Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cũng là ngày thành lập Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, chúng tôi phỏng vấn PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thành viên Hội đồng nhà trường:
PV: Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với ông, chắc hẳn có nhiều ý nghĩa?
PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Trong tôi luôn luôn có niềm tự hào là mình đã được học tập từ những ngày đầu tiên ở tuổi thơ ấu và nó gắn liền với cái tên là Trường Âm nhạc Việt Nam.
Con số 65 năm đối với cá nhân tôi rất có ý nghĩa. Tôi được sinh ra vào năm 1956, cùng với năm mà Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập. 65 năm qua, qua rất nhiều những chặng đường, qua những không gian, những thay đổi về tên gọi từ Trường Âm nhạc Việt Nam - Nhạc viện Hà Nội và nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia; qua những thời gian học tập và công tác, cho đến ngày hôm nay, đối với tôi, con số 65 năm là một con số rất hạnh phúc.
PV: Là người gắn bó với Học viện, với Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, ông có thể chia sẻ rõ hơn về những ký ức, kỷ niệm của một thời?
PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân Khi nói đến nhà trường thì không thể chỉ nói đến một giai đoạn, mà chúng ta phải thấy rằng, để xây dựng nhà trường cho đến ngày hôm nay, trên một vị thế, cũng như bề dày thành tích mà các thế hệ thầy cô giáo góp công vun đắp, và có sự phấn đấu học tập, đạt thành tích cao của các thế hệ học trò thì điều đầu tiên chúng ta phải ghi nhớ công ơn của các thầy giáo, là những Hiệu trưởng, là Giám đốc qua các thời kỳ như: nhạc sĩ Tạ Phước; NSND.Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương; NSND.Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Bằng, và sau đó là các thế hệ các Giáo sư, các Nhà giáo Nhân dân tiếp tục nối tiếp chặng đường như là: GS. Anh hùng Lao động Trần Thu Hà, NSND.GS Ngô Văn Thành và các thế hệ tiếp theo…
Riêng tôi đã vinh dự học những nốt nhạc đầu tiên trên đàn piano không phải trên mảnh đất Ô Chợ Dừa - nơi đặt trụ sở của Trường Âm nhạc, mà ngay từ những ngày đầu tiên trên đường Cột Cờ, nay là đường Điện Biên Phủ. Lúc đó có một cơ sở của Trường Sơ cấp Âm nhạc vào những năm 1963 - 1964, và trực tiếp lúc đó thầy giáo dạy tôi là NGND. Thái Thị Liên, và sau đó, các giảng viên của nhà trường đã hướng dẫn và giảng dạy cho tôi.
Thế hệ chúng tôi đi qua những năm sơ tán, và từ những năm tháng sơ tán đó, những tiếng đàn vang lên dưới lũy tre, hay dưới hầm tránh bom. Tôi đã trưởng thành và mang theo những ký ức, kỷ niệm thời thơ ấu.
Còn riêng đối với Khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy, chúng ta vẫn gọi là khoa Lý Sáng Chỉ, nay là Khoa Sáng tác - Chỉ huy và Âm nhạc học, khi mà tôi đã tốt nghiệp piano, đến năm 1971 - 1972, thì khoa trung cấp được mở ra đào tạo chuyên ngành sáng tác dành cho những học sinh piano. Tôi cùng với một số bạn đồng lứa như anh Tạ Hùng (con của nhạc sĩ Tạ Phước), nhạc sĩ Lê Dũng (con của nhạc sĩ Lê Lôi), nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc (con của Phó Hiệu trưởng Đặng Hữu Phát)…, là lớp đầu tiên thể nghiệm và cũng gắn bó từ những năm đó, cho đến khi đất nước thống nhất, khi mà Trường Âm nhạc Việt Nam trở về với cơ ngơi của mình ở Ô Chờ Dừa. Chúng tôi vẫn tiếp tục những năm tiếp theo, nhưng mảnh đất chúng ta đang đứng đây là một nơi rất hoang sơ, cỏ mọc rất nhiều, đường đất, mỗi lần trời mưa, thì giốc từ Ô Chờ Dừa xuống đến trường là một cái giốc đất bùn. Chúng tôi nhiều lần đi xe đạp đã ngã trên cái con đường đó, trước khi đến trường. Xung quanh trường thì còn có những con mương để thoát nước, rất tù túng, muỗi, ruồi và rác rất nhiều. Để có được cơ ngơi như thế này, chúng tôi không bao giờ quên được những cảnh ăn cơm ở bếp ăn tập thể, chia nhau từng suất cơm, cùng nhau tắm chung trong những ngày hè nóng nực, giữa một cái bể nước tập thể. Chúng tôi cũng nhớ những đêm không có đèn, thầy trò vẫn miệt mài học tập. Đặc biệt là nhớ hình ảnh cái sân rất rộng để buổi chiều đá bóng, rồi sinh hoạt, thể dục. Tất cả những kỷ niệm đó cho ta thấy rằng mặc dù thời gian 65 năm, chưa thật nhiều đối với lịch sử của đất nước, cũng như tiến trình văn hóa của đất nước, nhưng đối với mỗi một con người, đối với một thế hệ, thì chúng ta đã đi qua cả một chặng đường dài.
Hôm nay, rất xúc động khi ghi nhớ công ơn của các thế hệ thầy cô, ghi nhớ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã luôn luôn dành cho nghệ thuật, dành cho âm nhạc một vị trí xứng đáng, một sự tôn trọng cũng như là điều kiện tốt nhất để chúng ta có thể cùng nhau phấn đấu xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam hùng mạnh.
Và những thành tích âm nhạc, đặc biệt là trong giải Chopin lần thứ 18 có một học sinh ưu tú của nhà trường là Nhà giáo, NSND. Đặng Thái Sơn, đã trở thành một biểu tượng của sự phấn đấu và cũng là một biểu tượng cho lòng yêu nước, của một học sinh ưu tú của nhà trường. Không chỉ thể hiện tài năng của mình mà NSND. Đặng Thái Sơn còn truyền thụ tài năng của mình cho thế hệ sau này. Còn rất nhiều tấm gương như NSND Đặng Thái Sơn, cũng như các nhạc sĩ trong Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy và nay là Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, chúng ta sẽ cùng nhau nuôi ngọn lửa tự hào đó và truyền cho các thế hệ học sinh sau này, để trường Âm nhạc của chúng ta, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, sẽ trở thành một địa chỉ về âm nhạc, về văn hóa không chỉ của đất nước chúng ta, mà còn là điểm sáng của nền âm nhạc chuyên nghiệp của khu vực và thế giới
PV: Là Ủy viên Hội đồng Nhà trường, ông có thể cho biết về truyền thống đào tạo và những định hướng phát triển trong giai đoạn hội nhập?
PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Về chất lượng đào tạo, Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy trước đây, và nay là Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, là một trong những Khoa quan trọng và gần như là khoa chủ chốt trong hệ thống đào tạo, không chỉ ở đất nước ta, không chỉ trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, mà đối với thế giới. Khoa đào tạo ra những nhạc sĩ sáng tác, những nhà lý luận phê bình âm nhạc và những nhà chỉ huy âm nhạc luôn được coi trọng. Đấy là sự chú trọng và cũng là một sức hút nặng, tạo uy tín của các Nhạc viện khi họ đều chú tâm để thu hút và mời gọi các giáo sư đầu ngành, các nhạc sĩ nổi tiếng và có những tiêu chuẩn tuyển sinh một cách rất khắt khe, đối với các sinh viên khi đăng ký dự thi vào học các chuyên ngành của khoa.
Đối với khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chúng ta có quy hoạch lại về đào tạo sinh viên sáng tác, các nhà chỉ huy và những cán bộ chuyên gia để làm công tác âm nhạc học, đó là xu thế, là cải cách giáo dục và đổi mới giáo dục, cũng như hội nhập với thế giới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cũng như chuyển đổi số trên lĩnh vực giáo dục đào tạo, trong đó không loại trừ lĩnh vực âm nhạc. Điều cốt lõi nhất là cần khẩn trương để có thể xây dựng được những giáo trình, giáo án cập nhận được với hệ thống sư phạm, hệ thống đào tạo của thế giới, bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải bảo tồn để không mất đi tính chất, cốt cách của những người nghệ sĩ Việt Nam trong tương lai, kể cả trong lĩnh vực sáng tác lẫn lý luận hoặc lĩnh vực chỉ huy. Phải giáo dục, giảng dạy cho các em từ hệ trung cấp cho đến hệ đại học có được tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, và có một tình yêu đối với di sản âm nhạc của đất nước. Chỉ khi nào đào sâu nghiên cứu để âm nhạc dân tộc và âm nhạc dân gian dân tộc thấm đẫm vào từng con người, thì lúc đó việc đào tạo sinh viên trên lĩnh vực này mới phát huy hết khả năng của mình. Điều quan trọng nữa là phải tạo ra những chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu và chỉ huy có một tâm hồn Việt Nam, có kỹ thuật tiên tiến, có trình độ độ tương đương với các Học viện Âm nhạc của thế giới. Đấy là những con người Việt Nam, những tâm hồn Việt Nam hoạt động trong một lĩnh vực rất cao cả, nhạy bén và tinh túy. Đó chính là nghệ thuật âm nhạc.
PV:Trân trọng cảm ơn!