Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Trần Khắc Thăng nêu rõ: UBND huyện đã yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thu, chi đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Trước khi thu các trường học phải có dự toán thu, chi từng khoản đảm bảo tính đúng, tính đủ bù đắp chi phí, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục công lập phải có sự trao đổi thỏa thuận, thống nhất của cha mẹ học sinh bằng văn bản, có sự thống nhất trong hội đồng trường và báo cáo cấp có thẩm quyền để quyết định mức thu. Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục quy định mức thu, các khoản thu không vượt quá mức thu tối đa theo quy định tại Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Phú Thọ (gọi tắt là Nghị quyết số 14).
Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Tân Sơn triển khai Nghị quyết số 14, bước đầu tạo thuận lợi cho các trường trong thực hiện các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ. Nghị quyết số 14 là hành lang pháp lý, là căn cứ quan trọng để các cơ sở giáo dục công lập triển khai thực hiện các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong trường học; góp phần hạn chế tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong nhân dân.
Tại Trường Mầm non Tân Phú, để tạo sự ủng hộ, đồng thuận của phụ huynh học sinh, trường đã xây dựng kế hoạch thu chi các khoản đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Cô giáo Nguyễn Thị Thắm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Phú cho biết: Những năm học trước, việc triển khai các khoản thu thỏa thuận như: Tổ chức ăn bán trú cho học sinh, vệ sinh, điện, nước uống… gặp khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Năm học này, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong trường được thực hiện theo Nghị quyết số 14 nên tạo thuận lợi cho trường rất nhiều. Các khoản thu của Trường Mầm non Tân Phú đều đảm bảo thấp hơn hoặc bằng mức được quy định trong Nghị quyết số 14 nên được các phụ huynh đồng thuận, nhất trí cao.
Tại Trường Tiểu học Tân Phú, việc thực hiện Nghị quyết 14 đã tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường triển khai thực hiện các khoản thu theo quy định. Theo thầy giáo Ngô Chí Hiếu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Phú, việc thực hiện Nghị quyết 14 cũng gặp khó khăn khi không được thu theo thỏa thuận các khoản như tiền điện thắp sáng, quạt mát... Các khoản tiền này được chi từ nhóm 2 nguồn ngân sách nhà nước, trong khi đó ngân sách nhà nước được giao chủ yếu là chi cho lương, số tiền giao cho nhóm 2 thì rất ít nên không đủ để chi công tác phí, văn phòng phẩm, tiền điện... Bởi vậy chúng tôi cũng mong muốn HĐND tỉnh xem xét, có cơ chế cho phép các cơ sở giáo dục vận động phụ huynh thu tiền điện thắp sáng, quạt mát, nước sinh hoạt... phục vụ cho học sinh.
Cùng trăn trở về vấn đề này, thầy giáo Trần Mạnh Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú chia sẻ: Trong khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục không quy định mức thu có quy định việc thu tiền điện chỉ được thu sử dụng điều hòa, nóng lạnh cho học sinh. Nguồn chi ngân sách nhà nước còn hạn chế trong khi thực tế việc sử dụng điện cho các hoạt động giáo dục của trường như: Máy tính, máy chiếu, tivi, bơm nước, hoạt động giáo dục ngoài giờ… có chi phí khá lớn nên trường cũng gặp khó khăn.
Để tạo được sự đồng thuận trong việc thu, chi trong các cơ sở giáo dục, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, dựa trên sự bàn bạc, thống nhất cao giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Việc triển khai Nghị quyết số 14 trên địa bàn huyện Tân Sơn bước đầu tạo thuận lợi cho các trường trong thực hiện các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn một số vướng mắc rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá, điều chỉnh đảm bảo phù hợp với thực tế, qua đó giảm áp lực tài chính cho các cơ sở giáo dục. Trong quá trình thực hiện cần tăng cường giám sát, kiểm tra các trường học và kiến nghị xử lý nếu có vi phạm.