“Qua hàng trầu nhớ mẹ” là bài thơ rất hay của nhà thơ Nguyễn Thị Mai. Thông qua câu chuyện kể với những hình ảnh gần gũi, giản dị kết hợp với cảm xúc chân thành nhà thơ đã thể hiện một tình yêu tha thiết của mình với người mẹ hiền đã khuất. Đó là tiếng lòng của một người con hiếu thảo. Kể từ khi ra đời, tiếng lòng ấy đã làm rung động biết bao trái tim người đọc.
Gian hàng trầu vỏ quen một thuở
Cau tươi, vỏ thắm, lá thơm cay
Đi chợ con bớt dăm đồng vặt
Mua để mẹ ăn mỗi thường ngày
Quết trầu đỏ thắm làn môi mẹ
Sau bữa cơm đèn, trải chiếu hoa
Mẹ ngồi thong thả bên hè mát
Hàng xóm sang chơi ấm cửa nhà
Nhưng rồi hình bóng về xa khuất
Mẹ chẳng còn ăn những miếng trầu
Chiếc cơi trống vắng hơi đồng lạnh
Con đặt tay vào ngón buốt đau
Mẹ ơi!
Thơm cay một miếng trầu xưa
Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo
Bây giờ đã hết gieo neo
Lại không còn mẹ mà chiều. Khổ không!
Từ ngày đưa mẹ ra đồng
Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn.
Đọc bài thơ “Qua hàng trầu nhớ mẹ”, nhìn tổng thể, ta thấy nhà thơ sáng tác theo thể thơ tự do. Nhưng dựa trên mạch cảm xúc được thể hiện theo trình tự thời gian trong bài thơ chúng ta dễ dàng nhận ra ở mỗi một cung bậc khác nhau lại được tác giả sáng tạo trong một thể thơ nhất định. Ở ba khổ thơ đầu nhà thơ kể về tình thương với mẹ trong quá khứ bằng thể thơ thất ngôn gắn liền với những vui buồn của cuộc sống mưu sinh còn đầy gian khó. Đến khổ thơ thứ tư là tiếng lòng xót xa của một người con khi mỗi lần nhớ đến mẹ trong hoàn cảnh hiện tại khi đời sống đã có ít nhiều điều kiện bằng thể thơ tự do. Và cuối cùng là khổ thơ lục bát trong hai câu kết của bài thơ trong nỗi đau đớn khôn nguôi và nỗi nhớ mẹ da diết của người con.
Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh miếng trầu và mẹ. Những hình ảnh ấy hiện lên trong ba khổ thơ đầu vừa tái hiện được thói quen sinh hoạt của người mẹ vừa phản ánh được cuộc sống thân tình, đầm ấm ở thôn quê thời xưa, trong một thời kỳ nền kinh tế chung của cả xã hội còn nhiều khó khăn, vất vả.
Nhà thơ đã đem đến cho người đọc những hình ảnh rất chân thực về văn hóa trầu cau của người Việt qua hình ảnh của “gian hàng trầu vỏ”, quả “cau tươi”, miếng “vỏ thắm”, lá trầu “thơm cay”. Đó là không gian làng quê với những buổi chợ phiên, chợ chiều; là thói quen ăn trầu của người dân; là phong tục tiếp khách bằng trầu cau. Việc tái hiện những nét văn hóa này sẽ chẳng có gì là đặc sắc nếu như không có lời tự bạch đầy xót xa của người con ở trong khổ thơ đầu tiên: “Đi chợ con bớt dăm đồng vặt/ Mua để mẹ ăn mỗi thường ngày”.
Nếu ai từng sống ở thôn quê hẳn sẽ thấy trầu cau vốn là thứ cây lá rất sẵn trong vườn nhà của mỗi gia đình. Bởi thế từ nhà quê cho đến thị thành trầu cau thường được bán với giá rất rẻ. Tuy rất rẻ nhưng người con trong bài thơ cũng không dám vung tay thoải mái mà chỉ dám “bớt dăm đồng vặt” để mua thôi. Vì vậy đằng sau cái lời tự bạch rất thực lòng kia người ta còn thấy còn ẩn giấu không ít những nỗi đắng lòng của người con. Cái đắng lòng của người con có lẽ không có gì khác ngoài việc tâm trạng đang bị day dứt do “lực bất tòng tâm” với mẹ. Chính cái nỗi niềm tâm trạng ấy mà âm điệu của câu thơ trở nên đầy trăn trở, ngậm ngùi thậm chí là cả những đau đớn, tiếc nuối.
Sang khổ thơ thứ hai âm điệu lời thơ có phần bớt khắc khoải hơn khi ký ức về mẹ hiện lên trong trí nhớ của tác giả với những sinh hoạt thường ngày của mẹ sau bữa cơm tối. Trong ký ức của nhà thơ người mẹ hiện lên thật đẹp tươi với hình ảnh đôi môi “đỏ thắm” nước trầu. Nhà thơ không nói nhiều chỉ chấm phá dung nhan của mẹ qua một hình ảnh “làn môi” với sắc màu “quết trầu đỏ thắm” nhưng đã gợi cho người đọc cảm nhận được một vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm, tươi tắn của một người phụ nữ thôn quê má thắm môi hồng.
Cùng với hình ảnh xinh tươi ấy của mẹ, trong khổ thơ thứ hai, nhà thơ còn tái hiện cho người đọc thấy cuộc sống đầm ấm ở làng quê Việt Nam sau “bữa cơm đèn” qua thói quen sinh hoạt của người mẹ: trải chiếu hoa bên hè và thong thả ngồi mát cùng hàng xóm sang chơi. Trong khổ thơ này nhà thơ không nói đến chuyện ăn trầu nhưng hình ảnh đôi môi mẹ thắm đỏ “quết trầu” đã làm người ta liên tưởng đến truyền thống giao tiếp của người Việt. Hẳn là mẹ và những người hàng xóm trên chiếc chiếu hoa hóng mát bên hè kia không thể thiếu được những khẩu trầu bởi lẽ tình làng nghĩa xóm khi khách đến chơi nhà bao giờ chẳng phải có chén trà và khẩu trầu đón tiếp “miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Ký ức về mẹ quả thật là rất đẹp. Bức tranh sinh hoạt của mẹ hiện lên giản dị và gần gũi nhưng cũng chất chứa những nỗi lòng thương nhớ.
Có lẽ ký ức càng ùa về rõ ràng thì nỗi nhớ thương mẹ càng vỡ òa, tức tưởi nên khổ thơ thứ ba là một tiếng nấc nghẹn lòng như dao cứa trong nỗi niềm của nhà thơ. Mặc dù ai cũng biết sinh tử là quy luật của muôn đời, con người không bao giờ tránh được nhưng trước cảnh sinh ly chẳng ai là không đớn đau. Nhà thơ cũng vậy.
Ở trong khổ thơ này tác giả đã khéo léo dùng cách nói giảm nói tránh: “hình bóng về xa khuất”, “mẹ chẳng còn ăn những miếng trầu”; dùng cách nói nhân hóa “chiếc cơi trống vắng hơi đồng lạnh” để diễn tả nỗi đau mất mẹ. Cách nói ấy thoạt nhìn có vẻ như thể xoa dịu nỗi đau nhưng thực tế nó giống như trạng thái “tức nước vỡ bờ”. Người con càng kìm lòng trước nỗi đau mất mát lớn lao thì nỗi nhớ thương càng trào dâng mạnh mẽ. Bởi vậy câu thơ cuối như một lời thú nhận không hề dấu giếm: “Con đặt tay vào ngón buốt đau”. Ngón tay buốt đau là cách nói hoán dụ. Ngón tay đau nhưng cũng là trái tim con đang tan nát vì mất mẹ.
Với nhà thơ lúc này người đọc có cảm giác mẹ là tất cả nên khi mẹ mất đi rồi thì mọi vật đều trở thành cô đơn, trống vắng. Và giờ đây tất cả những thứ một thời gần gũi với mẹ đối với người con đã trở thành một miền ký ức thân thương, những kỷ vật gợi lên bóng hình mẹ và gọi về cả những nỗi đau thương nhớ của lòng con vắng mẹ.
Sau những ký ức gắn liền với hình ảnh của mẹ thời xa xưa nhà thơ trở lại với thực tại trong một nỗi nhớ thương mẹ vời vợi. Ở đây, khổ thơ thứ tư, tác giả không dùng thể thơ thất ngôn nữa mà chuyển sang thể thơ tự do để dễ bề thể hiện nỗi lòng. Hai tiếng “mẹ ơi” kết hợp với dấu chấm than vang lên như một tiếng khóc nghẹn ngào gọi mẹ đầy thương nhớ. Trong nỗi nhớ thương ấy ta thấy có cả nỗi đau đớn, dằn vặt, xót xa bởi cái nghèo khó của một thời dĩ vãng. Người con càng thương nhớ mẹ thì lại càng xót xa bởi nhớ lại khi xưa miếng trầu dù rất rẻ nhưng mình cũng phải tiết kiệm tiền mua, không thể mua cho mẹ dùng thoải mái.
