mô phật, hắn chết thì nhà bà yên hơn, bà con làng xóm bớt đau khổ... Chiến tranh ngày càng khốc liệt, những đứa con bà Thức đã rứt ruột sinh ra: thằng Hai hy sinh, thằng Út bị thương nặng, Cả Trị tội ác đầy người, du kích Thạnh Kỳ phục giết tại chính nơi chị Liên chết năm xưa... Bây giờ bà Thức đã tròn tuổi chín mươi, mỗi khi mấy đứa con thằng Út đã tốt nghiệp đại học hỏi để khai lý lịch cho rõ ràng, bà nội lại ấm ứ trong hơi thở yếu ớt:

- Nhà ta còn phải chịu thiệt. Lý lịch đã và mãi đỏ lem lem, ai mà chịu hiểu dùm cho...

 

Theo Chuyện Làng quê