Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 11)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách “Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.

Kỳ 11

Sau chiến thắng Phú Yên, nhiệm vụ chính của quân Tây Sơn là tấn công Gia Định, lật đổ nền thống trị của chúa Nguyễn. Tháng 3 năm 1776 thuỷ quân Tây sơn do Nguyễn Lữ chỉ huy tấn công thành Gia Định. Chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy về Trấn Biên (Biên Hoà). Nhưng sau khi Nguyễn Lữ kéo quân về Qui Nhơn, quân Nguyễn lại về chiếm Gia Định. Chủ lực quân Nguyễn gồm 1 vạn quân của Lý Tài ở Gia Định, 1 đạo quân của chúa Nguyễn Phúc Dương ở Trấn Biên, 4.000 quân của Nguyễn Ánh và của Đỗ Thành Nhơn đóng ở Ba Dòng, 1 đạo quân của Mạc Thiên Tứ đóng ở Cần Thơ. Thế lực của chúa Nguyễn tương đối mạnh ở vùng Gia Định (toàn bộ miền Nam Nam ngày nay).

Quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy mở cuộc tấn công Gia Định lần 2 để tiêu diệt lực lượng quân Nguyễn. Lực lượng Tây Sơn có trên 10 vạn bộ binh, 200 thuyền chiến, trong đó có 50 chiến thuyền lớn từ 50 đến 60 mái chèo mỗi chiếc. Mỗi chiến thuyền đặt từ 3 đến 5 đại bác. Có khoảng 300 kị binh. Quân Tây Sơn được trang bị nhiều vũ khí, hoả khí hiện đại mà kĩ thuật đương thời cho phép.  Để thực hiện chiến dịch, quân Tây Sơn được chia làm hai đạo thuỷ bộ. Đạo bộ binh có nhiệm vụ tấn công giải phóng Bình Định và phía bắc Gia Định.  Đạo thuỷ binh là đạo chủ lực do Nguyễn Huệ chỉ huy giải phóng toàn bộ Gia Định (Miền Nam). Tháng 3 năm 1777 thuỷ quân Tây Sơn tấn công dữ đội, tiêu diệt toàn bộ quân địch, chiếm Gia Định. Sau trận Gia Định trên khắp các mặt trận quân Nguyễn hoàn toàn thất bại. Ngày 18 tháng 9 năm 1777 chúa Nguyễn Phúc Dương cùng 18 tướng lĩnh và toàn bộ quân đội bị bắt và bị hành hình. Chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy về Định Tường, sau đó bị bắt ở Long Xuyên và bị giết chết ngày 19 tháng 10 năm 1777 lúc Thuần mới 24 tuổi. Chỉ còn Nguyễn Phúc Ánh khi đó 15 tuổi chạy thoát.

Như vậy sau 6 tháng tiến công liên tục, dũng mãnh trên khắp các mặt trận, quân Tây Sơn đã lật đổ nền thống trị của chúa Nguyễn tồn tại suốt 200 năm, tiêu diệt hầu như toàn bộ quân Nguyễn, giải phóng toàn bộ Miền Nam..

Sau chiến thắng Nguyễn Nhạc triệu hồi Nguyễn Hụê về Qui Nhơn, tạo điều kiện cho Nguyễn Phúc Ánh từ đảo quay về chiếm Dinh Long Hồ, Gia Định, Bình Thuận với 3 vạn quân thuỷ bộ, 400 chiến thuyền hạng vừa và hạng lớn, 3 tàu chiến của châu Âu do các sĩ quan Bồ Đào Nha chỉ huy. 3 chiến hạm này đặt dưới sự huy chung của một sĩ quan Pháp Manuyen. Tháng 7 năm 1781 Nguyễn Phúc Ánh tấn công vào Bình Khang (Khánh Hoà). Tình hình đó buộc quân Tây Sơn phải mở cuộc tấn công vào Gia Định lần 3. Tháng 3 năm 1782 Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ chỉ huy một đạo thuỷ binh và một đạo bộ binh gồm 100 chiến thuyền xung trận tấn công đốt cháy toàn bộ chiến thuyền của Nguyễn Ánh, của hạm đội Pháp và Bồ Đào Nha tại cửa biển Cần Giờ. Thuyền của Nguyễn Ánh cũng bị đại bác Tây Sơn bắn gãy cột buồm.  Ánh phải đem tàn quân chạy về Bến Nghé nhưng bị quân Tây Sơn truy kích gắt gao, Nguyễn Ánh phải chạy về miền Hậu Giang. Trong khi đó các đạo bộ binh của Nguyễn Ánh cũng bị quân Tây Sơn do tướng Nguyễn Văn Kim chỉ huy tiêu diệt,  đạo quân ở Bình Thuận cũng bị quân Tây Sơn xoá sổ. Toàn bộ đất đai Gia Định lại được giải phóng.

