Phạm Thị Kim Khánh, cứ mặc mình ấu thơ...

Tập “Mùa lá” gồm 63 bài thơ, được tác giả “bố cục” làm 2 phần: “Nỗi yêu”, 46 bài và “Niềm thương”, 17 bài. Phân chia, sắp xếp có chủ ý. Tuy nhiên, lướt qua mục lục đã nhận ra chỉ là tương đối.
pham-kim-khanh1-1640145595.jpg
Nhà thơ Kim Khánh tại Hội thảo khoa học về VHNT Thanh Hóa. Ảnh: NVCC

 

1. Phạm Thị Kim Khánh là hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, Hội VHNT Các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chị là người dân tộc Mường, bước vào thơ từ mường miền Tây của tỉnh Thanh Hóa, từ cố thổ và văn hóa một thời vàng son của cộng đồng dân tộc mình.

Tập Mùa lá” gồm 63 bài thơ, được tác giả “bố cục” làm 2 phần: “Nỗi yêu”, 46 bài và “Niềm thương”, 17 bài. Phân chia, sắp xếp có chủ ý. Tuy nhiên, lướt qua mục lục đã nhận ra chỉ là tương đối. Trong thương có yêu và ngược lại, nhất là nếu soi chiếu vùng miền như ở Nam Bộ, khi nói “niềm thương”, “anh thương em”, “em thương anh” thì đã bao hàm cả “nỗi yêu”.

Mùa lá” là bài thơ đóng vai trò “vedette” cho cả tập thơ, được Kim Khánh lấy đặt tên chung cho cả tập. Hẳn nhiên, thường người đọc chú ý đến nó đầu tiên. Mùa lá, không được dùng để chỉ tự nhiên của đời cây: chồi – xanh – vàng – rụng về cội, thuộc về đời sống muôn loài trong nhóm thực vật mà được dùng như ẩn dụ xuyên suốt một quy luật của phồn sinh. Kim Khánh dành cho “Mùa lá” với tất cả khắc khoải về tình yêu, đẫm nhân vị đàn bà.

..

Em về cây đã thu

Xa mùa hoa vụ quả

Em về nương gió thu

Cây vào mùa thơm lá

(Mùa lá)

 

Đã thu”, xa “vụ quả” tức là đã cuối mùa, người ta trồng cây chờ hái quả, nhưng em về đã xa mùa. Ban đầu đọc lên, câu thơ ngân một giai điệu xa xót, nhưng  “nương gió thu” và thưởng thức “mùa thơm lá” lại cho sắc thái khác, một hạnh phúc muộn mà đích thực.

Nhưng nếu như thế cũng chưa phải tất cả điều đáng nói. “Mùa lá” như một vở kịch thơ, nhiều cung bậc. “Cây của mười năm trước / ta chưa là của ta / lá của mười năm sau / ta cùng thương mùa cuối”, để rồi “Mùa lá xôn xao quá / ta ôm mùa đầy tay”. Tiếc nuối, hẫng hụt bao giờ cũng đẹp. Nhưng “Mùa lá” lại thêm vào sự hẫng hụt bằng niềm yêu thương, bù đắp. “Mùa lá”xứng đáng vai trò “vedette” trong “show mùa lá” mà Kim Khánh đã ủy thác.

46 bài thơ ở phần “Nỗi yêu” là những bài thơ tình trong “Mùa lá”. Tuy nhiên, “nỗi” không hẳn chỉ là “nẻo yêu” của lứa đôi; Kim Khánh còn có những bài thơ thấm đẫm dư vị nhân sinh. Đó là “Vợ và chồng”, “Đàn bà chờ”, “Người đàn bà nghe đài”...Phụ nữ làm thơ về tình yêu, hẳn tinh tế bởi phụ nữ thuộc về “thế giới” của cảm xúc. Phụ nữ, là giới chưa được bình đẳng, nên thế giới mới có Ngày Quốc tế bình đẳng giới (25/11 hằng năm). Phụ nữ hiểu hơn ai hết “nước mắt đêm” của phụ nữ. Là đàn bà ai không mong tình yêu, tôn thờ, sống chết với tình yêu của mình. Yêu đến dâng hiến, thủy chung cũng thuộc về thuần phong mỹ tục “Người đàn bà khát / khát thương / lời hương nồng / người đàn bà tìm trong tiếng nói / lời chờ mong” (Người đàn bà nghe đài). Nghịch lý là, họ thường bị cái tai ưa ngọt “đánh lừa” nên nhiều khi dễ chuộc lấy đau khổ:

...

