Những năm trở lại đây, “cosplay” là một thuật ngữ không còn mấy xa lạ đối với người dân Việt Nam. Được ghép bởi hai từ “costume” (trang phục) và “role play” (nhập vai), người tham gia hoạt động sẽ hóa thân vào các nhân vật trong những tựa game nổi tiếng, những bộ phim/truyện tranh giả tưởng, hay bất kỳ nhân vật nào mà mình yêu thích.
Nguồn gốc của cosplay xuất phát từ Nhật Bản và bắt đầu nổi lên vào những năm 1970-1980. Trong đó, anime và manga đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào này rộng khắp trên toàn thế giới.
Không nằm ngoài sự xâm nhập của thị trường văn hóa Nhật, cosplay xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2000. Tuy vậy, từ 5-10 năm trở lại đây, phong trào này mới thực sự bùng nổ, trở thành một trào lưu đối với giới trẻ, thu hút cộng đồng lớn người hâm mộ tham gia.
Ngoài ra, xu hướng mua sắm trực tuyến của Gen Z cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng. Theo dự báo xu hướng tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2025 – 2028 của YouNet Media, GenZ chiếm lĩnh hơn 50% thị phần mua sắm trực tuyến, trong đó có 55% cho biết họ thường xuyên tham khảo đánh giá từ những người có sức ảnh hưởng với nhóm có phạm vi từ 10.000 – 100.000 người theo dõi trên tài khoản mạng xã hội. Điều này cho thấy Gen Z có xu hướng mua sắm trực tuyến rất cao, và việc mua trang phục, phụ kiện cosplay trở nên quen thuộc và đơn giản với thế hệ này hơn bao giờ hết.
Cũng theo nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng Đông Nam Á (ACSS) năm 2024, người Việt Nam có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các trải nghiệm du lịch và giải trí so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý, 47% nhóm người tiêu dùng trẻ cho biết họ ưu tiên chi tiêu vào các hoạt động trải nghiệm. Điều này phần nào lý giải sự thịnh hành của cosplay, một trào lưu một trào lưu phản ánh lối sống người trẻ - khi giá trị tinh thần và trải nghiệm cá nhân là mối quan tâm hàng đầu.
Sau 10 năm hình thành và phát triển, cosplay tại Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Từ những trang phục, tạo hình đơn giản, hiện nay các cosplayer đã có điều kiện để đầu tư về makeup, phụ kiện, và thậm chí kiếm tiền từ việc cosplay chuyên nghiệp.
Tuy đã được đón nhận hơn thời gian trước, song trào lưu này đôi khi vẫn gặp phải phản ứng trái chiều. Một trong những vấn đề đáng chú ý là áp lực tài chính từ chi phí trang phục và phụ kiện. Ngoài ra, một số người tham gia cũng đối mặt với thách thức trong việc duy trì sự cân bằng giữa đam mê cosplay và đời sống cá nhân. Dù vậy, nhiều người trẻ vẫn kiên trì theo đuổi đam mê này bởi họ tìm thấy những giá trị tích cực trong cuộc sống. Điều quan trọng là cần biết cách quản lý thời gian và tài chính một cách hợp lý để vừa tận hưởng niềm đam mê, vừa duy trì được sự cân bằng trong cuộc sống.
Cosplay không chỉ là một hình thức giải trí mà còn là cách giới trẻ thể hiện bản thân, xây dựng giá trị cộng đồng và phát triển cá nhân. Nhìn xa hơn, trào lưu này phản ánh một thế hệ trẻ tự tin, sáng tạo và sẵn sàng vượt qua những rào cản xã hội. Với đam mê và tinh thần kết nối mạnh mẽ, cosplay không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa mà còn góp phần định hình một thế hệ đầy năng động và tiềm năng.