Phố đường tầu

Nguyễn Ngọc Hùng

12/10/2022 04:33

Theo dõi trên

Đó chỉ là mặt sau của những ngôi nhà có mặt tiền phía trước. Hồi ấy, những cửa sau này đa phần là dùng vào việc "đổ thùng" (ai là dân phố cổ Hà Nội từ 40 năm về trước thì hiểu nghĩa của từ "đổ thùng" này).

pho-duong-tau-1665523899.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Thực ra, thời Pháp thuộc đã giữ lộ giới của đường tàu hỏa đủ rộng choan toàn. Từ đường tàu tới phần sau của những ngôi nhà ven đường sắt khá xa, không phải sát sạt như trong ảnh này đâu.
Sau tiếp quản Thủ đô (tháng 10/1954) cũng không có biến động gì đáng kể. Chỉ khoảng từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước manh nha có sự cơi nới lấn dần về phía đường tầu. Đó là bởi sự tăng nhân khẩu của những ngôi nhà có mặt sau về phía đường tàu. Con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái. Thế là nhu cầu cơi nới xuất hiện. Sợ chính quyền, nhưng chật chội quá, đôi ba gia đình làm liều trước. Mà phía sau nhà, nơi có đường tàu vẫn còn khoảng trống, có cơi nới chút đỉnh thì cũng không quá lộ liễu. Họ không dám xây dựng gì kiên cố. Chỉ thưng ra tạm bợ bằng tre nứa, lợp giấy dầu che mưa nắng đơn sơ. Vài người làm trước không thấy động tĩnh gì, thế là người khác làm theo. Rồi chiến tranh ập đến, còn hơi sức thời gian đâu mà quản lý đô thị nữa!
Cũng trong thời gian ấy, nhiều người Hà Nội bị “đi kinh tế mới” không trụ được ở những nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, liều mình “dinh tê” bất chấp không hộ khẩu, chẳng tem phiếu! Họ liều mạng tìm đất cắm dùi! Thế là họ vật vạ ở dẻo đất ven đường tàu đoạn đường Nam Bộ, (nay là đường Lê Duẩn) đối diện với công viên Thống Nhất. Ban đầu cũng là tranh tre nứa lá giấy dầu, lang thang kiếm sống. Dần dà, chẳng thấy ai đụng đến; tích cóp được tiền là chỉnh trang và nâng cấp cơ ngơi; đến mức thành cả một dãy nhà phố buôn bán sầm uất như ngày nay!
Thế rồi, đến thời "mở cửa", chẳng ai quan tâm quản lý đô thị. Vài nhà có mặt sau giáp đường tàu loi nhoi mở bán chè chén, góp nhặt ba cọc ba đồng phụ thêm cho đời sống khốn khó... Rồi vài người tiên phong phát triển thành giải khát bình dân sập xệ... Khách hàng rặt dân buôn thúng bán bưng, chả ma nào ăn mặc đàng hoàng mà xà vào!
Khi Tây ba lô tràn sang, họ khoái những ngóc ngách nhếch nhác, thích khám phá những cảnh quan kỳ dị, thậm chí hoang sơ, lạc hậu.... Thú vị nhất với họ là cảnh khi đoàn tàu chạy qua “khu phố” này, dân tình nháo nhác dẹp bàn ghế để tránh tàu đụng vào. Rồi họ chụp ảnh, quay phim để ghi lại những quang cảnh có thể coi là “ở một hành tinh khác”!
Thế là xuất hiện danh xưng "Phố đường tàu" và nhiều người cứ tưởng đó là "một nét đẹp văn hiến” của Hà Nội băm sáu phố phường.  

Chuyện làng quê
 

Bạn đang đọc bài viết "Phố đường tầu" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn