Tối ngày 14/10/2023, Nhà hát Tuổi trẻ công diễn Musical Show “Chuyện phố thời bao cấp”. Chương trình thu hút đông đảo không chỉ các khán giả sống trong thời bao cấp mà cả các khán giả trẻ tuổi, genZ cùng các vị khách nước ngoài.
Khi khán giả hoà mình vào quan viên hai họ trong đám cưới
Trong cái se lạnh của tiết trời thu Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ công chiếu Musical Show “Chuyện phố thời bao cấp” và mang đến cho khán giả không gian sinh hoạt những năm thập niên 1980 của thế kỷ trước. Từ 19 giờ, sảnh Nhà hát đã chật kín người với sự xuất hiện của đông đảo các khán giả từ trong nước đến ngoài nước, các khán giả từ độ tuổi học sinh đến các cô bác “thời bao cấp”. Thật hiếm khi khán giả nô nức đến tham dự chương trình sớm đến vậy - trước 1h đồng hồ của buổi biểu diễn! Đến với “Chuyện phố thời bao cấp”, các khán giả sẽ sử dụng “tem phiếu” để mua hàng, khi mua bán vẫn phải … xếp hàng. Không khí bao cấp ngập tràn ngay cả khi buổi diễn còn chưa bắt đầu.
Thông thường, tại các chương trình âm nhạc, nhạc kịch được tổ chức tại không gian Nhà hát, các khán giả sẽ đến sảnh check-in, tiến vào trong nhà hát, ổn định chỗ ngồi và chương trình bắt đầu. Nhưng đến với “Chuyện phố thời bao cấp”, tất cả các nghệ sĩ, khán giả cùng nhau tham dự buổi “rước dâu” từ sảnh ngoài Nhà hát, với những bài hát đặc trưng của đám cưới thời bao cấp, rồi sau đó di chuyển vào phía trong; những câu chuyện, những tiết mục mới từ đó mà hé mở. Sự sáng tạo này không chỉ khai mở cho khán giả cảm giác gần gũi, thoải mái khi được tham gia “diễn xuất” cùng các nghệ sĩ, mà điều đó còn đưa họ trở về khoảnh khắc thời bao cấp hết sức tự nhiên, để đón nhận những điều thú vị mà Musical Show hé lộ ở những phần tiếp theo.
Kể chuyện bằng âm nhạc
Câu chuyện kể về những tháng ngày của thập niên 80, trong một con phố nhỏ, tại một gia đình nhỏ “tứ đại đồng đường” sinh sống, mỗi con người, mỗi thế hệ một cá tính, một góc nhìn riêng cũng như những cách thưởng thức âm nhạc, thưởng thức cuộc sống khác nhau. Những mâu thuẫn từ đó mà nảy sinh, xuất hiện trong những tình huống hết sức vui nhộn, hài hước. Nhưng sau cùng, mẫu thuẫn nào cũng đều được hàn gắn bằng âm nhạc. Chính âm nhạc như một liều thuốc, liệu pháp chữa lành, hàn gắn và hoá giải mọi khúc mắc, ranh giới, mâu thuẫn trong xã hội.
Thưở bấy giờ, chúng ta đón nhận rất nhiều sự du nhập của các thể loại âm nhạc đến từ phương Tây và miền Nam ra. Hầu hết các nhạc sĩ, nhạc công miền Bắc Việt Nam đều rất thành thục về Nhạc Cổ điển, nhưng dòng nhạc nhẹ lại là điểm mới với họ. Các ban nhạc, nhóm nhạc sáng tác và biểu diễn những tác phẩm điệu Tây lời Ta và cả những dòng nhạc ngoại du nhập đã trở thành trào lưu trong giới trẻ Hà Nội thập niên 1980. Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa chia sẻ, thời đó, Barbra, Smokie, ABBA,.. được người Hà Nội ưa chuộng nhiều nhưng anh chọn Boney M vì rộ lên điệu nhảy “Bamboney” theo nhạc của ban nhạc này.
