Trên đường từ huyện lỵ Tây Giang về, chúng tôi ghé thăm nhà cố già Alăng Bhuốch (SN 1933 - người Cơ Tu) tại thôn Aruung, xã Bhalêê (Tây Giang - Quảng Nam) vào một ngày cuối hè. Không gian Trường Sơn lúc này tươi đẹp với hoa lan rừng nở vàng khắp sườn đồi và tiếng ve ngân nga vang vọng khắp núi đồi.
Chúng tôi đến bàn thờ thắp hương cho Alăng Bhuôch và người nhà cho hay, Alăng Bhuốch đã từ trần vào ngày 2-11-2015. Trưa ngày 4-11, chính quyền huyện Tây Giang và gia đình chúng tôi đã tổ chức lễ an táng ông Alăng Bhuốch tại nghĩa trang gia tộc ở thôn Arung, xã Bhalêê, (huyện Tây Giang).
Theo sử liệu, năm lên bảy tuổi, Alăng Bhuốch bị một trận sốt ác tính rất “ác liệt”, sau trận sốt, đôi mắt mình bị mù và từ đó sống trong bóng tối, cây gậy là bạn đồng hành để mình đi lại, đi gùi nước, gùi củi… giúp mẹ. Sau năm 1954, miền Nam trở thành tiền tuyến lớn. Đồng bào Cơ Tu trên dãy Trường Sơn sôi sục căm thù vì máu của đồng bào Cơ Tu vẫn phải đổ xuống, đời sống vẫn tiếp tục gian khổ dưới sự đàn áp, bố ráp, kèm kẹp… của chế độ Mỹ - ngụy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng bào Cơ Tu hăng hái gia nhập dân công, du kích, hợp sức đánh Mỹ - ngụy. Mắt mình tuy mù, nhưng nếu có quyết tâm chắc chắn mình làm được những gì mà cách mạng yêu cầu, tuy không bằng người mắt sáng.
Từ đó, Alăng Bhuốch tự nguyện gia nhập đoàn dân công để trực tiếp gùi hàng phục vụ cho chiến trường đánh Mỹ. Năm 1958, với chiếc gùi bằng mây song của mẹ trao cho và chiếc gậy trên tay, mình đã cùng đoàn dân công các xã Avương, Anông, Ba Đun, Atiêng, Cơgiêr và các xã vùng cao, vùng thấp trực tiếp chuyển hàng chủ yếu là lương thực, với những chuyến từ kho Azưt xã Avương đi ngược lên vùng cao ở các thôn Arơch, Voòng, Dâm... liên tục ba năm trời. Còn nhớ, những ngày đầu dò đường, trên vai hàng nặng khoảng 30-40kg, Alăng Bhuốch đi không kịp, nhiều lần bị đơn vị bỏ rơi lại sau, Alăng Bhuốch buồn. Nhưng rồi Alăng Bhuốch không nản chí mà kiên trì, dần thành quen và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.
Năm 1963, đoàn dân công của Alăng Bhuốch được điều động đi vận chuyển súng đạn từ trạm trực A Rớt xã Anông tới trạm trực Cơrveh xã Atiêng (xã Alăng ngày nay). Cuối năm đó, nhóm Alăng Bhuốch lại được điều động cấp tốc về trạm trực Trung Mang (xã Ba – Đông Giang) để vận chuyển súng đạn lên Tơ Mơih và trạm Rêê xã Avương. Đây là số súng đạn được tổ chức cách mạng từ đồng bằng cung cấp lên phục vụ kháng chiến. Đến năm 1967, Alăng Bhuốch được điều bổ sung vào đoàn Trung Sơn, trực thuộc Tỉnh đội Quảng Nam. Điểm trực của đơn vị là hang Khỉ, giáp với Thừa Thiên - Huế. Hằng ngày, nhóm của Alăng Bhuốch gùi hàng từ đây về điểm trực trạm A Rớt, trạm trực Ta Rêêl, Ta Coo, Cơrveh... Alăng Bhuốch còn nhớ, cuối năm 1967 đến năm 1968, ba tháng liền Alăng Bhuốch hầu như không có trọn giấc ngủ, cả ngày lẩn đêm. Vũ khí, đạn dược… cứ trên vai với trọng lượng bình quân 60-100kg, trong khi đó, người Alăng Bhuốch chỉ nặng khoảng 50kg và đôi mắt chỉ là “chiếc gậy”.