Em mong mắt mình nhìn nhầm

Em mong tai mình nông nổi

Em mong chiều nay đừng tới

Gặp lời thề thốt tốt tươi

(Đàn bà chờ)

 

Kim Khánh đã có nhiều cố gắng để “vi phẫu” cảm xúc đàn bà khi yêu để tìm ra các cung bậc cảm xúc. Ở góc độ này, chị tương đối thành công, thơ chị cất lên tiếng lòng sẻ chia, nhân ái.

pham-kim-khanh-1640145595.jpg
Bìa tập thơ “Mùa lá” của nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh

2. “Mỗi dân tộc đều có nét đặc trưng về văn hoá riêng. Các thành tố văn hoá bao gồm ngôn ngữ (nói, viết), trang phục, lễ tục… các dân tộc miền núi lại sở hữu những đặc điểm văn hoá lâu đời, đặc sắc khác biệt, bền chắc và có cả mỹ tục và hủ tục”, đây là một nhận định trong tham luận mới đây nhất của Kim Khánh tại một tọa đàm về văn hóa do Hội VHNT Thanh Hóa tổ chức.

Kim Khánh, sinh ra từ núi rừng, gắn bó với núi rừng xứ Thanh, nơi có “mùa hoa rừng” thanh khiết và thơm thảo. Miền Tây Thanh Hóa, nơi có mường của chị đó là cố thổ. Dù hiện nay chị sống và làm việc tại thành phố Thanh Hóa, nhưng tiếng gọi nguồn cội luôn vang vọng trong tâm thức, tràn lên mặt ký tự.

Nhà thơ đồng hương Trịnh Ngọc Dự từng có đánh giá công bằng rằng: “Thơ Phạm Thị Kim Khánh đang độ chín nhờ vào vốn văn hóa tích lũy được, trên nền tảng bản sắc dân tộc, địa phương, mà chị gìn giữ. Thơ chị như dòng suối chảy gặp dòng sông”.

Với “Mùa lá”, PGS. Tiến sỹ văn học Nguyễn Đức Hạnh trong bài viết “Sông chảy qua những mùa yêu” thay cho Tựa tập thơ có nhận định: “Bản sắc văn hóa Mường là cội nguồn sâu thẳm của thơ Phạm Kim Khánh”. Bản sắc luôn tạo ra sự khác biệt, cơ sở để hình thành nên “giọng điệu”. Đọc thơ của các nhà thơ dân tộc từ thành danh như Y Phương, đến các nhà thơ trẻ như Lý Hữu Lương...dễ nhận ra điều này.

Trong phần “Nỗi yêu”, bản sắc chan đều trong “Chỉ có hoa Pôông Trăng trên đồi”, “Truyền thuyết võng và ru”, “Đáp lời trai bản”...Trong phần “Niềm thương” có “Thác voi”, “Gọi về đủ vía”, “Gọi vía rừng”... “Anh đi qua miền bốn mùa hoa / Từn đến nơi nào mùa hoaPôông Trăng cũng nở / Nhưng chỉ có đồi ta hoa làm anh thổn thức”...”Anh qua trăm lối hẹn Anh đi qua ngàn nơi chờ / Nhưng đồi ta lời thề là có thật / Pôông Trăng chứng lời rồi làm sao dám nguôi phai”. Phải nói rằng “Chỉ có hoa Pôông Trăng trên đồi”là một bài thơ tình hay. Kim Khánh đã khai thác truyền thuyết tình yêu giữa Nàng Ờm và chàng Bông Hương trong huyền sử. Truyền thuyết trở thành “quyền lực mềm” của tình yêu. Đó là một giá trị phi vật thể được thơ hóa, lạ hóa.

...

Tình ta bày tiệc

Cho đủ vía ấm

Cho đủ vía ăn

Bù ngày lạnh lẽo

Vía bên nhau rồi không lạc

Không khát đói mà thương

(Gọi về đủ vía)

Trong văn hóa tâm linh, “vía” là năng lượng tinh thần, vì thế mới có “gọi vía”, “trộm vía”, “bắt vía”...Ở miền Bắc, cụm từ trộm vía rất hay được sử dụng trong văn nói. Nó mang lối nói đậm màu sắc tâm linh cũng như hồn sắc văn hóa Việt nói riêng. Nhà văn người Mường Phan Mai Hương từng có truyện ngắn “Chín vía gọi về”, Kim Khánh có bài thơ “Gọi về đủ vía”. Người đọc thơ Kim Khánh nhận ra sự thú vị. Không nghi ngờ gì nữa, chân, mộc từ bản sắc dễ góp phần hình thành nên phong cách thơ Phạm Thị Kim Khánh.

3. Từ năm 2014 lại nay, cứ 2 năm Phạm Thị Kim Khánh xuất bản một tập thơ. Đó là “Vườn tháng Giêng”, (NXB Hội Nhà văn, 2014); “Hai ngọn gió”, (NXB Văn học, 2016); “Cõi vọng”, (NXB Văn hóa Dân tộc, 2018) và “Mùa lá”, (NXB Hội Nhà văn, 2021). “Mùa lá” cho thấy một bước tiến dài của nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh trên “con đường” thi ca mà chị dấn thân.

Mùa lá” không chỉ là tình yêu, thân phận mà còn được mở rộng “biên độ” sang nữ quyền, sinh thái. Con người thơ Kim Khánh không tách mình ra khỏi đời sống xã hội vốn đang nhiều bộn về, xâm lấn nhau giữa hy vọng và thất vọng. “Tiếng kêu”, “Eo mẹ”, “Lũ”, “Gọi vía rừng”, “Vòng quay”, “Thác”...ở phần “Niềm thương” là một chuỗi nhưng bài thơ sinh thái. Kim Khánh đau nỗi đau rừng, đau nỗi đau sông biển...trước sự hủy hoại của con người. Nói như nhà thơ gốc Thanh, Lê Tuấn Lộc: “Thơ không phản ánh cuộc sống thì phản ánh cái gì?”. Kim Khánh có mảng thơ đầy hơi thở thế sự. Nhưng khác văn, thiên chức của thơ đi tìm cái đẹp trong sần sùi, đánh thức vẻ đẹp mỹ cảm sau những lời than thở.

 

Ơ vía rừng

Ơ hồn núi

Dạt về miền nào nương

Bay về miền nào náu

Nương náu đâu xin về lại đồi ta

(Gọi vía rừng)

Thêm một lần Kim Khánh “gọi vía”, nhưng đây là lần gọi vía để truyền sinh cho những điều mà con người đang phải trả giá bởi chính họ. Thiên chức của văn học là thức tỉnh. Gọi phồn sinh về thay thế u mê mà con người đang lú lẫn săn đuổi để rồi trả giá bằng chính không gian sống của họ. Covid-19 trong 2 năm qua trên toàn cầu có một “sứ mệnh” là cảnh cáo nhân loại.

So với 3 tập thơ trước, “Mùa lá” chứng minh, thơ Kim Khánh ngày càng tinh tế, hàm súc, nhiều thông điệp. Chính Kim Khánh không dấu diếm ý thức tìm tòi, khám phá vẻ đẹp và muốn cống hiến cho thi ca.

...

Em lơ ngơ đâu thiết những cao xa

Cứ mặc mình thơ ấu

Cứ đem lòng biếc xanh

Tha thiết với tình vàng

Thao thiết sẽ về tím biếc

Mà yêu anh đêm sáng trưa chiều

Cứ thế một màu da diết

(Thi pháp và tình yêu)

 

Bài thơ “Thi pháp và tình yêu” có một tầng cảm xúc khác ngoài tình yêu đôi lứa. “Anh” nhân vật trữ tình trong bài thơ cũng có thể hiểu là “Thi ca”. PGS. TS. Nguyễn Đức Hạnh nhận ra chất trí tuệ trong bài thơ này. Hơn thế, nó là sự đa diện của cảm xúc thơ. “Cứ đem lòng biếc xanh”, “Cứ thế một màu da diết”, có thể được nhận diện như “tuyên ngôn” về con đường thơ Phạm Thị Kim Khánh. Trước hết phải là mình, gốc rễ phải là nguồn cội.

Đường thơ” là con đường dài nhất, nói theo cách của nhà thơ quá cố Lê Đạt. Kim Khánh đã xác tín tình yêu dành cho thi ca, do vậy, hy vọng người thơ càng đi càng dẻo dai, không mỏi gối chồn chân./.