Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 4)

PGS TS Cao Văn Liên

12/05/2023 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử" của PGS TS Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành.

b1lnd1u-1683793269.jpg

Chân dung vua Lý Nam Đế (503-548) tuyên bố dựng nước độc lập, Quốc hiệu Vạn Xuân. Nguồn: baotanglichsu.vn

 

 Kỳ 4.

III.  QUỐC HIỆU VẠN XUÂN (544 - 602)

1: Phong kiến Trung Quốc xâm lược,  thống trị nước ta (179 tr.c.n-  đến 938)

Năm 218 tr.c.n, Tần Thuỷ Hoàng sai tướng Đồ Thư đem 50 vạn quân xâm lược Văn Lang nhưng bị Thục Phán đánh bại. Năm 206 tr.c.n, nhà Tần sụp đổ. Hiệu uý Triệu Đà, một viên quan của nhà Tần chiếm đất Quảng Đông lập nên nước Nam Việt, lấy Phiên Ngung (Quảng Châu) làm kinh đô. Triệu Đà đã nhiều lần mở cuộc tấn công xâm lược nước Âu-Lạc nhưng bị An Dương Vương đánh bại. Triệu Đà dùng gian kế (sự tích Trọng Thuỷ-Mỵ Châu) nên năm 179 tr.c.n, nước Âu Lạc của An Dương Vương bị đánh bại, mở đầu cho lịch sử đô hộ 1.000 năm của phong kiến Trung Quốc đối với nước ta. Trong hơn 1.000 năm đó, nước ta lần lượt bị các triều đại phong kiến Trung Quốc sau đây cai trị:

-Từ 179 tr.c.n đến 111 tr. c. n, nước Nam Việt của Triệu Đà thống trị.

-Năm 111 tr.c.n, nước Nam Việt bị nhà Hán tiêu diệt. Do đó từ 111Tr.c.n đến năm 220 nước ta bị nhà Hán cai trị.

-Từ năm 220 đến 280, nước ta bị nhà Đông Ngô trong cục diện Tam Quốc cai trị.

-Từ 280 đến 316, nước ta dưới ách cai trị của nhà Tấn.

-Từ năm 316 đến 581, nước ta dưới ách cai trị của nhà Lương, một triều đại trong cục diện Nam-Bắc triều.

-Từ năm 581 đến 618, nước ta bị nhà Tuỳ cai trị.

-Từ năm 618 đến 907, nước ta bị nhà Đường cai trị.

-Từ 906 đến 938, họ Khúc và họ Dương nhân cơ hội nhà Đường suy yếu, sụp đổ đã nhiều lần giành quyền tự chủ cho đất nước nhưng bị mước Nam Hán, một nước cát cứ trong cục diện 5 đời 10 nước, lãnh thổ Quảng Đông, kinh đô Phiên Ngung (Quảng Châu) nhiều lần sang xâm lược.

-Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài cho dân tộc.

2: Chính sách cai trị của phong kiến Trung Quốc

Chính sách thống trị: Để vĩnh viễn thủ tiêu nền độc lập của Âu Lạc, các triều đại phong kiến Trung Quốc sáp nhập, biến nước ta thành quận, huyện của Trung quốc. Từ năm 111 tr.c.n đến năm 39, nhà Hán thành lập Bộ Giao Chỉ bao gồm 9 quận, trong đó lãnh thổ Âu Lạc được chia thành 3 quận: Quận Giao Chỉ (thuộc miền Bắc), quận Cửu Chân (nay là Thanh Hoá) và quận Nhật Nam (nay là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình).

          Năm 43 nhà Hán đổi Bộ Giao Chỉ thành Châu Giao gồm 9 quận . Lãnh thổ Âu Lạc vẫn chia thành 3 quận: Giao chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam gồm 56 huyện thuộc Châu Giao. Đứng đầu Châu Giao là Thứ sử, đứng đầu quận là Thái thú do nhà Hán bổ nhiệm. Đứng đầu huyện trước đó do các Lạc tướng người Việt nắm, sau năm 43 nhà Hán cho người Hán nắm xuống tới cấp huyện.

          Các đời Đông Ngô, Tấn, Lương, Tuỳ phân chia hành chính không có gì thay đổi. Đến đời Đường đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ gồm 12 châu như Hoan Châu đô đốc phủ (nay là Nghệ An), Phong Châu đô đốc Phủ (nay là Vĩnh Phúc, Phú Thọ), Ái Châu đô đốc phủ (nay là Thanh Hoá). .  .  Dưới châu là huyện. Trên 12 châu của lãnh thổ Âu Lạc có 59 huyện. Dưới huyện là hương, dưới hương là xã. Tiểu hương có từ 50 đến 160 hộ, đại hương có từ160 đến 670 hộ. Tiểu xã từ 10 đến 30 hộ, đại xã từ 40 đến 60 hộ. Đứng đầu An Nam đô hộ phủ là Tiết độ sứ do nhà Đường bổ nhiệm. Mục đích của nhà Đường là chia nhỏ các đơn vị hành chính để dễ bề cai trị.