Theo tài liệu thống kê còn lưu lại trong hồ sơ đề nghị xét công nhận Danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, từ năm 1958 đến năm 1972, ông Alăng Bhuốch đã gùi được hơn 180 tấn hàng các loại (trong đó 120 tấn vũ khí, 62 tấn lương thực) để phục vụ chiến trường. Đặc biệt vào năm 1968, ông đã có lúc gùi thân và đầu súng DKZ, mỗi lượt nặng gần cả trăm cân trong khi cơ thể thì gầy nhom lại còn bị mù 2 mắt. Và cũng chính lần này Alăng Bhuốch được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và được chọn đi báo cáo điển hình trong toàn quân.
Năm 1972, cấp trên động viên Alăng Bhuốch về quê nghỉ vì sức khỏe giảm sút. Về quê Alăng Bhuốch tích cực tăng gia sản xuất, đóng góp lương thực cho cách mạng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Sau 1975, Alăng Bhuốch cưới TaRương Tít - đồng đội ngày dân công hỏa tuyến, nhưng bà Ta Rương Tít bị chất độc màu da cam nên không thể sinh con. Đến năm 1983, bà Tít chủ động tìm vợ bé cho chồng là bà Bling Ta Tít - đồng đội cũ của 2 người. Bà Bling Ta Tít sinh được 2 người con đặt tên là Nước và Núi.
Năm 1973, cố hoạ sĩ “của buôn làng” - Nguyễn Đức Hạnh nghe, thấy trường hợp của Alăng Bhuốch rất xúc động và vẽ các bức tranh về một thanh niên mù hai mắt được tuyên dương tại Đại hội Chiến sĩ Thi đua các huyện miền núi Quảng Đà về kỳ tích 10 năm “mò mẫm” gùi vũ khí, đạn dược… phục vụ dân công hỏa tuyến. Năm 2005, cố hoạ sĩ già lại vượt Trường Sơn lên thăm Alăng Bhuốch và vẽ bức tranh thứ hai có Alăng Bhuốch chơi đàn Abel để tặng ông.
Những năm trước đây, nhiều toán đi rừng thi thoảng gặp Alăng Bhuốch (lúc ông còn khỏe mạnh) trong rừng, với cái liềm và cây gậy Alăng Bhuôch đã trèo đèo, lội suối, lên nương rẫy để sản xuất (Alăng Bhuốch trồng 2 sào lúa nước, đào ao nuôi cá, trồng 500 gốc quế…) bứt mây về đan đát và chế tác các nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu như đàn tâm bree, abel, cơzong… Do vậy, người dân các vùng Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang (Quảng Nam); Hoà Vang (Đà Nẵng); A Lưới (Thừa Thiên - Huế) tặng cho Alăng Bhuốch biệt danh là “Ông già mù huyền thoại trên dãy Trường Sơn”.
Ông Alăng Đàn, Nguyên Chủ tịch Hội CCB huyện Tây Giang, khẳng định: Chính Alăng Bhuốch tuy mù nhưng là người đầu tiên làm cuộc "cách mạng" đưa mô hình lúa nước vào sản xuất ở Tây Giang. Từ đó, đồng bào ai cũng học tập theo và từng bước đẩy lùi được cái đói nghèo. Ông còn được mệnh danh là “người hùng trên mặt trận chống đói nghèo” trên dãy Trường Sơn.
"Cố già Alăng Bhuốch là một người Cơ Tu có tấm lòng kiên trung với Đảng, với Cách mạng, là tấm gương sáng cho con cháu. Là một người không may bị mù đôi mắt nhưng từ thời trai trẻ, Alăng Bhuốch đã làm được những việc phi thường, cống hiến nhiều cho cách mạng. Nếu không tận mắt chứng kiến thì không thể nào tin được những gì mà già Bhuốch đã làm được trong cả thời chiến lẫn thời bình. Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, ông Alăng Bhuốch đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất… Và vào tháng 8/2012, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đến năm 2013, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập kỷ lục “Người dân công mù vận chuyển được số lượng vũ khí, lương thực lớn nhất trong những năm tháng chiến tranh…” – Nguyên Bí thư huyện ủy Tây Giang Briu Liếc nhận xét về Alăng Bhuốch.