Nữ tướng Hồ Đề thời Trưng Vương chính sử và huyền sử (Bài 4)

Trong số 97 vị nữ tướng được thờ tại Đền Hai Bà Trưng, nữ tướng Hồ Đề được xếp ngay đầu danh sách. Bà là 1 trong 6 nữ tướng có vị trí quan trọng hàng đầu dưới triều Hai Bà, trấn giữ hai miền: Đông Bắc và Tây Bắc. Và hiện nay, vùng Tây Bắc và Đông Bắc đền thờ Hai Bà Trưng vẫn có đền thờ của hai nữ tướng Hồ Đề và Kiều Hoa hướng về kinh đô xưa.
ho-de-1-1624578298.jpg
Lễ rước trong lễ hội tưởng nhớ công ơn Nguyên soái Hồ Đề

Nữ tướng Hồ Đề trong thư tịch, đền miếu và nghiên cứu của các nhà văn hoá (Bài 4)

Trong đó Đình làng Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, T.P Hà Nội - là địa điểm còn lưu truyền nhiều tư liệu, câu chuyện về nữ Phó nguyên soái Hồ Đề. Đền thờ bà chỉ cách Đền thờ Hai Bà Trưng một con đê. Theo tài liệu của Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Bính - người phụ trách việc cấp sắc phong cho các thần soạn vào niên hiệu Hồng Phúc (1572-1573), bản hiện lưu giữ ở Thư viện Khoa học Xã hội Việt Nam và bản Ngọc Phả được lưu giữ ở Đền thờ Hồ Đề làng Đông Cao, Hồ Đề được khắc họa như sau: Hồ Công An là hậu duệ thứ 27 của người con thứ 48 của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Ông đổi từ họ Hùng sang họ Hồ. Vợ cả mất, Hồ Công An lấy vợ kế là bà Bạch Thị Phương - con gái út của Lạc tướng Bạch Thái Hoa. Năm Nhâm Tuất - ngày 4-1 mãn nguyệt khai hoa, bà sinh được một cô con gái, đặt tên là Đề Nương công chúa. Hồ Đề - Đề nương công chúa có 1 người em trai tên Hồ Hác. Bà Bạch Thị Phương vốn con nhà tướng, võ nghệ tinh thông; bà chú ý dạy các con mọi đường cung kiếm, lại đón thầy về dạy con các môn đao kích.

Trong quyển Nữ Tướng thời Trưng Vương do NXB Phụ Nữ- Hà Nội ấn hành năm 1976 do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương (con trai nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu) có đoạn bà Bạch Thị Phương vẫn thường răn bảo các con: "Tô Định giết quan huyện lệnh Chu Diên Đặng Thi Sách là người trung nghĩa, sát hại nhiều con em dòng Lạc hầu, Lạc tướng. Dân ta bị giặc róc xương hút tuỷ, oán giận đầy lòng. Lúc này chính là lúc các con cần đến võ lược. Việc học tập, các con phải chuyên cần, không được trễ nải". 

Tiếng tăm võ nghệ của Hồ Đề và Hồ Hác đến tai Tô Định -  tên thái thú rất tham tàn, bạo ngược. Tô Định sai quân đến mời Hồ Công An đến. Xảy ra một vài sự giao tranh giữa quân nhà Hán với chị em Hồ Đề, Hồ Hác, Hồ Công An lo lắng cho sự yên bình của các con, đau yếu rồi qua đời. Làm tang cho chồng xong, Bà Bạch Thị Phương biết Tô Định không thể nào để mẹ con mình sống yên ổn mới gửi lại trang trại, cùng hai con và một số gia nhân thân tín tìm chốn ẩn náu. 

ho-de-2-1624578298.jpg
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương công tác tại Ty Văn hóa Phú Thọ (những năm 70 của thế kỷ trước). Trong thời gian công tác, ông đi nhiều nơi, gặp nhiều người để tìm lại những cứ liệu lịch sử tại các đền, đình thờ những nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Trong đó nữ tướng Hồ Đề là nhân vật đã khơi nguồn cảm xúc để ông viết nên tập truyện dã sử “Nữ tướng thời Trưng Vương” được xuất bản đầu tiên vào năm 1976. Và được tái bản lần 2 mới đây vào cuối năm 2014 với hơn 1.000 bản (như đã nói ở phần đầu bài viết, do quá trình tìm hiểu của chúng tôi ngót 10 năm, nên khi còn sống,vào năm 2014, khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Nhà văn hoá Nguyễn Khắc Xương luôn khẳng định Hồ Đề dấy binh, đem theo cả vạn thần dân từ vùng núi Thiên Sớ - Thái Nguyên theo về phò tá Trưng Vương).

Đáng chú ý trong cuốn sách “Nữ tướng thời Trưng Vương” có đoạn khắc họa khá chi tiết về vùng đất Thiên Sớ - Thái Nguyên ngày nay - là nơi ẩn náu, chiêu tập binh mã, tích trữ lương thảo, luyện binh và cũng là nơi dấy binh khởi nghĩa của chị em Hồ Đề, Hồ Hác. Theo đó, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương đã viết: Núi rừng Thiên Sớ có nhiều động lớn nhỏ, cai quản mỗi động là một chúa. Động Lão Mai là một động lớn trong số 72 động của núi rừng Thiên Sớ, nằm giữa các thung lũng lớn mùa xuân trắng hoa mận mơ, mùa hè vàng quả chín. Hơn ba chục nóc nhà sàn rải rác dọc một con suối lớn, suốt ngày đón gió vì thung này nằm dọc hướng Đông Nam, ở đây nhà nào cũng có trâu đàn, nghé bầy, có gà đầy sân, lợn dăm bảy con thả rông quanh nhà. Dân phát nương tra ngô và lúa. Vùng này có nhiều thú rừng nên trâu không được thả xa, cho đeo mõ và thả gần động. 

Nhà nào cũng có nỏ và giáo, mùa đông lấy da thú làm chiếu nằm. Dân động thật thà, hiếu khách nhưng tính tình hung tợn, ưa sự đánh nhau với các động khác. Con gái cũng phóng lao bắn nỏ như trai. 

Chúa động Lão Mai là một nữ tù trưởng họ Hoàng nhận Hồ Đề và Hồ Hác làm con nuôi, giúp cho ba mẹ con và các gia nhân một chiếc nhà sàn năm gian, lại cấp cho trâu, lợn làm vốn liếng. 

Tại động Lão Mai, hai chị em Hồ Đề và mẹ luôn nghĩ tới sự nghiệp lớn, thế nào chả có lúc trói Châu úy, phá Châu lỵ, phải kết giao hào kiệt, xây dựng nghĩa quân. Bà Bạch Thị Phương thấy dân các động đều thiếu muối ăn, phải đốt nứa mà ăn tro để lấy chất mặn, lại thiếu cả chỉ thêu nên sai con trai Hồ Hác mở con đường vượt qua dãy Tam Đảo đem muối về bên động Lão Mai làm quà đi lại kết giao các động. Hồ Đề tổ chức ở Lão Mai một đội nam binh và một đội nữ binh, dạy dân cày vỡ các tràn ruộng rộc để lấy thêm lương thực, đồng thời cùng giúp đỡ các động khác. 

Trong quá trình đó, Hồ Đề nắm được đa số các chúa động đều căm thù giặc Đông Hán. Chúa động Lão Mai thấy khí chất Hồ Đề liền giao cho Hồ Đề thần phục con voi trắng chéo ngà rồi tôn xưng Hồ Đề - Đề nương công chúa là Thiên Sớ đại vương. Thiên Sớ đại vương Hồ Đề mới 21 tuổi tài trí hơn người, cùng dân các động Thiên Sớ lo lương thực và khí giới chống nhà Hán. Châu Úy, Châu Lỵ, phủ thái thú của giặc Hán đem quân tiễu phạt đều bị nghĩa quân Thiên Sớ đại vương đánh cho thất điên bát đảo. Khi được tin Hai Bà Trưng tụ nghĩa ở Mê Linh chống giặc Hán, quốc vương Thiên Sớ Hồ Đề kéo theo hàng nghìn quân binh về tụ nghĩa, tế cờ.

Nữ tướng Hồ Đề quyền kiêm cả nội ngoại binh, đổi tên là Ả Lự Tướng quân, có tài liệu ghi là Trấn Viễn đại tướng quân. Kéo quân về đồn binh tại khu ngoài - ven sông Cái tại Đông Cao Trang (làng Đông Cao ngày nay). Trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nữ tướng Hồ Đề giữ chức vụ ngang với Trưng Nhị nhưng các tài liệu còn chưa thống nhất rằng bà là nguyên soái hay phó nguyên soái.

