Qua sông rút cầu lên lầu cất thang

“Qua sông rút cầu” là một thành ngữ quen thuộc trong thuật dùng binh (xưa đã có và nay vẫn còn thích hợp). Đó là chuyện các vị tướng dẫn quân hành binh qua sông, suối.
gia-cat-luong-1632650549.jpg
Gia Cát Lượng trên phim. 

Khi biết tất cả quân sĩ đã đi qua trót lọt, họ liền sai quân rút ván (nếu cầu nhỏ) và phá cầu (nếu cầu lớn). Điều này rất quan trọng. Nó giúp cho hành tung đạo quân giữ được bí mật và đặc biệt là làm cho quân địch tuyệt đường đuổi theo.

Nghĩa của câu này có khác với thành ngữ “qua cầu rút ván” mà hiện nay ta đang dùng. “Qua cầu rút ván” chỉ hành vi ích kỉ, xấu tính của ai đó, khi đã vượt qua được trở ngại, đạt được mục đích thì tìm cách triệt đường của người khác, không để cho họ có cơ hội tiến kịp mình.

Thành ngữ “qua sông rút cầu” có liên quan tới một câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa.

Đó là vào thời Tam Quốc (bắt đầu vào năm 190 khi Liên minh chống Đổng Trác được thành lập và kết thúc năm 280 khi nhà Tây Tấn thống lĩnh Trung Quốc), Lưu Biểu (tức Lưu Cảnh Thăng, 143-208, Thứ sử Kinh Châu) có 2 người con là Lưu Kỳ và Lưu Tông.

Lưu Kỳ và Lưu Tông là hai anh em cùng cha khác mẹ. Nhưng Lưu Biểu lại tỏ ra yêu quý Lưu Tông (là con của vợ sau) hơn. Lưu Kỳ rất lo sợ là Lưu Tông sẽ tìm cách bức hại mình. Nhân cơ hội Khổng Minh (Gia Cát Lượng, 181-234, quân sư của Lưu Bị) đến Kinh Châu cùng Lưu Biểu bàn chuyện lớn, Lưu Kỳ bèn mời Khổng Minh ra vườn hoa uống trà và hỏi kế thoát thân. Nhưng Khổng Minh ý tứ, khoát tay không chịu nói. Thế rồi, Lưu Kỳ lại tìm cách mời Khổng Minh vào phòng kín rồi khẩn cầu ông giúp đỡ.

Song lần này Khổng Minh vẫn chối từ. Vẫn chưa hết, quá tam ba bận, Lưu Kỳ suy nghĩ và lại kiếm cớ mời Khổng Minh. Lần này, Lưu Kỳ dẫn Khổng Minh lên tận lầu sách cổ, cho tả hữu xuống hết, đoạn ra lệnh cất thang rồi quỳ sụp xuống nói: “Xin Ngài yên tâm! Ở đây không còn ai có thể nghe lỏm được chuyện của chúng ta.

Nếu Ngài nhất định không chịu nói, tôi đành chết vậy”. Không còn cách gì, lúc ấy Khổng Minh mới bày cho Lưu Kỳ một mẹo. Nhờ vậy mà sau đó Lưu Kỳ thoát hiểm (Theo Từ điển Thành ngữ điển cố Trung Quốc, Lê Huy Tiêu dịch, NXB Khoa học Xã hội 1993).

Dân gian dựa vào tích này khái quát nên thành ngữ “thượng lâu khứ thê (lên lầu cất thang)” hay “thượng ốc trừu thê (lên nhà cao vứt thang)” chuyên dùng trong những trường hợp bàn chuyện tuyệt mật đại sự, chỉ có những đương sự tối quan trọng có mặt mà không có sự can dự của bất kì người nào khác.

Tránh cho tai vách mạch dừng

Lên lầu điểm mặt, giữa chừng rút thang…