Nhưng năm 1782 khi quân Tây sơn vừa rút khỏi Gia Định, Nguyễn Ánh lại kéo tàn quân về biến Gia Định thành một căn cứ thuỷ quân vững chắc, lấy sông Cần Giờ làm phòng tuyến chính. Trên sông này có 100 chiến thuyền do tướng Chu Văn Tiếp chỉ huy sẵn sàng đối phó với quân Tây Sơn.

Tháng 2 năm 1783 thuỷ quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chỉ huy rầm rộ tiến vào cửa biển Cần Giờ. Quân Tây sơn nhân lúc triều dâng thuận chiều gió phóng hoả đốt cháy toàn bộ chiến thuyền của Nguyễn Ánh.  Ánh chỉ còn 100 bộ binh tháo chạy, lại bị tượng binh của Tây Sơn tiêu diệt ở Đồng Tuyên. Bị truy kích gắt gao,  Ánh phải chạy ra đảo Phú Quốc rồi chạy sang Xiêm La cầu cứu. Sau trận này, Tây Sơn đã tổ chức cai trị, thiết lập quyền lực ở miền Gia Định. Một giáo sĩ Pháp Lơ gơ răng đơ La li re có mặt ở Đàng Trong khi đó thừa nhận Nguyễn Huệ không chỉ là nhà quân sự tài năng mà còn là nhà cai trị tài giỏi.

Sau những lần thất bại kiệt quệ sức lực, Nguyễn Ánh sang cầu cứu Xiêm La (Thái Lan) để chống lại Tây Sơn. Sẵn có dã tâm xâm lấn đất đai miền Nam Đại Việt,  triều đình Vọng Các (Kinh đô Xiêm La) cử 300 chiến thuyền, 4 vạn thuỷ binh do các tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương chỉ huy đổ bộ lên Rạch Giá (Kiên Giang) ngày 25 tháng 7 năm 1784. Nguyễn Ánh cũng tập hợp được 4.000 quân kéo về phối hợp. Quân Xiêm từ Rạch Giá đánh chiếm các vùng từ vịnh Thái Lan đến Hậu Giang. Tháng 10 năm 1784 quân Xiêm tiến đến Cần Thơ, Sa Đéc. Quân xâm lược thả sức cướp bóc của cải, tàn sát nhân dân, hãm hiếp phụ nữ. Khắp miền Hậu Giang rực trời khói lửa tang tóc. Nhân dân miền Nam lại hướng về và trông đợi ngọn cờ cứu nước của quân Tây Sơn. Tình hình chính trị, xã hội chín muồi cho Tây Sơn mở cuộc phản công tiêu diệt quân thù. Tháng 12 năm 1784 thuỷ quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy từ Qui Nhơn tiến vào Gia Định rồi tiến thẳng vào Mỹ Tho (Định Tường). Trên đoạn sông Rạch Gầm-Xoài Mút của sông Mỹ Tho, Nguyễn Huệ bố trí một trận địa mai phục bao gồm thuỷ quân, bộ binh và pháo binh (pháo đặt ở các cù lao). Ngày 20 tháng 1 năm 1785, chiến thuyền quân Tây Sơn khiêu chiến và dụ được toàn bộ binh thuyền của quân Xiêm từ tổng hành dinh Sa Đéc vận động đuổi đánh quân Tây Sơn trên sông Mỹ Tho. Toàn bộ quân địch lọt vào trận địa mai phục và bị quân Tây Sơn đánh giết dữ dội. Chỉ trong 1 ngày,  4 vạn thuỷ binh, 400 chiến thuyền của quân Xiêm cùng 4.000 quân Nguyễn  Ánh bị tiêu diệt. Chiêu Tăng, Chiêu Sương may mắn thoát chết chạy một mạch về Xiêm La. Sau trận này, người Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp.

(Còn nữa)

CVL