Chiếc đòn gánh ấy không chỉ là công cụ mẹ dùng để gánh nông sản mà còn là biểu tượng cho tình yêu và sự hy sinh vô bờ bến của mẹ dành cho gia đình. Qua bao năm tháng, mẹ đã dùng chiếc đòn gánh này để nuôi nấng 9 người con, “gánh” trọn cuộc đời chúng tôi từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Mẹ đã ra đi, nhưng ký ức về mẹ và chiếc đòn gánh vẫn mãi sống trong lòng chúng tôi, nhắc nhở về sự hy sinh và tình yêu thương vô bờ của mẹ.
Mỗi lần trở về ngôi nhà cũ gần chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Tp. Đà Nẵng), nhìn vào góc bàn thờ của ba mẹ, tôi lại thấy những vật dụng thân quen như cái bào, cái cưa của ba và những con dao xắt rau, xắt chuối của mẹ. Nhưng điều khiến lòng tôi bồi hồi nhất là chiếc đòn gánh của mẹ, vật đã lên màu thời gian bóng, láng. Mỗi khi nhìn thấy nó, tôi lại nhớ đến khuôn mặt thân thương và trìu mến của mẹ, nhớ đến nao lòng.
Chiếc đòn gánh ấy chứa đựng "tình chồng - nghĩa vợ". Đó là kỷ vật ba tôi đã dồn tất cả công sức, tỉ mẩn để làm ra. Ông phải chọn cây tre già đặc ruột ở bụi tre sau hè, rồi hì hục chặt, cưa, chẻ, đục, vót cho nhẵn, đẹp. Mẹ ngồi nhìn cha tỉ mẩn từng công đoạn, ánh mắt chan chứa niềm yêu thương vô bờ bến. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, ba mẹ làm ruộng vườn và ba thêm nghề thợ mộc. Dù vất vả, ba mẹ cố gắng làm lụng để nuôi anh em tôi học hành.
Mẹ tôi tảo tần với cây đòn gánh, buôn "đón đàng" nuôi nấng 9 người con. Mỗi ngày, sau khi nấu cơm sáng, mẹ lại vớ vội cây đòn gánh tre, gánh đôi thúng bước ra đường khi trời còn tối mờ, gà chưa gáy sáng. Mẹ phải đi 3-5 cây số để mua nông phẩm vùng cao như chuối xanh, mít non, măng tươi, sắn ăn tươi, khoai lang củ... rồi gánh xuống chợ Túy Loan bán lại. Có những hôm mẹ phải nhờ ba gánh giùm xuống chợ vì mua được nhiều hàng. Gặp ngày mưa gió, ế ẩm, mẹ phải nán lại bán cho đến trưa mới về tới nhà.
Thấy mẹ cực, tôi là con đầu nên tập tành nấu cơm, gánh nước, gánh lúa, xay lúa, giả gạo, chăm em để phụ mẹ. Những công việc ban đầu khó khăn, nhưng theo năm tháng tôi cũng quen dần. Tôi nhớ mãi kỷ niệm năm 1965, ba mẹ xây nhà, tôi mới 10 tuổi nhưng đã khiêng cùng ba hàng chục bao xi măng từ chợ Túy Loan về. Khi đó, tôi hí hửng khoe với mẹ: "Mẹ ơi, con đã trở vai được rồi, con khiêng xi măng thay mẹ được rồi". Dù đôi vai non của tôi rớm máu, tôi giấu ba mẹ. Mẹ mỉm cười hạnh phúc, nhưng tôi thấy nước mắt mẹ lăn dài trên má.
Năm ấy, ba tôi bị chấn thương cột sống do té từ mái nhà, trụ cột kinh tế không còn nữa, bao gánh nặng cơm áo đổ lên đôi vai gầy của mẹ. Từ đó, đôi vai mẹ ngày càng gầy thêm, chiếc đòn gánh cong thêm. Tôi dự định nghỉ học để phụ mẹ vì ba đang nằm viện, nhưng mẹ bảo: "Mẹ còn cây đòn gánh, còn đủ sức nuôi các con học hành". Lời mẹ bao dung, vĩ đại, tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Vì thế, tôi thương mẹ và khuyên các em cố gắng học hành để mẹ vui lòng.
Mẹ làm đủ thứ nghề trong thời buổi khó khăn, buôn hàng xáo, nuôi heo, trồng rau màu. Ba nằm bệnh viện, tôi vừa đi học vừa "quản" bầy em dại. Khi chúng tôi đau ốm, mẹ bứt lá nấu nước uống và xông giải cảm. Mẹ xoa đầu, vỗ về từng đứa: “Các con ngoan, học giỏi, mẹ thương”. Những lúc chúng tôi trái gió trở trời, cảm lạnh, mẹ thức thâu đêm chăm sóc. Mẹ thay ba dẫn chúng tôi đến trường xin học chữ hay học nghề.
Mẹ vóc người nhỏ thó nhưng rất kiên cường, gan dạ. Tôi còn nhớ như in một buổi sáng, khi chúng tôi trên đường từ trường về nhà, gặp chó điên đuổi. Mẹ đang gánh nông sản về chợ, thấy vậy liền vứt quang gánh, dùng đòn gánh đánh chó cứu chúng tôi thoát khỏi nanh vuốt. Nhờ mẹ mà chúng tôi thoát nạn.
Gia đình tôi không ai khổ cực, hi sinh bằng mẹ. Những năm hạn hán, lúa không giáp hạt, mẹ phải ghế sắn, khoai nhiều cho cả nhà ăn. Nồi cơm mẹ nấu chỉ toàn lát khoai, lát sắn "cõng" hạt cơm. Mẹ "ưu tiên" ăn sắn, ăn khoai, để lại những hạt cơm ít ỏi cho chúng tôi. Mỗi bữa ăn, mẹ ăn sau cùng, hết thì thôi, để dành phần cho đàn con.
Ngày tháng trôi qua, cây đòn gánh đã bầu bạn với mẹ gần suốt cả cuộc đời. Tóc mẹ bạc màu sương khói, chúng tôi trưởng thành, lập gia đình, xa vòng tay mẹ. Nhưng không ai quên công ơn mẹ, không quên chiếc đòn gánh đã thấm mặn mồ hôi và nước mắt của mẹ để chúng tôi có cuộc sống hôm nay. Mẹ gánh trọn cuộc đời anh em tôi, từng người từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành.
Mẹ đã ra đi, sau hơn bốn mươi năm bươn chải ngược xuôi, hết “chạy chợ” sáng Túy Loan lại gánh hàng đi bán chợ chiều Phú Hòa. Mẹ qua đời vì bệnh ung thư hiểm nghèo, không cho mẹ ở lại cùng chúng tôi mãi. Đêm trực mẹ, nghe tiếng rên đau đớn của mẹ, lòng tôi xé nát, giá mà thay sự đau đớn cho mẹ được thì tôi cũng không ngại ngần. Mẹ lìa đời ở tuổi 63 trong một đêm mưa gió bão bùng, nhưng ngày an táng trời lại ngưng mưa và sáng bừng lên, như sự tưởng thưởng công lao của mẹ từ ông Trời.
Chợ Túy Loan quê tôi có câu ca tự hào: “Tuý Loan trăm thứ, trăm ngon / Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ!”. Những ngày Giáp Tết, khách hàng đến chợ đông gấp bội, nhiều khi không có chỗ chen chân, tiếng cười nói xen lẫn tiếng nhạc xuân vui như trẩy hội. Ngày thường, chợ chỉ họp vào buổi sáng, còn dịp cuối năm, do nhu cầu mua sắm của người dân, nên chợ đông cả ngày, có khi đến chạng vạng tối. Để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, trong vùng, chợ Mới Túy Loan đã được xây dựng khang trang, bề thế gần QL14B. Chợ truyền thống Túy Loan quê tôi không chỉ tấp nập người mua, kẻ bán mà còn gặp gỡ trao đổi chuyện làm ăn, chuyện vui buồn, hiếu hỷ...
Quê tôi nay đã đổi thay nhiều. Chúng tôi lớn khôn, mỗi người mỗi ngả, dù sinh cơ lập nghiệp nơi đâu, vẫn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn; vẫn nhớ lời dạy dỗ ân cần của mẹ. Những dịp giỗ, Chạp, Tết đến xuân về, con cháu sum vầy, dưới mái nhà xưa. Chỉ tiếc là mẹ không còn để nhìn đàn cháu thơ; mẹ không còn để chúng tôi đền đáp công ơn dưỡng dục.
Xa quê bao nhiêu năm, hôm nay mái tóc đã lên màu sương khói, về thăm lại chợ quê Túy Loan, lòng tôi bồi hồi nhớ lại cảnh cũ người xưa. Dù bâng khuâng trong lòng, nhưng tôi vẫn cảm nhận chợ quê hôm nay vẫn mang không khí và sắc màu của những ngày thơ tấm bé. Nhưng điều quan trọng nhất với tôi là tìm lại bóng dáng thân thương của mẹ tôi ngồi bán nông sản ở một góc chợ ngày xưa.
Nhớ về mẹ, đôi mắt tôi cay cay. Sau này tôi có làm bài thơ để nói lên nỗi “bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”
Quê tôi “chợ Túy” ven sông
Thuở tôi còn bé ngồi trông mẹ về
Ngọt môi kẹo ú, đùm chè
Nắng chan đổ lửa ngày hè hắt hiu
Đường quê bóng mẹ liêu xiêu
Gánh “non” xuống chợ, tìm trâu trên rừng
Có hôm mắt mẹ rưng rưng
Tìm trâu trâu lạc, con thì ở đâu?
Quê nhà bao cuộc bể dâu (lũ lụt)
Tang thương cũng lắm nỗi đau cũng nhiều
Mẹ tôi vất vả trăm điều
Bởi cây đòn gánh “cõng” nhiều đứa con!