Phú Thọ: Bếp ăn bán trú các trường học ở Thanh Ba an toàn, đủ chất dinh dưỡng

               Đình Thơm 

19/12/2023 06:23

Theo dõi trên

Với phương châm "an toàn, đủ chất dinh dưỡng”, số tiền 13 nghìn đồng/ một học sinh, hơn 400 học sinh ăn bán trú của Trường Tiểu học Ninh Dân là một trong 2 trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Ba tự tổ chức nấu ăn cho học sinh.

dt1-20231218-212153-1702910603.jpg

Công khai thực đơn hàng ngày tại bếp ăn bán trú.

Bếp ăn của các trường đều thực hiện nghiêm ngặt quy trình về vệ sinh an toàn thực phẩm,(VSATTP) như: Quản lý, sử dụng và chế biến thực phẩm đều có hợp đồng xác định rõ nguồn gốc thực phẩm sạch với các nhà cung cấp; có đầy đủ hồ sơ, danh tính người cung cấp thực phẩm; ký cam kết cung cấp thực phẩm sạch. Cô giáo Quảng Thị Thanh Hương,  Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Dân cho biết: “Thời tiết những ngày đầu mùa khá lạnh. Để góp phần tăng cường sức khỏe cho các em học sinh, bộ phận nhà bếp luôn cân nhắc đưa ra thực đơn đảm bảo đủ dinh dưỡng và đặc biệt đồ ăn phải còn nóng khi đến với các em”.

dt2-20231218-212346-1-1702914650.jpg

Công khai dánh tính cá nhân cung cấp thực phẩm.


Thực đơn, thực phẩm được trường thay đổi theo tuần, theo mùa và thông báo công khai tại khu nhà bếp. Nhân viên phục vụ chế biến tại bếp ăn đều đáp ứng đủ yêu cầu cơ bản như có kinh nghiệm làm việc tối thiểu từ 2 - 3 năm tại đơn vị trường học, nhà hàng ăn uống... Cùng với đó, quản lý nhà trường và nhân viên cấp dưỡng tại bếp ăn đều phải nắm vững kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, biết cách lựa chọn thực phẩm, chế độ kiểm thực ba bước, chế độ lưu mẫu thức ăn...
Để nâng cao chất lượng bảo đảm VSATTP, trường Mầm non Võ Lao đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Xây dựng góc tuyên truyền, viết bài tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh trong các giờ đón, trả trẻ. Đưa nội dung an toàn thực phẩm vào các giờ hoạt động chung nhằm giúp trẻ tích cực tham gia giữ vệ sinh đảm bảo an toàn thực phẩm như lao động tự phục vụ, giữ vệ sinh môi trường, rèn thói quen vệ sinh cá nhân và các hành vi văn minh nơi công cộng, tạo môi trường thân thiện trong các lớp mầm non. Đặc biệt, mời ban phụ huynh của các lớp tham gia “Quy trình chế biến món ăn cho trẻ” bắt đầu từ khâu giao nhận đến chia ăn, để phụ huynh thực sự yên tâm khi được tận mắt quan sát và đánh giá hoạt động của nhà trường về công tác VSATTP.

dt3-20231218-212031-1702914797.jpg

Kiểm tra nhận thực phẩm từ nhà cung cấp.


Cô giáo Vi Thị Việt Hà, Hiệu trưởng trường Mầm non Võ Lao chia sẻ: Với tổng số 265 học sinh ăn bán, mỗi ngày với số tiền 15 nghìn/ trẻ, trường đã xây dựng thực đơn ăn uống theo khẩu phần, hàng ngày, hàng tuần, theo mùa, hợp lý, cân đối dinh dưỡng và triển khai tới các bộ phận đoàn thể của trường. Để có nguồn thực phẩm an toàn điều đầu tiên trường chú ý đến việc chọn mua thực phẩm.
Toàn bộ thực phẩm đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trường rà soát và ký hợp đồng thực phẩm với hộ kinh doanh Vi Văn Dũng ở xã Khải Xuân, Đồng thời, niêm yết công khai danh sách các cá nhân cung cấp thực phẩm tại bảng tin của trường và trên cổng thông tin điện tử để toàn thể các bậc phụ huynh giám sát. Ban giám hiệu thường xuyên kiểm tra nguồn thực phẩm nhập vào hàng ngày tại trường. Tất cả các loại thực phẩm khô phải có nhãn mác, hạn sử dụng.                                                                      

Bạn đang đọc bài viết "Phú Thọ: Bếp ăn bán trú các trường học ở Thanh Ba an toàn, đủ chất dinh dưỡng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn