Quảng Trị ơi, ngày vui chiến thắng  - vui buồn đan xen, ai đã chứng kiến trang sử nào đã ghi

Cong Giao

02/05/2022 08:04

Theo dõi trên

Đó là câu hỏi thầm lặng trong lòng giữa niềm vui thắng trận hôm nay tròn 50 năm quân ta tiến vào giải phóng thị xã Quảng Trị đúng trưa ngày Quốc tế Lao động 1/5/72.

Nhưng! Ai chiến thắng mà không hề chiến bại?

Trải qua 02 đợt tiến công. Chiến dịch giải phóng Quảng Trị đã sử dụng tối đa sức mạnh tổng hợp binh hỏa lực và khả năng chiến đấu hiệp đồng binh chủng chưa từng có trong lịch sử chiến đấu của ta tính đến thời điểm đó.

liet-si-truong-son-1651453396.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Các sư đoàn tinh nhuệ thiện chiến, lão luyện chiến trường, dạn dày trận mạc, đánh Đông dẹp Bắc từ thời Điện Biên Phủ đã được điểm danh.

Các binh chủng hỗn hợp xe tăng - thiết giáp, pháo binh, tên lửa, phòng không, đặc công... đã được huy động để quyết tâm làm nên chiến thắng này.

Trong thế trận tiến công như vũ bão đánh vào Đông Hà - Ái Tử, lá chắn thép cửa ngõ phía Bắc bảo vệ thị xã Quảng Trị lần này 27, 28/4/72 đã bị quân ta đột phá. Địch bước đầu kháng cự quyết liệt nhưng đã tan rã từng bộ phận, bỏ chạy tán loạn trên đường 1 như khi ta mở màn chiến dịch tiến công Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Động Toàn, Mai Lộc, Cam Lộ từ ngày 30/3 đến 2/4/72 làm chúng phải hỗn loạn rút quân về nam sông Hiếu cố thủ trên tuyến phòng ngự phía Tây Đông Hà - Ái Tử. Và, số phận của Ngụy quân được quan thày Mỹ bảo hộ đã được định đoạt bởi thủ phủ Quảng Trị, đầu não của chính quyền cấp tỉnh, sào huyệt cuối cùng của hàng rào điện tử Mắc-Na-Ma-Ra kiêu ngạo đã bị tan hoang, cuốn phăng trước bão lửa của quân giải phóng khiến chúng phải chạy dài về Nam sông Mỹ Chánh.

Tuy nhiên, để có chiến công này. Các vị chỉ huy tiền bối nay ai còn, ai mất chắc không thể nào quên cái trận đánh chưa thành trước đó ít ngày mà hậu quả là tổn thất rất nặng nề vào ngày 9/4/72 khi quân ta tiến công vỗ mặt Đông Hà - Ái Tử cũng từ phía Tây ào vào tuyến phòng ngự nêu trên?

Hỏi rằng những trang sử xưa, nay phải chăng cũng chỉ ghi chép những chiến công hoành tráng mà không hay biết những chiến bại đã từng. Các vị tướng, chỉ huy trận chiến “mần răng chỉ giữ lại trong ngài” nỗi niềm trắc ẩn của những trận nướng xe, hại pháo, tiêu “tốt” dồn chúng lâm vào cảnh đầu rơi, máu chảy mà sau đó không mài dùi kinh sử để đẻ ra “chiến lệ” thành Giáo khoa luyện quân, rèn tướng cho thế hệ mai sau bớt rơi máu đào khi lâm vào trận mạc?

- Thời gian đã trôi về dĩ vãng sau 50 năm chẵn, nhưng đến lúc thành người thiên cổ hẳn không thể phôi phai trong lòng các cựu chiến binh của trung đoàn xe tăng 203, sư đoàn bộ binh 308..., những người đã thoát nạn trong trận đánh bất thành mùng 9/4 năm ấy.

Sẽ không quên, hàng chục xe tăng, pháo cao xạ tự hành đã khựng lại không thể nhúc nhíc cùng mấy chục con người của 02 tiểu đoàn xe tăng phiên hiệu 512 , 397 đã thành bất tử. Có thể nào quên hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ binh của 03 trung đoàn 36, 88, 102 thuộc sư đoàn 308 vốn được mệnh danh là “quả đấm thép của Bộ” đã ngã xuống bởi cái tư tưởng “thần tốc, xốc tới” khi thời cơ đã hết do Đại binh ta đã ngừng chiến đến chục ngày. Khi mà kẻ địch đã có đủ thời giờ lấy lại tinh thần, điều binh khiển tướng, tăng cường hỏa lực trên cái tuyến phòng thủ dài dằng dặc ở những quả đồi nối tiếp nhau có lợi thế về chiến thuật như tuyến phòng ngự phía Tây Đông Hà - Ái Tử năm nào. Một bài học xương máu, sách quân sự nào đã làm sáng tỏ?

- Thế hệ chúng ta, ai cũng có thể biết ngày1/5/72 Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Quân ta đã truy đuổi địch đến tận bờ Bắc sông Mỹ Chánh. Hỏi rằng: trong trí nhớ của những người tham chiến tại giờ phút này vào đêm hôm đó, bộ binh ta đã mắc lừa kẻ địch ra sao? Số tàn quân trên những chiếc xe tăng - thiết giáp cuối cùng đã ngụy trang, cắm cờ giải phóng giả danh quân ta thoát đi trót lọt. Để rồi chiều tối hôm sau 02/5/72 cũng đoàn xe như rứa băng qua (nghe nói loại xe tăng K3B), bộ binh ta đã “cảnh giác” cao bất ngờ nã B40, 41 làm thui sạch cả đoàn, 22 cán bộ, chiến sĩ h/s. Sau đó kẻ địch biết còn nã pháo hàng giờ làm tan thây, nát thịt bao người. Té ra trận ấy đánh nhau chùm 3. Nạn nhân là Đại đội xe tăng 2, thuộc Tiểu đoàn 397 (sau đổi thành Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203). Từ ấy đến giờ chắc cũng chỉ là câu chuyện dân gian truyền miệng của lính. Bài học gì đắt đỏ được ghi, ai đã từng ngó?

Nhớ về Quảng Trị trong ngày vui chiến thắng! Nhớ đến đồng đội của chúng ta còn nằm lại mảnh đất đau thương này để cho ta được sống. Nhưng cũng chớ quên bài học xương máu năm xưa, một căn nguyên không nhỏ chỉ vì nỗi u mê, say xưa chiến thăng ban đầu, chủ quan khinh địch của các vị chỉ huy đấy nhé./.

- Ảnh chụp danh sách trích ngang 22 liệt sĩ xe tăng hy sinh trong trận “quân ta đánh quân mình” 2/5/1972, trong đó có 6 cán bộ, c/s là Trinh sát xe tăng, 1 c/s sửa chữa. 1 thượng úy Ban chính trị e203. Còn lại là của cT2 (nguồn hồ sơ LS t/g lưu giữ);

- T/g đã được sống 6 tháng (1973) với a Lê Hồng Quân, thiếu úy, chính trị viên cT2/d397. Sau bị kỷ luật giáng cấp xuống chuẩn úy, giáng chức xuống Trung đội trưởng. Đầu năm 73 điều về làm Trợ lý Tham mưu d512. T/g được trực tiếp nghe chuyện này (cách đây mấy năm đã có lần t/g nói sơ qua về vụ này, có 1 ccb người Tuyên Quang nguyên là lính CB thoát nạn trận này đề nghị nếu ngó bài xin ý kiến bổ sung nhé).

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Quảng Trị ơi, ngày vui chiến thắng  - vui buồn đan xen, ai đã chứng kiến trang sử nào đã ghi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn