Kỳ 21
Quân Tây Sơn ra Bắc lần thứ 2 vào năm 1787 gồm 2 vạn quân do Vũ Văn Nhậm và Ngô Văn Sở chỉ huy theo lệnh của Nguyễn Huệ đi gấp ra Thăng Long diệt Nguyễn Hữu Chỉnh làm phản. Ông Bùi Hữu Hiếu và em ông không thể tham gia quân đội Tây Sơn vào thời gian này. Quân Tây Sơn lần này cũng không tuyển quân. Thứ hai nếu đi theo Tây Sơn trong thời điểm này thì hai ông cũng chỉ trở thành quân của Vũ Văn Nhậm mà thôi.
Quân Tây Sơn ra Bắc lần 3 vào năm 1788 do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy đi rất gấp và hành quân bí mật từ Phú Xuân đến Thăng Long chỉ mất 10 ngày để tiêu diệt Vũ Văn Nhậm làm phản. Đang đêm Nguyễn Huệ vào Thăng Long giết chết Vũ Văn Nhậm tại biệt thự riêng mà sớm hôm sau cả kinh thành mới biết Nguyễn Huệ ra Bắc. Với tính chất nhiệm vụ nên hành quân bí mật thần tốc như vậy của Nguyên Huệ thì hai ông Bùi Hữu Hiếu và Bùi Hữu Thự không thể tham gia quân đội Tây Sơn trong dịp này.
Khả năng nhiều nhất để ông Bùi Hữu Hiếu và ông Bùi Hữu Thự tham gia phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn trong lần quân Tây Sơn ra Bắc lần thứ 4 vào cuối năm 1788 và đầu năm 1789 khi Hoàng đế Quang Trung kéo đại quân ra Bắc đại phá quân Thanh. Lần này đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ chỉ huy đi theo đường bộ, lại chủ trương tuyển quân rộng rãi ở hai trấn Nghệ An, Thanh Hoá để bổ sung lược lượng. Những cuộc tuyển quân đó của Vua Quang Trung được thanh niên hai trấn Nghệ An, Thanh Hoá hưởng ứng nhiệt liệt và tham gia đông đảo. Ở Thanh Hoá đương thời đã lưu truyền câu ca giao”
Anh đi theo chúa Tây Sơn
Em về cày cuốc mà thương mẹ già.
Do sự tham gia tòng quân đông đảo của thanh niên Nghệ An, Thanh Hoá mà quân số Tây Sơn được nâng lên nhanh chóng, từ 5 vạn khi xuất phát ở kinh thành Phú Xuân đến Thanh Hoá đã lên 10 vạn người.
Sự tham gia đông đảo của nhân dân Bắc Hà vào quân đội Tây Sơn vào cuối năm 1788 đầu năm 1789 không chỉ do lần tiến quân này đại quân Nguyễn Huệ đi theo đường bộ, mở những đợt tuyển quân rộng rãi để tăng cường quân số mà còn do lần ra quân này, quân Tây Sơn đã hoàn toàn chinh phục được tình cảm, nhân tâm của nhân dân Đàng Ngoài. Trong cuộc ra Bắc lần thứ nhất 1786, khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh” do Nguyễn Huệ đưa ra không phải là lời nói suông mà trở thành hiện thực, minh chứng sự tín nghĩa của quân đội Tây Sơn, của bản thân Nguyễn Hụê. Sau khi lật đổ nhà Trịnh, Nguyễn Huệ đã tôn phò, duy trì ngai vàng nhà Lê, mặc dù triều đình nhà Lê đã quá ư mục nát. Đây là một quyết định chính trị đúng đắn của Nguyễn Huệ để thu phục nhân tâm Bắc Hà. Cho đến khi quân Tây Sơn rút về Phú Xuân, nhà Lê hoàn toàn bất lực trong việc tổ chức cai trị đất nước. Tàn dư nhà Trịnh nổi dậy hoành hành, Nguyễn Hữu Chỉnh làm phản, Vũ Văn Nhậm cũng lăm lẽ xưng bá. Tất cả những thế lực nhằm chia cắt đất nước, gây rối loạn xã hội đều bị Nguyễn Huệ kiên quyết tiêu diệt. Đến khi đó nhân dân Bắc Hà càng tin tưởng rằng chỉ có quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo mới đem lại bình yên, ổn định cho xã hội. Vì thế trong thời gian Nguyễn Huệ ra bắc lần 3 đầu năm 1788, nhiều nhà chính trị, tư tưởng, trí thức lớn của Bắc Hà đã ra cộng tác với nhà Tây Sơn, giúp Tây Sơn xây dựng chính quyền, ổn định xã hội: Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Trần Bá Lãm, Ninh Tốn v. v.