Với một chương trình Musical Show, âm nhạc là quan trọng nhất. Việc âm nhạc trải dài trong hơn 1 thập kỷ với nhiều sự đổi mới, du nhập mới, thì việc lựa chọn ca khúc để đưa vào chương trình là khá … khó. Vì các bài hát cần đảm bảo toát lên được đúng tính chất âm nhạc thời kỳ, để gợi nhớ những ký ức những năm 1980. Có rất nhiều ca khúc hay, nổi tiếng và in vào lòng dân tới tận bây giờ, nhưng do thời lượng chương trình giới hạn 1 giờ 45 phút nên ekip chương trình đã đưa vào một số bài hát như: “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng; “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp; “Thành phố buồn” của nhạc sĩ Lam Phương; “Bảy ngày đợi mong”, “Chuyện hẹn hò” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh; “Như khúc tình ca”, “Ơi cuộc sống mến thương” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện; “Câu chuyện nhỏ của tôi” của nhạc sĩ Thanh Tùng; “Mặt trời bé con”, “Tạm biệt chim én” của nhạc sĩ Trần Tiến; “Em như tia nắng mặt trời” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung; “Hà Nội những công trình” của nhạc sĩ Quốc Trường; “River Babylon” của nhóm nhạc Boney M...
Nghệ thuật hoài cổ có thực sự thành công?
“Chuyện phố thời bao cấp” là chương trình nghệ thuật tái hiện lại cuộc sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc Việt Nam giai đoạn manh nha đổi mới. Từ cảnh “buôn chuyện” khi chờ lấy nước; xếp hàng từ đêm để mua gạo nhưng cửa hàng mậu dịch báo xe hỏng, gạo không về; hay đơn giản là cảnh dạo phố, sinh hoạt đời thường,… tất cả đều được biên đạo múa Vũ Khánh tái hiện thông qua ngôn ngữ cơ thể, một cách đầy nhịp điệu. Cuộc sống bao cấp dung dị qua từng câu nói, ý tứ, nhẹ nhàng. Việc thể hiện tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi hay tình yêu đất nước có hùng vĩ, cháy bỏng cũng hết sức tinh tế, thông qua những ca khúc “hot hit”, đình đám của thời điểm bấy giờ.
Ngài Herve Conan, Giám đốc Quốc gia, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) bày tỏ sự xúc động khi xem chương trình: “Tôi thực sự ấn tượng về chất lượng của chương trình. Rất tuyệt vời và cảm giác thật thú vị về cuộc sống người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Đây là lần đầu tiên tôi xem một Musical Show tại Việt Nam, nhưng tôi chắc chắn sẽ quay lại”.
NSƯT Hồng Kỳ, nguyên ca sĩ, nghệ sĩ sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ bày tỏ sự vui mừng khi “Chuyện phố thời bao cấp” tái hiện tất cả những gì được coi là tinh tuý nhất, vinh quang nhất của tuổi trẻ ông. “Thời bấy giờ, chúng tôi hát nhiều lắm những bài hát của nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Trần Tiến, hay những bài ngoại quốc của BoneyM,… Mình xem lại mà mình thấy được bóng hình của mình, thời thanh xuân, nó làm cho mình trẻ ra rất nhiều. Rất vui. Các bạn đã nắm bắt được tất cả những hơi thở của ngày xưa, để cho những người lớn tuổi như chúng tôi đây, ngay bây giờ cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào vì đã có một thời “vàng son” đóng góp cho xã hội những tác phẩm nghệ thuật để đời” - nghệ sĩ chia sẻ. Ông cũng không thể dấu nổi cảm xúc khi nhắc đến tiết mục ấn tượng, ca khúc “Mùa xuân bên cửa sổ” của nhạc sĩ Hồng Đăng - nói đến đây, giọng ông bỗng nghẹn lại, đôi mắt rưng rưng. Một hình tượng anh bộ đội từ biên giới trở về, một cô gái vừa tan ca, họ hẹn nhau và chờ nhau đón mùa xuân về trên cửa sổ đường phố.
“Đường phố ơi hãy yên lặng/ Để hai người hôn nhau”
“Và cây ơi lay thật khẽ cho đôi bạn trẻ đón xuân về”
“Cảm động nhiều lắm. Bản thân tôi không chiến đấu ở chiến trường nhưng biểu diễn ở chiến trường nhiều. Tôi đã gặp nhiều hoàn cảnh của những anh bộ đội lúc đó, phải chia tay người yêu để ra mặt trận, và khi trở về, trên mình anh in đầy thương tích chiến tranh. Cho nên, những hình ảnh đó được tái hiện đúng nghĩa là một mùa xuân trở về, và chúng ta hãy yên lặng, để đôi nam nữ gặp lại, yêu nhau. Sự tái hiện tình yêu vì cuộc chiến mà phải ra đi, khi chiến thắng trở về để lại tiếp tục một cuộc sống bình yên, một tình yêu bình dị. Đó là hình tượng rất dỗi đẹp của một người chiến sĩ. Tôi rất mong sẽ có nhiều câu chuyện hơn nữa được xây dựng dựa trên nền tảng chiến tranh, bao cấp, nhưng là những câu chuyện nói về lịch sử âm nhạc gắn với cuộc chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, để thế hệ trẻ thêm nhớ, thêm yêu, thêm tự hào, thêm thấu hiểu sự “ngột ngạt” của thế hệ cha ông để đánh đổi được cuộc cuộc sống ấm no, đủ đẹp ngày hôm nay” - NSƯT Hồng Kỳ bày tỏ.
Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thu Phương, khán giả chương trình bày tỏ sự hào hứng khi đến với chương trình: “Rất thú vị khi tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội và từng sống trong thời kỳ bao cấp. Hôm nay đi xem vừa là cách hồi ức lại thời gian, vừa là để chia sẻ cho các con về không khí thời kỳ ông bà, cha mẹ chúng sinh sống. Các con sinh ra trong thời đại công nghệ số, rất khó để hiểu được thời bao cấp là gì, thời bao cấp sống thế nào, nhưng các nghệ sĩ đã đem đến một không gian chân thực và sống động quá! Chính bản thân tôi cũng như được sống lại thời còn trẻ. Phân cảnh đám cưới thời bao cấp hay xếp hàng mua gạo, gánh nước thực sự khiến tôi ấn tượng và xúc động đến khó quên”.
"Chuyện phố thời bao cấp" có sự góp mặt của: NSƯT Chí Trung, NSƯT Đức Khuê, NSƯT Đức Long, NSƯT Ánh Tuyết; : Anh Thơ, Tôn Sơn, Tuấn Nghĩa, Quốc Chí, Nam Anh, Quang Thiện, Quang Trọng, Thanh Nhàn, Hà Uyển Linh, Mai Hằng, Hồng Giang.
Ekip thực hiện chương trình gồm có: Chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến; Kịch bản: Trần Lệ Chiến; Đạo diễn: NSƯT Lê Ánh Tuyết; Âm nhạc: Tuấn Nghĩa & Trần Cường; Trợ lý đạo diễn: Trường Sơn; Chỉ đạo diễn xuất: Lý Chí Huy; Biên đạo múa: Vũ Khánh; Thiết kế sân khấu: NSƯT Doãn Bằng.
Chương trình khép lại bằng những giai điệu đậm chất bao cấp, những tràng vỗ tay và những nụ cười tươi của khán giả.
Chương trình khép lại bằng những giai điệu đậm chất của âm nhạc thời bao cấp, những tràng vỗ tay và những nụ cười tươi của khán giả.