Ông Hai đan rổ

Võ Văn Bảy Nghĩa.

20/10/2021 08:15

Theo dõi trên

Vào thời gian trước năm 1970, gia đình của ông Hai sống ở ven sông Mekong phía bờ tây, thuộc vùng đất của nước bạn cách biên giới Việt Nam và Campuchia khoảng 43 km (biên giới giữa Vĩnh Xương và Om Sà No).

chuy-que1-1634692435.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm. Nguồn: Internet

Gia đình của ông hai có vợ chồng ông và bảy người con gồm bốn trai, ba gái. Họ chủ yếu sinh sống bằng nghề vườn, rẫy và bắt tôm cá ở ven sông hay mùa nước nổi, cuộc sống cũng tương đối ổn định. Nhưng đất nước đang chiến đấu để quyết giải phóng Miền Nam nên ông quyết định cho hai người con trai lớn thoát ly vào năm 1968 để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời đó Campuchia cũng dưới quyền của Mỹ, người dân Việt Nam sống ở Campuchia cũng gặp rất nhiều khó khăn (dưới chế độ Lon Nol).

Có lần vào nửa đêm có một số lính Lon Nol vào nhà của ông Hai xô cửa và dỡ mùng, rồi bắt ông Hai ra đánh đập tra khảo, đánh bằng báng súng khiến ông Hai bị thương ở đầu máu chảy ướt cả áo. Chúng không hỏi được gì rồi bỏ đi. Rồi các anh chị em du kích mới ra chăm sóc cho ông Hai và nói:

- Tụi con rất đau lòng khi nhìn thấy bác Hai bị bọn nó đánh đập, nhưng vì sợ lộ cơ sở nên cắn răng chịu đựng. Chúng con thương bác lắm!

Nhà ông Hai hay uống trà vào buổi sáng với các bác ở xóm. Có lẽ mọi người không quên ngày kinh hoàng nhất đã xảy ra với gia đình của ông Hai đó là mùng 10 tháng 05 âm lịch 1972. Ông Hai và chú Năm đang uống trà, vợ của ông Hai đang ngồi trên võng phía bên, hai đứa con trai nhỏ của ông Hai đang chơi trước sân nhà, bỗng nghe tiếng đề ba của pháo phía trên đồn của bọn Lon Nol. Ông Hai và bà Hai vội la lên kêu xuống hầm trốn, lúc đó vợ của ông Hai chạy nắm tay thằng con trai út để xuống hầm, còn thằng con thứ bảy thì chen qua chú Năm và xuống hầm với các chị an toàn. Nghe một tiếng ầm và tiếp theo là tiếng la lên của chú Tư và cô Út ở kế nhà:

- Anh Năm và chị Hai chết rồi!

Quả pháo của giặc đã giết chết Chú Năm và vợ của ông Hai rồi lấy luôn bàn tay của con trai út của ông Hai. Cảnh tượng buổi sáng hôm đó thật đau lòng xót thương vô hạn. Cây lá cũng rũ sầu theo từng tiếng khóc của các con bà Hai và hàng xóm. Rồi được y tế của cách mạng mạng Việt Nam đến chăm sóc cho đứa con bị mất bàn tay của ông Hai. Với cuộc sống gà trống nuôi một đàn con thơ dại của ông Hai, vừa làm cha mà cũng phải vừa làm mẹ, mà thời buổi khắc nghiệt nhất lại bất đầu với người dân Việt Nam sống ở Campuchia. Nếu về quê cha đất mẹ ở Việt Nam thì sợ chế độ Việt Nam Cộng Hòa hạch hỏi khảo tra, còn sống ở Campuchia thì phải dời nơi ở rất nhiều lần, kéo nhau vào đồng bưng kênh rạch để dựng mái tranh mái lá để ở tạm.

Một thời gian tạm ổn nhưng rất vất vả, bà con chòm xóm thấy cảnh ông Hai gà trống nuôi con nên có ý ghép đôi với người phụ nữ cũng góa chồng, nhưng hoàn cảnh khá hơn ông Hai. Bà ấy có ý vui vẻ bằng lòng, nhưng ông Hai lại một mực không chịu. Ông Hai nói, ông Hai sợ cảnh con ông con bà rồi khó xử và tội nghiệp tụi nhỏ, tuy nhiên bà con rất ủng hộ. Tuy nhiên,ông Hai rất thương các con, muốn chỉ dành hết tình cảm cho các con mà thôi.

Đến năm 1974 người dân Việt Nam ở đất Campuchia bắt buộc phải hồi hương, vì tình hình không thể ở được nữa. Ông Hai mang mấy đứa con trở về Việt Nam, đi bằng đường thủy. Lúc đó, gia tài của gia đình ông chỉ có một chiếc xuồng. Theo đoàn người Việt bơi xuồng về đường đồng trổ ra sông Hậu cửa Khẩu Long Bình. Ở phía sông tiền, Bác bảy Đời là bà con chú bác ruột với ông Hai qua đón bằng xuồng máy. Kéo xuồng của ông Hai về Tân An, Tân Châu ở tạm nhà bác Bảy, ở một thời gian ngắn mới về Vĩnh Hòa cách đó chừng bảy cây số. Bà con cho tre lá dựng lên được một ngôi nhà cũng tránh được nắng mưa. Bà con kêu cho đất để canh tác mà sống, ông Hai nhất định không nhận và có ý sống bằng nghề đan rổ, tuy nói là đan rổ mà ông Hai biết làm rất nhiều thứ liên quan tới đan bằng tre.

Bà con thương tình nên có ý ghép đôi cho ông Hai với bà cùng xóm, ông Hai cảm ơn và từ chối. Sau đó, ông mua tre về đan các thứ mà người dân ở đây cần dùng như rổ, thúng, nia, sàng, rọng, nôm...vv... Nuôi mấy đứa con bằng nghề đan rổ (ở xóm gọi ông bằng ông Hai đan rổ). Ông hai không nhận đất của bà con cho, mà chỉ cất nhà tre lá Ở Đậu trên đất của bà con mà thôi. Trong thời gian về Việt Nam sống chính quyền Việt nam cộng hòa cũng hạch sách , nhưng nhờ bà con che chở bảo lãnh, nói là gia đình ông Hai chỉ con bao nhiêu nhân khẩu.

Giải phóng Miền Nam 1975, hai con trai lớn ông Hai về thăm gia đình, cảnh nghèo vẫn nghèo, rồi đến năm 1978 đến giặc Pôn Pốt ( khơ me đỏ) tấn công biên giới Tây Nam nước ta. Gia đình cùng bà con bắt đầu chạy giặc, chúng đốt hết xóm làng, có vùng dân chạy không kịp chúng giết sạch. Cảnh khổ càng khổ, rau khoai ăn độn với gạo sống qua ngày. Chiến tranh ra thật tàn khốc (cho đến bây giờ, các con ông hai không bao giờ quên tội ác của đế quốc Mỹ, bọn Pôn Pốt đã gây bao nhiêu tang thương cho gia đình ông, cho nhân dân Việt Nam).

Một lần nữa gia đình ông Hai lại phải ở xứ lạ, bà con cũng thương và bán tre cho ông Hai đan rổ tiếp để nuôi con. Giặc đã tan, ông Hai trở lại Tân An sinh sống, Vẫn sống với nghề đan rổ tre nuôi con khôn lớn.

Các con ông đã trưởng thành, có cuộc sống gia đình ổn định. Theo thời gian rất nhiều thứ đã mất, nhưng tấm lòng của ông Hai không mất trong lòng của các con ông và bà con chòm xóm.

19/10/2021

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Ông Hai đan rổ" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn