Ở đời sợ nhất là kẻ phản bội

Đây là bức ảnh tôi chụp cha tôi (bên phải) và ông chú sau bữa cơm trưa, hai cụ ngồi uống nước và đọc báo

.

b1qtst1aq-1689093670.jpg
 

Cha tôi hoạt động cách mạng từ năm 1944 tại Sơn Tây. Năm 1952, do có kẻ chiêu hồi khai báo, cụ bị Pháp bắt, tra tấn rất dã man, qua các nhà tù ở Sơn Tây, Hỏa Lò (Hà Nội) và bị đày ra Côn Đảo.

Năm 2012, cụ bị bệnh nặng phải nằm Bệnh viện Hữu Nghị, có lần tôi hỏi, ở đời cụ sợ nhất điều gì, cụ nói luôn: Sợ nhất là kẻ phản bội. Thì ra đời cụ đã ngấm ba từ "kẻ phản bội" ngay cái thời còn trai trẻ, nên cụ trả lời rất dứt khoát.

Vậy là tôi cứ nghĩ lan man về những "kẻ phản bội".

Phải rồi, ông Ngô Đức Trì bị bắt do không chịu được cực hình tra tấn của giặc nên đã khai ra ông Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và hơn 150 người, trong đó có một số cán bộ xứ ủy, tỉnh ủy.

Ông Bảy Bê đội trưởng một đội biệt động Sài Gòn với những trận đánh nổi tiếng bị bắt cũng do kẻ phản bội khai báo. Ông bị tra tấn dã man, đã qua các nhà tù ở Sài Gòn và cuối cùng bị đày ra Côn Đảo.

Còn trận Mậu Thân 1968, thượng tá Tám Hà ra đầu hàng quân Sài Gòn và khai báo “hết ráo”. Tám Hà nắm kế hoạch tác chiến của cuộc tổng tấn công đợt 2 sắp diễn ra. Tôi đã đọc câu chuyện kẻ phản bội Tám Hà và nhớ chút ít về nội dung lời khai của Tám Hà với CIA và tình báo quân sự mật Sài Gòn. Các chi tiết từ quân số, vị trí bố phòng, tâm lý của chiến sĩ cách mạng dưới quyền, cho đến đội hình các đơn vị tham gia mặt trận của cuộc tổng tấn công đợt 2 sắp đến Tám Hà khai tuốt. Đặc biệt, Tám Hà khai sắp tới trước khi mở màn đợt 2 cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn (giữa năm 1968) sẽ có đại pháo, hỏa tiễn, với mấy ngàn trái sẽ bắn nát sân bay Tân Sơn Nhất. Số hỏa tiễn và đại pháo dùng cho trận đánh đó hiện đang được chôn giấu trên các cánh đồng ở Bình Mỹ, phía bắc Hóc Môn...

Sợ thật. Một khi kẻ phản bội khai báo thì tổn thất vô cùng lớn.

Nhưng hôm nay nghĩ lại, kẻ phản bội bây giờ đã khác. Không phải là khai báo đồng đội mà là phản bội lại chính họ. Họ là những bộ trưởng, là tướng tá, là chủ tịch tỉnh vv... Đồng tiền làm cho họ trở thành những kẻ vô liêm sỉ, nhục nhã và phải trả giá. Tôi nghĩ, trong mọi sự phản bội thì sự phản bội Nhân dân, phản bội cách mạng, phản bội và vô ơn với bao nhiêu người đã ngã xuống, là sự phản bội lớn nhất, nguy hiểm nhất và đáng lên án nhất.

Nghĩ về những kẻ phản bội, lại tự hào về cụ. Cụ bị địch bắt , tra tấn rất dã man nhưng cắn răng chịu đựng, nhất quyết không khai báo.

Tháng 6 vừa rồi, tôi trở lại Côn Đảo, nơi "Địa ngục trần gian" đã đọa đày những chiến sĩ cách mạng, trong đó có cha tôi. Thật lòng, khi đi thăm những dãy nhà giam, chuồng cọp, nghĩa trang Hàng Dương vv... tôi luôn nghĩ về những thế hệ cha ông kiên trung, bất khuất một lòng vì dân vì nước và căm ghét kẻ phản bội.

Chú tôi, Nguyễn Văn Long (tức Hai Long) cán bộ tình báo, gần 10 năm hoạt động tại chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Cụ công tác tại Ban An ninh T4, Trung ương Cục Miền Nam. Có thời gian cụ là một trong những thư ký cho cụ trùm tình báo Mười Hương. Tháng 1 năm 1975, cụ trở ra Bắc thì tôi hành quân vào Nam. Năm 1977, hai chú cháu mới được gặp nhau. Trước khi về hưu cụ giữ chức Trưởng phòng Chống phản động (nay là Cục Chống phản động), Tổng cục An ninh, Bộ Công An. Có lần chú tôi kể, cụ Mười Hương hay căn dặn cấp dưới là, trong hoạt động, phải lấy chính trị làm chính chứ không phải thủ đoạn, tranh thủ cơ hội để phân hóa, thuyết phục. Sống thật nhất với con người mình mới chính là vỏ bọc dày nhất, kín đáo nhất. Và nữa, nếu bị bắt, nhất định phải giữ khí tiết, người cách mạng thì không bao giờ khai báo.

Ngày 23/10/2020, tại Hà Nội, Bộ Công an long trọng tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chỉ tiếc rằng chú tôi không còn được thấy niềm vinh dự lớn lao này cùng đồng đội.

Chú và cha tôi đều qua đời ở tuổi 87.

Hai cuộc đời, cùng chung một sự nghiệp. Cháu con sẽ luôn ghi nhớ công ơn của hai cụ. Cầu mong cụ siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng và phù hộ độ trì cho con cháu.

Hôm nay là ngày giỗ chú tôi.

Con mong hai cụ luôn "tương phùng tương ngộ" nơi chốn tiên du.

Q.T

Trái tim người lính