Trong khổ thơ này nhà thơ đã tái hiện lại hai trạng thái kinh tế với một nghịch cảnh của khi xưa và bây giờ. Khi xưa “nghèo” thì có mẹ, bây giờ “hết gieo neo” thì không còn mẹ. Thủ pháp tương phản này cho thấy một thực tế nghịch lý của cuộc đời. Cái nghịch lý này giống như trò đùa số phận của tạo hóa. Cái trò đùa ấy thật phũ phàng cho nên mỗi khi nghĩ đến mẹ người con lại không khỏi thắt lòng. Nỗi đau ấy được thể hiện rõ nhất, trực tiếp nhất ở ngay chính trong câu thơ cuối cùng của khổ thơ.
Điều chú ý trong câu thơ này là tác giả đã sử dụng dấu chấm câu ở tiếng thứ sáu và dấu chấm than ở cuối câu nhằm cực tả tâm trạng của mình khi nhớ về mẹ. Việc ngắt câu giữa dòng làm cho câu thơ như tiếng khóc nghẹn ngào, đau đớn. Hai tiếng “khổ không” vừa như tiếng nấc vừa như lời tự trách mình. Trách mình vì đã “bớt dăm đồng vặt” để cho bây giờ “lại không còn mẹ mà chiều”.
Nhà thơ cứ cả nghĩ để tự trách thế thôi còn thực tế nỗi thương nhớ mẹ như thế cũng đủ cho mẹ mỉm cười bởi cái tấm lòng thơm thảo đâu phải chỉ ở việc mua thêm một ít trầu cau cho mẹ.
Bài thơ được khép lại bằng một cặp lục bát nhẹ nhàng nhưng cũng rất thấm thía: “Từ ngày đưa mẹ ra đồng/ Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn”. Nhà thơ một lần nữa dùng cách nói giảm nói tránh để tránh đi nỗi đau lòng “mẹ mất”. Mẹ mất với nhà thơ còn là mất đi cả một thói quen khi đi chợ: mua trầu.
Còn mẹ thì còn ghé hàng trầu. Mất mẹ chẳng những nhà thơ không ghé mà còn không dám đi qua, không dám nhìn vào gian hàng bán trầu vỏ. Sao lại thế? Câu hỏi rất dễ tìm ra lời đáp là bởi nhìn vào gian hàng ấy là nhà thơ lại nhớ đến mẹ; nhớ đến nỗi đau đớn khi không còn mẹ.
Có lẽ nhà thơ muốn gian hàng trầu vỏ ấy mãi là một địa chỉ thiêng chỉ có hai người biết. Đó là lơi lưu phong những kỷ niệm ngọt ngào và cả những xót xa, tiếc nuối của mẹ và con.
Thơ viết về mẹ có rất nhiều. Một đề tài tưởng như rất dễ nhưng thực ra lại rất khó. Nó dễ vì sự gần gũi, thân quen bởi ai chẳng có mẹ để yêu để nhớ, còn khó là do có quá nhiều người viết về đề tài này; là do sự rung cảm và góc độ tiếp cận để tìm ra cái riêng, cái mới. Vì vậy để có một bài thơ hay viết về mẹ quả là rất khó.
Trong cái mênh mông khó khăn ấy thì bài thơ “Qua hàng trầu nhớ mẹ” của nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã vượt lên những cái dễ dãi tầm thường của không ít những bài thơ viết về mẹ để tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Đây là thành công của bài thơ, của tác giả. Có thể nói, với lời thơ mộc mạc, hình ảnh chân thực, cảm xúc chân thành và cách thể hiện rất nhẹ nhàng, tài hoa qua biện pháp tu từ nghệ thuật nói giảm nói tránh, nhân hóa và cách tạo câu đầy sáng tạo bài thơ đã thể hiện một tấm lòng hiếu thảo tha thiết của nhà thơ với người mẹ hiền đã khuất.
Tiếng lòng ấy không chỉ làm rung động mà sẽ còn sống mãi trong lòng người yêu thơ.