Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trường THCS Đào Xá, huyện Thanh Thủy được thực hiện linh hoạt theo hướng phù hợp với phát triển năng lực, sở trường của học sinh gắn với phục vụ nhu cầu lao động của xã hội.
Năm học 2022-2023, Trường THCS Đào Xá có 132 học sinh lớp 9. Trong đó số đăng ký dự thi vào THPT là 90 em; số đăng ký học Trung tâm GDNN- GDTX là 37 em và có 5 em đăng ký học trung cấp, cao đẳng nghề.
Trường luôn chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh; tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dạy học các môn và tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề truyền thống…
Bên cạnh đó, trường thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc hướng nghiệp cho học sinh. Đặc biệt, giáo viên luôn sát sao, nắm bắt được năng lực, trình độ, năng khiếu, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh của từng học sinh; nắm bắt được nhu cầu, số lượng tuyển sinh của các trường THPT, Trung tâm GDNN - GDTX huyện và các trường trung cấp, cao đẳng nghề trong tỉnh…để tư vấn, định hướng cho các em. Từ đó giúp các em có những lựa chọn phù hợp với phát triển năng lực, năng khiếu, sở trường của bản thân, gắn với phục vụ nhu cầu lao động của xã hội.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Phòng đã chỉ đạo các trường nâng cao chất lượng giáo dục; đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Đồng thời chú trọng công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, qua đó giúp người học đánh giá đúng hơn về năng lực bản thân, từ đó có các quyết định, lựa chọn phù hợp. Nhờ đó công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn huyện có bước chuyển biến. Tỉ lệ học sinh sau THCS tham gia học trình độ trung cấp, giáo dục nghề nghiệp tăng lên, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng thị trường lao động.