Kỳ 12
Nguyễn Phúc Ánh chạy ra đảo Thổ Chu, sau đó sang Xiêm lánh nạn. Đây là chiến thắng lừng lẫy, oanh liệt của quân Tây Sơn. Chiến thắng đã đè bẹp ý đồ bành trướng xâm lược của Vương quốc Xiêm La đối với Đại Việt, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cực nam của tổ quốc, trừng trị đích đáng hành động bán nước của Nguyễn Phúc Ánh. Từ vùng dậy làm nhiệm vụ giải phóng giai cấp, phong trào Tây Sơn đã vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc, đánh bại kẻ thù dân tộc, bảo vệ độc lập của tổ quốc. Ở chiến dịch Rạch Gầm-Xoài Mút, nghệ thuật quân sự của quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy thiên tài của Nguyễn Huệ được nâng cao hơn một bước.
Sau trận Rạch Gầm-Xoài Mút, lực lượng của Nguyễn Phúc Ánh hầu như bị quét sạch khỏi Gia Định. Cơ đồ Chúa Nguyễn sụp đổ hoàn toàn sau 177 năm thống trị với 9 đời chúa, vị chúa thứ nhất là Nguyễn Hoàng (1600-1613) và chúa cuối cùng Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)[1]. Tây Sơn hầu như hoàn toàn làm chủ được miền đất Gia Định.
Sau khi quét sạch lực lượng quân Nguyễn ở miền Nam, quân Tây Sơn quay ra tác chiến với quân Trịnh ở phía Bắc mà mở đầu là chiến dịch Phú Xuân. Trong chiến dịch này, quân Tây Sơn tiến theo 3 hướng. Hướng thứ nhất gồm 3.000 quân do Nguyễn Huệ, có Nguyễn Hữu Chỉnh (hữu quân) giúp sức đánh chiếm Hải Vân, sau đó phối hợp với đạo thuỷ quân của Vũ Văn Nhậm đánh chiếm thành Phú Xuân. Đạo thứ hai gồm 2.000 thuỷ binh do tả quân Vũ Văn Nhậm chỉ huy đánh chiếm Phú Xuân. Đạo thứ 3 do thiếu phó Nguyễn Lữ chỉ huy gồm 3.000 thuỷ quân đánh chiếm Sông Gianh, Đồng Hới (Quảng Bình).
Ngày 25 tháng 5 năm 1786 ba đạo quân tổng cộng 1 vạn người xuất phát. Trong một tuần đạo quân của Nguyễn Hụê vượt 300km đường từ Qui Nhơn đến Hải Vân và bắt đầu tiến đánh quân Trịnh. Quân Trịnh đại bại. Tướng Trịnh là Hoàng Nghĩa Hầu bị giết chết. Sau đó quân Nguyễn Huệ phối hợp với thuỷ quân Vũ Văn Nhậm đánh vào cửa Thuận An, tiêu diệt các chiến thuyền Bồ Đào Nha (khi đó đang giúp quân Trịnh) rồi tấn công bắn phá thành Phú Xuân. Tướng Trịnh Hoàng Đình Thể, thuộc tướng Vũ Tá Kiên cùng hai con trai ra ngoài thành giáp chiến. Ba bố con Kiên bị giết chết. Hoàng Đình Thể tự sát trên mình voi. Chủ tướng Trịnh Phạm Ngô Cầu tự trói mình xin đầu hàng. Chỉ một đêm ngày 15 tháng 6 năm 1786 quân Tây Sơn tiêu diệt hơn 2 vạn quân Trịnh, làm chủ thành Phú Xuân. Thất bại ở Phú Xuân làm chấn động toàn bộ phòng tuyến, đồn trại của quân Trịnh ở Quảng Bình, quân Tây Sơn do Nguyễn Lữ chỉ huy đi đến đâu là quân Trịnh tháo chạy. Bồ Chính vào tay quân Tây Sơn dễ dàng. Ngày 26 tháng 6 năm 1786 quân Tây Sơn làm chủ Đồng Hới, sau đó làm chủ sông Gianh. Như vậy, trong 9 ngày của tháng 6 năm 1786 chỉ với 1vạn quân Nguyễn Hụê đã tiêu diệt 3 vạn quân và nhiều đại tướng già dặn của quân Trịnh, hoàn thành chiến dịch Phú Xuân, làm chủ Hải Vân-Phú Xuân và một miền đất đến tận sông Gianh. Tây Sơn làm chủ toàn bộ Đàng Trong.