Tế lễ xong, chia quân làm 2 đạo: Thủy – bộ, tiến cùng đại quân đánh Tô Định. Quân Hán thua chạy, nghĩa quân của Hai Bà Trưng thu phục hơn 60 thành trì, khôi phục được nghiệp xưa của vua Hùng. Bà Trưng Trắc được bách quan văn võ tôn phò làm vua toàn cõi. Thiên hạ thái bình, dân chúng yên vui. Nguyên soái Hồ Đề mang quân bản hộ về Đông Cao Trang để khao thưởng quân sỹ và thưởng tiền bạc cho dân mở hội 3 ngày vào ngày mồng 1 tháng 2 âm lịch. Ngày phó soái Hồ Đề khao quân được người đời sau lấy làm ngày lễ hội, nhằm tưởng nhớ công lao nữ tướng Hồ Đề. Và có thơ vịnh rằng:

“Sinh vi vương tướng, tử vi thần
Vạn cổ lưu truyền nguyệt đức tân
Hương hoả Đông Cao nhàn tề nguyệt
Tích tôn quốc thái, ức niên xuân”.

Dịch nghĩa: Sống làm tướng, chết làm thần / Vạn năm còn lưu truyền bến tân sông Nguyệt Đức / Đông Cao nhận phần cúng tế hương khói / Danh tiếng Bà còn lưu lại cho đất nước mãi mãi.

Nền độc lập kéo dài vỏn vẹn trong 2 năm. Năm Tân Sửu 41, nhà Hán sai Mã Viện đưa 20 vạn quân sang xâm lược nước ta. Trưng nữ Vương và các tướng lĩnh của hai Bà Trưng đã đưa quân ra chống giặc từ biên giới, các trận chiến ác liệt đã diễn ra ở Lãng Bạc, Đông Triều, Yên Phong, Hà Bắc. Hai Bà đã thu quân rút về giữ ở Cấm Khê (Thạch Thất - Quốc Oai), hàng vạn người Việt đã ngã xuống trong các trận chiến ác liệt để bảo về tổ quốc thiêng liêng của mình. Ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (43), sau khi đã phóng những mũi lao và bắn những mũi tên cuối cùng vào kẻ thù, Hai Bà Trưng gieo mình xuống dòng sông Hát Giang tuẫn tiết. 

Đó là sự kiện có một không hai trong lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Cuộc khởi nghĩa lật đổ nhà Hán đô hộ của Hai Bà Trưng là trang sử vàng chói lọi của đất nước ta vào những năm đầu Công nguyên. Thắng lợi này thật huy hoàng khi đế chế Hán ở Trung Quốc đang bước vào thời kỳ hưng thịnh. Cuộc khởi nghĩa vang lừng cho thấy chiến công hiển hách của những nữ tướng anh hùng dân tộc đầu tiên, những người phụ nữ tưởng chừng chân yếu tay mềm, đã đứng dậy đánh đuổi quân thù với một ý chí keo sơn son sắt và một khí thế trời long đất nở.

Sau khi Hai Bà Trưng tử tiết, Hồ Đề chống giặc cho tới cùng rồi gieo mình dưới sông Nguyệt Đức. Cho đến tận hôm nay, Đền thờ nữ tướng Hồ Đề tại làng Đông Cao vẫn còn 4 chữ: Vạn Cổ Phúc Thần. Làng Đông Cao đời đời nhớ ơn công đức của hai chị em: Bà Hồ Đề, ông Hồ Hác. 

Đã từ ngót hai nghìn năm nay, vào ngày đầu tiên của tháng 2 âm lịch, người dân làng Đông Cao lại tổ chức Lễ hội tưởng nhớ công lao của nguyên soái Hồ Đề, vị nữ tướng tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng và lập nhiều chiến công hiển hách. Hồ Đề tụ nghĩa, dấy binh từ mảnh đất Thiên Sớ - nay là tỉnh Thái Nguyên.Lễ hội tôn thờ các vị tướng thời Hai Bà Trưng, đoàn rước kiệu đều do nữ nhi phụ trách. Sau khi đoàn rước về đến đình Đông Cao, những nghi thức chính của Lễ hội sẽ được diễn ra nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Hồ Đề. Khai mạc lễ hội, nhân dân Đông Cao, Tráng Việt ôn lại truyền thống chống giặc ngoại xâm oai hùng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, công lao của nữ tướng Hồ Đề.

Cùng với Đền Hai Bà Trưng, Đình Hạ Lôi - đền thờ Nữ tướng Hồ Đề nằm trong quần thể di tích lịch sử Hai Bà Trưng. Hiện đền được quan tâm tôn tạo, bảo vệ  không chỉ giúp cho việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích mà còn là cơ sở để phát huy các giá trị của di tích, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.

Đón đọc bài 5: Vĩ Thanh

Nguồn: baothainguyen.vn