Cho đến khi Lê Chiêu Thống tự bỏ nước mà đi, tự đánh mất ngai vàng, cầu cứu 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nuớc ta, giặc Thanh nhanh chóng chiếm một số vùng miền Bắc. Cho đến khi Lê Chiêu Thống tự bỏ nước mà đi, tự đánh mất ngai vàng, cầu cứu 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta, giặc Thanh nhanh chóng chiếm một số vùng miền Bắc và tiến vào Thăng Long, thả sức gây biết bao tội ác với nhân dân, đặc biệt là ở mảnh đất đế đô mà không kiêng sợ gì thì khi đó toàn thể nhân dân càng hướng về ngọn cờ Đại nghĩa của Tây Sơn. Họ tin rằng chỉ có Nguyễn Huệ mới có thể đánh bại đượcc quân xâm luợc hùng mạnh, cứu giang sơn xã tắc. Tinh thần giai cấp, tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước của nhân dân lúc này lên đến cao độ, cùng với sự nhận thức rõ ràng của họ về vai trò, sức mạnh của quân đội Tây Sơn đã làm cho nhân dân hăng hái gia nhập quân đội Tây Sơn cứu nước. Nhân dân Bắc Hà không chỉ cho con em mình tòng quân mà còn ủng hộ cung cấp lương thực cho quân đội Tây Sơn. Giáo sĩ Pháp Giăng Se Nô khi đó có mặt tại nước ta đã viết:” Ông (Nguyễn Huệ) không có lương thực nào khác ngoài lương thực tìm thấy trong các làng mà ông đi qua”[1] chính là sự mô tả sự ủng hộ lương thực của nhân dân cho vua Quang Trung. Trong thời điểm này giới văn quan, võ tướng và nhân tài miền Bắc đi theo chính quyền Tây Sơn ngày càng đông. Ngay đến La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, một người kiên quyết thoát ly khỏi đời sống chính trị nhưng do tình cảm mến mộ tài năng, đức độ của Quang Trung mà cũng “hạ cố” gặp và bàn bạc mưu lược phá quânThanh với Nguyễn Huệ, đủ thấy sự cảm tình ủng hộ sâu rộng của mọi tầng lớp nhân dân đối với Tây Sơn.
Đối với Thanh Hoá, vua Quang Trung đã cử con thứ ba là Nguyễn Quang Bàn làm trấn thủ mảnh đất trọng yếu này, có Tuấn Đức hầu chỉ huy đạo, Trung Khuông, Miên Trương hầu chỉ huy đạo Nam Khuông để phò trợ. Ở địa phương này, Nguyễn Quang Bàn đã thi hành nhiều chính sách đựoc lòng dân. Trấn lỵ Thanh Hoá của chính quyền Tây Sơn ở Thiên Linh (Xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương ngày nay). Dưới con mắt của nhân dân thì đây là “Tiểu triều đình Tây Sơn”. “Tiểu triều đình” ở đây được sự ủng hộ của nhân dân toàn trấn Thanh Hoá nói chung và của nhân dân Nông Cống nói riêng và Ảnh hưởng của Tây Sơn đối với Nông Cống thật là sâu rộng vì “Tiểu triều đình” rất gần Nông Cống. Nhân dân Nông Cống đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Thanh Hóa nói chùng trong công cuộc xây dựng chế độ Tây Sơn. Theo “Địa chí Nông Cống” thì hiện nay còn có gia đình giữ được “Sắc lệnh”của vua Quang Trung, vua Cảnh Thịnh phong thưởng cho người có công giúp nước dưới triều Tây Sơn. Trong cuộc tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh năm cuối năm 1788, quân Tây Sơn đã hành quân và đóng quân ở Nông Cống. Truyền thuyết về “Đồn Ông” và “Đồng Đền” còn lưu tuyền và chứng tích ở xã Công Liêm. “Đồn Ông” là nơi đóng quân của quân Tây Sơn khi hành quân ra Bắc, “Đồng Đền” là cánh đồng lúa bị voi Tây Sơn dẫm nát đã được chính quyền đền bù thiệt hại cho nhân dân. [2]
Như vậy, với cuộc hành quân ra Bắc theo đường bộ do đích thân vua Quang Trung chỉ huy, với việc tuyên truyền cho cuộc chống Thanh cứu nước, việc tuyển quân rộng rãi để tăng quân số của quân Tây Sơn, với lòng yêu nước nồng nàn tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc, thanh niên Bắc Hà, trong đó có Thanh Hoá nô nức tòng quân tham gia quân đội Tây Sơn. Nông Cống là huyện nằm trên đường hành quân, đóng quân của quân đội Tây Sơn, lại có cảm tình và kính phục vua Quang trung, việc tham gia đông đảo của thanh niên Nông Cống, trong đó có hai anh em ông Bùi Hữu Hiếu và Bùi Hữu Thự vào quân đội Tây Sơn vào cuối năm 1788 là điều không thể khác được
Cuộc đời binh nghiệp của Đại đô đốc Buì Hữu Hiếu: Thời điểm tòng quân đi theo Tây Sơn của ông Bùi Hữu Hiếu quyết định đến toàn bộ cuộc đời binh nghiệp và sự thăng tiến vào guồng máy nhà nước Tây Sơn của ông sau này.
Như trên đã trình bày nếu ông Bùi Hữu Hiếu tham gia Tây Sơn vào năm 1786, năm 1787 thì ông chỉ trở thành thuộc hạ của Vũ Văn Nhậm. Ông chỉ tham gia quân đội Tây Sơn vào cuối năm 1788 thì mới trở thành thuộc hạ của vua Quang Trung. Một trong những đặc điểm sử dụng quân đội của vua Quang Trung là tất cả những tân binh mới nhập ngũ đều đựoc chiến đấu bên cạnh nhà vua, do nhà vua trực tiếp chỉ huy. Hai anh em ông Bùi Hữu Hiếu là quân mới gia nhập nên được chiến đấu bên cạnh vua Quang Trung trong cuộc kháng chiến chống Thanh, tức là trong đội quân chủ lực. Có như vậy, tài năng của ông Bùi Hữu Hiếu mới được vua Quang Trung phát hiện và tin dùng. Gia phả dòng họ Bùi Hữu ghi: “Khi Quang Trung còn sống ông (Bùi Hữu Hiếu) rất được nhà vua tin cậy”. [3]
(Còn nữa)
CVL
----------------
[1] : Dẫn theo Văn Tân và nhiều tác giả:Ngô Thời Nhậm-con người và sự nghiệp. sách dã dẫn.
[2] :HU_UBND huyện Nông cống: Địa chí Nông Cống, sách đã dẫn, tr 165.
[3] :Bùi hữu Thược chủ biên:Gia phả họ Bùi Hữu, năm2000, tr. 9.