Giọt nước mắt hạnh phúc
Năm 1971, cơ quan có quyết định tổ chức đám cưới cho đôi bạn Huỳnh Kiều - Nguyễn Thị Mai. Mọi người chưa kịp chúc mừng đôi bạn thì Mai bị bắt, kế hoạch cưới phải hoãn lại. Không ít người bảo chuyện đám cưới là chuyện trong mơ bởi hồ sơ của Mai chất thành đống cao ở Bộ tổng tham mưu.
Thế mà, cái ngày đó cũng đã đến vào năm 1973. Đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới cho Mai và Kiều. Kiều là người cùng Đơn vị 90C. Hay chuyện, anh Mười Phương lúc đó là Trưởng ban Cán bộ ở căn cứ làm công tác tư tưởng mấy ngày liền: “Mày có thương Mai thật lòng không?”. “Dạ có”, Kiều trả lời. “Mày có xác định kỹ khi lấy một thương binh, không có khả năng sinh đẻ?”, anh Mười Phương lặp đi lặp lại nhiều lần câu hỏi như thế. Trước tập thể, Kiều nói như lời tuyên thệ trước lúc ra trận: “Tôi yêu cô ấy vì cô ấy đã mất đi nhiều thứ, trong đó có bản năng làm mẹ”. Mọi người không thôi lo lắng về tương lai của họ. Không lo sao được khi Mai không chỉ mất khả năng sinh đẻ (nhiều bác sĩ giỏi thời đó khẳng định) mà còn thêm chứng bệnh thần kinh mỗi lúc trái gió trở trời. Trước lúc chuẩn bị đám cưới, đồng chí Trần Hải Phụng (Trần Lương - nguyên Phó tư lệnh Quân khu 7) cho người đưa Mai vào bệnh viện R để gắp những mụn thịt là tàn dư của đòn tra lươn vào cửa mình. Người trực tiếp làm công việc này là y sĩ Lê Thị Vân, nguyên Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình.
Bà Mai kể lại: “Tôi với ổng (chồng bà - PV) quen nhau lúc đánh đợt 1 năm 1968. Hồi đó tôi đưa tân binh lên biên giới, trong đó có ổng. Trong số các tân binh đợt ấy, ổng là người lớn tuổi nhất. Đêm đến, bên ngoài pháo kích liên tục, chúng tôi nán lại trong hầm. Anh em nói thèm cháo lòng. Vì còn tiền nhiều nên tôi gợi ý mua heo làm thịt lấy lòng nấu cháo ăn, còn thịt đem ram và thắng mỡ mang đi để dành chế biến thức ăn. Tôi phân công ổng mang hũ mỡ. Trên đường đi ổng bị đau bụng quằn quại. Đến nơi trễ hơn mọi người, mặt mày ổng hốc hác: “Báo cáo chị là mỡ đổ hết rồi”. Tôi quay sang nhìn người ổng dính mỡ từ đầu đến chân, tôi không nhịn được cười”. “Hai người có cảm tình với nhau từ đó?”, tôi hỏi. Bà trả lời: “Chưa đâu, lúc đánh đợt 2 Mậu Thân vẫn gọi nhau là đồng chí, trong đầu chưa bao giờ nghĩ đến chuyện hôn nhân”.
Tròn một năm sau ngày cưới, Mai sinh đứa con trai đầu lòng nặng 1,7kg trong niềm vui khôn xiết. Nhiều đồng chí, cán bộ cấp trên băng rừng đến chúc mừng Mai. Mai sung sướng đến khóc ngất. Cưới xong, anh Kiều đi công tác biền biệt. Hay tin vợ sinh con, anh cũng nhảy cẫng lên, ca hát nghêu ngao suốt ngày. Tin Mai có con lan nhanh từ căn cứ về cơ sở ở Sài Gòn. Mọi người cho rằng, với Mai đã chịu nhiều đau khổ, hy sinh và mất mát, niềm vui được làm mẹ ấy là phép nhiệm mầu. 10 ngày sau khi sinh, đúng 6 giờ sáng Mai bồng con từ Bàu Nổ về Bến Súc - Bình Dương. Sức khỏe còn yếu, Mai đi giữa làn bom đạn không ngớt. Vừa đi vừa trốn dưới hầm nên mất mấy tháng sau Mai mới ra đến căn cứ của Sư đoàn 9. Trên chiếc xe của Sư 9 từ Bình Dương về thẳng Sân bay Tân Sơn Nhất vào đúng trưa ngày 30-4-1975 có hai mẹ con Mai. Người Mai lâng lâng, một niềm vui khó tả khi cờ giải phóng phất cao ở khắp nơi. Chiến công vang dội ấy có sự đóng góp một phần xương máu của mình, của Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Đời thường
Sau giải phóng, với cấp bậc chuẩn úy, bà được biệt phái về nhà máy thuốc lá để huấn luyện công nhân tự vệ. Năm 1979, di chứng đòn tra khảo năm nào hành hạ nên bà xin nghỉ mất sức. Trong cuộc đời của người nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai đã lập nhiều chiến công hiển hách, được nhiều phần thưởng cao quý nhưng khẩu K54 là phần thưởng để lại trong bà nhiều cảm xúc nhất. Đó là năm 1968, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua mừng công toàn miền, bà đã được nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng khẩu súng K54. Như bà nói, phần thưởng ấy không phải cho riêng bà mà nó dành cho Biệt động Sài Gòn - Gia Định và Đơn vị 90C.
Vợ chồng bà dắt díu hai con về gần chợ Bà Hoa, nơi có đông người Quảng Nam - quê hương của bà đồng thời cũng là vùng có nhiều cơ sở của ta hoạt động thời trước để sinh sống. Đó chẳng phải là sự tình cờ mà là sự sắp đặt có chủ đích. Từ khi nghỉ mất sức đến nay, công việc chính của bà là đêm gói bánh ú, bánh giò… để ngày đội đi bán. Bệnh thần kinh không thôi hành hạ nhưng bà vẫn cố gượng vì tương lai của hai con. Các con càng lớn, thúng bánh bà đội càng nặng hơn rong ruỗi khắp ngõ hẻm. Bà xác định, đã là một đảng viên thì dù ở vai trò, vị trí nào trong xã hội cũng phải gương mẫu. Nên dù cuộc sống còn khó khăn, di chứng hành hạ triền miên nhưng bà luôn chủ động trong các phong trào đoàn thể, tích cực xây dựng lối sống lành mạnh ở địa phương và nhiều hoạt động xã hội khác. Trong căn nhà nhỏ trên đường Bàu Cát, Q.Tân Bình, TP.HCM luôn đầy ắp tiếng cười của các cháu nội. Ít ai biết rằng, người phụ nữ tuổi ngoài 70 mỗi sáng ngồi bán bánh trước nhà là nữ biệt động lừng lẫy một thời được địch gán cho biệt danh “con thoi sắt” với hàm ý ngưỡng mộ.