Với ý chí thống nhất đất nước mạnh mẽ, Nguyễn Huệ đã vượt qua ý muốn của Nguyễn Nhạc, vạch kế hoạch tiến quân ra Bắc, lật đổ chế độ phong kiến nhà Trịnh. Quyết định của Nguyễn Huệ có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đưa phong trào nông dân Tây Sơn có qui mô cả nước, biểu hiện nhu cầu bức thiết của lịch sử, của nhân dân khi đó: Thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc.
Thực hiện chiến dịch tấn công ra Bắc Hà, Nguyễn Hụê chia quân làm 4 đạo: đạo thứ nhất do Nguyễn Lữ chỉ huy ở lại giữ Thuận Hoá vừa được giải phóng, đạo thứ hai do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy gồm 400 chiến thuyền làm nhiệm vụ tiên phong nhanh chóng tiến ra chiếm Vị Hoàng (Nam Định) làm đầu cầu chiến lược cho đại quân đổ bộ ra miền Bắc, đạo chủ lực do Nguyễn Huệ chỉ huy 1.000 chiến thuyền tiến ra và tập kết ở Vị Hoàng để tiến đánh Thăng Long. Trong đạo quân chủ lực có một cánh quân do phó tướng Vũ Văn Nhậm chỉ huy tiến theo đường bộ cũng sẽ tập kết ở Vị Hoàng để cùng tiến đánh Thăng Long.
Mùa hè năm 1786 đạo quân tiên phong Tây Sơn gồm 400 chiến thuyền do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy xuất phát từ sông Gianh tiến ra Bắc. Tiếp đó đạo quân của phó tướng Vũ Văn Nhậm theo đường bộ tiến ra. đồn Dinh Cầu (Hà Tĩnh) và các đồn khác của quân Trịnh ở Nghệ An nhanh chóng lọt vào tay quân Tây Sơn. Tướng Trịnh trấn thủ Nghệ An Bùi Thế Toại, trấn thủ Thanh Hoá Tạ Danh Thuỳ bỏ chạy. Ngày 11 tháng 7 năm 1786 đạo thuỷ quân tiên phong Tây Sơn tấn công Vị Hoàng và nhanh chóng chiếm được vị trí chiến lược quan trọng này. Tiếp đó, đạo quân chủ lực của Nguyễn Huệ gồm 1.000 chiến thuyền lướt sóng như bay rầm rộ tiến ra Bắc với khẩu hiệu ‘Phù Lê diệt Trịnh”, quân kỳ đỏ rực mặt biển. Nhân dân Thanh -Nghệ nhìn đoàn binh thuyền hùng dũng, cờ quạt rợp trời đều tấm tắc khen “Đây là một việc không mấy đời đã có”. ngày 17 tháng 7 năm 1786 đại quân Nguyễn Huệ tới Vị Hoàng. Ngày 18 tháng 7 thuỷ quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy nhanh chóng đánh tan thuỷ quân Trịnh do Đinh Tích Nhưỡng chỉ huy trên sông Luộc. Thừa thắng, quân Tây Sơn tràn lên bờ chém giết luôn cả đạo bộ binh và pháo binh quân Trịnh do ĐỗThế Dận chỉ huy. Quân Trịnh tan vỡ bỏ chạy. Ở mặt trận Kim Động (Hải Dương), đạo quân Trịnh của tướng Trịnh Tự Quyền kinh hoàng tan vỡ. Chỉ một đêm chiến đấu ba đạo chủ lực của nhà Trịnh hoàn toàn tan rã. Sớm 19 tháng 7 năm 1786 Nguyễn Huệ tiến vào Phố Hiến (Hưng Yên) thủ phủ trấn Sơn Nam. Từ Phố Hiến quân Tây Sơn tiến đánh Thăng Long. Ngày 21 tháng 7 quân Tây Sơn tiêu diệt thuỷ quân Trịnh ở bến Nam Dư (Nay là xã Trần Phú, Thanh Trì, Hà Nội). Tướng Trịnh là Nguyễn Cảnh Yên, Ngô Cảnh Hoàn bị đại bác Tây Sơn bắn chết. Thuỷ quân Tây Sơn tiếp tục tiêu diệt thuỷ quân Trịnh do Hoàng Phùng Cơ chỉ huy ở hồ Vạn Xuân (Nay thuộc xã Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Hà Nội). Sáu người con của Hoàng Phùng Cơ tử trận. Hoàng Phùng Cơ bỏ chạy thoát thân.
(Còn nữa)
CVL
[1] :Quỳnh Cư-Đỗ đức Hùng:Các triều đại Việt Nam, sách đã dẫn, trang 279-299.