Các trường mầm non chỉ đạo bếp ăn tổ chức cho trẻ ăn đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, thường xuyên thay đổi thực đơn, cân bằng các chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chọn mua, chế biến thực phẩm phù hợp với khẩu vị của trẻ để trẻ ăn ngon miệng và ăn hết suất của mình. Bên cạnh đó, các trường xây dựng một chế độ dinh dưỡng đảm bảo, an toàn, xây dựng thực đơn theo mùa, phù hợp với thực tế địa phương, xây dựng và tính khẩu phần ăn phù hợp cho trẻ. Thực phẩm cho trẻ ăn hàng ngày tại các trường mầm non có hợp đồng mua bán thực phẩm được đảm bảo về nguồn gốc an toàn, có kiểm định rõ ràng. Nhân viên cấp dưỡng thực hiện nghiêm túc việc lưu mẫu thức ăn hàng ngày, có sổ theo dõi. Tăng cường vệ sinh bếp ăn, vệ sinh xung quanh trường lớp, tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường mầm non.
Nhờ làm tốt công tác nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, trẻ đến học ở các trường mầm non có sự phát triển khá toàn diện nên người dân tin tưởng, chủ động đưa con đến trường theo học chương trình giáo dục mầm non, không còn cảnh giáo viên phải đi từng nhà vận động để đón trẻ đến lớp như trước. Hiệu trưởng Trường Mầm non Thắng Sơn Bùi Thị Tươi cho biết, một trong những thành công lớn nhất trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các xã vùng đồng bào điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là huy động nguồn lực tổ chức bán trú để nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.
Để phối hợp thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cho 480 học sinh trong đó có 451 học sinh ăn bán trú tại trường, cô giáo Nguyễn Thị Hoàn, hiệu trưởng mầm non Hương Cần chia sẻ: Trường đã xây dựng nội dung hướng dẫn phụ huynh chăm sóc giáo dục trẻ ở nhà. Tại các điểm trường, ban giám hiệu, giáo viên tại các điểm trường dành nhiều thời gian đến từng gia đình để cùng nói chuyện, chia sẻ các kỹ năng cần thiết, thói quen sử dụng các đồ dùng ăn uống ở gia đình giúp trẻ hình thành tốt hơn các kỹ năng cần thiết. Thông qua trao đổi trực tiếp với cha mẹ trẻ tại các cuộc họp, giờ đón trả trẻ để hướng dẫn phụ huynh trong việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ tại nhà. Trường cũng phối hợp tốt với phụ huynh trong công tác lao động vệ sinh, cải tạo khuôn viên, xây dựng vườn rau của trẻ nhằm giúp trẻ có rất nhiều nơi để vui chơi, trải nghiệm cũng như cung cấp rau sạch cho các bữa ăn của trẻ tại trường.
Để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, trường luôn chú trọng khâu nề nếp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và làm tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ, thể hiện qua việc khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng; thường xuyên thay đổi thực đơn, tổ chức cho trẻ ăn đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn chọn mua, chế biến thực phẩm phù hợp với khẩu vị của trẻ.
Cô giáo Đinh Thị Thu Hiền, hiệu trưởng trường Mần non Tất Thắng bày tỏ: "Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên đặt nền móng trong quá trình phát triển của trẻ. Trường đã áp dụng triển khai cho STEM đến với các em học sinh cũng như các cô giáo, chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể từ chủ đề, nội dung cũng như mức độ muốn đạt được ở trẻ. Thông qua giáo dục STEM, cô chỉ là người hướng dẫn, gợi mở, bản thân các con sẽ là người tự khám phá, tìm hiểu và tự giải quyết vấn đề".
Bước đầu đưa phương pháp giáo dục STEM vào chương trình dạy hoc, cô và trò trường mầm non Tất Thắng rất hào hứng. Nếu như trước kia việc trang trí lớp học, giáo viên mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí mua nguyên liệu để hoàn thành thì giờ đây công việc này lại khá đơn giản. Các góc chơi trong lớp được các cô giáo khéo tay trang trí theo hướng mở, là nơi sắp xếp đồ dùng, đồ chơi gọn gàng ngăn nắp để trẻ tự tìm, tự lấy, tự cất, tự trang trí bằng chính bàn tay và các sản phẩm của mình. Việc làm này vừa giáo dục ý thức, nền nếp gọn gàng, ngăn nắp, vừa tạo sự say mê, hứng thú cho trẻ mà lại đỡ tốn kém. Mỗi góc chơi đều được bố trí khoa học, thuận tiện cho trẻ hoạt động.