Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 5)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách “Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.         Kỳ 5

(Kỳ 5)

Ngày 19 tháng 11 năm 1406 quân Minh vượt biên giới ào ạt tiến vào nước ta. Để chống lại giặc Minh, nhà Hồ đã cho xây dựng phòng tuyến ở bờ nam sông Hồng dài hơn 400km để bảo vệ Thăng Long, trong đó quan trọng nhất là thành Đa Bang bị quân Minh phá vỡ ngày 20-11. Ngày 22 tháng 11 năm đó địch chiếm Thăng Long. Quân đội  nhà Hồ phải rút lui về Thanh Hoá. Tại đây trong một trận đánh quyết định để bảo vệ kinh thành Tây Đô trên bờ sông Liễu Giang, khu vực thác Kim Sơn (Vĩnh Lộc Thanh Hoá) quân đội nhà Hồ lại thất bại và triều đình phải rút chạy về phía nam. Cuối cùng toàn bộ triều đình, kể cả Thái thượng hoàng Hồ Quí Ly, vua Hồ Hán Thương, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng bị sa vào tay giặc.

Nhà Hồ tồn tại được 7 năm qua hai triều vua: Hồ Quí Ly (1400), Hồ HánThương (1401-1407)[1]. Nguyên nhân thất bại của triều Hồ nằm trong sự khủng hoảng tạm thời của chế độ phong kiến Việt Nam, ở cải cách thất bại của họ Hồ. Nhà Hồ lại không phát động một cuộc chiến tranh nhân dân để chống giặc, do đó đã không phát huy được truyền thống quân sự Việt Nam rút lui chiến lược, thực hiện kháng chiến lâu dài để chuyển hoá đối sánh lực lượng ngày càng có lợi cho ta, khi thời cơ đến thì thực hiện phản công chiến lược tiêu diệt địch, kết thúc chiến tranh thắng lợi. Nhà Hồ đã dựa hoàn toàn vào quân đội chính qui và phòng tuyến để chống địch ngay từ khi chúng mới tràn sang, khiến cho quân Minh phát huy được thế mạnh ban đầu của chúng, phá tan phòng tuyến, tiêu diệt được chủ lực ta, bắt sống triều đình, nhanh chóng thành công xâm lược.

Thất bại của cuộc kháng chiến đã đẩy dân tộc ta vào thảm họa. Sau khi làm chủ nước ta quân Minh quyết tâm biến nứơc ta thành quận huyện của Trung Quốc. Tháng 4 năm 1407 nhà Minh đổi nước ta thành quận Giao Chỉ, thiết lập một bộ máy thống trị mang tính chất quân sự hà khắc, kiểm soát ngặt nghèo. Trên cơ sở bộ máy bạo lực đồ sộ, hung bạo, giặc Minh thả sức áp bức bóc lột,  đàn áp,  đồng hoá, giết hại nhân dân ta không thương tiếc:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

 Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

Dối trời lừa dân chước gian đủ muôn nghìn kế

Kéo binh gây hấn ác chứa ngót hai mươi năm

Bại nghĩa vong nhân vũ trụ chừng muốn tắt.[2]

Nguyễn Trãi-“Bình Ngô đại cáo”.

Một lần nữa dân tộc ta đứng trước hiểm họa diệt vong, thử thách hiểm nghèo. Nhưng với truyền thống bất khuất kiên cường,  ý chí độc lập mạnh mẽ, nhân dân Đại Việt không khuất phục, liên tục nổi dậy tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ ách thống trị tàn bạo của nhà Minh. Tất cả các phong trào cuối cùng kết tinh lại trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo bùng nổ năm 1418 ở vùng núi rừng Lam Sơn, Thọ Xuân Thanh Hoá. Từ năm 1418 đến năm 1423 nghĩa quân dựa vào núi rừng chống địch càn quét, bảo toàn lực lượng. Năm 1424 đến năm 1425 nghĩa quân tiến vào giải phóng Nghệ An, giải phóng Thanh Hoá (6-1425), giải phóng Tân Bình, Thuận Hoá (8-1425). Từ 2.000 người khi ở Lam Sơn, hơn một năm sau nghĩa quân lên đến hàng vạn người. Trên cơ sở đó khởi nghĩa phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc có qui mô toàn quốc. Tháng 9 năm 1426,  6 vạn quân Lam Sơn tiến ra Bắc. Ngày 7 tháng 11 năm 1426 nghĩa quân đập nát cuộc phản công của địch trong chiến dịch Tốt Động-Chúc Động (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), diệt 7 vạn quân địch và các tướng lĩnh cao cấp của chúng như thượng thư Trần Hiệp, nội quan Lý Lượng. Tổng binh Vương Thông bị trọng thương phải chạy về thành Đông Quan (Thăng Long) cố thủ. Thất bại trong chiến dịch này làm cho quân Minh lún sâu vào thế phòng ngự bị động, quân dân ta thừa thắng nổi dậy lật đổ chính quyền địch khắp nơi, vây hãm chúng trong các thành trì. Vương Thông phải xin viện binh sang nhằm cứu vãn tình thế.

Tháng 10 năm 1427 Vua Minh Tuyên Tông cử hai đạo viện binh sang cứu viện.  Đạo chủ lực gồm 10 vạn quân do An viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy tiến theo đường Lạng Sơn vào nước ta,  đạo thứ hai do Mộc Thạnh chỉ huy gồm 5 vạn quân theo đường từ Vân Nam tiến xuống Lào Cai. Bộ chỉ huy nghĩa quân do Lê Lợi, Nguyễn Trãi đứng đầu đưa ra quyết định sáng suốt, mở chiến dịch Chi Lăng-Xương Giang tiêu diệt đạo quân chủ lực của Liễu Thăng thì đạo quân của Mộc Thạnh tự tan vỡ, 4 vạn quân của Vương Thông ở Đông Quan và 6 vạn quân Minh ở các thành đang bị vây hãm tức khắc phải đầu hàng. Chi Lăng-Xương Giang thành một trận quyết chiến chiến lược, tiêu diệt cố gắng chiến tranh lần cuối cùng,  đè bẹp ý chí xâm lược của quân Minh và kết thúc chiến tranh. Ngày 10-10 năm 1427 tướng Trần Lựu của ta đã dụ được quân tiên phong gồm 100 tên, trong đó có chủ tướng Liễu Thăng và 1 vạn quân vào trận địa mai phục ở gò Mã Yên và tiêu diệt toàn bộ. Liễu Thăng bị quân ta đâm chết. 1 vạn quân địch cũng lọt vào ải Chi Lăng và bị tiêu diệt. Ngày 15 tháng 10 trên đường cố tiến về Xương Giang 2 vạn quân Minh bị tiêu diệt ở Cần Trạm-Kép, chủ tướng Luơng Minh vừa lên thay Liễu Thăng bị tử trận.  Đô đốc Thôi Tụ lên thay tổng chỉ huy kéo tàn quân về Phố Cát, bị quân ta chặn đánh dữ dội. Ngày 18 tháng 10 Thượng thư Lý Khánh quá hoảng loạn thắt cổ chết. Quân Minh đến được Xương Giang mong vào thành để tránh cuộc tấn công dữ dội của quân ta. Nhưng thành Xương Giang đã bị quân ta chiếm,  địch phải co cụm lại ở nơi không có hào thành che chở. Ngày 3 tháng 11 năm 1427 quân ta mở cuộc tổng công kích giết chết 5 vạn tên địch, Hoàng Phúc, Thôi Tụ bị bắt cùng 300 quân. 10 vạn quân chỉ còn một tên chạy thoát về nước.

(Còn nữa)

CVL

--------------

[1]Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam, sách đã dẫn tr. 138.

[2].  Dẫn theo Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam:lịch sử Việt Nam t1, sách đã dẫn, tr. 258.