Nhắc tới NSND Đoàn Anh Tuấn - Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, người nghe khó có thể quên được tiếng đàn bầu mượt mà, giàu cảm xúc, như tiếng lòng của những người con Việt xa quê khi nhớ về nguồn cội.
Nhớ tiếng đàn bầu trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam
Vốn là một nhà báo có 24 năm công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi có cơ hội được nghe, được thực hiện nhiều chương trình âm nhạc trên làn sóng điện. Vì là người được đào tạo âm nhạc nên tôi thường được giao nhiệm vụ chọn những đoạn nhạc phù hợp để làm nhạc cho các chuyên mục hay nhạc cắt, nhạc nền… sử dụng trong chương trình phát thanh. Cũng vì thế mà tôi đã biết đến tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn - lúc ấy đang là diễn viên độc tấu đàn bầu của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Trong suốt mấy chục năm qua, tiếng đàn bầu của Đoàn Anh Tuấn với tác phẩm: “Tình quê hương”, sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Chín đã gắn bó máu thịt với Kiều bào Việt Nam qua nhạc hiệu của “Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc”; hay tác phẩm: “Dòng kênh trong” sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Đạm được nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn thể hiện trên cây đàn bầu cùng dàn nhạc dân tộc, được chọn làm nhạc hiệu của chương trình “Tiếng thơ” phát sóng hàng đêm trên Đài TNVN và làm nhạc cho chuyên mục “Những tấm lòng vì Việt Nam” của Chương trình Việt kiều (VOV5).
Tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn, nhẹ nhàng, sâu lắng, như thấm vào tâm can người nghe. Ngày ấy, NSƯT Ðoàn Anh Tuấn là 1 trong 4 nghệ sĩ tiêu biểu ở lĩnh vực biểu diễn đàn bầu của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam. Vừa là nghệ sĩ vừa là chiến sĩ, cùng với ông là nghệ sĩ Mạnh Thắng (Đoàn Ca múa Quân đội), Đức Nhuận (Đoàn Ca múa miền Nam); Bá Chương (Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương).
Không chỉ chơi những bản nhạc dân gian, cổ truyền, nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn có lẽ là người đầu tiên chơi đàn bầu trong các tác phẩm khí nhạc một cách điêu luyện như với tác phẩm: "Vì miền Nam" của nhạc sĩ Huy Thục, được ông thể hiện rõ sắc thái, tình cảm, biểu đạt được chiều sâu suy tưởng mà nhạc sĩ Huy Thục gửi gắm trong tác phẩm. Thông qua tiếng đàn để thể hiện tình yêu giữa con người với con người, tình quê hương và ý chí đấu tranh quyết liệt; thể hiện lòng dũng cảm và cả lòng hận thù sâu sắc. Cùng với mong muốn được sẻ chia những đau thương mất mát ấy với quân và dân miền Nam những năm tháng gian khổ, hy sinh, đấu tranh để giải phóng quê hương, giành Ðôc Lập -Tự Do - Thống Nhất đất nước.
Là người đầu tiên chơi đàn bầu cùng dàn nhạc giao hưởng, thể hiện thành công tác phẩm: “Biển quê hương” - Concertino của nhạc sĩ Trần Quý - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Tác phẩm có độ dài hơn 10 phút cho đàn bầu độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng, cũng là một tác phẩm đầu tiên viết về thể loại này khiến nhiều người nể phục.
Khi đánh giá về nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn, NSND. Nhạc sĩ Trần Quý nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, từng nhận xét: “Đoàn Anh Tuấn có một trình độ kỹ thuật rất điêu luyện. Ngoại trừ những đoạn tác giả ghi chú để nhạc công chú ý ngừng nghỉ, hoặc phần đệm của dàn nhạc cũng được viết rất mỏng để đàn bầu được tự do diễn tấu theo phong cách dân gian với những kỹ thuật: nhấn nhá, vê láy,vuốt cần, uốn lượn âm thanh, rung, đánh bịt âm kép hoǎc tiếng thật với những âm già, âm non, chồng âm... nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn diễn tấu không chỉ chuẩn xác về cao độ, tiết tấu mà còn uyển chuyển điệu thức, thang âm thông qua các nhấn nhá với những âm thăng - giáng bất thường rất tài tình… với những kỹ thuật điêu luyện cùng tiếng đàn giàu cảm xúc, nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn đã góp phần đem lại giải thưởng cho tác giả, Giải Nhất - Cuộc thi sáng tác Giao hưởng lần thứ Nhất do Bộ Văn Hóa - Thông Tin tổ chức năm 1993. Ngoài ra, NSƯT Đoàn Anh Tuấn còn độc tấu trong 2 tác phẩm có quy mô lớn và kỹ thuật khó cũng do tôi chỉ huy là: Chương III "Mẹ và con" trong Tổ khúc "Ông Gióng" 6 chương (của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát) viết cho dàn nhạc dân tộc đương đại; và Chương III "Tiếng Ru trong đêm" trong Tổ khúc "Tây Nguyên" 4 chương của tôi, được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng Giải Nhất, thể loại Hòa tấu lớn (1996)”.
Cuộc đời và sự nghiệp
Ngược dòng thời gian, nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn mồ côi mẹ từ rất sớm, nên 10 tuổi, ông đã phải lao động cực nhọc để phụ giúp gia đình. Năm 1952, mới 15 tuổi, ông đã thoát ly gia đình, tham gia dân công ở vùng thượng Lào.
Năm 1953, ông gia nhập Quân đội, tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau tin Chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 7/1956, ông chuyển ngành về công tác tại Bộ Nông Lâm, rồi trúng tuyển vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), năm 1957. Qua 4 năm học, tháng 7/1961, tốt nghiệp loại xuất sắc, ông về công tác tại Đoàn Ca nhạc dân tộc Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) cho tới khi ông nghỉ hưu tháng 4/1998.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Xuyên, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, người gần gũi với nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn và cũng là người đã thay mặt gia đình lập hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn nhớ lại: “Tôi công tác với nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn mấy chục năm ở Nhà hát. Ông là một tri thức hiền lành, thật thà, kiệm lời, nhưng cũng rất thẳng thắn. Là một nghệ sĩ yêu và say nghề. Từ những năm 1964, Nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn đã được trao Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Với 46 năm công tác liên tục, ông đã được cử đi biểu diễn ở hàng chục quốc gia trên thế giới, từ châu Á, Đông Nam Á, đến châu Âu… Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình ông có nhiều thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Giấy khen, Bằng khen và các phần thưởng cao quý như: Huy chương Chiến thắng chống Pháp hạng Nhì; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; nhiều Huy chương Vàng, Bạc trong các kỳ Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
Năm 1988, nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Chỉ tiếc rằng, khi qua đời ngày 22/11/2018, ông đã không kịp nhận Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Tôi rất ngưỡng mộ nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn vì thế hệ ông là những chiến sĩ quả cảm và là những nghệ sĩ rất tài năng”.
Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Anh Tuấn đã rời cõi tạm nhiều năm, nhưng trong lòng người yêu âm nhạc dân tộc, tiếng đàn bầu của ông mãi ngân vọng. Đặc biệt, những đồng nghiệp, thế hệ học trò của ông mãi trân trọng, ngưỡng vọng về một nghệ sĩ đầy nhân cách và là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Hai trong số những học trò xuất sắc được ông truyền cho những ngón đàn đầu tiên và thành danh sau này là Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến (nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa Quân đội); Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Xuân Bình (nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).
Trước khi thực hiện bài viết này, tôi và nhạc sĩ Trương Ngọc Xuyên đến thăm gia đình nghệ sĩ. Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải, vợ của nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn xúc động khi nhắc nhớ về những năm tháng đã qua. Bà vẫn xót thương ông vì những năm tháng khó khăn thời bao cấp, lương ba cọc ba đồng nên ông phải vất vả cùng bà chăm lo cho con, cái ăn, cái mặc, mà ít có thời gian thỏa sức với đam mê. Bà cũng tự hào khoe với chúng tôi về những người con trai - niềm tự hào của ông bà, đều có sự nghiệp thành đạt, trong số 6 cháu nội cũng có những cháu tiếp nối được sự nghiệp của ông để lại - Đó là niềm động viên an ủi bà lúc tuổi già không có ông bên cạnh.
Bà Nguyễn Thị Hải tâm sự: “Ông Tuấn là người ít nói, chỉ thể hiện bằng hành động. Với công việc ông ấy rất tận tụy, ham học hỏi và gương mẫu. Ông ấy cũng có nhiều sáng kiến cải tiến, biểu diễn thành công cây đàn bầu. Ngoài công việc biểu diễn, ông còn giảng dạy, truyền nghề cho nhiều nghệ sĩ, họ cũng đã thành danh ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Trong thời kỳ chiến tranh, ông ấy cũng không quản ngại khó khăn gian khổ, xung phong đi phục vụ đồng bào, chiến sĩ nơi có chiến sự ác liệt. Đặc biệt ông ấy yêu thương vợ con và yêu các cháu vô điều kiện”.
Có lẽ, ai đã từng nghe tiếng đàn bầu của Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Anh Tuấn thì khó có thể quên được bởi những thanh âm phát ra từ bàn tay ông lúc thì nũng nịu, thổn thức, khi thì bồi hồi, lắng động, nhưng cũng đầy khí phách… song tất cả vẫn toát lên ở ở ông một tiếng đàn trong trẻo, ngọt lịm để người đi xa cứ nhớ hoài, nhớ mãi…