  Các triều đại phong kiến Trung Quốc đã xây dựng bộ máy bạo lực to lớn và hung bạo, xây thành quách, xây trấn trị, lị sở để thống trị, kìm kẹp, đàn áp,  bóc lột, đồng hoá văn hóa nhân dân ta.

  Chính sách áp bức bóc lột, đặc biệt là chính sách đồng hóa văn hoá của phong kiến Trung Quốc là một hiểm hoạ, thử thách lớn nhất của dân tộc ta, các dân tộc Việt có nguy cơ bị diệt vong, biến thành một bộ phận của Trung Hoa vĩnh viễn. Vì kẻ đang thống trị, đồng hoá ta là một đế chế phong kiến cường thịnh, đất rộng, người đông, có bộ máy cai trị hoàn thiện to lớn, có hệ tư tưởng chính trị hoàn thiện (Nho giáo), có hệ thống pháp luật hoàn thiện, kết hợp nhân trị của đạo Nho với tư tưởng pháp trị của Hàn Phi  Tử. Trung Hoa lại có nền văn hoá truyền thống lâu đời phát triển cao đạt trình độ văn minh thời cổ đại và trung đại. Đế chế phong kiến Trung Hoa có kinh nghiệm xâm lược bành trướng và đồng hoá tinh vi, thâm độc và họ đã thành công trong việc xâm lược và đồng hoá nhiều tộc người ở phía bắc và phía nam Trung Quốc. Trung Quốc lại liền biên giới với Việt Nam. Thời gian thống trị lại lâu dài, hơn 1.000 năm lịch sử.

Nhưng thật kỳ lạ, dân tộc Việt đã đón nhận, tiếp thu những tinh hoa tốt đẹp của văn hóa Trung Hoa để làm giầu thêm, phát triển thêm nền văn hóa của dân tộc mình, trong khi đó vẫn bảo tồn được nền văn hoá dân tộc, bảo vệ được linh hồn, ý thức dân tộc, liên tục nổi dậy đấu tranh vũ trang quật khởi,  để rồi thế kỷ thứ X lật đổ ách thống trị của phong kiến Trung Quốc, giành độc lập dân tộc.

  Sự chuyển biến kinh tế thúc đẩy sự phân hoá xã hội. Bên cạnh tầng lớp phong kiến người Hán thống trị thì giai cấp phong kiến Việt Nam đã hình thành và phát triển. Giai cấp này chủ yếu là các hào trưởng người Việt phong kiến hoá, ngoài ra còn một bộ phận nho sĩ trí thức Việt Nam, một bộ phận địa chủ người Hoa đã Việt hoá. Ra đời trong hoàn cảnh mất nước, giai cấp phong kiến Việt Nam bị phân hoá, một bộ phận làm tay sai cho chính quyền đô hộ, còn đại bộ phận mâu thuẫn với chế độ phong kiến thuộc địa, có ý thức dân tộc, kiên quyết đấu tranh cho nền độc lập dân tộc. Nhìn chung, giai cấp phong kiến Việt Nam là giai cấp tiến tiến nhất thời kỳ đó, họ là đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện cho quyền lợi dân tộc. Vì thế họ đóng vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

  Giai cấp nông dân có từ thời Văn Lang-Âu lạc, trong thời kỳ Bắc thuộc họ chiếm đa số dân cư trong các làng xã, là đối tượng bóc lột chính của chính quyền đô hộ. Ngoài nông dân, xã hội còn có tầng lớp thợ thủ công, thương nhân. Nô tì là tầng lớp thấp nhất trong xã hội.

  Như vậy tính chất của xã hội Việt Nam thời Bắc thuộc là xã hội phong kiến nhưng bị phong kiến ngoại bang thống trị nên xã hội tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản:

  Mâu thuẫn giữa nông dân với phong kiến.

  Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với phong kiến Trung quốc xâm lược.

  Trong đó mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với phong kiến Trung Quốc xâm lược là mâu thuẫn chủ yếu. Vì thế nhiệm vụ lịch sử cấp thiết nhất là phải đấu tranh giải phóng dân tộc.

Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ thế kỷ I đến thế kỷ X: Giai cấp nông dân và giai cấp phong kiến Việt Nam đều bị chính quyền đô hộ phong kiến Trung Quốc áp bức, bóc lột, kìm hãm. Vì thế giai cấp phong kiến Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân liên tục đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc.

  Tiếp theo khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40-43), năm 248 bà Triệu Thị Trinh ở Quận Cửu Chân (Quê bà Triệu Thị Trinh nay thuộc núi Quan Yên - xã Định Tiến,  huyện  Yên Định, tỉnh Thanh Hoá) đã khởi nghĩa chống lại nhà Đông Ngô trong cục diện Tam quốc (220-280). Gần 300 năm sau, khởi nghĩa Bà Triệu, Lý Bí một hào trưởng ở Long Hưng (Thái Bình) phất cao cờ nghĩa, lãnh đạo nhân dân ta vùng dậy năm 542. Với khí thế tiến công mãnh liệt, chỉ 3 tháng nhân dân ta đánh sập chính quyền đô hộ nhà Lương (một triều đại trong cục diện Nam-Bắc triều ở Trung Quốc). Thứ sử Tiêu Tư bỏ chạy về nước. Nhà Lương tổ chức hai cuộc phản kích lớn vào các năm 542, năm 543 nhưng đều bị quân ta đánh bại, tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở Hợp Phố. Tháng 1 năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu Đại Đức, định kinh đô ở Long Biên (nay là Hà Nội). Lý Nam Đế xây dựng nhà nước với một triều đình có hai ban văn võ. Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ, Triệu Túc (bố của Triệu Quang Phục) làm Thái phó. Tháng 5 năm 543 Lý Nam Đế thân chinh cầm quân đánh bại Chiêm Thành, ổn định biên giới phía Nam.

  Năm 545 nhà Lương cử tướng Dương Sàn và Trần Bá Tiên đem quân tấn công nước Vạn Xuân. Lý Nam Đế đem quân chống giặc nhưng thất bại và từ trần tháng 4 năm 548. Tướng của Lý Bí là Triệu Quang Phục đem quân về Đầm Dạ Trạch (nay thuộc Khoái Châu-Hưng Yên) tiến hành chiến tranh du kích kháng chiến. Năm 550 triều đình nhà Lương biến loạn, Trần Bá Tiên đem quân về nước cướp ngôi nhà Lương, Triệu Quang Phục phản công thắng lợi, giết chết tướng giặc Dương Sàn, giành lại độc lập, lập lại nước Vạn Xuân. Triệu Quang Phục lên ngôi vua xưng là Triệu Việt Vương.

  Năm 557 cháu Lý Nam Đế là Lý Phật Tử sau một thời gian trốn chạy quân Lương, kéo phe cánh về đòi Triệu Việt Vương chia quyền lực. Triệu Việt Vương chia cho Lý Phật Tử một phần lãnh thổ, lấy địa giới ở xã Quần thần (Thượng Cát-Hạ Cát-Từ Liêm-Hà Nội ngày nay) làm ranh giới, gả con gái cho Lý Phật Tử. Năm 571 Lý Phật Tử bất ngờ đánh úp Triệu Việt Vương, chiếm toàn bộ lãnh thổ, xưng là Hậu Lý Nam Đế. Năm 602 nhà Tuỳ sai tướng Lưu Phương đem quân sang xâm lược, đánh bại Lý Phật Tử. Nhà Tuỳ cai trị nước ta. Nước Vạn Xuân tồn tại 58 năm với 3 đời vua: Lý Nam Đế (544-548), Triệu Việt Vương (549-571), Hậu Lý Nam Đế (571-602).

  Nhà nước Vạn Xuân ra đời tồn tại được gần 58 năm đánh dấu bước trưởng thành về mặt chính trị của giai cấp phong kiến Việt Nam, của tinh thần dân tộc, tinh thần quốc gia. Là sự khẳng định nền độc lập dân tộc, sự phủ định dứt khoát quyền bá chủ đô hộ của phong kiến Trung Quốc. Với nhà nước Vạn Xuân, sự hình thành quốc gia,  nhà nước đã rõ nét, là kết quả của 500 năm lịch sử đấu tranh và phát triển triển toàn diện của Việt Nam, là bước chuẩn bị cho sự ra đời của quốc gia phong kiến độc lập sau này. Nước Vạn Xuân chỉ tồn tại gần 60 năm nhưng đã in dấu ấn không phai mờ trong tâm trí của nhân dân, là nguồn cổ vũ to lớn để nhân dân ta tiếp tục cuộc đấu tranh cho nền độc lập dân tộc.

(Còn nữa)

CVL

         

 

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 4)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn